Những nông dân “vác tù và hàng tổng”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/8/2012 | 3:30:37 PM

YBĐT - Đó là những nông dân chính hiệu, có người tuổi chưa đến “băm” đã làm cái “chức” dân bầu để “gánh” việc làng, việc bản ở huyện Văn Chấn.

Anh Đinh Văn Dũng - trưởng thôn Nà Ban, xã Thạch Lương (thứ hai, phải sang) cùng cán bộ xã rà soát danh sách hộ nghèo.
Anh Đinh Văn Dũng - trưởng thôn Nà Ban, xã Thạch Lương (thứ hai, phải sang) cùng cán bộ xã rà soát danh sách hộ nghèo.

 Việc trưởng thôn “hầm bà làng”, từ lúa, ngô, trâu bò, làm đường, học hành… đến đem tiếng nói của mấy trăm con người kiến nghị, đề xuất những việc “kinh bang tế thế”. Không phải hình ảnh người “vác tù và hàng tổng” xưa cũ, những trưởng thôn trẻ mà tôi gặp say sưa, sáng tạo, tận tụy với phần việc của mình, thực sự là những “công bộc” của dân…

Hiểu dân để làm việc cho dân

Chỉ vài phút, không sổ sách, trưởng thôn Pín Pé, xã Cát Thịnh, anh Giàng Văn Páo đã phác họa cho tôi về Pín Pé. Páo còn trẻ, 22 tuổi dân bầu làm trưởng thôn. “Páo à, làm trưởng thôn khó hay không?”. Páo cười hiền hậu: “Trưởng thôn cũng là dân, mình hiểu dân thì không khó mà!!”. Thế là Páo đã nói trúng cái mà dân cần ở cán bộ. Việc trưởng thôn là lo việc của dân. Muốn thế, phải hiểu dân cần gì để tính lo cho dân. Họp thôn, Páo ghi chép ý kiến, đề nghị của bà con. Anh lại đi từ Gò Cang, gò Bà Vang tới đầu suối Phà nghe dân nói cái nghĩ của họ. Vùng cao như Pín Pé, lo đủ ăn còn chật vật. Páo cùng chi ủy, đoàn thể vận động bà con khai hoang, mở ruộng. Làm dần, ruộng cấy đã tăng lên 17 ha, nhưng cứ làm một vụ, giống cũ thì thóc chẳng thêm nhiều. Páo gương mẫu cấy lúa vụ xuân để vận động bà con làm theo.

Nhờ đó, thóc thu về đã tăng lên 120 tấn, gần gấp ba lần trước. Nhiều hơn nhưng thóc chỉ nhiều ở những nhà có ruộng chân núi, trên cao dân vẫn thiếu to. Páo tính, phải nuôi nhiều trâu, lợn, gà nhưng tay như bó vì dân không có vốn mua giống. Anh hăng hái liên hệ ngân hàng cho bà con vay vốn, lại ra xã xin đưa Pín Pé vào thụ hưởng hỗ trợ của dự án giảm nghèo. Kế sách thành công, đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi rất khá: Giàng Dả Lai nuôi 7 trâu sinh sản; Giàng Dúa Di nuôi 17 lợn giống địa phương; Sùng A Khai nuôi 8 lợn nái, 4 trâu; Giàng Sáy Vư có 13 lợn thịt; Sùng Sáy Dâng 3 lợn nái, 4 lợn thịt- đều là những việc mới.

Chuyện nữa là quy hoạch bãi chăn thả. Chăn thả tự nhiên là tập quán của người Mông. Páo nghĩ, không để chăn nuôi làm hại trồng trọt. Anh đi khắp vùng tìm được nơi có thể chăn thả tập trung, là đồi Gò Cang, đầu suối Phà, gò Bà Vang. Mỗi bãi rộng từ 5 - 15 ha, có thể chăn thả hàng trăm con trâu bò, dê, lợn hàng hóa.

Những hộ nuôi nhiều trâu, bò, lợn thấy phải đã chuyển gia súc, dựng lều, đào hào, rào dậu trên núi chăn thả. Vậy là, giải quyết được hai việc: quản lý chăn thả gia súc và làm sạch môi trường. Nghĩ và làm cho dân, Páo được bà con ủng hộ - đó là cái lợi để anh huy động sức dân làm mương về đồng. 3,1 km mương đã được Chương trình 135 đầu tư nhưng để vào tới ruộng còn gần 4 km nữa. Năm 2009, anh vận động bà con bỏ công sức làm tiếp 1,6 km.

Từ tháng 5 - 7/2012, anh vận động bà con làm xong 2,6 km còn lại. Việc rất mới nữa, khi Nhà nước chủ trương hỗ trợ gạch, xi măng để bào con làm nhà tiêu, Páo không chỉ giải thích để bà con hiểu cái lợi mà anh đã vận động 46 hộ người Mông bỏ thêm tiền xây dựng thành công trình vệ sinh hoàn chỉnh, thay đổi hẳn nếp sinh hoạt lạc hậu bao năm… 

Vừa làm vừa học “nghề"

Chẳng có trường lớp nào đào tạo nghề trưởng thôn. Để làm cho tròn, cho xứng cái chức dân giao thì nhiệt tình của tuổi trẻ chưa đủ, phải chịu khó học và vận vào công việc. Hai năm làm trưởng thôn, Lò Văn Sượi ở thôn Bản Đường, xã Thạch Lương có nhiều sáng tạo, đề xuất tốt được dân tín nhiệm. Bản Đường có 70% hộ nghèo. Sượi trăn trở lắm khi nhiều hộ “tháng ba ngày tám” thiếu ăn. Tìm hiểu, thấy sản lượng thóc bếp bênh là do 1/3 diện tích bị ảnh hưởng bão lũ, anh đề xuất làm đê kè để bảo vệ 8 ha ruộng cấy và 1 ha ngô ven suối Thia.

Được hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của dân, công trình được khởi công. Anh đọc báo, nghe đài thấy nhiều nơi tận dụng mái kè, đắp thành con đường mới rất thuận lợi cho đi lại và sản xuất. Đem cái học được vận vào thực tế, anh đề xuất với xã, lấy ý kiến bà con và được ủng hộ nhiệt liệt. Dân bản Đường góp công, tự nguyện cắt ruộng để làm đường. Kết quả, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sức dân đã làm nên hai công trình mới: kè chống lũ và nửa cây số đường giao thông.

Chuyện nghề của trưởng thôn, tới nửa là giải đáp thắc mắc, lo dẹp tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong làng bản. Đinh Văn Dũng - Trưởng thôn Nà Ban (Thạch Lương) rủ rỉ: “Bà con thôn, nhất trí bình xét hộ nghèo rồi, mai lại có người hỏi. Hôm sau ra đồng vẫn có người hỏi. Tối về cũng có người hỏi. Em phải kiên trì giải thích, mãi bà con mới thông!”. Tháng 8 này, thôn đôn đốc thu nộp các khoản đóng góp, tất các khoản là 15 triệu đồng, bà con đã nộp nửa. Dũng bảo, 7 triệu đồng nữa nộp luôn dân cũng nộp được nhưng có hộ cứ nhì nhằng lại còn lên nước: “Hộ nghèo được hỗ trợ nhiều thì góp trước đi!”.

Trưởng thôn lên loa thông báo, tới các nhà vận động. Mấy hộ lại cười nói: “Bọn tôi vui thôi. Ai để hộ nghèo gương mẫu hơn mình?”. Đại loại thế. Nà Ban có 113 hộ, 470 nhân khẩu, thôn diện 135 nên trưởng thôn tất bật vì lo họp hành, rà soát, giao nhận, phân bổ… Dũng tuổi trên băm, trình độ văn hóa 9/12, cũng ít va chạm lúc đầu làm việc khá khó khăn. Anh nói, vừa làm phải vừa học, học qua tập huấn; học kinh nghiệm của bạn nghề; có việc phải nhờ các anh, các bác chỉ hộ. Như việc làm 124 mét đường từ nhà ông Toong đến nhà ông Sáy, họp thôn thế nào, dân giám sát làm sao đều trao đổi, hướng dẫn trên dưới cả.

Trong chuyện nghề của anh, rát nhất là khi làng bản có sự vụ. Con trai ông Sùng Nủ Dua đi làm ăn xa, cô con dâu ở nhà có chuyện, ông Dua rình được trói con dâu về, đòi kẻ kia nộp tiền phạt mới cởi trói. Trưởng thôn, công an viên, đoàn thể giải thích chán chê, cả cứng lẫn mềm ông mới cởi trói cho dâu hư. Cẩm nang pháp luật bày ra, trưởng thôn xử: dâu thế là vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, ông Dua trói con dâu là vi phạm pháp luật. “Lần này giáo dục không xử phạt, lần sau cấm phạm lại!”. Dõng dạc nhưng suýt bật cười, ai lại mong có lần sau? Có vẻ như những vụ việc phát sinh đều được xử theo cách lấy nghĩa tình làm trọng.

Ở Pín Pé, Cát Thịnh ông Mùa A Chu và Sùng Sáy Già làm nương liền kề nhau, đều bỏ nương một thời gian mới làm lại. Ông Chu làm trước thì lấn sang bên kia. Hai bên to tiếng, chuyện tới trưởng thôn Giàng Văn Páo. Anh triệu tập hai ông về thôn nắm sự tình rồi cùng lên nương đem sơ đồ ra đối chiếu, rõ ràng ông Chu lấn nương ông Già. Phân minh xong, ông Già nhận ông Chu lời xin lỗi rồi bắt tay, xong. Có chuyện sắn trả sắn, ấy là ông Mùa A Câu và Sùng Chờ Páo nương sắn liền nhau. Ông Câu nhổ trên 600 gốc sắn của ông Páo vì cho là trồng vào đất của mình. Va nhau to, trưởng thôn gọi nghe việc xong lại lên nương đối chiếu. Dăm bảy cách đền bồi đưa ra, trưởng thôn xử: thu hoạch sắn, ông Câu đền cho ông Páo 400 gốc sắn, còn trên 200 gốc thì giúp nhau, chuyện cũng êm.

Trong túi nghề của trưởng thôn, một lô những tài liệu pháp luật: kinh nghiệm hòa giải, xử lý vi phạm hôn nhân và gia đình, bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống ma túy… Với Páo, Dũng, Sượi… đó là những cẩm nang hỗ trợ đắc lực, nhưng tôi biết họ còn một cẩm nang quý để nơi dân - đó là uy tín. Trẻ thì trẻ, dân đã tín thì tiếng trưởng thôn trọng lượng trăm, ngàn cân chứ ít!...

Người Mông bản Pín Pé, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) tu sửa đường giao thông lên trung tâm xã. (Ảnh: A Mua)

Sự lòng khi "vác tù và hàng tổng”

Cầu Cọ vào thôn Luất, xã Nghĩa Tâm, mỗi năm dân đôi lần góp công, bỏ tiền làm lại. Cầu tre - gỗ, trụ quây đá, mong manh, lũ lớn trôi cầu mọi sự với bên ngoài của 460 nhân khẩu coi như stop. Trời hè 39 độ, ngồi trong nhà mồ hôi túa ướt áo, trưởng thôn Hoàng Đình Toản trăn trở mãi về đường thoát nghèo của Luất. Gánh việc trưởng thôn vài năm, anh làm được nhiều việc cho làng bản. Bà con đã làm lúa trên dưới 10 tấn/ha; rừng kinh tế trên 100 ha, tre nứa và cây tái sinh phủ xanh làng bản; 60 ha chè dần được cải tạo, thay thế bằng giống mới; bà con cũng được hỗ trợ phân, giống, máy bừa, máy tuốt… nhưng đời sống vẫn nhiều khó khăn. Trưởng thôn mong mỏi gì đây? Tôi đoán, anh sẽ thay dân xin Nhà nước làm cầu Cọ; xin hỗ trợ làm đường thôn… nhưng ưu tư lại dồn vào việc học.

Anh nói, phải đầu tư nâng cao trình độ văn hóa cho dân, dân nghèo làm gì cũng khó, học lên cao càng khó. Nhà nước cần quan tâm hơn đến giáo dục, thực hiện kịp thời chế độ chính sách ưu tiên giáo dục vùng khó khăn. Con gái anh năm qua đạt học sinh giỏi, nhưng cháu mới lớp Một, vài năm nữa học lên cao có còn giữ được không, dạy và học cho thực chất mới có “bột” để “gột nên hồ”. Toản cũng nói anh muốn học thêm nhiều để làm một trưởng thôn lành nghề. Văn hóa 9/12 thôi cũng tạm, nhưng cái thiếu là phương pháp chỉ đạo, xử lý sự vụ.

Toản thì vậy còn Đinh Văn Dũng ở Nà Ban hơi vân vi. Gia cảnh khó khăn, 4 khẩu trông vào 1.000 m2 ruộng, 10 con gà vịt nghêu ngao và mấy mẹt đậu phụ vợ làm kiếm thêm thu nhập; phụ cấp trưởng thôn trên 1 triệu đồng/tháng giúp gia đình một khoản nhưng chỉ một cú vợ ốm con đau thì nhà cận nghèo tiềm tàng. “Phụ cấp và nghiệp vụ trưởng thôn, cái nào cần kíp hơn?” - trưởng thôn cười cười, mãi chưa đáp. Tôi đoán, anh cần cả hai nhưng chưa chắc cái nào cần hơn cả.

Trong mấy trưởng thôn tôi gặp, Giàng Văn Páo ở Pín Pé, Cát Thịnh vẻ xông xênh hơn. Hỏi ra, cũng khó khăn đấy: vợ yếu, sắp sinh con, ngoài ít ruộng nguồn thu thêm là tiền bảo vệ 30 ha rừng cộng ít ngô, sắn quanh nương. “Páo cần gì Páo ơi?”. Thấy cười roi rói: “Em cố gắng học xong cái bằng THPT, học thêm cách làm trưởng thôn giỏi để giúp bà con mình nhiều hơn”. “Còn lương trưởng thôn?”. Páo lại cười: “Cũng là... quan tâm rồi. Mình cứ làm cho tốt đi mà!”.

Văn Chấn hiện có 374 trưởng thôn bản, trong đó số đông tuổi từ 45  - 50 trở lên, nhiều trưởng thôn tuổi dư 60, tâm lý muốn nghỉ ngơi hơn làm việc. Páo, Sượi, Dũng, Toản nằm trong số 35 người tuổi dưới 35 gánh chức trưởng thôn. Chuyện về họ, là thêm một góc nhìn thực tiễn về đổi mới và nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở để các cấp ủy, chính quyền suy nghĩ về việc phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ trẻ tại chỗ nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc hiện nay.

Tuấn Anh

Các tin khác
Vị trí xả tràn mới của Nhà máy Thủy điện Nậm Đông 4.

YBĐT -  Dù đã vào mùa mưa nhưng mực nước tại các suối Nậm Tộc, Nậm Đông vẫn rất khiêm tốn. Cùng với sự bồi lắng, biến dạng tại các dòng chảy, người dân vùng hạ du Mường Lò đang rất lo lắng trước nhiều bất cập nảy sinh từ khi các nhà máy thủy điện được xây dựng và đi vào hoạt động ở phía thượng nguồn.

Một điểm giết mổ tư nhân tại xã Nam Cường, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Năm 2006, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt việc chấp thuận dự án đầu tư xây dựng dây chuyền giết mổ gia cầm tại huyện Yên Bình. Và 6 năm trôi qua mà dự án vẫn còn dang dở do nhiều nguyên nhân.

Giờ ăn trưa của các cháu lớp mầm non ở Tà Xi Láng.

YBĐT - Chúng tôi về Tà Xi Láng khi đỉnh non xanh sương mù bao phủ nơi kỳ tích phá đá mở đường vẫn được người dân nhắc đến như một huyền thoại của ý Đảng lòng dân.

Lực lượng quản lý thị trường huyện Văn Yên hướng dẫn người dân cách phân biệt hàng thật, hàng giả đối với mặt hàng nước mắm tại chợ xã An Thịnh. (Ảnh: Phương Uyên)

YBĐT - Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được nói đến nhiều trong thời gian qua và đã được các cấp, các ngành quan tâm kiểm tra giám sát. Tuy nhiên việc “khuất mắt trông coi”, hình thức xử phạt còn nhẹ đã khiến nó trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục