Miền Tây Yên Bái: Lúa nương nhường đất ngô đồi
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/6/2012 | 9:31:47 AM
YBĐT - Giữa cái nắng đầu tháng 6 như thiêu như đốt, hàng ngàn ha ngô ở Nậm Mười, Sùng Đô, Gia Hội, Suối Giàng (Văn Chấn), Cao Phạ, La Pán Tẩn, Nậm Có, Khao Mang, Lao Chải (Mù Cang Chải) vẫn vươn lên xanh tốt.
Ngô xanh tốt trên đất lúa nương.
|
Một màu xanh bạt ngàn dưới những tán rừng phòng hộ, rừng đặc dụng như làm dịu đi cái nắng gắt của vùng cao. Ngô đồi đang bén rễ trên những mảnh đất cằn cỗi trồng lúa nương hôm nào.
Sản xuất lúa nương mộ là tập quán canh tác lâu đời ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở các xã vùng thượng huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Trong từng thời điểm nhất định, việc trồng lúa nương đã giúp đồng bào vùng cao tự cân đối được một phần lương thực do diện tích lúa nước hạn chế và có nhiều diện tích chỉ gieo cấy một vụ.
Sự đóng góp từ sản xuất lúa nương vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết lương thực cho đồng bào vùng cao là một điều khó ai có thể phủ nhận được.
Tuy nhiên, việc trồng và phát triển lúa nương kéo theo nhiều hệ luỵ như rửa trôi đất, chặt phá rừng để trồng lúa, nhất là mùa đốt nương, làm rẫy không đảm bảo kỹ thuật gây cháy rừng. Theo thống kê của ngành kiểm lâm thì thủ phạm chính gây cháy rừng là do đốt nương làm rẫy.
Một vấn đề nữa là trồng lúa nương mang lại hiệu quả kinh tế rất thấp, một phần do đất đai bạc màu, người dân không hề áp dụng những ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa chỉ đạt từ 1-1,2 tấn/ha, không chỉ vậy mà cả năm cũng chỉ làm được một vụ. Sản lượng lúa như vậy bán với giá thị trường thì chỉ cho thu 7-8 triệu đồng/ha.
Rõ ràng, hiệu quả thấp mà hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh vẫn có khoảng trên 3 ngàn ha diện tích chỉ để sản xuất lúa nương là một sự lãng phí đất đai rất lớn. Trong thực tế, có rất nhiều mô hình người dân trồng ngô cũng trên diện tích đất như trồng lúa nương nhưng đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm, gấp 9-10 lần so với lúa nương.
Nhận thấy rõ những hạn chế trong sản xuất lúa nương, từ năm 2009, huyện Văn Chấn đã vận động nhân dân các xã vùng cao: Suối Giàng, Sùng Đô, Nậm Mười, Nậm Búng, Tú Lệ chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô và đỗ tương.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: Những năm trước đây đồng bào dân tộc các xã vùng thượng huyện, xã vùng cao, bà con nhân dân có tập quán sản xuất lúa nương rẫy, có những thời điểm lên trên 1 ngàn ha. Nhưng từ năm 2009, huyện đã xây dựng các mô hình trồng ngô, đỗ tương trên diện tích sản xuất lúa nương cho hiệu quả kinh tế cao, trong điều kiện thâm canh bình thường nhưng ngô vẫn đạt năng suất gần 4 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 8 lần lúa nương.
Từ những mô hình ban đầu đó, người dân làm theo và đến nay các xã vùng cao đã cơ bản chuyển đổi hết diện tích lúa nương sang trồng ngô, đỗ tương, nhờ vậy, đời sống nhân dân đã được nâng lên rõ rệt.
Hôm nay, đến các xã vùng cao của Văn Chấn không còn bắt gặp người dân sản xuất lúa nương, thay vào đó là chuyện người Mông, người Thái, người Dao... nói về đất này thì trồng giống ngô nào, đậu tương nào cho hiệu quả, kinh tế cao lại dễ bán.
Anh Đặng Phúc Chu, xã Nậm Mười phấn khởi: "Trước đây, gia đình mình sản xuất gần 1ha lúa nương, từ năm 2011 được xã, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện lên vận động và thấy một số hộ trong thôn trồng ngô mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình cũng chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng ngô. Đất đai cằn cỗi, cứ tưởng trồng ngô không lên được nhưng thật vui ngô cứ thế bén rễ xanh cây".
Ngay trong vụ đầu tiên gia đình anh Chu đã thu hoạch được 4,2 tấn ngô, bán thu 28 triệu đồng. Được mùa ngô, gia đình tiếp tục mua giống, phân bón về trồng ngô vụ hè thu, số tiền còn lại một phần để dành cho con cái đi học và mua được cái xe máy để đi.
"Nếu biết trồng ngô mang lại hiệu quả cao thế này thì mình chuyển đổi từ sớm hơn mới phải" - anh Chu nói.
Từ những hạn chế và thực tiễn trong sản xuất, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVII đã đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế vùng cao, trong đó có giải pháp về chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ, tư liệu sản xuất, đất đai cho người dân. Đặc biệt là tiến tới xóa bỏ việc trồng lúa nương ở vùng cao, chuyển diện tích sang trồng cây màu, chủ yếu là cây ngô, nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên mỗi ha canh tác.
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, ngay trong vụ xuân 2012 này, huyện Mù Cang Chải đã vận động nhân dân các xã chuyển đổi dần diện tích sản xuất lúa nương sang trồng ngô và phấn đấu đến năm 2015 chuyển đổi hết 1.200ha.
Vẫn biết việc chuyển đổi diện tích này là một việc làm không dễ, bởi việc sản xuất lúa nương không chỉ là tập quán canh tác của người vùng cao mà đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Song với sự quyết tâm của huyện, coi đây là một cuộc "cách mạng" và cũng là con đường duy nhất để đưa vùng cao từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân, cán bộ cấp ủy, các tổ chức đoàn thể, ngành nông nghiệp tỏa đi các xã vận động, đồng thời xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể tới từng bản, từng xã.
Để dân tin, hiểu và làm theo, ngoài việc mở các lớp tập huấn kỹ thuật, huyện còn tổ chức cho các hộ dân đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm ở Văn Chấn, Trạm Tấu và cả ở tỉnh bạn Sơn La. Song song với đó, tỉnh có cơ chế hỗ trợ 2 triệu đồng cho 1ha chuyển đổi sang trồng ngô và hỗ trợ hoàn toàn phân bón.
Đồng bào Mông xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) chăm sóc ngô.
Bằng những hướng dẫn mang tính khoa học và thực tiễn tại cơ sở, người dân tin và làm theo. Ngay trong vụ xuân 2012 này, nhân dân các xã đã chuyển đổi được 440ha lúa nương sang trồng ngô - một con số ngoài trông đợi. Đã có 10/14 xã và thị trấn của huyện thực hiện chuyển đổi sang trồng ngô, xã ít cũng được 5-10ha, nhiều như Cao Phạ 119ha, Nậm Có 68ha, Lao Chải 85ha, Hồ Bốn 76ha. Ông Lê Trọng Khang - Phó chủ tịch UBND huyện nói: "Đây là một chủ trương đúng.
Việc chuyển đổi lúa nương sang trồng ngô không chỉ nâng cao năng suất cây trồng, chống xói mòn đất mà còn là một bước chuyển từ tư duy cũ sang cách làm ăn mới, từ tự cung tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Một vấn đề quan trọng hơn là tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp và giải quyết tư liệu sản xuất, đất đai cho người dân. Lúc đầu mới triển khai gặp không ít khó khăn, người dân thì chưa thật tin tưởng, rồi trình độ nhận thức của đại bộ phận người dân còn hạn chế nhưng bằng sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, diện tích ngô đã tăng theo mỗi ngày và đến hết vụ đã trồng được 440ha vượt mục tiêu đề ra, diện tích ngô trồng đã sinh trưởng và phát triển rất tốt".
Để "mục sở thị", chúng tôi đã về xã La Pán Tẩn. Thật bất ngờ trên những sườn núi cao hôm nào trơ trọi đất đá thì nay đã được phủ bằng một màu xanh bạt ngàn của ngô, ngô vượt núi, ngô băng đèo. Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn Hờ Chờ Sử thông tin nhanh: Thực hiện chủ trương của huyện, toàn xã đã chuyển đổi được gần 100ha ngô bằng giống Ag 59, CP3Q, bà con nhân dân ở cả 7 thôn, bản đều tham gia. Diện tích ngô sinh trưởng và phát triển rất tốt, cứ đà này chắc chắn năng suất đạt không dưới 3,5 tấn/ha. Dự ước toàn xã sẽ thu được trên 300 tấn ngô hạt, đem về 2,1 tỷ đồng từ trồng ngô.
Đang cùng vợ làm cỏ cho ngô, anh Hảng Cáng Dơ, bản Chống Tông phấn khởi khoe: "Thấy cán bộ huyện, xã vận động chuyển từ diện tích lúa nương sang trồng ngô, lại được cấp giống, phân bón gia đình phấn khởi lắm, vụ xuân hè này gia đình trồng 1ha ngô bằng giống CP3Q. Cứ tưởng trồng trên đất lúa nương cằn cỗi ngô không lên được nhưng các anh thấy đấy, ngô mới trồng được hơn tháng mà nay đã lên xanh tốt, cây cao cũng được 4-5 lá. Nếu không có bất thường của thời tiết thì chắc chắn cho năng suất cao, chí ít cũng phải 4 tấn/ha. Gia đình tôi là trồng ít đấy, cả bản Chống Tông này có mấy chục hộ dân thôi nhưng nhà nào cũng có vài ha lúa nương nay chuyển hết sang trồng ngô rồi".
Rõ ràng là việc chuyển đổi từ diện tích lúa nương sang trồng ngô đang nhận được sự đồng tình cao của đồng bào vùng cao, tuy đây mới là vụ đầu tiên ở Mù Cang Chải nhưng hiệu quả đã khá rõ nét. Nếu không có bất thường của thời tiết, chắc chắn ngô sẽ cho năng suất cao, dự nước năng suất đạt bình quân 3,5 tấn/ha, như vậy sẽ đem về cho người dân nơi đây khoảng 1.500 tấn ngô. Tới đây nữa 1.200ha diện tích lúa nương được chuyển sang trồng ngô thì mỗi năm cho thu trên 4 ngàn tấn ngô hạt, bán với giá thị trường cũng cho thu gần 30 tỷ đồng. Đó chính là bước đột phá ở vùng cao nói chung và huyện Mù Cang Chải nói riêng.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - So với nhiều địa phương Khe Cọ có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế rừng nhưng đến giờ, thôn vẫn thuộc diện nghèo khó và “đang trông chờ” hưởng lợi từ sự đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước.
YBĐT - Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại huyện vùng cao Trạm Tấu. Con đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên Trạm Tấu ngoằn nghèo uốn lượn quanh sườn núi chừng hơn 30 km nối liền với cánh đồng Mường Lò của đồng bào Tày, Thái , Khơ Mú... cây lúa đang đến kỳ trổ đòng xanh mướt một màu trên các cánh đồng và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào vùng cao.
YBĐT - Nhiều năm nay, ở hai huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái, nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cứ "đến hẹn lại lên": nữ cứ đủ 50 tuổi, nam đủ 55 tuổi là được thông báo nghỉ chế độ, kể cả cán bộ diện huyện quản và diện tỉnh quản.
YBĐT - Đến tháng 3 năm 2012, tình trạng thiếu việc làm diễn ra gay gắt ở tất cả 16 doanh nghiệp xây dựng cơ bản của tỉnh Yên Bái. Tỷ lệ người lao động nghỉ tự túc không lương chiếm từ 40% đến 90% trong tổng số 2.998 lao động.