Ước mơ từ Chao Hạ
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/9/2012 | 9:42:08 AM
YBĐT - 7 năm trước, bản Chao Hạ 1, Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) được gắn với cái tên làng HIV. Chùng ấy năm quá đủ để người dân thấm thía nỗi đau, sự khủng khiếp mà “quả cầu gai” mang lại. Chao Hạ bây giờ không còn sự kỳ thị, phân biệt với người nhiễm HIV như trước, song những hệ luỵ của nó dường như vẫn còn đeo đẳng mãi…
Chị Hà Thị Vân (bên trái) luôn có mặt để tuyên truyền cho hội viên phụ nữ về công tác phòng chống HIV/AIDS.
|
Nỗ lực của người phụ nữ “đuổi” AIDS
Đến bản Chao Hạ bây giờ vẫn cánh đồng nằm trong vùng chảo Mường Lò màu mỡ, vẫn lũy tre làng bình yên vốn có của một làng quê nhưng ít ai ngờ rằng nơi đây đã một thời bị cơn bão AIDS làm cho chao đảo. Câu chuyện bắt đầu từ những năm 2005, khi mà các thanh niên trai tráng, sức dài vai rộng trong làng lần lượt chết mà không xác định được lý do. Chỉ trong một thời gian ngắn, Chao Hạ đã có 15 phụ nữ góa chồng, hàng chục đứa trẻ mất cha, mất mẹ.
Trong cuốn sổ của chị Hà Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đưa cho tôi xem có ghi đầy đủ bản danh sách dài những người nhiễm HIV ở đây. Tất thảy 27 người, có những gia đình mất đi 5 người thân vì AIDS như trường hợp gia đình ông B... có 3 đứa con và 2 đứa cháu nội chết vì AIDS. Một không khí tang tóc, ảm đạm bao trùm cả làng, khiến người dân lúc nào cũng sống trong cảnh sợ hãi. Hôm nay, đến Chao Hạ người ta không còn thấy cảnh mọi người sợ hãi, kỳ thị căn bệnh thế kỷ mà họ đang chung tay đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS và vươn lên để sống.
Những kết quả đó là của một người phụ nữ đã dám đứng lên chống HIV. “Có bà, chúng con mới được sống, cảm ơn bà” là câu nói của Lò Thị Khía khi nói về chị Hà Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lợi. Trước những cái chết trẻ liên tiếp dồn dập, thấy phụ nữ trong xã, trong thôn dần dần mất chồng, mất con, với vai trò là người vợ, người mẹ, hơn ai hết, chị Vân hiểu rõ nỗi đau của những người phụ nữ khi có chồng, có con bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV. Không lẽ để phụ nữ trong thôn bản mình mất chồng hết sao? Từ câu hỏi đến hành động, chị đã đứng lên ngăn chặn đại dịch AIDS.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị trực tiếp đề nghị lên Hội Phụ nữ và Trung tâm Y tế thị xã xét nghiệm phát hiện HIV cho các thanh niên trong bản. Sau đó, ngành y tế tỉnh đã cử đoàn công tác đến địa bàn thôn, chị Vân sẵn sàng cho mượn nhà mình làm nơi xét nghiệm. Để đại dịch AIDS không lây lan ra diện rộng, chị quyết định báo cáo cấp ủy, chính quyền xã để các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc, giúp người dân đấu tranh chống HIV/AIDS.
Chị Vân đã mạnh dạn đề xuất phương án thành lập một câu lạc bộ (CLB) phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương và đầu năm 2007, CLB thân nhân người nhiễm HIV/AIDS của xã Nghĩa Lợi được thành lập do chị trực tiếp đứng ra làm chủ nhiệm. Ban đầu CLB có hơn chục thành viên tham gia.
Dưới sự chỉ đạo của chị Vân, mỗi tháng, CLB tổ chức sinh hoạt hai lần, nội dung tập trung chủ yếu vào công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, nguy cơ lây nhiễm tại các “điểm nóng” và đặc biệt là tuyên truyền về chống phân biệt, đối xử, kỳ thị với người có HIV trong cộng đồng dân cư. Chị Vân còn trực tiếp phối hợp với cán bộ y tế thị xã Nghĩa Lộ đến từng thôn, bản, gõ cửa từng nhà có người thân nhiễm bệnh để tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống HIV/AIDS.
“Bà Vân như mẹ đẻ, không có bà chúng tôi chết rồi. Từ cái giường, cái chiếu, cái chăn cái ti vi đều được bà giúp, chúng tôi đều được tiền trợ cấp xã hội, được uống thuốc ARV”- đó là câu nói của những người nhiễm HIV ở bản Chao Hạ mà chúng tôi đã gặp.
Còn đó những nỗi đau
Mặc dù ở Chao Hạ hôm nay đã không còn sự kỳ thị, xa lánh những người nhiễm HIV, những người dân bản Chao Hạ đã biết cách ngăn chặn thảm họa HIV/AIDS mang lại nhưng vẫn còn đó nỗi đau mà những đứa trẻ ở đây phải gánh chịu.
Chúng tôi vào thăm gia đình chị Lò Thị Khía - cuộc đời của chị cũng là tấm bi kịch đầy nước mắt. Cũng như bao gia đình khác trong bản, do không có nghề phụ, chồng chị phải đi làm thuê kéo gỗ trên rừng từ năm 2004, đến năm 2006 về nhà ốm một thời gian rồi mất. Nỗi đau chưa dừng lại ở đó khi con trai cả của chị trong quá trình chăm sóc cha bị lây nhiễm HIV.
Nhớ lại tháng ngày cùng cực ấy, chị Khía không cầm được nước mắt: “ Khi chồng tôi mất, con gái mới 10 tháng tuổi, không ai dám bế cháu vì họ sợ bị lây nhiễm, bao nhiêu ánh mắt kỳ thị dồn vào, nhà có công việc cũng không ai dám ngồi gần”.
Nhìn quanh căn nhà không thấy có một đồ đạc gì có giá trị ngoài chiếc ti vi do Hội Phụ nữ xã quyên góp được. Khổ nhất là đứa con trai của chị đang học lớp 10, thương mẹ nuôi các em ăn học không có tiền mua sách bút phải bỏ học đi làm thuê. Dù rất muốn được quay trở lại trường học tập nhưng em hiểu tiền sách vở mỗi khi bước vào năm học mới là gánh nặng của cả mấy mẹ con. Số phận của những đứa trẻ sinh ra ở Chao Hạ là những cảnh đời tê tái khác nhau. Cách nhà chị Khía không xa là gia đình anh Lò Văn Mạc, cả hai vợ chồng đều bị nhiễm HIV.
Khi chúng tôi đến, anh Mạc đang nằm ở căn nhà sàn cũ nát. Thấy khách đến, Mạc nhổm dậy bảo vợ mang nước ra mời khách, rồi bắt đầu câu chuyện buồn: Đi làm thuê ở Mù Cang Chải trong lần uống rượu say, bạn bè rủ rê “sinh hoạt chung cả lán” nên bị nhiễm HIV mà không biết. Sau đó lại lây truyền sang vợ. May mắn cho gia đình là hai cháu nhỏ không bị lây nhiễm. Tuy nhiên, cả hai cháu đều bị bệnh thiếu máu huyết tán. Đã 3 tháng nay chúng chưa được xuống Hà Nội chữa bệnh, da xanh ngắt vì thiếu máu.
Anh Mạc cho biết, mỗi một lần xuống Hà Nội cũng phải mất 3 triệu đồng. Đúng ra hàng tháng các cháu phải xuống Hà Nội một lần nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn... cả mấy miệng ăn mà có chưa đầy 3 sào ruộng, thu nhập chủ yếu là do làm thuê bốc vác, sức khỏe thì mỗi ngày một giảm đi, hôm nào cảm thấy người khỏe mới đi làm, ngược lại thì phải ở nhà.
Dẫu hôm nay, quả cầu gai mang tên HIV không còn là nỗi ám ảnh của những người dân Chao Hạ nhưng nỗi đau tinh thần cũng như thể xác mà nó để lại vẫn còn quá lớn.
Rời Chao Hạ, mang theo ánh mắt của những đứa trẻ cùng mơ ước của người nữ thủ lĩnh chống AIDS – chị Hà Thị Vân: “Mong sao có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ cho CLB, giúp đỡ các cháu nhỏ vô tội của bản đang bị ảnh hưởng bởi HIV vươn lên trong cuộc sống. Có thể đó chỉ là quyển vở, chiếc bút, bộ quần áo, chiếc cặp sách mới để các cháu được tới trường đi học như bao đứa trẻ may mắn khác...”.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Khu tái định cư như một ngôi làng bỏ hoang. Những căn nhà nhỏ không vách, cái thì mái lợp dở dang, cái trơ trọi bộ khung và đều dựng lác đác, thò ra thụt vào trên những khoảnh đất được cấp, bể nước xây giữa khu TĐC thì nứt nẻ, khô khốc.
Có điện nhưng người dân vẫn phải mất tiền mua dầu thắp sáng để phục vụ cuộc sống. Hàng tháng, tiền mua dầu thắp sáng, tiền nạp bình ắc quy của phần lớn các hộ gia đình ở đây còn nhiều hơn hóa đơn thu tiền điện.
YBĐT - Chính quyền xã Mường Lai, huyện Lục Yên (Yên Bái) cần có những biện pháp kiên quyết hơn với những hộ dân cố tình không di chuyển đến nơi ở mới, tránh những thảm họa khó lường của thiên tai có thể xảy ra.
YBĐT - Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước là động lực để các tầng lớp nhân dân vươn lên, điều quan trọng là phải biết vượt lên chính mình. Đến nay, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Lợi đang nêu cao quyết tâm đó.