Sống chung với tử thần
- Cập nhật: Thứ tư, 19/9/2012 | 3:54:21 PM
YBĐT - Chính quyền xã Mường Lai, huyện Lục Yên (Yên Bái) cần có những biện pháp kiên quyết hơn với những hộ dân cố tình không di chuyển đến nơi ở mới, tránh những thảm họa khó lường của thiên tai có thể xảy ra.
Đập Từ Hiếu - mối nguy hiểm luôn rình rập những hộ dân sống liều dưới chân đập.
|
Xã Mường Lai, huyện Lục Yên có 3 đập thủy lợi lớn đó là: Từ Hiếu, Loong Đen và hồ Tạng An. Theo thống kê có 143 hộ nằm trong vùng nguy hiểm thuộc diện phải di dời. Đặc biệt, từ sự cố đập Từ Hiếu bị rò rỉ, nguy cơ vỡ đập đã được cảnh báo nhưng đến nay, nhiều hộ dân vẫn cố thủ dưới chân đập mặc cho tử thần đang rình rập hàng ngày.
Sống chung với tử thần
Theo thống kê, xã Mường Lai có hàng trăm hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm dưới chân đập ven suối và chân núi đá. Để đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân, xã đã lập danh sách 149 hộ dân với 652 nhân khẩu phải di dời khẩn cấp khỏi vùng nguy hiểm.
Theo đó, xã cũng đã được đầu tư khu tái định cư mới với diện tích trên 80.000m2 mỗi hộ dân chuyển đến được cấp trên 300m2 đất, và được hỗ trợ kinh phí di chuyển là 10 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay, nhiều hộ dân nhất là những hộ sống dưới chân đập thủy lợi Từ Hiếu vẫn bất chấp nguy hiểm không chịu di dời.
Được biết, công trình đập thủy lợi Từ Hiếu khởi công từ tháng 12/1996, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2000, có độ cao trên 20 m, thể tích nước 2,8 triệu m3. Sau một thời gian đưa vào sử dụng, đập đã bị rò rỉ, mặc dù đã được gia cố nhưng đây chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời, nguy cơ vỡ đập là rất lớn, vì vậy, việc di dời các hộ dân sống dưới chân đập là việc cấp thiết khi đang vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn không chịu di dời chấp nhận sống chung với tử thần.
Cách chân đập Từ Hiếu chưa đầy 100 mét, gia đình anh Hoàng Văn Trình vẫn vô tư sống dưới chân đập từ năm 1969 đến nay. Anh cho biết: “Vẫn biết sống ở đây rất nguy hiểm nhưng do căn nhà đưa vào sử dụng đã lâu nếu tháo dỡ, nhiều phần sẽ bị hư hỏng phải thay mới mất mấy chục triệu đồng nên biết là nguy hiểm nhưng cũng đành bó tay”.
Gia đình bà Hoàng Thị Vẻ có hai căn nhà sàn, được sự vận động của chính quyền xã, gia đình đã chuyển ra khu tái định cư được một căn nhà. Bà cho biết: “Sống dưới chân đập thì nguy hiểm lắm nhiều hôm mưa to, gió lớn không dám chợp mắt có hôm thức trắng đêm. Nói dại, nếu có vỡ đập thì chết người chứ chẳng chơi. Chính quyền xã đã đến vận động nhiều lần nhưng do hoàn cảnh khó khăn căn nhà trước chuyển đi vẫn chưa trả nợ xong nên gia đình tôi chưa có điều kiện...”.
Thôn 8 xã Mường Lai là hạ lưu của 3 đập nước lớn, nơi đây thường xảy ra sạt lở đá, lũ quét và ngập lụt. Gia đình anh Hoàng Văn Thụy là một hộ nghèo của thôn, mỗi khi lũ về, nước tràn vào nhà, ngôi nhà của anh bị cô lập hoàn toàn. Phía sau nhà là vách đá thường xuyên xảy ra sạt lở.
Biết là sống ở đây rất nguy hiểm, gia đình cũng muốn di chuyển nhưng hoàn cảnh quá khó khăn. Căn nhà đã xây dựng được gần 30 năm, cột kèo đã mục nát, nếu tháo ra phải thay gần như hoàn toàn. Anh Thủy tâm sự: “Mưa gió cả nhà nơm nớp lo sợ. Muốn chuyển đi nhưng nhà đã cũ quá rồi chỉ còn cách làm mới. Khổ nỗi, gia đình không có đủ tiền nên cứ sống liều vậy thôi”.
Khu tái định cư và những bất cập
Nguyên nhân nhiều hộ dân vẫn cố thủ ở vùng nguy hiểm một phần do khó khăn về kinh tế không có điều kiện di chuyển nhưng một phần do ở khu tái định cư Mường Lai còn quá nhiều bất cập. Sau nhiều ngày tháng “khát” điện, “khát” nước, cuối cùng điện thắp sáng và nước sinh hoạt cũng đã đến với người dân tái định cư.
Tuy nhiên, hiện nay nhân dân vẫn sử dụng điện do huyện cấp tạm, dùng chung một công tơ, tiền điện chia đều cho các hộ nên nhiều người rất bức xúc. Khu tái định cư mới không những không an toàn mà còn nguy hiểm bởi taluy sau các nhà dân chưa được giật cấp nên thường xuyên bị sạt lở. Mặc dù nước sinh hoạt đã về với bà con nhưng hiện vẫn chưa có đồng hồ đo nước.
Ông Hoàng Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Mường Lai kiến nghị: “Cần phải có đồng hồ đo nước để còn tính tiền, sau này còn có kinh phí tu sửa bảo vệ nguồn nước cho bà con”.
Khó khăn nhất hiện nay là công trình vệ sinh. Nhà nọ cách nhà kia chỉ vài bước chân, lúc mưa to thì nước thải vệ sinh của nhà này chảy tràn sang cả nhà khác. Gia đình chị Ma Thị Dịu chuyển từ thôn Loong Đeng đến khu tái định cư từ tháng 11/2011 nhưng đến nay vẫn chưa có nhà vệ sinh.
Vừa gặp chúng tôi chị bức xúc: “Nhà giáp nhà, nền mình lại cao hơn nhà khác nếu không làm vệ sinh tự hoại thì chảy xuống nhà khác mà làm thì không có kinh phí nên không dám làm. Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho dân”.
Những khó khăn về các công trình sinh hoạt là có thật nhưng cũng mới chỉ là một phần lý lẽ các hộ đưa ra. Vấn đề cốt lõi ở khu tái định cư là việc người dân phải có đất sản xuất, có đất để chăn nuôi, nhiều hộ cho rằng khu tái định cư quá chật chội. Để có miếng cơm ăn, mỗi ngày người dân phải đi hàng chục cây số trở về nơi cũ để sản xuất, thóc gạo làm ra bán đi không đủ tiền xăng xe đi lại.
Chị Hoàng Thị Dũng, sinh sống tại khu tái định cư mới bức xúc: “Đành rằng sống ở chỗ cũ nguy hiểm nhưng sinh hoạt, làm ăn còn dễ dàng hơn. Sống ở đây thiếu thốn đủ thứ, không chăn nuôi, không trồng cấy được loại cây gì, cứ như thế này thì biết sống làm sao?”.
Một số hộ dân đã chuyển đến khu tái định cư nhưng rồi lại quay về chỗ cũ. Điển hình là gia đình ông Lý Văn Tám, là hộ nằm dưới chân đập Từ Hiếu, được chính quyền vận động và bố trí cho di dời đến khu tái định cư của xã. Tuy nhiên, ra nơi ở mới chưa đươc bao lâu do khó khăn về điện, nước, đi lại lao động quá xa và taluy sau nhà thường xuyên bị sạt lở, nước ngập úng vào tận nhà, gia đình ông đã quay lại chỗ cũ dựng một căn nhà nhỏ để canh tác, mặc cho nguy hiểm luôn rình rập.
Gia đình anh Nông Văn Nhiều, dựng nhà ở khu tái định cư cũng bị taluy sạt tràn vào nhà lại chuyển về chỗ cũ. Có hộ đang dựng nhà dở nhưng vì tình trạng sạt lở taluy không kém phần nguy hiểm cộng với những khó khăn khác nên đã phải mua đất chỗ khác để ở. Đó là những hộ có kinh tế khá hơn, còn nhiều hộ khó khăn thì bắt buộc phải ở lại.
Trưởng thôn Hoàng Văn Chí bảo rằng: “Ở đây làm gì cũng khó, do ở với khu vực sản xuất nên việc quản lý, ruộng, vườn, cây cối gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó nếu làm nhà vệ sinh mới cũng mất 20 triệu đồng, đây là một khoản tiền lớn với nhiều hộ nghèo nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước”.
Theo ông Hoàng Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Mường Lai, hiện nay vẫn còn khoảng 30 hộ vẫn chưa di dời mặc dù chính quyền đã vận động hết cách. Nếu khu tái định cư không được hoàn thiện và nâng cấp thêm thì việc vận động di dời dân đến đây sẽ rất khó khăn.
Thiết nghĩ, việc xây dựng khu tái định cư cần được thiết kế cho phù hợp với phong tục, tập quán của người dân vùng cao. Tránh việc đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng chỉ ít hộ dân đến ở hoặc chỉ dựng tạm túp lều giữ đất còn người dân vẫn sống ở nơi cũ.
Hiện nay, đang vào mùa mưa bão để đảm bảo tài sản tính mạng của người dân, trước mắt, chính quyền xã cần tăng cường vận động những hộ dân đang sống trong vùng nguy hiểm di chuyển ngay đến nơi ở mới an toàn. Đồng thời, có biện pháp đảm bảo những điều kiện cần thiết tối thiểu trong cuộc sống sinh hoạt, từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn của khu tái định cư, tạo niềm tin đối với nhân dân.
Chính quyền xã Mường Lai cần có những biện pháp kiên quyết hơn với những hộ dân cố tình không di chuyển đến nơi ở mới, tránh những thảm họa khó lường của thiên tai có thể xảy ra.
Thông Triệu
Các tin khác
YBĐT - Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước là động lực để các tầng lớp nhân dân vươn lên, điều quan trọng là phải biết vượt lên chính mình. Đến nay, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Lợi đang nêu cao quyết tâm đó.
YBĐT - Hiện toàn tỉnh Yên Bái đã thực hiện lồng ghép nhân viên y tế thôn bản và dân số được khoảng 70% số cán bộ dân số ở cơ sở. Song nguy cơ để mất đội ngũ cán bộ dân số cơ sở dày dạn kinh nghiệm và nhiệt huyết với phong trào là điều đáng lo ở cơ sở. >> Bài 1: Sợ nghèo nên phải... tránh thai
YBĐT - Đành rằng bất kỳ biện pháp tránh thai nào cũng có thể có xác suất nhỏ nhưng khổ nỗi, cái xác suất ấy lại cứ rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn khiến cho họ mãi luẩn quẩn trong vòng túng quẫn...
YBĐT - Dù đã 2 năm trôi qua, khu tái định cư của dự án vẫn chỉ nằm trên giấy nên những người dân trong diện thu hồi đất như gia đình anh Thăng vẫn phải ở trong cảnh tạm bợ, không biết khi nào mới có đất tái định cư để ổn định cuộc sống.