Khóc, cười chuyện... tránh thai

Bài 1: Sợ nghèo nên phải... tránh thai

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/9/2012 | 3:00:05 PM

YBĐT - Đành rằng bất kỳ biện pháp tránh thai nào cũng có thể có xác suất nhỏ nhưng khổ nỗi, cái xác suất ấy lại cứ rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn khiến cho họ mãi luẩn quẩn trong vòng túng quẫn...

Cán bộ dân số hướng dẫn sử dụng biện pháp tránh thai cho chị Vân.
Cán bộ dân số hướng dẫn sử dụng biện pháp tránh thai cho chị Vân.

Đã quá trưa, mặc cho cái nắng ngoài trời rát bỏng, gửi cậu con trai hơn chục tháng tuổi nhờ bố chồng trông giúp, chị Trịnh Thị Hải, cán bộ chuyên trách dân số xã Mậu Đông (Văn Yên) tận tình đưa chúng tôi đến thăm gia đình chị Phạm Thị Giang, thôn 9. Chỉ cho tôi cậu bé gầy còm đang chơi trước cửa nhà, chị Hải cười bảo: "Thằng cu tên Đạt, năm nay vào lớp 1. Mọi người cứ gọi đùa nó là thằng "đội vòng" chui ra. Cũng may thằng bé sinh ra lành lặn, không bị dị tật gì".

Nghe tiếng khách quen nói chuyện ngoài sân, bà Phạm Thị Hợi, mẹ chị Giang hồ hởi chạy ra chào. Hỏi chuyện đứa cháu ngoại và "sự cố" 2 lần đặt vòng của cô con gái nuôi cũng là đứa con độc nhất, bà Hợi cười buồn:

"Khổ nỗi con bé nhà này nó là đứa tham công tiếc việc, đầu tắt mặt tối suốt ngày nào có thời gian để ý gì đến bản thân. Hai lần chửa ngoài vòng là hai lần tôi đều phải giục nó đi kiểm tra mới biết. Đứa đầu đẻ mổ, nhà lại khó khăn, sợ nó nhỡ nhàng chửa ra nguy cơ bục vết mổ như lời bác sỹ đã dặn nên bảy, tám tháng sau khi sinh thằng lớn, tôi đã đưa nó đi đặt vòng. Thế mà nó chửa lúc nào chẳng hay, đi kiểm tra thai đã được 4 tháng, bác sỹ siêu âm cho biết cái vòng nằm ở bên hông, cũng may khi sinh ra thằng bé không bị dị tật gì trên người. Mới năm ngoái thôi, mẹ nó lại chửa ngoài vòng lần nữa. Cũng chỉ vì sợ nghèo, lo khổ nên muốn con kế hoạch mà nào ngờ...".

Bà Phạm Thị Hợi và cu Đạt - thằng bé con chị Phạm Thị Giang đã “đội vòng chui ra”.

Nắng vẫn như đổ lửa trên đầu, chị cán bộ chuyên trách dân số tiếp tục đưa chúng tôi đến gia đình "nạn nhân" thứ hai phải chịu "xác suất" nhỏ từ việc tránh thai là chị Ngô Thị Vân cùng ở thôn Cầu Khai.

Thực hiện các biện pháp tránh thai hay kế hoạch hóa gia đình là  giúp các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, hướng tới thực hiện mục tiêu lớn hơn đó là ổn định quy mô dân số của quốc gia.
Trong ngôi nhà gỗ thấp lè tè lợp ngói đất, chiếc quạt cây quay hết công suất cũng chẳng đủ làm dịu đi cái nóng hầm hập từ mái nhà hắt xuống. Vẻ mệt mỏi vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt xanh xao của phụ nữ trẻ khi vừa phải trải qua ca phá bỏ cái thai 4,5 tháng -  sự cố nằm ngoài sức tưởng tượng của vợ chồng chị và không ít người dân trong xã.

Vân bộc bạch: Cháu lỡ đẻ mau, hai thằng cu, đứa 2007, đứa 2008 nheo nhóc, ăn còn chẳng đủ, vợ chồng cháu ruộng nương chẳng có chỉ đi làm thuê, làm mướn nào dám nghĩ đến chuyện sinh thêm. Biết đông con là khổ, dùng thuốc lúc quên lúc nhớ, nhỡ nhàng cũng chết nên cháu đã đến Trạm Y tế xã để tiêm thuốc tránh thai cho an toàn.

Chị Thơm, nữ hộ sinh của Trạm đã tiêm cho cháu đủ 2 mũi thuốc tránh thai DMPA: mũi 1 ngày 28/12/2011, mũi 2 ngày 28/3/2012 và chuẩn bị để tiêm mũi thứ 3 ngày 28/6/2012. Thấy trong người khang khác, cháu xuống Bệnh viện huyện Văn Yên khám và không tin vào tai mình khi bác sỹ thông báo cái thai đã được 18 tuần. Cháu đã tiêm thuốc tránh thai rồi, sao có chuyện đó được? Cháu lo rối ruột vì nhà không có lấy chút tiền dư giả. Đã thế, vợ chồng còn lục đục, cãi cọ, nghi ngờ nhau, khổ ơi là khổ. Cứ nghĩ tránh thai là an toàn rồi, ai ngờ...Vân cho biết thêm.

Như vậy, nếu tính ngược thời gian tiêm thuốc ngừa thai lần thứ hai thì tại thời điểm tiêm thuốc, chị Vân đã có thai được hơn một tháng nhưng cả chị và cán bộ của Trạm Y tế xã Mậu Đông đều không biết và vẫn tiếp tục tiêm thuốc tránh thai cho chị. Đúng lúc đó, tiếng đứa con trai nhỏ ngủ dở giấc khóc đòi mẹ trong buồng, chị Vân lật đật chạy vào.

Phiếu tiêm thuốc tránh thai của chị Vân ghi rõ ngày tiêm thuốc.

Bà Nguyễn Thị Nhiệm, mẹ đẻ chị nhìn theo con gái xót xa: "Bảo chồng nó chẳng hiểu gì chuyện phụ nữ tránh thai, tránh đẻ cư xử thế đã đành. Đằng này, cái hôm tôi đưa con bé xuống Trạm Y tế xã để nhờ các bác sỹ ở đó tư vấn giúp đỡ thì chị Thơm (cái chị đã trực tiếp tiêm thuốc cho con bé Vân) cứ nhảy lên dọa dẫm sợ trách nhiệm, ăn nói cộc cằn, không được lời an ủi, giải thích cho có tý chuyên môn nghiệp vụ nào khiến gia đình đã lo lại càng lo thêm".

Xã giới thiệu lên bệnh viện huyện, bệnh viện huyện giới thiệu về bệnh viện tỉnh... Cứ ngỡ về đến bệnh viện tỉnh là yên tâm nhưng cả một ngày trời đưa con đi khám, làm cả siêu âm 4 chiều dịch vụ chất lượng cao theo yêu cầu của các bác sỹ, chờ đợi gần hết ngày mà bác sỹ khoa sản vẫn một mực không giải quyết cho phá thai, lý do là vì thai to, bảo gia đình đi đâu làm thì đi.

Quá lo lắng, bà đưa con ra Bệnh viện Tràng An, bệnh viện này sau khi làm siêu âm cũng trả lời không đủ điều kiện làm. Mất hai ngày ăn chờ, ở trọ, dưới thành phố, cuối cùng sang đến Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe bà mẹ, trẻ em tỉnh, mẹ con bà Nhiệm được một bác sỹ ở đây giới thiệu cho một dịch vụ phá thai ngoài của tư nhân. Cứ mỗi tháng tuổi thai là một triệu đồng...

"Đã thế, trước hôm đưa con Vân về Yên Bái phá thai, nhà làm gì có tiền, vợ chồng đưa nhau đi chạy vạy mượn tiền nong, vội vàng thế nào mà còn bị ngã xe nằm ngất giữa đường, may mà người dân quanh đấy nhìn thấy sơ cứu giúp. Cơ cực vô cùng. Các bác bảo, cứ tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình nhưng đến khi không may gặp phải trường hợp như cái Vân nhà tôi, chửa ra rồi, mà chửa to nữa chứ thì người ta lại hành xử theo cái kiểu "đem con bỏ chợ", thử hỏi dân chúng tôi biết nhờ cậy vào đâu...?" - bà Nhiệm thở dài thất vọng.

Về nguyên tắc, trước khi thực hiện biện pháp tránh thai cho khách hàng, thầy thuốc phải tuân thủ nguyên tắc chuyên môn: hỏi, thăm khám kỹ (test thử thai, siêu âm, khám lâm sàng...) để loại trừ có thai; tháng đầu tiên áp dụng biện pháp tránh thai, yêu cầu khách hàng đi khám kiểm tra; khi khách hàng quên ngày có kinh chót, trễ kinh, đến tiêm thuốc không đúng hẹn, nghi ngờ nhưng chẩn đoán chưa thấy có thai phải hẹn 2 tuần sau quay lại tái khám, xét nghiệm để kịp thời phát hiện có thai ngoài ý muốn.

Xin nêu ra một trường hợp tương tự ở quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh để thấy đâu là cách hành xử có văn hóa, có trách nhiệm, hợp lý hợp tình của những ngành liên quan ở địa phương này: "...

Cứ 3 tháng một lần, chị P ở quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh lại đến Bệnh viện quận để tiêm thuốc tránh thai theo hẹn của bác sỹ. Lần tiêm gần nhất là mũi tiêm thứ 6 vào ngày 27/7. Thấy người có triệu chứng ốm nghén, chị P đến bệnh viện khám lại.

Qua siêu âm, bác sỹ phát hiện chị có thai 14 tuần. Bệnh viện Tân Phú đã có giấy chuyển viện, gửi chị P lên Bệnh viện Hùng Vương để "giải quyết"  và hỗ trợ thanh toán các khoản chi phí phá thai to tại bệnh viện cho chị". (Nguồn Dân trí.com.vn, cập nhật ngày 21/9/2007). 

>> Còn nữa

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục