Ngổn ngang những bất cập

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/10/2012 | 2:25:19 PM

YBĐT - Kể từ khi xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống cũng như sản xuất của các hộ gia đình trên tuyến nằm ngoài hành lang giải phóng mặt bằng…

Thi công đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Hà Linh)
Thi công đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Hà Linh)

Nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất bị ảnh hưởng...

Đã 2 vụ lúa gần đây, người dân thôn Tiền phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên không thể canh tác được bởi cứ mỗi lần mưa xuống là toàn bộ 10 ha đất lúa lại bị ngập trong nước. Nếu như mọi năm, vào thời điểm này người dân phải bận rộn cho một mùa vàng bội thu thì giờ đây trơ lại trên cánh đồng chỉ có nước và nước.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận Yên Bái có chiều dài hơn 80,5 km, đi qua 15 xã của huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái. Đến cuối tháng 6, tỉnh Yên Bái đã bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty Phát triển đường Cao tốc Việt Nam (VEC) để thi công.

Theo những người dân trong xã, cánh đồng này là nguồn thu, là miếng cơm manh áo của họ nhưng từ khi có tuyến đường cao tốc đi qua, các nhà thầu tổ chức thi công nền đường, ngăn mất một cống thoát nước ở phía dưới cánh đồng, nơi giáp ranh với huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ, cứ trời mưa nước bị dồn ứ lại một thời gian dài nên không thể canh tác được.

Đứng bên thửa ruộng lênh láng nước, ông Nguyễn Bá Thuận, người dân trong thôn chán nản: “Bắt đầu từ trà 1 của vụ chiêm 2011-2012 là khu vực này thường xuyên bị ngập úng. Chúng tôi đã báo cáo lên các cấp chính quyền mời đơn vị thi công để hợp tác làm việc nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì”.

Thống kê của huyện Trấn Yên cho thấy, sau khi các nhà thầu tiến hành thi công, đến ngày 30/8 đã có 257.113m2 bị ảnh hưởng, trong đó chủ yếu là diện tích đất trồng lúa, trồng cây hàng năm và nuôi trồng thuỷ sản. Ngược lên địa phận của thành phố Yên Bái và huyện Văn Yên, tình trạng đất sản xuất bị vùi lấp dẫn đến khó sản xuất hoặc không sản xuất được cũng diễn ra khá phổ biến, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

“Các đơn vị thi công đã làm hỏng hệ thống mương thoát nước khiến ao cá của gia đình tôi cũng như diện tích đất sản xuất bị nước tràn vào không gieo cấy gì được. Chúng tôi chỉ yêu cầu các đơn vị thi công đền bù, hỗ trợ một số diện tích không cấy được trong thời gian qua, đồng thời khắc phục lại nguyên trạng hệ thống mương thoát nước để người dân tiếp tục canh tác” - ông Trần Hữu Lê, người dân thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên bức xúc.

Bên cạnh những ảnh hưởng đến sản xuất, nhiều hộ dân còn rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” khi ngôi nhà bị treo lên cao hoặc tụt dưới sâu so với mặt đường thi công. Đơn cử trong số này là gia đình ông Lương Viết Toan ở thôn Chiến Khu, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên. Từ ngày tuyến đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua, gia đình ông cùng với nhiều hộ khác đều chấp hành nghiêm chỉnh việc đền bù giải phóng mặt bằng, thế nhưng từ khi các đơn vị tiến hành thi công ngôi nhà của ông gần như bị treo trên mỏm đất khiến cho mọi việc đi lại, sinh hoạt đều gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Toan cho biết: “Gia đình tôi có 200m2 đất thổ cư, nay đã bị thu hồi 130 m2 nên khi thi công mặt bằng tuyến đường, hành lang đã chạy qua sát mép nhà, do mặt bằng nền nhà cao hơn so với nền đường khoảng 3 mét, do vậy 70 m2 đất hiện tại là căn nhà xây cấp 4 của gia đình sẽ bị treo trên cao, gây khó khăn cho việc sinh hoạt”.

Hệ thống cống thoát nước được đặt tại xã Xuân Ái (Văn Yên) cao hơn mặt bằng ruộng.

Thực tế cho thấy, không riêng gia đình ông Toan mà có tới hàng trăm hộ cũng có thể phải di dời do nằm trên đỉnh hoặc dưới taluy. Không những vậy, quá trình thi công đường cao tốc, nhiều hạng mục khi thi công cũng lộ rõ những bất cập, mà theo chính quyền các địa phương và nhiều người dân sẽ gây ra những tác động không nhỏ tới sản xuất và việc đi lại sinh hoạt.

Đơn cử như việc đặt cống thoát nước ở địa phận xã Xuân Ái (Văn Yên) cao hơn mặt bằng ruộng của người dân đang canh tác, nếu sau này hoàn thiện, chắc chắn việc ngập úng và bồi lắng do đất đá, nước mưa vào các thửa ruộng sẽ xảy ra. Hay việc đặt các hầm chui dân sinh hiện cũng không phù hợp khi địa điểm thi công nằm ngay giữa cánh đồng, không hiểu sau khi hoàn thành thì người dân sử dụng chúng ra sao. Thậm chí có nơi nền hầm chui thấp hơn mặt đường dân sinh tới vài chục centimet.

Theo thống kê nhanh của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), công tác giải phóng mặt bằng trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua Yên Bái đã thu hồi trên 664 ha đất, bao gồm đất ở, đất sản xuất và một số loại đất khác với tổng số 3.320 hộ gia đình và tổ chức bị ảnh hưởng, đến nay đã cơ bản đã được đền bù giải phóng mặt bằng và hỗ trợ việc tái định cư ở 34 khu tại 3 địa phương. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu thi công đến nay đã có trên 556.000m2 đất của gần 780 hộ dân ngoài phạm vi giải phóng tiếp tục bị ảnh hưởng, được người dân kiến nghị giải quyết.

Cần nhanh chóng giải quyết những bất cập

Trước những bức xúc của người dân, đã không ít lần chính quyền từ xã đến huyện đề nghị với các nhà thầu phụ trực tiếp thi công trên tuyến phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, dù đã có nhiều biên bản làm việc được lập ra nhưng việc hợp tác của các nhà thầu lại thiếu trách nhiệm.

Đặc biệt, tại huyện Văn Yên, nơi có 8 xã có đường cao tốc đi qua, với tổng chiều dài toàn tuyến là 54 km, chính vì vậy số hộ bị ảnh hưởng đến đất ở, đất sản xuất nằm ngoài hành lang giải phóng mặt bằng là rất lớn, nhiều hộ dân đã không khỏi bức xúc khi đất đá, nước mưa do quá trình thi công đường cao tốc đã gây vùi lấp, ngập úng nhiều diện tích đất, ao và cả nghĩa trang.

Người dân ở trong khu vực bị ảnh hưởng đã có ý kiến đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét những thiệt hại về lúa, hoa màu, thủy sản nhưng việc phối hợp giải quyết giữa các nhà thầu với chính quyền địa phương và người dân vẫn chưa được thỏa đáng. Thậm chí, nhiều hạng mục đường dân sinh, kênh mương thủy lợi  do quá trình thi công, vận chuyển vật liệu đã bị các phương tiện vận tải phá nát, đứt gẫy gây khó khăn trong việc đi lại và sản xuất. Do sự phối hợp giải quyết giữa VEC và các đơn vị thi công với chính quyền địa phương chưa tốt dẫn tới những bức xúc của các hộ dân nằm trên tuyến, thậm chí có nơi người dân còn tái lấn chiếm mặt bằng, gây cản trở trong quá trình thi công.

Ông Vũ Quốc Tiên - Chủ tịch UBND xã Y Can, huyện Trấn Yên cho biết: “Đơn vị thi công làm ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi, kênh mương trong sản xuất của người dân, mặc dù xã đã có biên bản làm việc với các nhà thầu chính cũng như những nhà thầu phụ nhưng hiện nay các đơn vị này vẫn chưa vẫn chưa có giải pháp khắc phục”.

Theo ông Hà Đức Anh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên, nhiều nhà thầu phụ sau một thời gian thi công đã chuyển địa bàn đi nới khác nên những vấn đề phát sinh do các nhà thầu đó gây ra cũng chưa được giải quyết; còn một số nhà thầu hiện nay vẫn đang hoạt động trên địa bàn nhưng cũng vì một số những lí do khác nhau nên thường tìm cách né tránh khi chính quyền địa phương mời đến trao đổi bàn các phương án giải quyết các vướng mắc nảy sinh.

Một trong số các vị trí hầm chui dân sinh đang được xây dựng.

Trao đổi với ông Đỗ Nhân Nghĩa - Phó Giám đốc Sở GTVT, được biết trong quá trình thi công, ngoài những hộ dân bị ảnh hưởng thì cũng có nhiều diện tích lúa không thể khắc phục được, cùng với đó hệ thống đường giao thông của các xã, huyện cũng bị hư hỏng rất nhiều thế nhưng các đơn vị thi công chưa có phương án phối hợp giải quyết... Sở sẽ tập hợp, thống kê để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đồng thời phối hợp với các huyện để làm việc trực tiếp với nhà thầu để có biện pháp khắc phục, giải quyết trong quá trình thi công sau này.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những công trình trọng điểm quốc gia, do vậy những bất cập trên sẽ không chỉ xảy ra ở riêng địa phận Yên Bái mà còn ở nhiều địa phương khác, trong khi đó đây cũng mới chỉ là giai đoạn đầu của quá trình thi công, chắc chắn về sau sẽ còn nhiều phát sinh, để từng bước giải quyết những vấn đề trên đòi hỏi giữa các bên liên quan từ người dân đến chính quyền địa phương cũng như các nhà thầu phải cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc, giải quyết.

Trong đó, điều quan trọng là sự phối hợp và trách nhiệm của phía VEC, các nhà thầu chính Doosan và KeangNam và các nhà thầu phụ cùng vào cuộc, giải quyết thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của người dân hai bên đường theo đúng chính sách của Đảng và Nhà nước khi xây dựng tuyến đường cao tốc này.

Cụ thể, các bên cần nhanh chóng tiến hành thống nhất về các giải pháp đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân trước những bất cập nảy sinh như: đền bù các diện tích không sản xuất được, khắc phục sửa chữa hệ thống kênh mương thuỷ lợi để giúp người dân tiếp tục sản xuất; các cấp, ngành liên quan cần khẩn trương tiến hành xem xét, khảo sát, đánh giá những ảnh hưởng xung quanh những diện tích đất ở, đất sản xuất để có thể thu hồi theo qui định của Nhà nước và hỗ trợ di dời, tái định cư cho người dân hai bên đường đảm bảo đời sống sinh hoạt cũng như quyền lợi của họ.

Bên cạnh đó, những hộ dân đã được giải phóng mặt bằng cũng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công, không nên gây khó khăn hay tái lấn chiếm mặt bằng đã được giải phóng đảm bảo tiến độ thi công công trình.

Cường Nguyên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục