Bao giờ Yên Bái có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung?

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/8/2012 | 2:45:23 PM

YBĐT - Năm 2006, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt việc chấp thuận dự án đầu tư xây dựng dây chuyền giết mổ gia cầm tại huyện Yên Bình. Và 6 năm trôi qua mà dự án vẫn còn dang dở do nhiều nguyên nhân.

Một điểm giết mổ tư nhân tại xã Nam Cường, thành phố Yên Bái.
Một điểm giết mổ tư nhân tại xã Nam Cường, thành phố Yên Bái.

Những lợi ích thiết thực khi có cơ sở giết mổ tập trung mang lại đã rõ ràng, từ kiểm soát được dịch bệnh đến  đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… nhưng con đường để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung này với Yên Bái xem ra còn nhiều gian khó.

Thực trạng từ cơ sở

Từ 3h đến 5h sáng là thời điểm các lò mổ hoạt động nhộn nhịp nhất để có thực phẩm phục vụ người tiêu dùng có nhu cầu sớm. 4h sáng tại điểm giết mổ thuộc địa phận xã Nam Cường (thành phố Yên Bái), trời vẫn còn tối mà đã có khá đông các tiểu thương đợi sẵn. Một lò mổ có diện tích hơn 20m2, nền lát gạch hoa đã cũ, được trang bị thêm vài thùng đựng nước, nồi đun nước sôi và vài dụng cụ đơn giản. Những người trực tiếp làm công việc giết mổ luôn “đảm bảo” “ba không” (không găng tay, không bảo hộ lao động và không khẩu trang).

Dưới ánh sáng của mấy chiếc bóng điện, chỉ trong vòng 15 phút, ba người thợ đã mổ xong một con lợn. Tất cả mọi người nhanh tay lấy lòng, lấy tiết, còn cả con lợn cứ để nguyên như khi vừa mổ chất lên xe máy và đem vào thành phố.

Ông chủ lò mổ là một người vui tính, niềm nở cho biết, mỗi ngày nhà ông mổ từ 5 - 6 con lợn, khá lớn so với các điểm khác. Lợn sau khi sơ chế, được chở về các chợ mà không có bất cứ vật gì che đậy. Đi thêm một vài điểm giết mổ khác, chúng tôi thấy các hộ gia đình thường tận dụng luôn khoảng sân giếng rộng vài mét vuông làm chỗ giết mổ. Những nồi nước nóng bốc hơi nghi ngút dùng để sơ chế cũng không lấy gì là sạch sẽ.

Qua quan sát của chúng tôi, quy mô của các điểm giết mổ hiện nay khá hạn chế, nhiều thì 5 -7 con , ít thì 1 - 2 con/ngày, hầu hết các điểm giết mổ này đều nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Nước thải được xả trực tiếp ra môi trường không cần xử lý.

Tình trạng giết mổ gia cầm cũng không khả quan hơn. Tại các chợ Yên Thịnh, Nam Cường, Yên Ninh... cạnh địa điểm bán gia cầm sống luôn có các điểm giết mổ, sẵn sàng phục vụ. Khách hàng chỉ cần bỏ ra 10 - 15.000 đồng và đợi trong vòng vài phút là đã có ngay một con gà, vịt được làm lông sạch sẽ. Nước thải cộng với lông gia cầm cứ mặc nhiên chảy xuống hệ thống cống rãnh là nơi ẩn chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, dịch vụ tiện lợi, giá cả không đến nỗi quá đắt nên vẫn được nhiều khách hàng lựa chọn. Trung bình mỗi ngày mỗi điểm mổ khoảng 20 con gia súc, gia cầm. Đây là điều kiện để loại hình dịch vụ này tồn tại nhiều năm qua và sẽ vẫn tiếp tục tồn tại trong thời gian tới.

Hiện nay, gia súc, gia cầm vẫn được giết mổ tại các điểm nhỏ lẻ. 

Kiểm dịch “phần ngọn”

Các cán bộ thú y đều biết rằng, ngoại trừ một số bệnh đơn giản như lợn gạo, lợn nghệ... có thể phát hiện bằng cảm quan, còn lại phải thực hiện các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm hoặc ít ra cũng phải theo dõi lúc con lợn còn sống và quan sát phủ tạng lúc mới được mổ ra mới có thể xác định được bệnh chính xác. Nhưng đã từ lâu việc kiểm soát giết mổ mới chỉ thực hiện được “phần ngọn”, tức là khâu kiểm dịch chủ yếu tiến hành tại chợ và dựa vào cảm quan là chủ yếu.

Khi đã ra đến chợ thì “thịt một nơi, lòng một nẻo”, cán bộ thú y chỉ biết nhìn vào thớ thịt và phán đoán theo kiểu “thầy bói xem voi”. Đó là lý do vì sao cả một năm toàn tỉnh chỉ phát hiện được vài trường hợp lợn bệnh là lợn gạo, lợn nghệ.

Mặt khác, do lực lượng cán bộ thú y quá mỏng nên rất khó kiểm soát công tác giết mổ gia súc, gia cầm. Hiện nay, toàn tỉnh có 499 điểm giết mổ được cơ quan thú y kiểm soát, 786 quầy bán sản phẩm động vật tại 103 điểm, chợ. Trong đó có 403 quầy tại 23 chợ bán gia súc hàng ngày còn 383 bàn quầy tại 80 chợ phiên và điểm bán không thường xuyên nằm rải rác ở các xã và khu dân cư. Đó là chưa kể đến những điểm bán rong, bán lẻ di động trên xe đạp, xe máy ở các tuyến phố. Với số lượng lớn như thế trong khi lực lượng cán bộ thú y mỗi huyện vài người không thể kiểm soát hết. Trạm Thú y thành phố Yên Bái là một ví dụ.

Cả Trạm có 9 cán bộ, ngoài hai cán bộ quản lý còn 7 cán bộ chuyên môn, phụ trách 7 chợ phường và 5 chợ xã. Cán bộ thú y đi kiểm dịch từ 5h30 sáng có nhanh nhất cũng phải đến 9h mới hết tất cả được các điểm bán thịt trong chợ và điểm nhỏ lẻ nằm rải rác tại các khu dân cư. Vậy là, những điểm xa, khi cán bộ thú y đến, con lợn đã tiêu thụ được quá nửa mà cũng không người tiêu dùng nào quan tâm đến thực phẩm đã được kiểm dịch hay chưa? 

 “Ngoài ra, cán bộ thú y cũng cần phải biết dân vận mới có thể hoàn thành nhiệm vụ, lúc có dịch bệnh xảy ra người bán hàng thích đóng nhiều dấu kiểm dịch, còn khi không có dịch họ lại không thích đóng dấu” - Bà Lê Thị Phúc - Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố Yên Bái cho biết.

Nội tạng được bán riêng từ lúc giết mổ dẫn đến khó phát hiện lợn bệnh.

Yên Bái đã từng có đề án xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm tập trung. Năm 2006, UBND tỉnh đã phê duyệt việc chấp thuận dự án đầu tư xây dựng dây chuyền giết mổ gia cầm tại huyện Yên Bình.

Đã 6 năm trôi qua mà dự án vẫn còn dang dở do nhiều nguyên nhân: thủ tục hành chính chưa hợp lệ, điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhà xưởng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y tại thời điểm kiểm tra, nhu cầu giết mổ tại địa phương còn thấp không đáp ứng được với đề án xây dựng... Vậy là các điểm giết mổ thủ công vẫn tồn tại do chi phí đầu tư thấp, tận dụng được nhân lực tại chỗ. Ngoài ra, cơ quan thú y mới chỉ thu được khoảng 50% phí kiểm soát giết mổ.

Chỉ nhìn vào con số đó cũng thấy lực lượng thú y khó có thể kiểm soát được chính xác số lượng gia súc, gia cầm giết mổ hàng ngày. Giải quyết vấn đề này đã có một số địa phương áp dụng hình thức thu phí theo tháng. Thành phố Yên Bái, huyện Lục Yên, Yên Bình, huyện Văn Chấn là những địa phương thu tốt, có số thu đạt 50 - 60%, cá biệt có huyện chỉ đạt 10%.

Ông Lư Ngọc Duyên - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Cơ quan thú y không đặt nặng vấn đề thu phí mà quan trọng là kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, Chi cục đã tiến hành rà soát và thống kê các điểm giết mổ để quản lý chặt chẽ hơn. Mục tiêu đặt ra đến năm 2015, sẽ xây dựng ở thành phố Yên Bái 2 điểm giết mổ tập trung, còn lại thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên mỗi huyện có một điểm”. 

Giải pháp

Hiện nay, mặc dù cơ quan thú y và thanh tra các ngành thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở chủ các điểm giết mổ thực hiện đảm bảo vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng... nhưng mới chỉ là những giải pháp tạm thời. Về lâu dài cần xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, để kiểm soát tốt công tác giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một cơ sở giết mổ gia súc tập trung với công suất 100 con/ngày với hệ thống đồng bộ từ khu nhốt khi gia súc khi còn sống, khu giết mổ theo tiêu chuẩn, xe vận chuyển chuyên dụng...cần số vốn đầu tư từ 5 - 7 tỷ đồng. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách đầu tư xây dựng hoặc hỗ trợ cụ thể đối với những đơn vị đầu tư. Cơ sở chế biến giết mổ tập trung cần tính toán đặt tại địa điểm thuận lợi, thuận tiện mới có thể thu hút được người kinh doanh.

Các cơ sở này sau khi hoàn thành có thể giao cho chính quyền địa phương sở tại quản lý. Các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện quản lý cơ sở giết mổ. Đi đôi với đó cần có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời tuyên truyền vận động người dân tham gia, đưa gia súc, gia cầm đến các cơ sở giết mổ tập trung. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần có thói quen mua thực phẩm được kiểm dịch rõ ràng để bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình của mình.

Hồng Khanh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục