Những sự “Cần” ở Khe Cọ
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/5/2012 | 10:01:01 AM
YBĐT - So với nhiều địa phương Khe Cọ có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế rừng nhưng đến giờ, thôn vẫn thuộc diện nghèo khó và “đang trông chờ” hưởng lợi từ sự đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước.
Người dân Khe Cọ rất cần được học tập kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất.
|
“Khúc khuỷu” con đường
Thôn Khe Cọ là nơi cư trú của của 210 hộ dân là người dân tộc Dao ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình. Gọi là thôn Khe Cọ bởi đây là vùng đất mà người dân cư trú trong thung lũng, xa xưa cây cọ mọc tự nhiên đồi nọ nối tiếp đồi kia, giờ là nơi canh tác và là nơi cư trú của đồng bào Dao.
Con đường liên thôn nối từ xã Bảo Ái đến trung tâm xã Tân Nguyên khá rộng, không nhiều dốc nhưng rất gồ ghề khó đi. Ngày nắng thì vậy, trời mưa lại càng không thể đi được khiến cho xe chở vật tư vào và chở gỗ đi ra rất khó khăn.
Năm nào, thôn cũng huy động dân tu sửa nhưng được mấy hôm đường lại nát, người lớn đi chợ mất cả buổi, học trò đến lớp thấy gian nan… Có chừng 7 cây số đường thôi nhưng hình như ai cũng cho đó là nguyên nhân làm nên cái nghèo ở Khe Cọ.
Qua câu chuyện giữa thôn phó Hoàng Văn Đoàn và anh Lý Văn Giàu ở xóm 2 biết rằng, mỗi mét khối gỗ rừng trồng người dân trong thôn phải bán rẻ tới gần trăm ngàn đồng. Hầu như ngày nào gỗ rừng cũng được khai thác và bán ra khỏi địa bàn. Mỗi lượt xe ô tô vào thôn mất 50.000 đồng được hiểu là “phí sửa đường”.
Hóa ra, từ năm ngoái đến giờ, đường hỏng nhiều, người dân trong thôn không thể sửa đường. Một hộ dân ở đầu đường đã đứng ra nhận “thầu” con đường. Số tiền thu được, họ chủ động thuê máy san gạt đảm bảo giao thông.
“Người dân cần nhất là con đường để phát triển kinh tế - xã hội, buôn bán giao lưu hàng hóa. Có con đường chắc người dân chúng tôi sẽ phát triển hơn” - Trưởng thôn Lý Văn Thuộc nói vậy, rồi kể đến chủ trương làm đường bê tông theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” mà xã Tân Nguyên đã từng dự kiến.
Ông Thuộc nhẩm tính: “1 km đường hết khoảng 1,4 tỷ đồng, thực hiện cơ chế 40% do nhân dân đóng góp thì bình quân mỗi hộ 2,5 triệu đồng. Nhà nghèo nhiều thế, 7 cây số làm đến bao giờ cho xong?”.
Dường như con đường này là cản trở sự đi lên của Khe Cọ
Nguyên nhân cái nghèo
Được biết, sau nhiều năm nỗ lực thoát nghèo, đến năm 2009, Khe Cọ chỉ còn 43 gia đình thuộc diện nghèo nhưng theo tiêu chí mới, năm 2011 cả thôn có 102 hộ nghèo và 37 hộ cận nghèo. Có đến đây mới biết, con đường chỉ là một trong những lý do.
Khe Cọ rộng đến 510 ha nhưng chỉ có hơn 12 ha đất sản xuất, trong đó khoảng 1/3 gieo cấy được một vụ, diện tích còn lại chủ yếu là đất rừng. Những năm bảy mươi của thế kỷ trước, công nhân lâm trường đã đến đây phá những đồi cọ, vỡ đất trồng rừng. Từ năm 1997, lâm trường đã nhường đất rừng cho dân trồng và chăm sóc bảo vệ với diện tích rừng trồng gần 326 ha nên hầu như nhà nào cũng có rừng, hộ nhiều như nhà Triệu Minh Khởi 12 ha, Lý Văn Quân 10 ha, diện tích 5 - 6 ha có hàng chục hộ. Chưa kể tới 24 ha chè kinh doanh, 4 - 5 ha nuôi thủy sản, với tiềm năng này, tỷ lệ hộ nghèo vậy là cao quá.
Trên mảnh đất bố mẹ chia, vợ chồng con trai ông Bàn Văn Thanh ở xóm Khe Mu là Bàn Văn Nhị và Trương Thị Tính cũng cứ vậy trồng sắn, nếu có trồng rừng cũng chỉ được vài ba trăm cây keo, quá ít và chờ đến bao giờ mới có thu nhập.
Đang làm cỏ trên mảnh đất trồng sắn, chị Tính ngừng tay cuốc tâm sự: “Nhiều thứ cần phải chi tiêu lắm! Chồng mình đang làm thuê ở xưởng gỗ nhưng hôm nay không có việc đang ở nhà bế con rồi”.
Thế cũng được coi là chăm chỉ bởi đàn ông ở đây cứ ngoài 40 tuổi là lên ông, chỉ quanh quẩn ở nhà chẳng chịu làm ăn gì, có khi còn tụ tập uống rượu, đánh bài”.
Gia đình ông Thanh có 1 ha đất, sau 3 vụ trồng sắn với giá bán lúc được, lúc mất, gia đình ông đang chuẩn bị trồng cây keo. Trước kia ông Thanh có nhiều đất hơn nhưng với 3/4 người con trai nên khi xây dựng gia đình cho con, tách hộ ông lại cắt một phần đất cho mỗi đứa. Người Dao sau khi lấy vợ cho con trai thường tách hộ và chia đất, nhà nào có ba, bốn con trai như ông Thanh thì nan giải lắm.
Nhiều hộ phải bỏ ra hàng chục triệu đồng làm lễ Cấp sắc cho con trai theo phong tục của đồng bào Dao rất tốn kém trong khi tiền mua giống cây con, vật tư phân bón thì không có.
Tốn kém vậy nhưng tư tưởng phải đẻ cho được con trai còn nặng nề ở cái thôn nghèo này. Giờ thì đồng bào đã biết đẻ ít con để nuôi dạy cho tốt nhưng không có con trai thì lại là câu chuyện khác. Vì thế mà nhiều hộ sinh 3 - 4 người con, có mấy ông bố mới 30 tuổi mà có tới 4 mặt con.
Trong danh sách được trợ cấp theo chính sách, cả thôn chỉ có 1 cháu đang học lớp 11, trung học cơ sở có 18 cháu, tiểu học có 30 nhưng đông hơn là lớp 3. Ở thôn đã có điểm trường mầm non và tiểu học nhưng mới chỉ đến lớp 3, vì thế mà hầu hết con em đồng bào Dao ở đây học dở dang tiểu học coi như đã đủ trình độ.
Học vấn thấp kém, nhận thức về việc làm ăn, nuôi trồng cây con của đồng bào Dao ở đây có nhiều hạn chế. “Phải biết tính toán làm ăn mới được” - ông Thuộc nói thế rồi kể về sự thiếu kiến thức làm ăn của người Dao ở đây.
Hầu hết bà con vẫn chỉ thấy cái lợi trước mắt, có khi bỏ cả ruộng vườn để đi làm thuê kiếm ngay trăm ngàn đồng mỗi ngày. Vài chục hộ thì cứ bám nguồn lợi hồ Thác Bà mà đánh bắt, chưa có hộ nào giàu lên. Đất đai chẳng đến mức hoang hóa nhưng đầu tư thì số ít hộ làm được.
Ngay như mấy chục hécta đã lâu không đầu tư thâm canh, có hộ chặt bỏ để trồng sắn. Anh Giàu ở xóm 2 cho biết “Gia đình cũng chẳng đầu tư chăm sóc nữa vì không bán được đâu, năm ngoái nhà tôi thu hoạch họ không thu mua phải đổ đi đấy”.
Có lẽ ở thôn này chưa ai nghĩ đến việc sao chè mang ra chợ bán lấy tiền, đổ đi thật lãng phí! Anh Giàu còn kể về việc nuôi được con lợn, con gà nhiều khi phải nói trước với người mua hàng tháng họ mới đến, rồi lại lý do đường sá để ép giá. Sản phẩm nuôi trồng phụ thuộc vào thị trường là tất yếu nhưng quy mô lớn mới đáng lo, trong số hơn 200 hộ dân đã có mô hình kinh tế nào đáng để ông Thuộc kể với phóng viên.
Được biết, hàng năm, người dân của thôn cũng được tham gia tập huấn về kỹ thuật? trồng và chăm sóc lúa, sắn, chè, kỹ thuật chăn nuôi, nhưng việc áp dụng chưa mấy hiệu quả. Cả thôn chỉ có 265 con trâu, vài con bò với ba, bốn chục hộ chăn nuôi lợn, không có hộ nào nuôi nhiều gà, vịt.
Hình như người dân ở đây chưa chịu khó làm ăn? Câu hỏi này được Phó thôn Hoàng Văn Đoàn khẳng định ngay: “Người dân đã được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng nhưng thiếu kiến thức làm ăn, lại không chịu tính toán phát triển kinh tế như thế nào, chỉ nhăm nhăm đi làm thuê kiếm ngay mấy đồng bỏ túi, công việc thất thường thu nhập ảnh hưởng, thậm chí không ít hộ nghèo còn dành thời gian cho các cuộc đỏ đen, bài bạc”.
Những ngôi nhà tạm bợ là cảnh thường gặp ở thôn Khe Cọ.
Con đường thoát nghèo
Thực trạng và những lý do nghèo ở thôn Khe Cọ được ông Hoàng Đăng Tiến - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên công nhận. “Xã có 10 thôn, trong đó 2 thôn Khe Cọ và Khe Nhàn đang đứng đầu với tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Chúng tôi đã có những ưu tiên nhất định trong việc đầu tư, tạo điều kiện xây dựng trường lớp, thực hiện miễn giảm theo chế độ nhưng với 80% là người Dao thực sự khó chuyển biến” - ông Tiến nói vậy và cho rằng, điểm mấu chốt là con đường và đầu tư hướng dẫn khoa học kỹ thuật.
Đi lại có khó khăn nhưng thực tế thôn Khe Cọ đang rất cần một con đường sáng cho sự phát triển. Cách trung tâm xã và quốc lộ 70 có vài cây số mà lại có một thôn nghèo như vậy cũng là điều lạ. Không thể để Khe Cọ nghèo lâu hơn nữa. Quan tâm đến đầu tư, nhưng phải làm sao để chuyển biến nhận thức của người dân ở đây, khắc phục tình trạng trông chờ vào Nhà nước, tư tưởng bóc ngắn cắn dài.
Trước hết phải tìm mọi cách để con em đồng bào đến lớp, có học vấn để từng bước nâng cao dân trí, tích cực đưa khoa học kỹ thuật vào thông qua xây dựng các mô hình kinh tế. Xã cũng cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm đưa thôn Khe Nhàn và Khe Cọ thoát nghèo, rà soát lại đất đai để điều chỉnh cho phù hợp, có biện pháp mạnh để đảm bảo trật tự xã hội. Đồng thời, chú trọng chỉ đạo các đoàn thể, tập trung lực lượng vào thôn nghèo trong một thời gian nhất định, tạo phong trào mới cho những thôn này.
Những đề xuất với huyện để thay đổi “tay ngành, tay xã” trong lúc này là hết sức cần thiết, vì ở đây đang cần sự học, cần kiến thức trồng trọt, chăn nuôi thú y… thì sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn mới mong mang lại hiệu quả từ tiềm năng lợi thế cho thôn, cho xã trong thời gian tới.
Minh Quang
Các tin khác
YBĐT - Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại huyện vùng cao Trạm Tấu. Con đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên Trạm Tấu ngoằn nghèo uốn lượn quanh sườn núi chừng hơn 30 km nối liền với cánh đồng Mường Lò của đồng bào Tày, Thái , Khơ Mú... cây lúa đang đến kỳ trổ đòng xanh mướt một màu trên các cánh đồng và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào vùng cao.
YBĐT - Nhiều năm nay, ở hai huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái, nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cứ "đến hẹn lại lên": nữ cứ đủ 50 tuổi, nam đủ 55 tuổi là được thông báo nghỉ chế độ, kể cả cán bộ diện huyện quản và diện tỉnh quản.
YBĐT - Đến tháng 3 năm 2012, tình trạng thiếu việc làm diễn ra gay gắt ở tất cả 16 doanh nghiệp xây dựng cơ bản của tỉnh Yên Bái. Tỷ lệ người lao động nghỉ tự túc không lương chiếm từ 40% đến 90% trong tổng số 2.998 lao động.
YBĐT - Người cựu chiến binh nâng bàn tay thanh xuân của người con gái Thái nối vòng đại xòe trong đêm liên hoan văn nghệ chào mừng các cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. Bao năm rồi ông mới được sống trong tâm trạng náo nức của vũ điệu xòe cùng những con người chất phác, cần cù và anh dũng.