Gian nan việc làm cho người có “H”

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/7/2012 | 2:50:04 PM

YBĐT - 90% người bị nhiễm HIV/AIDS ở độ tuổi từ 20 - 39, giai đoạn sức khỏe dồi dào nhất, là nguồn lao động chính của gia đình và xã hội nhưng cũng 90% trong số đó lại đang thất nghiệp hoặc không có việc làm ổn định. Những con số trên cho thấy cần có thêm nhiều biện pháp giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn người đang bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn cho phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV. (Ảnh: Quỳnh Nga)
Cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn cho phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Ước mơ nhỏ bé

Loại virút mang tên HIV mà loài người phát hiện ra những năm 80 của thế kỷ trước có sức lan truyền khủng khiếp, điều đáng lo ngại hơn là nó đang tấn công chủ yếu vào thế hệ thanh niên, lực lượng lao động của xã hội. Hàng ngàn người mang trong mình căn bệnh thế kỷ và mỗi số phận đó lại có một câu chuyện khác nhau.

Nghĩ lại ước mơ một ngày sẽ trở thành cô giáo mầm non, được đứng trước các em nhỏ và nhìn những đôi mắt trẻ thơ trong sáng, cô gái trẻ H.T.C (xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ) lặng lẽ giấu đi những giọt nước mắt nuối tiếc. Tiếc lắm chứ, 25 tuổi, cái tuổi đẹp đẽ nhất trong đời người, lẽ ra phải phấn đấu xây dựng tương lai thì giờ đây cô lại đang mòn mỏi từng ngày chống chọi với căn bệnh AIDS. Mẹ cô, một người phụ nữ dân tộc Thái hơn 50 tuổi khóc hết nước mắt vì thương con gái dại dột, lỡ quan hệ tình dục không an toàn với người yêu để rồi bị mang căn bệnh mà bà vốn nghĩ nó ở tận nơi xa xôi nào đó.

Từ ngày thôi học về nhà, cô gái trẻ chỉ biết gắn bó với mảnh ruộng, vạt nương nhưng trong cô vẫn không thôi nuôi ước mơ trở thành cô giáo. C bảo: “Em sẽ cố gắng điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, hồi phục sức khỏe, làm việc đỡ đần cha mẹ. Nhà em cũng vất vả lắm, em cũng muốn tìm được một công việc phù hợp nhưng chưa biết sẽ phải làm gì? Nếu có thể, em vẫn muốn đi học và trở thành cô giáo”.

Ma túy cộng với căn bệnh thế kỷ đã làm cho thân hình anh T.V.T (xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn) tiều tụy hẳn đi. 30 tuổi, lẽ ra anh phải là trụ cột của gia đình nhưng giờ đây cuộc sống của anh phần nhiều trông đợi vào sự tần tảo, lam lũ của người vợ. Thỉnh thoảng, anh ra thành phố phụ xây mỗi ngày được 150.000 đồng. Công việc nặng nhọc nhưng lại không đều đặn nên thu nhập không ổn định.

Nhìn đứa con trai chuẩn bị vào lớp 1 đang nắn nót từng nét chữ, anh T cho biết: “Vẫn biết những người như chúng tôi có những sai lầm trong quá khứ nhưng bây giờ tôi chỉ mong được các cấp, các ngành tạo điều kiện giúp có việc làm ổn định, nuôi sống bản thân và gia đình, chăm lo cho con cái được học hành đến nơi đến chốn”.

Người nhiễm HIV/AIDS hoàn toàn có thể có cuộc sống và lao động bình thường. Bác sĩ Phạm Thị Hòa - Trưởng Khoa truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết: “Sau khi điều trị khỏi các bệnh nhiễm trùng cơ hội và sử dụng thuốc ARV, người bị nhiễm HIV có thể hòa nhập cộng đồng. Người bệnh chỉ cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên, không nên làm những công việc nặng nhọc và tiếp xúc với hóa chất độc hại. Nhiều bệnh nhân vào đây điều trị có hoàn cảnh khó khăn, họ không có bảo hiểm y tế, điều trị được vài ngày lại thôi. Người bị nhiễm HIV rất cần có việc làm ổn định để nuôi sống bản thân, điều trị bệnh”.

Thực trạng

Theo số liệu từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái, tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS đã phát hiện có địa chỉ tại Yên Bái là 4.258 người, hiện còn sống 3.840 người, trong đó, nam giới chiếm 84,4% và nữ giới chiếm 15,6%. Trong khi vấn đề việc làm cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện đã vô cùng khó khăn thì việc làm cho những người nhiễm HIV/AIDS còn khó khăn hơn rất nhiều. Phần lớn họ đều là lao động phổ thông, trình độ thấp, tìm được việc làm phù hợp đối với họ không phải là điều dễ dàng. Ngoài ra, những người nhiễm HIV/AIDS khó tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế.

Đã có một số dự án tạo việc làm cho người có “H” mà Dự án J04 của Tổ chức phòng chống tội phạm ma túy của Liên hiệp quốc là một ví dụ. Trong giai đoạn 2008 - 2010, Dự án đã triển khai chương trình cho vay tín dụng vi mô đối với các đối tượng nghiện ma túy và những người nhiễm HIV/AIDS thông qua hội phụ nữ tại ba xã Cát Thịnh, Sơn Thịnh, Đồng Khê (huyện Văn Chấn).

Thôn Vực Tuần (xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn), nơi từng được coi là tâm bão của HIV/AIDS. Hình thức cho vay tín dụng vi mô này đã giúp nhiều phụ nữ bị nhiễm HIV từ chồng hoặc có chồng con nhiễm HIV có vốn phát triển kinh tế.

Cùng với 118 thành viên khác của nhóm, chị N.T.N cũng được vay vốn. Hai vợ chồng chị đều bị nhiễm HIV, lại không có việc làm ổn định, ruộng ít, được vay 1 triệu đồng từ Dự án “J04” chị đã mua gà về nuôi. “Góp gió thành bão”, từ đó chị mua thêm con lợn, mở thêm hàng tạp hóa nhỏ kiếm đồng ra đồng vào.

Cán bộ hội phụ nữ thăm hỏi, động viên hội viên bị nhiễm HIV.

Là người từng tiếp xúc với nhiều người nhiễm HIV, ông Nguyễn Văn An – Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội cho biết: “Có gặp gỡ với những con người trong hoàn cảnh đó, mới thấy cuộc sống của họ thật sự khó khăn. Họ cần có việc làm, thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân, gia đình. Nhiều người chỉ muốn được vay vài trăm nghìn để mua đàn gà giống, mua con lợn con, hay chỉ đơn giản là mua thêm phân bón cho vạt chè, ước mơ của họ chỉ nhỏ bé thế thôi nhưng đâu dễ có được”.

Thực tế cũng đã có thêm một số dự án khác như Dự án của Tổ chức Y tế Hà Lan đã hỗ trợ cho hơn 60 người tại Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ được vay vốn. Chương trình can thiệp giảm hại của Dự án Phòng chống HIV/AIDS do WB tài trợ, Đề án phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS đã tuyển chọn 100 đồng đẳng viên là những người có tiền sử tiêm chích ma túy, hành nghề mại dâm hiện nay đã hòa nhập cộng đồng để phát bơm kim tiêm, bao cao su.

 Mỗi người được hỗ trợ 500 - 800.000 đồng/tháng. Tuy nhiên các chương trình, dự án phòng chống HIV/AIDS hiện nay phần nhiều đều trông chờ vào sự tài trợ của các tổ  chức nước ngoài và các dự án này còn khá khiêm tốn cả về quy mô và số lượng, chưa có nhiều người nhiễm “H” được tiếp cận nguồn vốn vay và giải quyết việc làm.

Giải pháp

Bác sĩ Phan Duy Tiêu - Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái cho biết: “Năm 2013, Yên Bái sẽ triển khai chương trình điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Theo đó, người nghiện ma tuý sẽ không còn phải bằng mọi giá kiếm được 200.000 đồng mỗi ngày để phục vụ nhu cầu bản thân. Sức khỏe được cải thiện, có cơ hội cai được ma túy, đặc biệt có thời gian lao động cải thiện kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình”.

Ngoài việc áp dụng các biện pháp chuyên môn, cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ để người nhiễm HIV/AIDS có việc làm ổn định. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn e dè khi tiếp nhận các đối tượng này vào làm việc vì những nỗi lo ngại khác nhau. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích dành riêng về vốn vay, về thuế, về giá thuê đất cho các doanh nghiệp khi tiếp nhận người lao động là người nhiễm H.

Người nhiễm HIV/AIDS cần được vay vốn để phát triển kinh tế.

Thêm nữa, với những lao động này, trình độ còn hạn chế, những ngành nghề thủ công truyền thống là hướng đi hoàn toàn phù hợp. Vì vậy, cần đẩy mạnh những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm từ lĩnh vực này để thu hút lao động phổ thông.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể xã hội cần quan tâm, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho họ được tham gia các tổ chức đoàn thể và được tín chấp vay vốn, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Hồng Khanh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục