Bất ổn bên dòng Nậm Tộc

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/8/2012 | 9:14:54 AM

YBĐT -  Dù đã vào mùa mưa nhưng mực nước tại các suối Nậm Tộc, Nậm Đông vẫn rất khiêm tốn. Cùng với sự bồi lắng, biến dạng tại các dòng chảy, người dân vùng hạ du Mường Lò đang rất lo lắng trước nhiều bất cập nảy sinh từ khi các nhà máy thủy điện được xây dựng và đi vào hoạt động ở phía thượng nguồn.

Vị trí xả tràn mới của Nhà máy Thủy điện Nậm Đông 4.
Vị trí xả tràn mới của Nhà máy Thủy điện Nậm Đông 4.

Chúng tôi đến Mường Lò trong cái nắng gay gắt của ngày hè. Không biết từ bao giờ hàng nghìn mét khối đất đá từ đầu nguồn đổ về đã bồi lấp đầy lòng suối. Dọc con suối từ đầu bản Pưn cho đến cuối bản Bay đâu đâu cũng chỉ thấy đá, sỏi và cát. Phía đầu nguồn, nơi có đập Tà Kọn cung cấp nước tưới cho trên 200 ha lúa của 2 xã Sơn A (Văn Chấn) và Nghĩa Phúc cũng bị đất đá phủ đầy.

Những bất ổn…

Từ bao đời nay, hình ảnh dòng suối Nậm Tộc hiền hòa với làn nước trong xanh đã trở nên rất đỗi thân thuộc, gắn liền với hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt của nhiều người dân ở thôn Bản Bay, Bản Pưn, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ. Song, có lẽ tất cả những điều đó bây giờ chỉ là dĩ vãng bởi không biết từ bao giờ hàng nghìn mét khối đất đá từ đầu nguồn đổ về đã bồi lấp đầy lòng suối.

Dọc con suối từ đầu bản Pưn cho đến cuối bản Bay đâu đâu cũng chỉ thấy đá, sỏi và cát. Phía đầu nguồn, nơi có đập Tà Kọn cung cấp nước tưới cho trên 200 ha lúa của 2 xã Sơn A (Văn Chấn) và Nghĩa Phúc cũng bị đất đá phủ đầy. Điều này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy và làm giảm lượng nước sinh hoạt cũng như nước sản xuất của bà con nơi đây.

Theo phản ánh của nhiều người dân, việc dòng suối bị đất đá bồi đắp, gây ách tắc dòng chảy xảy ra từ khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Tộc. Trong quá trình xây dựng thi công, toàn bộ số đất đá này đã được đổ thẳng ra các, rìa suối. Từ đó đến nay, sau mỗi trận mưa, đất đá lại sạt lở xuống và trôi theo dòng suối đổ về hạ nguồn.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn, hướng mắt về phía cánh đồng bên dòng Nậm Tộc, ông Hà Văn Hoàng, thôn Bản Bay chậm rãi nói: “Trước đây bờ ruộng nhà tôi cao hơn mặt suối những 2m, thế mà giờ đây nhiều chỗ lòng suối đã cao hơn ruộng. Năm ngoái, mưa lớn khiến đất cát từ lòng suối theo dòng nước tràn vào cánh đồng làm gia đình tôi mất trắng 700 m2 ruộng vừa cấy”.

Theo thống kê của anh Hà Văn Quang, Bí thư Chi bộ thôn Bản Bay, vụ đông xuân 2011 - 2012 vừa qua, toàn thôn có gần 10.000 m2 lúa bị ngập rải rác dọc theo dòng Nậm Tộc. Dẫn chúng tôi đi trên những bãi cát sỏi lởm chởm giữa lòng suối, anh Quang lo lắng: “Đời sống của 97 hộ dân ở thôn này chỉ trông chờ vào 11,5 ha lúa ruộng nhưng do lòng suối bị đất đá bồi đắp, nên mỗi khi mưa lớn cát sỏi lại tràn vào những thửa ruộng thấp. Ít thì bà con còn nạo vét được chứ nhiều thì coi như mất trắng”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc nhận định: “Nếu cứ nhìn vào hiện trạng của dòng Nậm Tộc hiện nay thì điều nguy hại nhất là vào mùa mưa lũ rất dễ xảy ra hiện tượng vỡ ruộng, đất cát tràn vào ruộng ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân tại khu vực hai thôn Bản Bay và Bản Pưn. Thứ hai là vào mùa khô, nếu thủy điện cứ tích nước đầy rồi mới xả thì sẽ gây ra hiện tượng thiếu nước khô hạn tại các khu vực cuối nguồn”.

Thủy điện Nậm Đông 4 cần khắc phục nguyên trạng đường giao thông ở xã Nghĩa An tại khu vực bị sạt lở để giúp người dân đi lại thuận tiện trong mùa mưa lũ.

Và thực trạng khó khăn

Không bị bồi lắng, biến dạng ghê gớm như dòng Nậm Tộc nhưng từ khi Nhà máy Thủy điện Nậm Đông 4 đi vào hoạt động thì chất lượng nguồn nước suối Nậm Đông đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cùng với đó là những bất cập nảy sinh trong phân chia lợi ích sử dụng nguồn nước.

Theo phản ánh của Công ty TNHH Xây dựng cấp thoát nước Nghĩa Lộ, từ năm 2004, Thủy điện Nậm Đông 3-4 do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển miền Bắc 3 xây dựng thì xảy ra hiện tượng cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước. Điều này bắt nguồn từ việc trong quá trình thi công đất đá không được xử lý cẩn thận nên mỗi khi mưa lũ xuất hiện đã cuốn trôi khối lượng đất đá xuống dòng suối, khiến độ đục của nước suối tăng cao, mà đây lại là nguồn để Công ty cung cấp nước sinh hoạt cho dân.

Trước những bất cập nảy sinh ở vùng hạ du, năm 2010, Nhà máy Thủy điện Nậm Tộc đã tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy nhưng sau một vài trận lũ lòng suối lại bị bồi lắng như cũ. Còn tại xã Nghĩa An, sau sự cố xả tràn bể áp lực, Nhà máy Thủy điện Nậm Đông 4 đã tiến hành đền bù thiệt hại cho 5 hộ gia đình cũng như khắc phục tuyến đường giao thông tại vị trí sạt lở và di chuyển vị trí xả tràn từ bờ trái sang bờ phải để hạn chế việc xói lở đất đá gây ảnh hưởng đến suối Nậm Đông. 
Ông Nguyễn Xuân Đoán, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng cấp thoát nước Nghĩa Lộ lo ngại: “Với công suất thiết kế 3.500m3/ngày đêm, Công ty là đơn vị cung cấp nước sạch cho cả khu vực lòng chảo Mường Lò nhưng các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn trong quá trình tích nước để phát điện không duy trì dòng chảy tối thiểu, thời gian tích nước dài ngày gây ảnh hưởng đến hoạt động lấy nước của nhà máy, đặc biệt là trong mùa khô hạn”.

Cũng với lo ngại trên, ông Đỗ Đình Trâm - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nghĩa Văn cho biết: “Mùa khô thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 6 hàng năm, trong đó cao điểm là tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, thời điểm đó thủy điện thường tích nước đầy rồi mới xả. Do vậy khi nước chưa kịp về đến hạ nguồn thì thủy điện đã đóng cửa xả. Mặc dù Công ty đã chủ động phối hợp với các địa phương để thực hiện tưới luân phiên cũng như dẫn nước về hạ nguồn vào ban đêm; có thời điểm Công ty thường xuyên phải cử người túc trực yêu cầu Thủy điện phải xả để đảm bảo nước tưới cho dân nhưng tất cả chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài giữa các bên phải có sự thống nhất để điều tiết nguồn nước một cách hợp lý nhất”. 

Không chỉ bất cập trong việc phân chia lợi ích sử dụng nguồn nước, giờ đây với việc Nhà máy Thủy điện Nậm Đông 4 đi vào hoạt động thì hàng trăm hộ dân đang sinh sống bên bờ Nậm Đông lại rơi vào tâm trạng lo sợ mà nguyên nhân chủ yếu là do thủy điện chưa có thông báo chính xác về ngày, giờ xả nước.

Những đứa trẻ vẫn vô tư nghịch nước mà không biết thủy điện sẽ xả nước bất cứ lúc nào.

Nhìn những đứa trẻ đang vô tư tắm mát tại khu vực đập tràn ngay dưới chân thủy điện, chúng tôi không khỏi lo lắng cho sự an toàn của chúng. Bởi thực tế, ngay trong quá trình vận hành thử nghiệm, Nhà máy Thủy điện Nậm Đông 4 đã xả tràn bể áp lực, gây sạt lở, cuốn theo đất đá, rác thải gây ô nhiễm nguồn nước suối Nậm Đông, gây thiệt hại về cây cối, hoa màu của 5 hộ dân và đường giao thông đi lại của xã Nghĩa An.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: “Hiện nay, thủy điện mới chỉ có thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân trong xã hạn chế đi lại, sinh hoạt cũng như tắm suối nhưng lại chưa thông báo chính xác, cụ thể thời điểm xả nước, trong khi đó 2 thôn Nậm Đông 1 và Nậm Đông 2 có hơn 100 hộ dân thường có thói quen tắm giặt, đánh bắt cá ở suối, đặc biệt là trong mùa mưa lũ và những ngày hè trẻ con thường xuyên ra tắm suối nên rất nguy hiểm”.

Cần xây dựng cơ chế điều tiết hợp lý

Lâu nay, thủy điện chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất điện và đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài mục tiêu phát điện, các nhà máy thủy điện còn có nhiệm vụ cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão, đồng thời cung cấp nước cho hạ du phục vụ nhu cầu dân sinh trong mùa khô. Như vậy là có thể thấy thủy điện không chỉ có mỗi chức năng phát điện mà còn có nhiệm vụ đảm bảo cho sản xuất cũng như sinh hoạt cho nhân dân vùng hạ du.

Tuy nhiên thực tế đã có không ít trường hợp vì xây dựng thủy điện mà hạ du bị “chết khát”, sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn; rồi thủy điện xả nước ngập đồng, ngập ruộng, cuốn nhà dân. Để tránh “vết xe đổ” ấy, những đơn vị sử dụng nguồn nước tại các suối Nậm Tộc, Nậm Đông và chính quyền địa phương cũng như người dân phải ngồi lại, bàn bạc, thống nhất để xây dựng một cơ chế điều tiết nguồn nước hợp lý.

Để làm được điều này, trước mắt Nhà máy Thủy điện Nậm Đông cần nhanh chóng khôi phục lại nguyên trạng đường giao thông ở Nghĩa An tại vị trí sạt lở để đảm bảo giao thông đi lại cho người dân, nhất là trong mùa mưa lũ.

Bên cạnh đó, Nhà máy Thủy điện Nậm Tộc cần có kế hoạch nạo vét dòng suối, hạn chế việc bồi lắng, tránh nguy cơ vỡ ruộng khi lũ về. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc, việc khai thông lòng suối chỉ là giải pháp tạm thời, để lâu dài các cấp ngành cần xem xét xây dựng bờ kè có như vậy mới tránh được việc xói mòn vào đất ruộng cũng như đảm bảo an toàn cho đời sống của người dân. Trong quá trình tích nước, các nhà máy thủy điện cần đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu của các suối về phía hạ lưu theo qui định của pháp luật.

Đặc biệt, các nhà máy thủy điện cũng cần nghiên cứu, tính toán, cắm biển thông báo thời điểm xả để kịp thời thông báo cho người dân vùng hạ du tránh được những nguy hiểm đáng tiếc có thể xảy ra. Đồng thời giúp cho các đơn vị sử dụng nước chủ động trong việc dẫn nước phục vụ sản xuất cũng như đời sống người dân.

Hùng Cường

Các tin khác
Một điểm giết mổ tư nhân tại xã Nam Cường, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Năm 2006, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt việc chấp thuận dự án đầu tư xây dựng dây chuyền giết mổ gia cầm tại huyện Yên Bình. Và 6 năm trôi qua mà dự án vẫn còn dang dở do nhiều nguyên nhân.

Giờ ăn trưa của các cháu lớp mầm non ở Tà Xi Láng.

YBĐT - Chúng tôi về Tà Xi Láng khi đỉnh non xanh sương mù bao phủ nơi kỳ tích phá đá mở đường vẫn được người dân nhắc đến như một huyền thoại của ý Đảng lòng dân.

Lực lượng quản lý thị trường huyện Văn Yên hướng dẫn người dân cách phân biệt hàng thật, hàng giả đối với mặt hàng nước mắm tại chợ xã An Thịnh. (Ảnh: Phương Uyên)

YBĐT - Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được nói đến nhiều trong thời gian qua và đã được các cấp, các ngành quan tâm kiểm tra giám sát. Tuy nhiên việc “khuất mắt trông coi”, hình thức xử phạt còn nhẹ đã khiến nó trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”...

Nếu chạy hết công suất, mỗi ngày, các xưởng bóc ván sẽ tiêu thụ gần 5.000m3 gỗ.

Ông Nguyễn Đức Việt vừa tra dầu mỡ vào chiếc máy bóc gỗ vừa phủ bạt cẩn thận rồi đem mấy cái mô tơ, máy cắt ván, cắt gỗ mang về nhà cất kỹ. Buồn lắm nhưng đành phải dẹp xưởng bóc lại chờ ngày tái ngộ, không thể cố thêm được nữa bởi làm ít lỗ ít, làm nhiều lỗ nhiều.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục