Người đàn bà và hai đứa trẻ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/7/2012 | 3:16:42 PM

YBĐT - Thôn 11, xã Xuân Long, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 47 hộ, dù mỗi hộ có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung là những hộ nghèo, chỉ còn vài ba hộ là cán bộ của thôn được đánh giá là cận nghèo. Trong đó, đặc biệt chú ý là hoàn cảnh đáng thương của người đàn bà bệnh tật và hai đứa con trong rừng sâu.

Ngôi nhà ba mẹ con chị Mây đang sinh sống.
Ngôi nhà ba mẹ con chị Mây đang sinh sống.

Nói vào thôn 11 ai cũng ớn. Anh cán bộ xã hỏi đi hỏi lại chúng tôi có quyết tâm đi hay không để còn bố trí người dẫn đường, chiều mới về được. Đúng như lời cảnh báo, vượt hơn hai mươi đoạn suối Thài Đâng, từ nơi có thể gửi xe máy ở cuối thôn, tiếp tục mất hàng tiếng đồng hồ lội qua gần chục đoạn suối nữa, băng qua triền dốc dài chúng tôi mới đến được nơi ba mẹ con người đàn bà ở.

Căn nhà sàn nhỏ giữa bốn bề rừng núi, nghe nói trước đây là rừng tự nhiên nhưng sau nhiều năm khai thác cạn kiệt người dân tự nhận đất trồng rừng. Xung quanh nhà trồng các loại cây lương thực ngô, lạc, vừng..., dấu vết của tự nhiên còn lại là những đám chuối rừng mọc thành bãi rộng. Ngôi nhà sàn cũ đã xuống cấp, mái bị dột nhiều chỗ khiến những tia nắng hè xiên đầy xuống sàn. Không điện, không đài, không ti vi, đồ đạc trong nhà chẳng có gì đáng giá vài trăm ngàn ngoài những thứ gia đình tự tăng gia để phục vụ cuộc sống. 

Chuyện về người đàn bà bệnh tật không chồng có tên là Mây đẻ song sinh trong rừng sâu ở Xuân Long ai cũng biết. Anh cán bộ chính sách xã là người rất hiểu hoàn cảnh đối tượng này kể, trước đây chị Mây sống cùng với bố mẹ và người em trai ở cuối thôn, nhưng từ khi sinh hai cháu (năm 2008) chị xin bố mẹ vào đây vừa để làm ăn sinh sống và cũng để tránh gặp mọi người trong làng.

Đúng với suy nghĩ chúng tôi, chị Mây cũng giống như những cô gái người Dao khác, chỉ khác là đôi mắt của chị bị hỏng nhưng hai đứa trẻ lại rất xinh xắn, hai mắt đen lay láy. Hỏi tên, chị bảo: “Mình nhìn chẳng rõ nhưng đứa tóc dài tên là Lý Thị Yên, đứa kia là Lý Thị Hương” (tên là do em cậu đặt, lấy theo họ mẹ).

Hai cháu Yên Và Hương.

Do sống xa cộng đồng, ít tiếp xúc với mọi người, suốt ngày ba mẹ con chị Mây chỉ quanh quẩn trên sàn nhà chơi với nhau nên hai đứa trẻ rất nhút nhát. Thấy chúng tôi, chúng khóc ré lên, phải mất rất lâu khi ông bà và mẹ dỗ dành mãi mới chịu nín.

Ông Lý Văn Dầm, bố đẻ chị Mây trông rất già so với tuổi lục tuần mời chúng tôi ngồi uống nước, rồi bằng cái giọng buồn buồn ông kể: Gia đình từ Hà Giang về Hàm Yên (Tuyên Quang) làm ăn sinh sống nhưng vì không có đất sản xuất nên cuộc sống rất khó khăn. Nghe người đi khai thác gỗ bảo bên Xuân Long đất rộng người thưa, năm 1998 để lại mấy đứa con, cả gia đình kéo nhau sang đây làm ăn. Nhưng, sang đây rồi cuộc sống cũng vẫn chưa bớt khó khăn, giờ đây lại thêm chuyện của hai đứa trẻ...

Xuân Long là một xã nghèo của Yên Bình, thôn 11 lại là thôn nghèo nhất xã. Bí thư Chi bộ thôn - Hà Văn Mạnh cho biết: Do thôn thành lập được hơn mười năm, trước đây toàn rừng núi hoang vu, dân ngoài xã thấy đất rộng vào đây khai phá trồng rừng, trong đó có hộ gia đình ông Dâm ở tỉnh Tuyên Quang chuyển sang. Do mới thành lập, lại có địa hình hiểm trở, đường sá khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trình độ dân trí thấp... nên đời sống của bà con còn nhiều khó khăn hầu hết đều là hộ nghèo. Quả thật, chỉ riêng việc đi lạ, từ đầu đến cuối thôn, dòng suối Thài Đâng chảy qua có vài kilômét nhưng chúng tôi phải vượt qua những dòng suối nhỏ dễ đến vài chục lần.

Nói về hoàn cảnh của đứa con gái, bà Dầm tâm sự: “Năm lên bốn tuổi sau một trận sốt cao, mắt con Mây kém đi, lúc đó hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn không có điều kiện chạy chữa, sau này khi đi khám lại thấy bảo không có khả năng phục hồi được nữa. Từ khi sinh hai cháu, nó xin vào đây. Ngày trước, đây là chiếc lán của gia đình ở để trông nương. Thương con nên hai vợ chồng già chúng tôi cũng theo vào ở cùng nó nhưng chẳng biết giúp được nó được bao lâu nữa”.

Bốn tuổi, mắt bắt đầu bị hỏng, Mây lớn lên trong bóng tối. Từ bé suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Dù mắt kém nhưng lớn lên một chút Mây đã biết lần mò giúp bố mẹ nấu cơm, thu dọn nhà cửa, chăn nuôi lợn gà. Biết mình có hoàn cảnh thiệt thòi nhưng cũng như bao người khác, Mây cũng có nhiều ước mơ, đó là được đến trường và được giao lưu với xã hội nhưng tất cả những mơ ước đơn giản đó với cô bé Mây thật xa vời. Khi tuổi càng cao chị cũng khát khao được làm mẹ những mong có đứa con để cậy nhờ sau này. Nhưng chẳng biết ông trời không thương hay tiếp tục làm khó chị để năm 2008, không phải một mà hai đứa trẻ cùng ra đời một lúc. Rồi, qua bao ốm đau bệnh tật, chúng lớn dần lên như cây chuối rừng, cây lúa, cây ngô quanh nhà.

Có hai đứa trẻ là niềm hy vọng nhưng khó khăn, vất vả với Mây cũng  vì thế mà tăng gấp nhiều lần. Anh em ai cũng nghèo nên sự giúp đỡ cũng chẳng được bao nhiêu nên ba mẹ con đều dựa cả vào ông bà ngoại. Cảm thông với hoàn cảnh của chị, chính quyền xã Xuân Long đã cố gắng vận dụng để chị Mây và hai con được hưởng tất cả các chính sách đối với đối tượng nghèo, người tàn tật, đồng thời vận động các tổ chức đoàn thể, địa phương và bà con nhân dân quyên góp ủng hộ. Tuy nhiên, việc giúp đỡ cũng không thể được nhiều.

Vượt qua  những khó khăn từ dư luận, những đêm khóc thầm cho số phận mình, mẹ con chị Mây vẫn lặng lẽ sống như dòng Thài Đâng đang tuôn chảy. Giờ đây, các con của chị đã lớn, tâm sự của người mẹ tàn tật ấy là làm sao cho chúng được học hành, được hòa nhập với cộng đồng để không khổ như mẹ chúng.

Đem tâm sự và mong ước của chị Mây trao đổi với ông Hoàng Quang Vinh - Chủ tịch UBND xã, được biết với trách nhiệm của mình, xã đã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể để có giải pháp giúp đỡ, tuy nhiên cũng khó bởi hiện Xuân Long chỉ có điểm trường ở trung tâm, chỉ học bán trú mà gia đình chị Mây không có  anh em họ hàng ngoài này để nhờ vả. Mong muốn cấp trên sẽ có những giải pháp tối ưu hơn để giúp các cháu được tới trường học tập.

Năm học mới đã tới gần, mong lắm hai cháu Yên và Hương sẽ được tới trường như bao đứa trẻ khác để hòa nhập với cộng đồng và số phận của chúng sẽ khác với người mẹ bất hạnh kia. Nhưng mong ước có lẽ mãi chỉ là mong ước bởi làm sao có thể thực hiện được khi ngày ngày bọn trẻ phải vượt năm, sáu cây số đường rừng núi khe suối, chặng đường khó khăn mà ngay cả với những người bình thường. Rời Xuân Long, ánh mắt ngây thơ của hai đứa trẻ trong rừng cứ theo mãi chúng tôi suốt cả chặng đường dài!

Để mua sắm đường sữa, thuốc men, quần áo... cho hai con, chị chỉ trông vào số tiền trợ cấp người tàn tật là 360 ngàn đồng hàng tháng. Điều đáng ngại nhất là mắt chị Mây hiện chỉ nhìn thấy lờ mờ, đến hai đứa con cũng không nhìn rõ mặt mà chỉ phân biệt qua cảm giác.

Nghe  kể, tháng tháng đi lĩnh tiền trợ cấp, người bình thường cũng phải đi mất một buổi còn chị Mây phải đi từ sáng đến chiều mới về đến nhà. Có lần đi nhận gạo cứu đói, không có người trông con, đứa địu đằng trước, đứa cõng đằng sau, dò dẫm đến trưa mới tới nơi, được vài cân gạo, đường chẳng thấy vấp ngã dúi dụi ướt hết, mẹ con ngồi bên suối khóc òa .


Để lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng chị Mây phải vượt qua nhiều đoạn suối như thế này.

Đình Tứ

Các tin khác
Thanh niên tình nguyện và đoàn viên xã Nà Hẩu hăng say sửa đường tại thôn Khe Tát.

YBĐT - Tất cả như vẫn vẹn nguyên hình ảnh những buổi hành quân xuyên núi, những bông hoa chuối rừng đỏ rực ráng chiều... Và vẫn còn đó hình ảnh những gương mặt trí thức trẻ tình nguyện nhễ nhại mồ hôi sáng bừng trong nắng, những tiếng nói cười rộn rã quên hết mệt nhọc trên công trường tình nguyện giờ lao động...

Một phần ruộng còn lại của gia đình ông Toan không thể sản xuất lúa do ảnh hưởng của việc thi công đường cao tốc.

YBĐT - Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai là con đường huyết mạch quan trọng tạo điều kiện phát triển giao thông vận tải trong khu vực, thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương. Tuy nhiên, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, một số qui định chưa phù hợp thực tế cần được các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa.

Ngoài 70 tuổi, bà Lò Thị Xe vẫn phải lên rừng kiếm củi về bán.

YBĐT - Nghĩa Lộ nằm trong vựa lúa lớn thứ 2 của vùng Tây Bắc, năng suất lúa bình quân đạt 12 tấn/ha cao nhất nhì tỉnh. Song, năm nào thị xã cũng có trên 800 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu phải cấp gạo cứu đói giáp hạt.

Nỗi buồn mất con cháu vẫn còn trên nét mặt những người thân trong gia đình chị Trần Thị Liên.

YBĐT - Từ đầu hè 2012 đến nay, trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) đã có 6 trường hợp trẻ nhỏ và học sinh tiểu học bị đuối nước. Chỉ riêng trong tháng 6/2012 đã có 5 trường hợp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục