“30a” xanh đồng Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/5/2012 | 3:04:56 PM

YBĐT - Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại huyện vùng cao Trạm Tấu. Con đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên Trạm Tấu ngoằn nghèo uốn lượn quanh sườn núi chừng hơn 30 km nối liền với cánh đồng Mường Lò của đồng bào Tày, Thái , Khơ Mú... cây lúa đang đến kỳ trổ đòng xanh mướt một màu trên các cánh đồng và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào vùng cao.

Cán bộ khuyến nông xã Xà Hồ cùng các hộ dân tham gia mô hình khảo nghiệm giống lúa  ĐS1 kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Cán bộ khuyến nông xã Xà Hồ cùng các hộ dân tham gia mô hình khảo nghiệm giống lúa ĐS1 kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

“3 cùng” với dân

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn 30a của Chính phủ giúp đồng bào nên dù đang trong những ngày cao điểm chỉ đạo, tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, chống tái trồng cây thuốc phiện, sản xuất vụ ngô xuân hè, lúa xuân..., song các anh lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện vẫn dành thời gian giới thiệu và cử cán bộ đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình chuyển đổi lúa nương sang trồng ngô và lúa xuân.

Trên đường lên thăm diện tích ngô mới chuyển đổi ở bản Bản Công, bản Sán Trá xã Bản Công, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Phúc Cường chia sẻ: “Cách đây gần chục năm khi Trạm Tấu làm cuộc “cách mạng” sản xuất tăng vụ ở cánh đồng Tà Ghênh, xã Xà Hồ, rồi đến Tà Ghênh xã Bản Mù và một số xã khác, huyện đã chỉ đạo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trạm Khuyến nông, Ban Dân vận, Đoàn thanh niên, Phụ nữ huyện… về tận thôn, bản “3 cùng” với dân, cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn đồng bào Mông ủ thóc giống gieo mạ, che nilon, chăm sóc mạ, cày, bừa ruộng cùng dân cấy lúa xuân.

Đồng bào Mông xã Bản Công làm đất trồng ngô.

Từ mô hình trồng lúa một vụ, hai vụ rồi nhân ra sản xuất đại trà, đến nay phong trào sản xuất vụ xuân của nhiều hộ dân ở Trạm Tấu đã thành tự giác. Sau thành công trong sản xuất tăng vụ lúa xuân, huyện tiếp tục chỉ đạo một số ngành, đoàn thể vào cuộc, xuống tận thôn, bản vận động, hướng dẫn kỹ thuật giúp đồng bào Mông các xã chuyển đổi giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và năm nay đã chuyển đổi được hàng trăm ha lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô…”.

Sau hơn 40 phút đi xe máy, chúng tôi đã lên đến đỉnh Sán Trá, cách trụ sở xã Bản Công hơn chục km. Lúc này khoảng hơn 9 giờ sáng, gió Lào thổi khá mạnh kèm theo nắng nóng, khô hanh rất khắc nghiệt. Bí thư xã Bản Công - Hờ  A Vư cảnh báo: “Các anh dựng xe cẩn thận về phía ta-luy đừng để ngoài phía vực gió thổi là đổ xe xuống vực đấy. Hôm trước em đi vận động dân trồng ngô dựng xe bị gió thổi đổ hỏng cả xe rồi?”.

- Diện tích ở 2 bản này chuyển đổi được nhiều không anh? Tôi hỏi.

- Bản Công và bản Sán Trá có 83 hộ tham gia, chuyển đổi được 42,35 ha, cả xã thì  chuyển đổi được 76, 83 ha. Hờ A Vư tự hào.

- Cán bộ huyện, xã vận động nhân dân chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô có khó lắm không?

- Cũng như vận động sản xuất tăng vụ xuân vùng cao, anh Cường - Phó chủ tịch UBND huyện cũng phải lên đây hàng chục lần để kiểm tra, đôn đốc, còn chúng em phải mất hơn một tháng. Hầu như ngày nào cũng phải ngược dốc lên đây cùng trưởng thôn, bản tổ chức họp dân vận động, nói đi, nói lại mãi thế mà một số hộ chưa thông, phải ở lại  ngủ vài tối ở bản đến tận nhà vài lần vận động họ mới chịu chuyển đổi lúa nương sang trồng ngô đấy”.

- Thời tiết nắng gắt thế này có ảnh hưởng đến cây ngô mới trồng không?

- Nếu mấy hôm nữa mưa xuống thì không sợ, nhưng nắng mà kéo dài vài tuần nữa là cũng lo lắm các anh ạ! - Anh cán bộ khuyến nông đáp lời.

Chúng tôi ghé vào thăm hộ gia đình chị Giàng A Đày ở bản Sán Trá - hộ tiêu biểu trong chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô. Chị Đày khoe: Vụ ngô xuân hè năm nay gia đình mình trồng được trên 5.000 m2. Được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ phân NPK và giống nên trong bản ai cũng mừng lắm! Những năm trước trồng lúa nương mất nhiều công mà chỉ thu được 10 bao thóc  (gần 400 kg) thôi, có năm mất mùa chỉ được hơn 6 bao.

- Chị dự tính vụ ngô này thu được bao nhiêu kilôgam?

- Không tính được kilôgam, nhưng chắc cũng phải được 20 bao ngô hạt (khoảng trên 1.000kg).

- Lúa ruộng thu được nhiều không?

- Cả hai vụ thu được 80 bao (khoảng 3.200kg).

- Gia đình có mấy người, ngô, thóc có đủ ăn không?

- Có 7 khẩu, hai vợ chồng và 5 con, thừa thóc nhưng không bán được.

Chia tay với các hộ đồng bào Mông ở Bản Công, Sán Trá, chúng tôi đến thăm diện tích lúa xuân của đồng bào Mông ở xã Xà Hồ mới chuyển đổi giống lúa năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy.

Nhìn diện tích 5 ha lúa xuân gieo bằng giống ĐS1 trên cánh đồng Tà Gênh đang lên xanh vút tầm mắt, cán bộ khuyến nông xã Xà Hồ - Lò Văn Dương phấn khởi nói: “ Đầu vụ xuân năm nay chúng em xuống bản vận động 11 hộ tham gia mô hình chuyển đổi được hơn 5 ha. Vận động bà con làm đất gieo mạ, sau đó tập trung giống toàn bộ diện tích 5 ha về một địa điểm mời các hộ đến hướng dẫn kỹ thuật ủ mạ, khi mạ nảy mầm chia cho các hộ đem về gieo, che nilon, chăm sóc… nguyên thời gian hướng dẫn các hộ  gieo mạ rồi cấy phải mất hơn một tháng.

- Ở đây hộ nào chuyển đổi được nhiều?

- Hộ Phàng Thị Mảy ở bản Sáng Pao.

- Chị Mảy chuyển đổi được bao nhiêu diện tích? - Tôi hỏi người phụ nữ Mông đứng cạnh.

- Mình có 1 ha ruộng, vụ này mới làm được 0,5 ha, Nhà nước cho 30 kg giống và nilon che mạ.

- Cán bộ khuyến nông nói giống lúa ĐS1 các hộ dân có thể tự để giống được, thu hoạch vụ này chị dự định thế nào?

- Mình sẽ tự để giống cấy vụ sau, nhưng nếu Nhà nước cho vẫn lấy.

Được biết, ngoài diện tích 0,5 ha của gia đình chị Mảy ra, diện tích 4,5 ha của 10 hộ gia đình khác ở Xà Hồ chuyển đổi năm nay, lúa đang vào “thì con gái” sinh trưởng, phát triển tốt hơn diện tích cấy bằng giống lúa khác trên cánh đồng Tà Gênh... tất cả các hộ tham gia  mô hình đang chờ vụ xuân bội thu.

Giải pháp cho sản xuất nông nghiệp bền vững

Trong nhiều năm qua, khi chưa có nguồn vốn hỗ trợ cho sản xuất nông- lâm nghiệp thông qua Nghị quyết 30a của Chính phủ, năm nào tỉnh Yên Bái cũng đều dành hàng chục tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ nhân dân sản xuất nông- lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, đồng bào Mông ở Trạm Tấu nói riêng và các hộ dân trong tỉnh nói chung đều được hỗ trợ cây, con giống, phân bón để sản xuất nông - lâm nghiệp.

Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, thành lập các đoàn về xã “3 cùng” với dân thực hiện cuộc “cách mạng”sản xuất vụ xuân ở các xã, những năm gần đây đồng bào Mông ở Trạm Tấu đã biết sản xuất thêm vụ lúa xuân để cải thiện đời sống. Đến năm 2009, đồng bào Mông ở Trạm Tấu vui mừng, phấn khởi đón nhận chính sách hộ trợ từ nguồn vốn 30a của Chính phủ dành cho sản xuất nông - lâm nghiệp. Năm 2009- 2010, nguồn vốn 30a hỗ trợ cho các hộ dân quản lý, bảo vệ rừng trên 32 ngàn ha là trên 6.400 triệu đồng; năm 2011 diện tích khoán bảo vệ 31.381 ha (hiện các hộ chưa được hỗ trợ vốn theo kế hoạch).

Cùng với hỗ trợ nhân dân sản xuất lâm nghiệp, huyện đã giao cho Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông huyện, nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp (lúa, ngô) để đưa nguồn vốn 30a đến với người dân vùng cao thực sự hiệu quả.

Cán bộ khuyến nông huyện Trạm Tấu kiểm tra diện tích ngô mới trồng.

Anh Nguyễn Anh Tuấn - Phó Phòng NN&PTNT huyện cho hay: “Vụ xuân năm 2010, Phòng đã xây dựng mô hình khảo nghiệm thành công 2 giống lúa thuần tại xã Hát Lừu: giống lúa thuần ĐS1 6,7 ha, năng suất đạt 56 tạ/ha/vụ, giống lúa QR1 gieo cấy 1,3 ha, năng suất đạt 54 tạ/ha/vụ”.

Từ vụ xuân 2010 đến nay, huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo chọn giống lúa ĐS1 có khả năng chịu rét và sâu bệnh tốt hơn, gạo thơm ngon, giá trị kinh tế cao hơn các giống lúa lai khác để xây dựng mô hình và nhân ra diện rộng. Năm 2011, huyện bố trí nguồn vốn 30a hỗ trợ 820 kg giống ngô Bioseed cho nhân dân xã Pá Lau và Trạm Tấu chuyển đổi trên 41 ha lúa nương sang trồng ngô xuân hè, năng suất đạt 22 tạ/ha/vụ.

Vụ xuân năm 2012, cũng từ nguồn vốn 30a, huyện đã vận động nhân dân 7 xã Hát Lừu, Bản Công, Xà Hồ, Trạm Tấu, Pá Hu… xây dựng một số mô hình sản xuất lúa ĐS1 và gieo cấy đại trà được 150 ha, hỗ trợ nhân dân 11 xã trong huyện chuyển đổi trên 392 ha lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô.

Để chuyển đổi được hàng trăm ha lúa nương sang trồng ngô nếu tính bằng công sức của cán bộ các ngành, đoàn thể, các xã, các thôn, bản thì không thể đo đếm được, nhưng cái được lớn nhất mà Trạm Tấu mong muốn là từ chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh thông qua các chương trình, dự án, đồng bào Mông các xã trong huyện sẽ trồng 2 vụ ngô/đất một vụ lúa nương để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và phát triển chăn nuôi bền vững.

Song, để người Mông Trạm Tấu có những vụ mùa bội thu khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang giảm dần, ngoài việc “3 cùng” với dân, các ngành chức năng của huyện cần phải xây dựng khung hỗ trợ cụ thể hơn để khi đưa vào sản xuất đại trà nhiều hộ dân sẽ cùng được hưởng lợi. Đối với những loại cây, con giống có thể tự để giống được, nên vận động đồng bào tự để giống gieo cấy, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Trung ương, vào tỉnh, huyện.

Nguồn vốn 30a hỗ trợ cho đồng bào Mông ở Trạm Tấu sản xuất nông - lâm nghiệp vẫn còn tiếp tục thực hiện trong nhiều năm nữa, vì vậy, các ngành chức năng của huyện cần nghiên cứu thêm một số loại cây như: lạc, đậu tương… và các loại con giống khác như: dê, gà, lợn, trâu… phù hợp với khí hậu vùng cao để “kích cầu” sản xuất đại trà. Theo đó, khi đồng bào đã biết tự giác làm thì cán bộ cũng không nhất thiết phải cầm tay chỉ việc nữa để giúp dân chủ động trong sản xuất mùa vụ. Đó mới là điều kiện quan trọng, là động lực mạnh nhất giúp đồng bào Mông canh tác sản xuất nông nghiệp bền vững trên vùng cao Trạm Tấu.

Minh Hằng

Các tin khác
Danh sách 48 cán bộ, công chức, viên chức của huyện Mù Cang Chải nghỉ hưu từ năm 2009 đến nay.

YBĐT - Nhiều năm nay, ở hai huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái, nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cứ "đến hẹn lại lên": nữ cứ đủ 50 tuổi, nam đủ 55 tuổi là được thông báo nghỉ chế độ, kể cả cán bộ diện huyện quản và diện tỉnh quản.

Người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn do các doanh nghiệp thiếu việc làm và thắt chặt chi tiêu.

YBĐT - Đến tháng 3 năm 2012, tình trạng thiếu việc làm diễn ra gay gắt ở tất cả 16 doanh nghiệp xây dựng cơ bản của tỉnh Yên Bái. Tỷ lệ người lao động nghỉ tự túc không lương chiếm từ 40% đến 90% trong tổng số 2.998 lao động.

Điệu xòe Thái Tây Bắc đắm say vào ngày lễ kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

YBĐT - Người cựu chiến binh nâng bàn tay thanh xuân của người con gái Thái nối vòng đại xòe trong đêm liên hoan văn nghệ chào mừng các cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. Bao năm rồi ông mới được sống trong tâm trạng náo nức của vũ điệu xòe cùng những con người chất phác, cần cù và anh dũng.

Tại khoa Truyền nhiễm có nhiều bệnh nhân điều trị HIV/AIDS là phạm nhân.

YBĐT - Không ồn ào, náo nhiệt như Khoa sản, Khoa nhi, không căng thẳng với từng ca bệnh như Khoa Cấp cứu hay Chấn thương, tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái có những phòng bệnh riêng biệt dành điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục