Phải chăng người lao động chỉ lợi về... con số?

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/5/2012 | 9:38:24 AM

YBĐT - Đến tháng 3 năm 2012, tình trạng thiếu việc làm diễn ra gay gắt ở tất cả 16 doanh nghiệp xây dựng cơ bản của tỉnh Yên Bái. Tỷ lệ người lao động nghỉ tự túc không lương chiếm từ 40% đến 90% trong tổng số 2.998 lao động.

Người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn do các doanh nghiệp thiếu việc làm và thắt chặt chi tiêu.
Người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn do các doanh nghiệp thiếu việc làm và thắt chặt chi tiêu.

Nghị định số 31 ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: Kể từ ngày 01/5/2012 tiền lương tối thiểu chung được điều chỉnh từ 830.000 đồng/tháng lên 1.050.000đồng/tháng, áp dụng đối với cán bộ công chức, viên chức, lao động (CNVC-LĐ) hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Việc tăng tiền lương tối thiểu đối với người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước vừa thực hiện lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu vừa không ngừng cải thiện đời sống cho CNVC-LĐ. Tuy nhiên nhìn từ phía người lao động làm công ăn lương không biết họ vui hay buồn vì chỉ được lợi về… con số.

Khoảng cách về tiền lương
Tiền lương tối thiểu chung: 1.050.000 đồng/tháng đã tăng 220.000 đồng so với mức lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng hiện đang thực hiện. Như vậy mỗi CNVC-LĐ hưởng lương từ ngân sách thì mỗi hệ số bậc lương sẽ được tăng thêm 220.000 đồng/tháng. Thí dụ chuyên viên bậc 1 hệ số bậc lương 2,34, mỗi tháng sẽ được tăng thêm 220.000 đồng x 2,34 = 514.800 đồng.

Ngoài ra còn được hưởng phụ cấp 10% lương tháng. CNVC-LĐ thuộc tổ chức chính trị; chính trị xã hội còn được hưởng 30% tiền lương tháng (đang áp dụng). Như vậy việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu tăng lên, cộng với các khoản phụ cấp lương tháng, đã phần nào cải thiện mức sống tối thiểu của CNVC-LĐ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thời bão giá.
Đối với các loại hình doanh nghiệp, việc điều  chỉnh tiền lương tối thiểu đã được thực hiện từ ngày 01/10/2011.

Mức lương tối thiểu cho người lao động quy định theo 4 vùng. Vùng I: lương tối thiểu (cao nhất) là 1.900.000 đồng/tháng. Vùng IV: lương tối thiểu (thấp nhất) là 1.400.000 đồng/tháng. Nhìn chung các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều thực hiện lương tối thiểu 1.400.000 đồng/tháng.

Việc tăng lương tối thiểu làm doanh nghiệp và người lao động tăng thêm quỹ tiền lương “ảo” để tham gia BHXH, BHYT, BHTN… Tăng lương tối thiểu, tiền thực nhận có tăng? Qua khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái vào tháng 1 năm 2012, tiền lương bình quân của người lao động trong các công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên mới đạt 2.200.000 đồng/tháng.

So với thang bảng lương khối doanh nghiệp do Nhà nước quy định, chỉ mới đạt trên hệ số bậc I tiền lương người lao động. Công nhân khối doanh nghiệp Nông - Lâm trường chỉ được tạm ứng tiền lương dưới tiền lương tối thiểu 1.400.000 đồng.

Đến tháng 3 năm 2012, tình trạng thiếu việc làm diễn ra gay gắt ở tất cả 16 doanh nghiệp xây dựng cơ bản của tỉnh. Tỷ lệ người lao động nghỉ tự túc không lương chiếm từ 40% đến 90% trong tổng số 2.998 lao động. Người lao động vui sao được khi phải thắt lưng buộc bụng thời bão giá?

Chỉ lợi về... con số
Giải trình về vấn đề này cần phân tích từ thực tế thu nhập người lao động. Chẳng hạn một công nhân có hệ số bậc lương 3,4 tham gia BHXH hàng tháng theo cách tính: lương tối thiểu nhân với hệ số bậc lương (1.400.000 đồng x 3,4 = 4.760.000 đồng).

Lấy kết quả tiền lương cấp bậc trích 6% tham gia BHXH, trích 1,5% tham gia BHYT. Tuy nhiên tiền lương thực tế của người lao động chỉ được 2.200.000 đồng/tháng, họ phải lo bù thêm 2.560.000 đồng để tham gia BHXH và BHYT.

Việc nâng bậc lương (tăng lương) cho người lao động chỉ là “danh nghĩa” để tham gia BHXH, BHYT còn cuộc sống hàng ngày của người lao động lại càng khó khăn hơn. Anh Lưu Việt Hải công nhân phân xưởng sản xuất phân NPK thuộc Công ty Vật tư tổng hợp Cửu Long VINASHIN (thường trú ở tổ 15 phường Yên Thịnh - thành phố Yên Bái) bức xúc: “12 năm làm công nhân không được nâng lương.

Tôi nghỉ tự túc từ tháng 6 năm 2010 đến nay, tôi chẳng bao giờ quan tâm đến tiền lương tối thiểu tăng hay giảm. Tôi chỉ mong có việc làm, có thu nhập thực tế cao bảo đảm cuộc sống gia đình và có đủ tiền tham gia BHXH để nghỉ hưu. Giờ tôi đã mua BHYT tự nguyện rồi”.

Doanh nghiệp chỉ bằng cách “lấy khoản này, bù khoản kia” tạo nên quỹ lương “ảo”.

Còn đa phần giám đốc các doanh nghiệp đều than vãn: “Việc tăng lương tối thiểu đối với doanh nghiệp, Nhà nước không có dự báo trước ít nhất là một năm để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh đơn giá tiền lương trong giá thành sản phẩm.

Do đó khi tăng tiền lương tối thiểu có hiệu lực, đã xảy ra quỹ tiền lương thực tế thấp hơn quỹ tiền lương cấp bậc, doanh nghiệp lấy đâu ra nguồn để bù đắp 25% đến 30% bổ sung vào quỹ tiền lương cấp bậc tham gia 16% BHXH và 3% BHYT cho người lao động. Doanh nghiệp chỉ bằng cách “lấy khoản này, bù khoản kia” tạo nên quỹ lương “ảo”.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Ân, Trưởng ban Chính sách và Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh: “Tiền lương người lao động phụ thuộc vào trình độ bậc thợ, tay nghề, tạo nên năng suất, chất lượng theo đơn giá khoán định mức lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu tiền lương thực tế của người lao động bằng hoặc cao hơn tiền lương cấp bậc thì đời sống tối thiểu người lao động được cải thiện. Ngược lại nếu thấp hơn tiền lương cấp bậc thì việc tăng tiền lương tối thiểu hoặc nâng bậc lương chỉ được lợi về con số…cho người lao động”.

“Bà đỡ” người lao động
Nói về sự bất cập khoảng cách tiền lương giữa hai lĩnh vực: hành chính-sự nghiệp và sản xuất, kinh doanh, đồng chí Cao Ngọc Khánh, Trưởng phòng Lao động tiền lương - Bảo hiểm Xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: “Các ngành, các cơ quan cần vào cuộc đồng bộ quyết liệt, ví như “bà đỡ” cho người lao động, không để nghịch cảnh: người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đến hẹn là nâng lương và lĩnh lương, còn người lao động trực tiếp làm ra sản phẩm cho xã hội, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, đồng nghĩa với tạo nguồn quỹ lương cho cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đoàn thể, nay phải “lao đao” không có việc làm và thu nhập”.

Do đó các cơ quan Nhà nước cần có giải pháp hữu hiệu, áp dụng công cụ kiểm soát quan hệ cung cầu về hàng hóa, kiềm chế “giá chạy theo lương”, “Tăng lương đuổi theo giá” nhằm bình ổn giá sinh hoạt. Đồng thời Nhà nước sớm điều chỉnh kịp thời tăng đơn giá tiền lương trong suất đầu tư duy tu, bảo dưỡng đường bộ, đường sắt và khoanh nuôi bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đối với các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, được tổ chức, quản lý và hoạt động theo luật doanh nghiệp.

Mặc khác, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể tăng cường hoạt động hướng về cơ sở; lấy doanh nghiệp làm địa bàn hoạt động, lấy người lao động làm đối tượng vận động ổn định về tư tưởng. Theo đó có những giải pháp thực hiện cơ chế 3 bên: “Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động” đều tìm và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, họ thực thụ được lợi về con số khi tiền lương tối thiểu tăng lên.

 Phí Quang Thái

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục