Ngòi Vồ có điện vẫn tốn tiền dầu

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/9/2012 | 2:54:08 PM

Có điện nhưng người dân vẫn phải mất tiền mua dầu thắp sáng để phục vụ cuộc sống. Hàng tháng, tiền mua dầu thắp sáng, tiền nạp bình ắc quy của phần lớn các hộ gia đình ở đây còn nhiều hơn hóa đơn thu tiền điện.

Dù có điện nhưng người dân Ngòi Vồ vẫn phải gắn bó với đèn dầu và các thiết bị tích điện của Trung Quốc.
Dù có điện nhưng người dân Ngòi Vồ vẫn phải gắn bó với đèn dầu và các thiết bị tích điện của Trung Quốc.

Người dân thôn Ngòi Vồ vẫn đang mong ước về một lưới điện ổn định để được quạt mát mỗi khi đi làm về, được xem ti vi để nâng cao dân trí, cho con cháu có ánh sáng học bài và được đăng ký sử dụng điện ba pha để phát triển sản xuất…

Từ ngày giải thể hợp tác xã điện, Trạm hạ thế Tân Hương 1 (máy 1) nằm trong sự quản lý của Điện lực Yên Bình (ĐLYB). Năm 1994, người dân khu vực này đã rất phấn khởi được đón dòng điện sáng phục vụ cuộc sống mà không nề hà việc đóng góp tiền mua dây, mua cột để kéo điện từ trạm hạ thế về.

Sau khi hợp tác xã điện giải thể, theo luật, đường điện phải được đầu tư mới bán điện trực tiếp cho nhân dân và thanh lý đường dây, cột trả lại cho dân. Song, từ đó đến nay, ngoài việc kiểm tra sửa chữa, thay thế đôi chỗ đường dây yếu hay cột  đổ, hỏng do mưa bão thì chưa có một sự đầu tư nào thêm và ngành điện vẫn đang thu tiền trên đường dây của nhân dân đóng góp. Đó là một sự bất hợp lý nhưng người dân hoàn toàn hợp tác vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, đến nay đường dây đã quá yếu, xuống cấp, mất an toàn và không đảm bảo đủ tải để người dân được sử dụng điện ổn định. Nguyên nhân chính là bởi trạm hạ thế quá tải, không nằm trong giới hạn cho phép. Theo quy định, mỗi trạm hạ thế được phép cấp điện trong bán kính 1- 1,5 km nhưng từ Máy 1 - Tân Hương đến Ngòi Vồ dài tới 4km.

Dù có điện nhưng người dân Ngòi Vồ vẫn phải gắn bó với đèn dầu và các thiết bị của Trung Quốc.

Ông Hoàng Xuân Thạch - Bí thư Chi bộ thôn Ngòi Vồ chỉ cho tôi thấy cả một quãng dài chừng 1km đường điện kéo qua đồi, không có người sử dụng để về đến địa bàn thôn. Đến Ngòi Vồ, tôi gặp ông Nguyễn Ngọc Thứ - người được ký hợp đồng với ĐLYB, hàng tháng chịu trách nhiệm thu tiền điện, bảo vệ tuyến và phát hành lang điện của trên 200 hộ dân trên địa bàn.

Nhà ông Thứ nằm ngay mặt đường quốc lộ 70, đó là ngôi nhà xây khang trang với đầy đủ thiết bị điện phục vụ sinh hoạt. Nhưng, ông Thứ cho biết, nhà ông ở ngay mặt đường, một mình nhà ông một đường dây đấu thẳng vào đường trục cách có 5 mét nhưng điện cũng rất phập phù, nhất là vào giờ cao điểm thì hoàn toàn không sử dụng được các thiết bị điện. Rất khó để xem được chương trình thời sự trên ti vi vào lúc 19 giờ, tình trạng còn khó khăn hơn nhiều khi đi sâu vào địa bàn thôn.

Ông Thạch cho biết, hàng tháng người dân vẫn nhận hóa đơn thanh toán tiền điện nhưng nhà nhiều cũng chỉ mất vài chục nghìn, tiền trăm rất ít, thường là chỉ hơn chục nghìn một hộ. Lý do không phải người dân không có nhu cầu mà là điện không đảm bảo để có thể tiêu thụ.

Ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Điện lực Yên Bình:

Do đường dây quá dài, nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao nên khu vực thôn Ngòi Vồ (Tân Hương) tình trạng điện áp kém, không ổn định là đúng.

Thực tế, năm 2009 ĐLYB tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn gồm 23 xã trên địa bàn huyện với khối lượng rất lớn do vậy nguồn vốn đầu tư rất khó khăn. Tuy nhiên, ngành từng bước triển khai đầu tư ở những chỗ có nguy cơ mất an toàn trước. Vừa qua, đã đầu tư được một loạt xã.

Riêng khu vực Ngòi Vồ - Tân Hương đã lập dự án đầu tư ở khu vực này một trạm hạ thế và đường dây 0,4KV để đảm bảo điện năng ổn định phục vụ nhân dân. Hiện đã tìm được nguồn vốn, ĐLYB đã lập danh mục để công ty phê duyệt, trên cơ sở đó triển khai thi công.

Việc đầu tư, nâng cấp đòi hỏi nguồn vốn rất lớn từ 2 - 3 tỷ đồng, do vậy rất cần được sự thông cảm và chia sẻ của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân để hướng tới mục tiêu đến năm 2015 lưới điện hạ áp nông thôn được đầu tư nâng cấp, đảm bảo an toàn cấp điện cho nhân dân.

Theo chân ông Thạch, ông Thứ đi vào sâu trong thôn, chúng tôi được vợ chồng anh Trần Văn Kết và Trần Thị Mơ xởi lởi tiếp đón. Cầm ấm trà chưa kịp pha, anh Kết với tay bật chiếc bóng điện đỏ lừ như để minh chứng thực trạng lưới điện ở vùng sâu. Đó là ban ngày bà con đi làm hết và cũng chưa đến giờ cao điểm mà điện cũng chỉ sáng được như vậy nên các thiết bị phục vụ cuộc sống như: ti vi, quạt, nồi cơm điện có cũng chỉ để đấy đều không sử dụng được.

Chị Mơ giãi bày: "Hàng đêm cứ phải đặt chuông đồng hồ báo thức lúc 2, 3 giờ sáng để dậy bơm nước bởi ban đêm, ít người dùng thì mới bơm được. Ấy vậy mà vào những ngày nắng nóng thì có khi mỗi đêm dậy đến 2, 3 lần vẫn chưa thể bơm nổi nước, nhất là những đợt nắng nóng kéo dài thì téc nước có khi để khô hàng tuần".

Chị Mơ mang cho tôi xem vô khối các loại đèn và chiếc ắc quy 35A mà gia đình anh chị sưu tầm để phục vụ thắp sáng ngoài đèn pin, đèn dầu. Trung bình mỗi tháng gia đình anh chị chỉ mất khoảng 15 - 17 nghìn tiền điện chủ yếu là sử dụng bơm nước buổi đêm, ngoài ra còn khoảng trên 10 nghìn tiền dầu hỏa và 20 nghìn tiền nạp bình ắc quy. Một bình ắc quy 35A nạp no mất 5.000 đồng thì dùng thắp sáng được 1 tuần, chủ yếu phục vụ 2 đứa con học bài. 

Từ nhà anh Kết chúng tôi sang nhà ông Hầu Xuân Đức cách đó không xa. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn tối om, ông Đức chỉ vào những đồ điện trong nhà giọng bức xúc: "Điện ở đây vừa yếu vừa không ổn định. Đi làm về nóng nực thế này mà bật cái quạt cứ kêu o o, lờ đờ không chạy nổi. Nồi cơm điện thì có cắm cũng không sôi được, biết bao nhiêu bóng điện cháy rồi. Còn cái ti vi, thằng cháu cứ tí táy mở điện thì phập phù chỉ sợ nó cháy hỏng mất nên cứ phải quát cấm nó không được bật".

Cũng như hộ gia đình anh Kết chị Mơ, hóa đơn tiền điện mỗi tháng của nhà ông Đức chỉ mất hơn chục nghìn, chủ yếu là bơm nước ban đêm. Câu chuyện của ông Đức, ông Thạch, ông Thứ mỗi lúc lại rôm rả. Ông Đức chỉ ông Thạch nửa đùa nửa thật:

- Đấy cô xem nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã điện mà còn phải bỏ dân, để lo điện cho riêng mình. Ông Thạch chỉ cười trừ. Chẳng là, do lưới điện không ổn định  nên ông Thạch đã cùng 4 hộ khác lập thành một nhóm tự nguyện đầu tư tiền dây, tiền cột xin kéo điện từ km11 về nhà, mỗi hộ mất 2,6 triệu đồng để được sử dụng điện.

Ông Hầu Xuân Đức người ngồi trong hàng bên trái) tâm sự: "Là những hộ di dân từ vùng hồ Thác Bà về đây, tôi cũng như  hết thảy người dân ở Ngòi Vồ giờ chỉ mong muốn là lưới điện được đầu tư cải tạo để điện áp ổn định, cuộc sống đỡ tăm tối cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng".

Ông Thứ cho biết, đã có những hộ đăng ký sử dụng điện kinh doanh ba pha nhưng Chi nhánh điện không đồng ý bởi điện sinh hoạt còn khó khăn là thế làm sao có thể đảm bảo điện sản xuất. Còn đầu tư trạm hạ thế theo nguyện vọng của dân thì câu trả lời là đã có dự án nhưng vẫn phải chờ. Bởi vậy mà biết bao nhiêu kiến nghị của nhân dân, của chính quyền địa phương thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội rồi cán bộ cấp trên về làm việc với xã nhưng kết quả vẫn chỉ là chờ đợi và... chờ đợi...

Tình trạng lưới điện không ổn định và không được cải tạo kéo dài khiến Đảng ủy, chính quyền địa phương cũng "lực bất tòng tâm". Ông Hoàng Xuân Thạch - Bí thư Chi bộ thôn, ông Vương Kim Hội - Trưởng thôn cho biết, cuộc họp thôn nào cũng kéo dài và hết sức gay gắt vì phản ánh của nhân dân về lưới điện. Mới đây nhất vào tháng 8/2012, người dân đồng loạt phản ứng bằng cách không nộp tiền điện.

Ông Nguyễn Ngọc Thứ kể: Cuối tháng 8 vừa qua, đúng lịch hẹn, điểm hẹn thu tiền điện hàng tháng ông đến thấy các hộ dân đều có mặt đông đủ như mọi lần nhưng không một ai đóng tiền. Họ nói sẽ không nộp tiền nếu tình hình điện không được cải thiện. Sau khi cùng lãnh đạo thôn tuyên truyền, giải thích các hộ đều đã đóng tiền nhưng  cũng không quên kèm theo "những kiến nghị" đã cũ.

Chia tay Tân Hương, chia tay Ngòi Vồ, tất cả những người dân chúng tôi gặp ở đây đều có chung một mong ước, đó là: "Có một lưới điện ổn định để phục vụ cuộc sống sinh hoạt". Nguyện vọng của bà con về một dòng điện ổn định để được thắp sáng, được xem ti vi, được hàng đêm ngon giấc thay vì phải lục đục dậy bơm nước lúc nửa đêm, cao hơn là được đăng ký sử dụng điện ba pha để sản xuất, kinh doanh là rất chính đáng cần được Nhà nước và ngành điện quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân và thúc đẩy kinh tế - văn hóa nông thôn phát triển.

Ngọc Tú

Các tin khác
Đập Từ Hiếu - mối nguy hiểm luôn rình rập những hộ dân sống liều dưới chân đập.

YBĐT - Chính quyền xã Mường Lai, huyện Lục Yên (Yên Bái) cần có những biện pháp kiên quyết hơn với những hộ dân cố tình không di chuyển đến nơi ở mới, tránh những thảm họa khó lường của thiên tai có thể xảy ra.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Lò.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước là động lực để các tầng lớp nhân dân vươn lên, điều quan trọng là phải biết vượt lên chính mình. Đến nay, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Lợi đang nêu cao quyết tâm đó.

Phiếu siêu âm của Bệnh viên Đa khoa tỉnh Yên Bái xác định thai của chị Nguyễn Thị Vân đã 17 tuần tuổi.

YBĐT - Hiện toàn tỉnh Yên Bái đã thực hiện lồng ghép nhân viên y tế thôn bản và dân số được khoảng 70% số cán bộ dân số ở cơ sở. Song nguy cơ để mất đội ngũ cán bộ dân số cơ sở dày dạn kinh nghiệm và nhiệt huyết với phong trào là điều đáng lo ở cơ sở. >> Bài 1: Sợ nghèo nên phải... tránh thai

Cán bộ dân số hướng dẫn sử dụng biện pháp tránh thai cho chị Vân.

YBĐT - Đành rằng bất kỳ biện pháp tránh thai nào cũng có thể có xác suất nhỏ nhưng khổ nỗi, cái xác suất ấy lại cứ rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn khiến cho họ mãi luẩn quẩn trong vòng túng quẫn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục