Khóc, cười chuyện... tránh thai

Bài 2: Nỗi niềm biết tỏ cùng ai?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/9/2012 | 3:20:24 PM

YBĐT - Hiện toàn tỉnh Yên Bái đã thực hiện lồng ghép nhân viên y tế thôn bản và dân số được khoảng 70% số cán bộ dân số ở cơ sở. Song nguy cơ để mất đội ngũ cán bộ dân số cơ sở dày dạn kinh nghiệm và nhiệt huyết với phong trào là điều đáng lo ở cơ sở. >> Bài 1: Sợ nghèo nên phải... tránh thai

Phiếu siêu âm của Bệnh viên Đa khoa tỉnh Yên Bái xác định thai của chị Nguyễn Thị Vân đã 17 tuần tuổi.
Phiếu siêu âm của Bệnh viên Đa khoa tỉnh Yên Bái xác định thai của chị Nguyễn Thị Vân đã 17 tuần tuổi.

Nước mắt lưng tròng chị Vân nghẹn ngào: "Nếu được tạo điều kiện phá thai ở bệnh viện Nhà nước thì gia đình cháu đã chẳng phải mang nợ thế này. Lo cái thai mỗi ngày mỗi lớn, vợ chồng cháu cuống cuồng xuống Trạm Y tế xã. Biết hoàn cảnh gia đình cháu khó khăn nên bác Trạm trưởng cho cháu 100.000 đồng đi đường uống nước. Cầm tờ giấy giới thiệu của bác ấy viết cho đến Bệnh viện huyện nhờ các bác sỹ giúp, các bác sỹ ở đây bảo thai của cháu to, Bệnh viện không đảm bảo điều kiện giải quyết nên viết giấy giới thiệu cho cháu về Bệnh viện tỉnh. Về đến Bệnh viện tỉnh, siêu âm đi siêu âm lại, rốt cuộc bác sỹ vẫn một mực khăng khăng không làm được vì thai to. Gia đình cháu cắn răng đi làm dịch vụ ngoài, mỗi tháng tuổi thai là một triệu đồng, cái thai 4 tháng rưỡi, chi phí 4,5 triệu đồng, đấy là chưa kể đến tiền khám xét, chi phí ăn ở, đi lại, tất cả gần 8 triệu đồng…".

Nén tiếng thở dài, bà Nhiệm (mẹ chị Vân) rầu rầu: "Đi viện về nghỉ ngơi được đâu có vài ngày là con bé lại lao đi làm cỏ sắn và đóng bầu cây giống thuê ở mãi dưới Mậu A… Đã khó lại còn thêm nhiều cái khổ. Đi phá thai về tưởng thế là xong, ai dè cháu nó còn bị sót rau, cứ đau bụng rong huyết ốm đau cả tháng, mới rồi phải xuống bệnh viện huyện nạo lại. Bác sỹ khuyên nên ở lại viện 2 tháng để điều trị nhưng nằm đấy thì lấy gì mà ăn, lại còn hai đứa con nhỏ phải đưa đón học hành nữa chứ … Mà cũng lạ, hiện đại như Bệnh viện tỉnh hay một số cơ sở khám chữa bệnh công lập tuyến tỉnh lại không giải quyết được một trường hợp phá thai to như vậy để người dân phải tìm đến cơ sở khám chữa bệnh của tư nhân để làm việc này?...".

Chị Ngô Thị Vân và 2 đứa con nhỏ.

Chị Trịnh Thị Hải - người có thâm niên trên chục năm là cán bộ chuyên trách dân số ở xã Mậu Đông phân trần: "Khi biết chị em mình gặp phải sự cố này, chúng tôi cũng rất bối rối. Hỗ trợ tiền nong thì bên dân số xã cũng chẳng có cơ chế nào cụ thể để giúp đỡ đối tượng. Còn về địa phương, xã cũng chỉ cho được 200 nghìn đồng gọi là hỗ trợ tiền đi lại, chẳng thấm tháp gì với số tiền sáu, bảy triệu đồng mà gia đình phải đã bỏ ra, khổ nỗi đấy lại là tiền đi vay ngoài, lãi suất 3,5% ngày. Chúng tôi cũng đã tìm hỏi các cơ quan chuyên môn của huyện nhưng đâu cũng bảo là phải có phiếu thu và các giấy tờ của  bệnh viện Nhà nước mới được thanh toán mà gia đình lại phải làm dịch vụ ngoài thì làm sao có được ?".

Bà Nguyễn Thị Thiên - Giám đốc Trung dân Dân số/Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) huyện Văn Yên cho rằng: "Với hàng nghìn đối tượng áp dụng các biện pháp KHHGĐ mỗi năm thì huyện Văn Yên vẫn là một trong những địa phương của tỉnh có tỷ lệ thất bại trong áp dụng các biện pháp ngừa thai thuộc loại thấp. Hàng năm, Trung tâm DS/KHHGĐ huyện vẫn thực hiện thanh toán đầy đủ chế độ cho các đối tượng gặp thất bại trong áp dụng các biện pháp ngừa thai. Tuy nhiên, về nguyên tắc, đối tượng phải đảm bảo các thủ tục giấy tờ của các cơ sở khám chữa bệnh công lập…

Mặc dù biết đối tượng của mình thiệt thòi nhưng chúng tôi chưa biết phải vận dụng thế nào bởi nguồn kinh phí này là do Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh cấp… Đây cũng là thiếu sót của cơ sở và địa phương khi chưa sâu sát quản lý, theo dõi tốt đối tượng KHHGĐ để tư vấn giúp đỡ kịp thời". Còn ông Lương Kim Đức - Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Chi cục DS/KHHGĐ cũng cho rằng: cần phải chấn chỉnh lại hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế và dân số ở cơ sở không để những "sự cố" nhỏ làm ảnh hưởng hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, DS/KHHGĐ của địa phương - Bà Thiên bổ sung thêm.

Cần coi trọng công tác DS-KHHGĐ

Trên đây chỉ là hai trong số những trường hợp không may rơi vào tỷ lệ thất bại trong áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu vắng hẳn vai trò gắn kết, cộng đồng trách nhiệm của các ngành chuyên môn, nhất là lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của những người vẫn được ví như "từ mẫu" của dân.

 Nhiều người đặt câu hỏi: Cái cách hành xử theo kiểu mà những nhân viên của ngành y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh đã làm đối với gia đình đối tượng gặp "sự cố" ở địa phương trên có chấp nhận được hay chăng? "Một sự bất tín, vạn sự bất tin" và hệ lụy của nó là công tác tuyên truyền, vận động thực hiện DS/KHHGĐ ở Mậu Đông đang đứng trước không ít khó khăn. Nhiều đối tượng không còn mấy mặn mà với các biện pháp tránh thai lâu dài đã thu hút số cặp vợ chồng tự nguyện tham gia thực hiện đạt tỷ lệ cao những năm trước đó như đình sản, đặt vòng, tiêm thuốc tránh thai. Tâm lý nhiều chị em có sự dao động.

Năm nay, ở xã Mậu Đông gia tăng đột biến số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên, với khoảng 6 trường hợp, gấp đôi so với năm 2011, trong khi đó tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của địa phương này vẫn đang ở mức cao (1,6%). Đây cũng là khó khăn chung trong công tác DS/KHHGĐ của huyện Văn Yên khi mà dự báo số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên của năm sau của toàn huyện sẽ còn gia tăng khó kiểm soát.

Nếu được giải quyết ở cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước gia đình chị Vân chắc chắn sẽ không phải mất tới khoản tiền 4,5 triệu đồng.

Chị Trịnh Thị Hải, cán bộ chuyên trách công tác dân số xã Mậu Đông cho rằng: "Sác xuất thất bại trong thực hiện các biện pháp KHHGĐ cũng là một trong số nguyên nhân khiến cho một số chỉ tiêu công tác DS/KHHGĐ của địa phương đạt thấp, lý do là tâm lý chị em có phần bị dao động, không yên tâm tin tưởng vào biện pháp tránh thai".

Ngoài ra, việc lồng ghép nhân viên y tế và dân số thôn bản đi đôi với việc thay thế đội ngũ cán bộ dân số lâu năm, không đạt chuẩn về trình độ chuyên môn bằng đội ngũ dân số thôn bản được đào tạo theo hướng chuyên môn hóa, song lại hạn chế do độ tuổi trẻ, thiếu vốn sống, kinh nghiệm và kỹ năng tuyên truyền nên hiệu quả vận động thực hiện DS/KHHGĐ không cao, khó khăn nhất là vùng đồng bào dân tộc.

Chiến lược DS/KHHGĐ và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 xác định và coi công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội. Trong khi hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có một số địa phương gần kề với tỉnh Yên Bái, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã, phường đã được biên chế vào trạm y tế thành viên chức xã thì đội ngũ cán bộ chuyên trách ở các xã, phường trong tỉnh vẫn thấp thỏm trong cảnh chờ đợi cơ hội, bấp bênh đứng ngoài rìa biên chế viên chức của trạm y tế xã, phường.
Được biết, hiện toàn tỉnh đã thực hiện lồng ghép nhân viên y tế thôn bản và dân số được khoảng 70% số cán bộ dân số ở cơ sở. Như huyện Văn Yên, trong năm 2011-2012, một loạt cán bộ chuyên trách dân số ở thôn, bản đã được thay mới. Từ đầu năm đến nay, đã thay tiếp 4 cán bộ và tiếp tục sẽ còn thay nữa trong năm 2013. Không ít người đã chuyển nghề, thậm chí "giải nghệ" ở nhà làm công việc khác…

Nguy cơ để mất đội ngũ cán bộ dân số cơ sở dày dạn kinh nghiệm và nhiệt huyết với phong trào là điều đáng lo ở cơ sở. Tuy nhiên, nếu không chủ động và có cách thức tuyên truyền, vận động hiệu quả và bền chắc, rất có thể chúng ta lại lần nữa phải đối mặt với nguy cơ bùng nổ dân số, nhất là ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc. 

Ông Lương Kim Đức - Giám đốc Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh cảnh báo: "Tỉnh Yên Bái đang trong tình trạng báo động về mất cân bằng giới tính và xu thế này chỉ có tăng chứ chưa thể giảm trong khi tỉnh vẫn chưa đạt được mức sinh thay thế. Đây thực sự là thách thức lớn đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải luôn quan tâm tới vấn đề DS-KHHGĐ, coi đây như một giải pháp quan trọng nhằm góp phần tạo sức mạnh về nhân lực cho địa phương, làm nền tảng đem lại hạnh phúc cho nhân dân, trong đó để thực hiện thành công, không thể thiếu sự cộng đồng trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội…".

Câu nói "Cán bộ nào phong trào ấy", với công tác DS/KHHGĐ ở Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Việc kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân số có trình độ chuyên môn là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, song cũng cần tính toán và sử dụng hợp lý, không để uổng phí đội ngũ cán bộ dân số cơ sở giỏi kỹ năng, giàu kinh nghiệm và tận tâm, nhiệt huyết với phong trào. Thêm nữa, chính quyền các cấp cần quan tâm đặt công tác DS/KHHGĐ sao cho xứng tầm với vai trò, vị trí trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhóm P.V XH

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục