Nghĩa Lợi vượt khó đi lên

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/9/2012 | 9:34:55 AM

YBĐT - Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước là động lực để các tầng lớp nhân dân vươn lên, điều quan trọng là phải biết vượt lên chính mình. Đến nay, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Lợi đang nêu cao quyết tâm đó.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Lò.
(Ảnh: Thanh Miền)
Thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Lò. (Ảnh: Thanh Miền)

Trở về Nghĩa Lợi trong những ngày hè rực nắng, gặp lại các anh, các bạn và các em mà tôi vốn thân quen từ thuở nhỏ nay đã trưởng thành trên nhiều cương vị. Hoàng Văn Siếng ngày nào bé nhỏ, trắng xinh như con gái nay là Bí thư Đảng ủy xã, anh Lò Văn Ành là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, anh Hoàng Văn Thành là Chủ tịch Hội Nông dân, Hoàng Thị Loan từ cán bộ phụ nữ đến Thường trực HĐND, nay là Phó chủ tịch UBND xã và nhiều cán bộ trẻ là con em các dân tộc của xã rất chững chạc trên từng cương vị công tác được giao.

Mọi người tiếp đón tôi như một người con ruột thịt trong cộng đồng bởi tuổi thơ của tôi những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở Miền Bắc đã gắn bó với bà con dân tộc Thái nơi đây.

Họ chở che, đùm bọc gia đình tôi cùng bao gia đình khác từ phố Nghĩa Lộ đi sơ tán, bà con cho mượn đất dựng nhà, chia đất cho trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn, bọn trẻ chúng tôi thường cùng nhảy xuống dòng suối Thia xanh mát để tắm thỏa thích, cùng rủ nhau đi học, đi rừng kiếm củi, cùng sưởi chung đống lửa giữa những ngày đông giá rét và tự lúc nào tiếng Thái đã trở thành ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày khiến anh em tôi có được cơ hội may mắn hiểu đôi chút về phong tục, tập quán, tình cảm của cộng đồng người Thái vùng Mường Lò. Họ là những con người cần cù, hồn hậu, chất phác, có lòng tự trọng, có truyền thống văn hóa lâu đời và đậm đà bản sắc.

Sau những lời hỏi thăm nồng nàn, câu chuyện giữa chúng tôi được thắp lửa từ lúc Chủ tịch xã Lê Văn An xuất hiện, anh là người được phân công chắp bút viết cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Nghĩa lợi. Trong tay anh có cuốn sơ thảo Lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1945 – 1991, nhưng từ đó đến nay Đảng bộ xã đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ, nhất là từ khi sáp nhập từ huyện Văn Chấn về thị xã Nghĩa Lộ.

Gian nan thử thách quá nhiều, thành công thu về cũng không nhỏ, cuộc sống bộn bề những khó khăn nhưng từ đó tư duy con người cũng được đánh thức theo xu hướng thời đại, đồng đất quê nhà vẫn đó, không đẻ thêm ra nhưng trong lòng nó đã và đang trỗi dậy xôn xao…

Chúng tôi cùng nhau bàn luận về truyền thống, thế là những dấu ấn lịch sử cứ ùa về trong ký ức mỗi người. Nghĩa Lợi là một trong những trung tâm của Tam tổng Mường Lò xưa, kéo dài từ bản Chao Thượng đến bản Xà Rèn theo dọc con suối Thia, kinh tế thuần nông, chủ yếu cấy lúa nước cùng với đánh bắt cá suối, trồng rau màu để cải thiện đời sống.

Người dân Nghĩa Lợi cần cù trong lao động và anh dũng trong đấu tranh. Từ mấy thế kỷ trước, tại vùng đất này đã nổi danh vị thủ lĩnh Cầm Ngọc Hánh đứng lên quy tụ dân binh đánh đuổi giặc cờ vàng, chuyện lịch sử ấy đã được ghi thành sách “Quám xấc Hán cờ lương” (Kể chuyện đánh giặc cờ vàng) bằng chữ Thái.

Trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đã có bao lớp thanh niên lên đường cầm súng chiến đấu, ở hậu phương hăng hái tăng gia, ủng hộ kháng chiến. Câu chuyện về ông Điêu Văn Phanh, ông Lò Văn Ồn dành dụm ủng hộ cách mạng trong “Tuần lễ vàng” năm xưa thật cảm động, lúc đó một con trâu với giá 15 đồng mà các ông đã ủng hộ người 60 đồng, người 100 đồng.

Không chỉ anh dũng trong kháng chiến mà ngay thời kỳ đổi mới này, câu chuyện có một không hai, có lẽ cũng nên ghi trong truyền thống Đảng bộ xã, đó là chuyện đồng chí Lò Minh Tâm tự nguyện viết đơn xin thôi chức Chủ tịch xã trước kỳ Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 – 2015 với lý do không đủ sức khỏe và năng lực quản lý điều hành, trong thời buổi chịu tác động mạnh của cơ chế thị trường thì “sự kiện Lò Minh Tâm” được coi là hành động dũng cảm, đầy trách nhiệm và đầy lòng tự trọng.

Chính vì vậy, trong thời gian gánh vác nhiệm vụ chủ tịch xã, anh Tâm đã quan tâm cử nhiều cán bộ trẻ đi đào tạo, bồi dưỡng, dần thay thế lực lượng cán bộ cũ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Nghĩa Lợi nhiều năm qua là một xã nghèo bởi đội ngũ cán bộ lãnh đạo chưa được đào tạo bài bản, tư duy kinh tế chậm đổi mới, ruộng đồng chia cắt manh mún, nông dân sống chủ yếu dựa vào hạt thóc nên cái nghèo cứ bám mãi sau lưng, con cái đành thất học, ốm đau đành bó tay, đa phần các gia đình phải bán thóc non để lấy tiền níu kéo cuộc sống, vậy là nợ năm sau đè lên nợ năm trước, có nhà mất cả ruộng phải làm thuê quanh năm.

Từ năm 2004, Nghĩa Lợi sáp nhập từ huyện Văn Chấn về thị xã Nghĩa Lộ, đồng nghĩa với việc bước vào cuộc chiến mới chống đói nghèo để cập với tiêu chí của vùng đô thị.

Để giúp Đảng bộ và nhân dân vượt qua khó khăn thử thách lớn, sau khi rà soát, nghiên cứu thực tế, Chính phủ đã xếp Nghĩa Lợi vào vùng đặc biệt khó khăn hưởng ưu đãi từ các chương trình dự án giảm nghèo quốc gia như Chương trình 135 với nguồn vốn kích cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước là động lực để các tầng lớp nhân dân vươn lên, điều quan trọng là phải biết vượt lên chính mình. Đến nay, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Lợi đang nêu cao quyết tâm đó.

Rời trụ sở ủy ban, tôi vào bản Nà Làng, một bản nhỏ nằm sát khu C của chợ Mường Lò. Cuộc sống ở đây thật nhộn nhịp, nhiều nhà biết tận dụng rơm rạ để cấy nấm sò, nấm rơm như nhà ông Hoàng Văn Đôi, nhà anh Hà Văn Quỳnh. Được biết trong xã có nhiều nhà làm nấm như nhà ông Hoàng Văn Lường ở bản Xa, ông Đinh Văn Phong bản Phán Hạ… Trên thị trường bây giờ giá bán 50.000 đồng/kg nấm sò, 80.000 đồng/kg nấm rơm, có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết.

Anh Quỳnh phấn khởi: “Tiền bán nấm đủ lo cho con cháu học hành, mua sắm quần áo và cải thiện đời sống, không phải bán thóc như trước nữa”. Đầu làng là xưởng sản xuất gạch xây dựng bằng hỗn hợp bê tông của gia đình ông Nhung, tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động, trong làng tiếng khung cửi dệt thổ cẩm lách cách rền vang, chị em tận dụng thời gian nông nhàn để dệt vải đem bán buôn trên chợ, hàng dệt đến đâu được tiêu thụ hết đến đó nên nhà nào cũng có thêm thu nhập.

Gặp mấy chị trong bộ trang phục Thái, tóc tằng cẩu, vai gánh nặng những bó rau xanh non kĩu kịt trên đường, hỏi ra mới biết các chị vào bản thu mua rau về bán trên chợ. Ái chà! Tư duy kinh tế đây! Vì công việc này trước đây chưa bao giờ thấy ở phụ nữ dân tộc Thái.

Đi chợ Mường Lò bây giờ ta đã gặp rất nhiều phụ nữ người Thái bán buôn, bán lẻ gia cầm, tôm, cua, rau màu, nhiều chị đã mở sạp hàng bán thổ cẩm tại chợ trung tâm, với thái độ cởi mở, thật thà nên khách hàng rất thích tìm đến và có cảm giác yên tâm khi mua hàng của các chị.

Từ bản Nà Làng, tôi xuống bản Xa trên con đường bê tông thênh thang, hai bên đường những ruộng lúa mới cấy đang lên xanh khi mùi rơm rạ của vụ đông xuân còn thơm nồng nàn. Giờ đây người dân đã biết thâm canh, không cho đất nghỉ, diện tích đất làm 3 vụ lên tới hơn 80%, diện tích cấy 2 vụ đạt 100%.

Chị Loan - Phó chủ tịch xã cho biết, mấy năm nay năm nào năng suất lúa cũng cao vì áp dụng cấy giống mới, chống được sâu bệnh và đạt sản lượng cao như giống Nghi hương 305, giống lai 838, lúa thuần CLC, giống KD18. Năm 2011 năng suất bình quân 2 vụ đạt 12,5 tấn/ha, sản lượng lúa 2 vụ đạt 1719, 96 tấn. Bà con còn thả cá xen lúa 2 vụ trên diện tích 21 ha, góp phần tăng giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác, năm 2012 mục tiêu đặt ra là sẽ thu nhập 100 triệu đồng/ha canh tác.

Vào khuôn viên nhà anh Lò Văn Tý, tôi thật ngạc nhiên trước hệ thống chuồng trại chăn nuôi của gia đình, khu nuôi lợn thường trên 50 con một lứa, hàng năm cho thu nhập ổn định, đầu năm không may có dịch lợn tai xanh, bị lỗ một khoản lớn nhưng người nông dân chất phác ấy không hề nản chí, anh nói dịch bệnh là rủi ro chung, nhưng mấy năm qua nếu không chịu khó chăn nuôi thì gia đình không được như bây giờ. Để phục vụ chăn nuôi an toàn, anh còn mở dịch vụ xay xát thóc lúa, ngô sắn, lấy cám nuôi lợn, nuôi gà. Đàn gà, đàn vịt dễ đến gần trăm con ào ào rỉa ngô, sốc cám kia cũng là nguồn thu nhập khá lớn đối với gia đình.

Sang nhà anh Lò Văn Tom, một người đã mạnh dạn bỏ hơn 1.000m2 ruộng thấp để đào ao nuôi cá, tuy chưa đủ làm giàu nhưng đây được coi là điển hình của người biết đổi mới tư duy, đàn cá hàng năm cũng giúp gia đình anh cải thiện rõ rệt mức sống, chấm dứt cảnh vay mượn nợ nần. Không thể đi hết theo lời giới thiệu của bà con nhưng tôi hy vọng có một ngày nào đó sẽ đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình ông Hoàng Văn Chùm ở bản Sang Thái, nghe nói gia đình ông rất khấm khá.

Rồi gia đình trưởng bản Chao Hạ Lò Văn Xuân, một điển hình làm dịch vụ cho thu nhập cao, anh chị còn có sạp hàng buôn bán thổ cẩm tại chợ Mường Lò rất đắt khách. Thế hệ trẻ của xã cũng đua nhau làm kinh tế, điển hình nhất là Lò Văn Hòa sinh năm 1981 nhờ chịu khó chăn nuôi, mở dịch vụ xay xát, thâm canh tăng vụ nên gia đình sớm khá giả.

Nghĩa Lợi không có diện tích đất đồi rừng phát triển chăn nuôi gia súc nhưng để có thêm nguồn phân hữu cơ bón ruộng và góp phần tăng thu nhập cho người dân, hàng năm xã vẫn chỉ đạo duy trì và phát triển đàn trâu bò gần 600 con, đàn lợn gần 32.000 con, chỉ đạo tăng đàn đối với đàn gia cầm đồng thời chăm lo công tác phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm.

Mặc dù là xã thuần nông, chưa đủ các điều kiện để phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ với quy mô lớn nhưng bước đầu trên địa bàn xã đã có xưởng sản xuất gạch, có nhà máy sản xuất tinh bột sắn công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm, tạo việc làm cho gần 100 lao động ổn định trong khoảng 5 đến 6 tháng và đã có một số hộ làm dịch vụ,  kinh doanh buôn bán nhỏ, góp phần mở ra hướng đi mới trong xu thế hội nhập  nền kinh tế thị trường. Dù sao đây cũng là một bước chuyển về tư duy của đồng bào dân tộc thiểu số, báo hiệu sự bứt phá trong cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo ở vùng khó khăn như Nghĩa Lợi. Khi kinh tế được cải thiện, đời sống văn hóa cũng theo đó có khởi sắc.

Đến nay, hệ thống giáo dục của xã đã khép kín từ mầm non đến THCS, các trường học đều được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Hàng năm tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đều đạt 100%. Xã duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, trẻ em dưới 6 tuổi hàng năm được tiêm chủng và khám, điều trị chu đáo, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi xuống còn 15%.

Bên cạnh đó, xã còn quan tâm hỗ trợ cho các hộ nghèo để từng bước giảm bớt khó khăn, tìm việc làm cho lao động trẻ, ngoài việc giới thiệu đi lao động nước ngoài, hàng năm xã còn xác nhận cho hơn 90 lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, phối hợp mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho phụ nữ, thanh niên… Vì vậy mỗi năm số hộ nghèo giảm được 4%, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 10 triệu đồng một năm, xã đặt mục tiêu trong năm 2012 đạt 11 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, xã đã triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020, tiếp tục hoàn chỉnh Đề án dồn điền đổi thửa tại bản Chao Hạ 1, Chao Hạ 2.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn khá cao, cuộc sống còn bộn bề những khó khăn, con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai thử thách nhưng tôi tin, với quyết tâm của tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, sự cố gắng của đội ngũ cán bộ xã, ý chí vươn lên chiến thắng nghèo khó của nhân dân các dân tộc trong xã và sự hỗ trợ đắc lực của các cấp, các ngành, Nghĩa Lợi sẽ vượt qua khó khăn để vững bước đi lên trên con đường mới.

Nguyễn Thị Thanh - Nghĩa Lợi, tháng 7 năm 2012

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục