Tái định cư - dân chẳng “an cư”

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/9/2012 | 9:56:44 AM

YBĐT - Khu tái định cư như một ngôi làng bỏ hoang. Những căn nhà nhỏ không vách, cái thì mái lợp dở dang, cái trơ trọi bộ khung và đều dựng lác đác, thò ra thụt vào trên những khoảnh đất được cấp, bể nước xây giữa khu TĐC thì nứt nẻ, khô khốc.

Mặc dù được đưa vào sử dụng từ năm 2009 nhưng khu tái định cư 1 xã Lâm Giang, huyện Văn Yên vẫn còn nhiều hộ chưa chuyển đến.
Mặc dù được đưa vào sử dụng từ năm 2009 nhưng khu tái định cư 1 xã Lâm Giang, huyện Văn Yên vẫn còn nhiều hộ chưa chuyển đến.

Trong những năm qua, hàng trăm hộ dân ở vùng cao sống trong khu vực nguy hiểm lũ quét, sạt lở đất đã được di dời đến nơi an toàn. Người dân đến nơi ở mới được cấp đất làm nhà, hỗ trợ tiền dựng nhà mới... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu tái định cư (TĐC) hiệu quả không cao, đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng chỉ có vài ba hộ đến ở, còn hầu hết không di dời hoặc chỉ dựng tạm túp lều giữ đất mà vẫn sống ở nơi cũ...

Đi... lại về

Năm 2008, sau trận lũ quét kinh hoàng ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên làm 8 người bị chết, xã đã được đầu tư 2 khu TĐC để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Với số vốn đầu tư 4,980 tỷ đồng, khu TĐC1 được bàn giao từ năm 2009 phục vụ TĐC cho 50 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét ở 3 thôn: 14, 15 và 17.

Tuy nhiên đến nay, đã qua 3 năm, vẫn còn nhiều hộ dân chưa di dời đến nơi ở mới, đồng thời 17 hộ dân khác dựng lán ở lại nơi cũ để canh tác.

Ông Đặng Phúc Lâm, thôn 17 cho biết: “Tôi biết ở đây là nguy hiểm lắm, chính quyền đã cảnh báo nhiều lần nhưng đất canh tác của tôi ở đây không về đây làm thì lấy gì mà ăn? Từ nơi ở mới đến đây cách xa tới 7 km, xa quá nên tôi ở lại đây luôn đến hết vụ thì mới về ngoài đó. Biết là mùa mưa bão ở lại rất nguy hiểm nhưng cũng không còn cách nào, thôi thì đến đâu hay đến đấy".

Còn nhiều hộ dân khác tuy đã chuyển nhà nhưng vẫn dựng tạm lán ở nơi ở cũ để làm ăn, có hộ thì chỉ chuyển tạm thời còn mọi sinh hoạt thì vẫn ở nơi cũ.

Hiện nay, Lâm Giang đang tiếp tục triển khai dự án TĐC2 định cư cho 73 hộ ở thôn 8, thôn 9 nằm trong khu  vực nguy hiểm về lũ quét, sạt lở đất, đến thời điểm này mặt bằng cơ bản đã hoàn thành, đã có 30 hộ đang phấn khởi dựng nhà mới.

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn những lo lắng cho cuộc sống sau này ở nơi mới. Anh Lý Văn Nam, thôn 8 đang tất bật cùng anh em, họ hàng dựng nhà mới cho biết: "Tôi mới chỉ dựng được căn nhà, muốn thêm chuồng trại để chăn nuôi với mảnh vườn trồng rau nhưng chỉ với 240 m2 đất được cấp thì không đủ để làm. Ngay cả công trình vệ sinh cũng chưa biết làm ở góc nào vì nhà san sát nhau, không có chỗ để thoát nước, gây ô nhiễm môi trường...".

Ông Trần Văn Phong - Phó chủ tịch UBND xã Lâm Giang cho biết: “Xã đang tích cực vận động người dân ở khu TĐC mới đầu tư làm công trình vệ sinh tự hoại, có thể hai hộ chung nhau một bể phốt để giảm chi phí. Tuy nhiên, do tập quán của người dân chưa quen, kinh phí đầu tư lớn nên rất khó thực hiện”.

Mặt khác, với diện tích ở khu TĐC mới thì rất khó để người dân phát triển chăn nuôi tại chỗ. Từ đó có thể hiểu vì sao nhiều hộ dân không muốn di dời hoặc di dời đến nơi ở mới nhưng mọi sinh hoạt, lao động thì vẫn ở nơi cũ.

Nhiều hộ dân ở khu tái định cư xã Mường Lai chỉ mới dựng nhà mà không đến ở.

Tiền tỷ đầu tư ... vẫn bỏ hoang

Chúng tôi đến Lục Yên khi địa phương vừa bị cơn bão số 5 tàn phá nặng nề. Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện, mùa mưa bão năm nay Lục Yên đã phải hứng chịu ảnh hưởng của hai đợt bão lớn làm sập hoàn toàn 74 ngôi nhà, trên 1.300 ngôi nhà bị tốc mái, hàng trăm héc ta lúa, cây màu bị ngập úng, mất trắng.

Là một địa phương thường xuyên phải hứng chịu ảnh hưởng của bão lũ, sạt lở đất nên những năm qua công tác di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đã được huyện đặc biệt quan tâm. Nhiều khu TĐC được đầu tư kinh phí, song hiệu quả lại chưa cao.

Khu TĐC xã Minh Xuân được hoàn thành và bàn giao cho xã từ đầu năm 2012 với quy mô đầu tư 7 tỷ đồng, dự kiến di dời 41 hộ dân của xã sống trong khu vực nguy cơ cao lũ quét và sạt lở đất nhưng tới thời điểm này mới chỉ có 3 hộ đến ở.

Lúc chúng tôi đến khu TĐC như một ngôi làng bỏ hoang. Những căn nhà nhỏ không vách, cái thì mái lợp dở dang, cái trơ trọi bộ khung và đều dựng lác đác, thò ra thụt vào trên những khoảnh đất được cấp, bể nước xây giữa khu TĐC thì nứt nẻ, khô khốc.

Theo quan sát của chúng tôi, ở đây muốn đào giếng cũng khó vì toàn bộ khu TĐC nằm trên đồi cao, nguồn nước có thể sử dụng là nước lần mỗi khi mưa to lại đục ngầu không thể sử dụng. Đây chính là nguyên nhân mà hầu hết người dân thuộc diện di dời không chuyển đến nơi ở mới mà vẫn tiếp tục sống chung với mưa bão.

Ông Hoàng Văn Kỳ ở thôn 6, xã Minh Xuân cho biết: "Đến đó chúng tôi sống kiểu gì? Nước không có, trong khi mọi công trình sinh hoạt phải đầu tư làm mới mà không có tiền. Ở đây tôi có vườn, có ao, có chuồng trại đầu tư hàng chục triệu đồng. Mặc dù biết đây là khu vực nguy hiểm nhưng hiện chúng tôi chưa có điều kiện chuyển".

Bể chứa nước ở khu tái định cư xã Minh Xuân trong tình trạng khô kiệt.

Cần điều chỉnh cho phù hợp

Có thể nói Quyết định 193/2006/QĐ-TTg Ngày 24/8/2006  về việc bố trí dân cư các vùng thiên tai là một chính sách tốt đem lại lợi ích lớn cho người dân. Tính mạng và tài sản được đảm bảo an toàn là điều kiện quan trọng để người dân yên tâm định cư ổn định cuộc sống lâu dài.

Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Yên Bái đã triển khai 45 dự án, bố trí TĐC được 1.229 hộ dân ở các vùng thiên tai đến định cư nơi ở mới an toàn. Mặc dù trong các phương án di dời dân, tỉnh đều quan tâm đến diện tích đất sản xuất, nhất là hỗ trợ thông qua các chương trình 134, 135 giúp người dân khai hoang mở rộng diện tích lúa nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các khu TĐC đang có chung tình trạng thiếu đất sản xuất, lao động thất nghiệp nhiều, cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ làm cho một số khu TĐC mới bàn giao chưa được bao lâu đã như một ngôi làng bỏ hoang lãng phí đất đai, tiền của Nhà nước.

Theo ông Phạm Ngọc Quảng - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Minh Xuân, ở làng quê vùng cao người dân đã quen sống nhà cửa phải rộng, có đất vườn, chăn nuôi...; khi vào các khu TĐC thì các yêu cầu này hầu như không đáp ứng được là nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân lần lượt bỏ đi hoặc không di dời bất chấp thiên tai để sống cùng nguy hiểm. Theo ông, việc TĐC hãy để người dân tự tìm nơi ở mới Nhà nước sẽ tăng phần hỗ trợ để người dân có điều kiện xây dựng cuộc sống mới.

Ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Theo Quyết định 193 có 2 phương án thực hiện, đó là TĐC tập trung: Nhà nước hỗ trợ đất đai, san tạo mặt bằng... và phương án người dân tự tìm nơi TĐC. Nhà nước khuyến khích người dân tự TĐC nhưng chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng để di dời nhà, số tiền trên không đủ để người dân tự tìm nơi TĐC, do vậy hầu hết các dự án TĐC đều thực hiện tập trung".

"Kinh phí thực hiện còn thấp, điều kiện ở vùng cao rất khó tìm nơi có mặt bằng rộng nên diện tích cấp cho các hộ dân ở khu vực TĐC không được như mong muốn của nhiều người" - Ông Tuân nói. 

Tuy nhiên, một thực tế ở nhiều khu TĐC việc đầu tư không đồng bộ, thiếu thốn quá nhiều, đặc biệt là vấn đề điện và nước. Nguồn kinh phí được cấp thì lại bố trí một cách dàn trải. Đơn cử như khu TĐC xã Minh Xuân, huyện Lục Yên thiết kế cho 41 hộ với mức đầu tư 7,047 tỷ đồng nhưng nguồn vốn được cấp để thực hiện chỉ đạt 5,7 tỷ đồng.

Dự án di dân xã Lâm Giang, (TĐC2 thôn 8) huyện Văn Yên thiết kế cho 73 hộ mức đầu tư 12,751 tỷ đồng nhưng nguồn vốn khi triển khai đến thời điểm hiện tại mới chỉ được cấp 6,610 tỷ đồng... và hàng loạt những dự án TĐC khác đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng vốn đầu tư không đảm bảo đủ theo thiết kế. Việc đầu tư một cách dàn trải đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng của các công trình nên hiệu quả không cao làm lãng phí tiền của Nhà nước.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn còn trên 5 ngàn hộ dân sinh sống ở các khu vực nguy cơ cao về thiên tai ở vùng cao phải di dời khẩn cấp. Việc bố trí TĐC là cấp bách, tuy nhiên các ngành chức năng cũng cần quan tâm hơn nữa đến hiệu quả của các dự án TĐC. Cần phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho đời sống, sinh hoạt của người dân tại nơi ở mới.

Bên cạnh đó, các địa phương cần phải nâng cao trách nhiệm, xã hội hoá công tác di dân, không thể coi đây là công việc của một ngành, một cấp nào; xây dựng quy hoạch cụ thể ưu tiên tập trung vào các dự án cấp bách, tránh đầu tư dàn trải; bố trí đầu tư dứt điểm từng dự án và đầy đủ các hạng mục trong dự án đã được phê duyệt.

Việc cần làm ngay lúc này cần phải rà soát đánh giá lại các dự án TĐC đã thực hiện, dự án nào chưa hoàn thiện cần có phương án bổ sung kinh phí; tránh trường hợp như ở một số khu TĐC đang bị bỏ hoang lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước.

Anh Dũng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục