Siết chặt thị trường đồ chơi trẻ em

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/10/2012 | 9:50:06 AM

YBĐT - Hiện thị trường đang tràn ngập các loại đồ chơi không đảm bảo chất lượng, thậm chí có thể chứa những chất độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà thiếu vắng sự can thiệp thường xuyên của cơ quan chức năng khiến cho người tiêu dùng cảm thấy lo ngại.

Tràn lan đồ chơi Trung Quốc.
Tràn lan đồ chơi Trung Quốc.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành có hiệu lực từ ngày 15/4/2010 nhằm làm giảm các rủi ro liên quan đến an toàn, sức khỏe của trẻ em. Theo đó, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước hay nhập khẩu chỉ được bán trên thị trường khi đã có chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn, như độ pH hay hàm lượng độc tố formaldehyt.

Quy định ra đời là cần thiết bởi trên thị trường ngày càng tràn lan đồ chơi ngoại nhập không rõ nguồn gốc, có thể gây nguy hại đối với trẻ từ chất liệu làm đồ chơi đến tính giáo dục. Đến nay, đã gần 2 năm kể từ ngày quy chuẩn có hiệu lực thi hành nhưng tìm đồ chơi được gắn tem đạt chuẩn trên địa bàn thành phố Yên Bái vẫn còn rất khó.

Các bậc phụ huynh thường đặt câu hỏi: Bao giờ trẻ em ở Yên Bái được chơi đồ chơi gắn tem đạt chuẩn? Nhưng rồi họ vẫn phải mua những đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không tem mác kiểm định chất lượng vì: nhu cầu được chơi đồ chơi của trẻ.

Tràn lan đồ chơi Trung Quốc

Đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc rất dễ nhận thấy ở những khu bán đồ chơi tại chợ Ga Yên Bái, chợ Yên Thịnh hay trong các cửa hàng đồ chơi trên địa bàn thành phố. Đó cũng là khẳng định của một cán bộ thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh.

Những con búp bê xinh đẹp cho bé gái được làm từ nhiều chất liệu nhựa, cao su, những chiếc xe ôtô cho bé trai hay những chú siêu nhân, người máy, bộ lắp ghép, xếp hình... chủ yếu được làm bằng chất liệu nhựa là những món hàng được bày bán khá đa dạng và phong phú tại những khu bán đồ chơi ở chợ, ở siêu thị hay trên giá của các cửa hàng. Có rất nhiều trong đó là những đồ chơi không nhãn mác, không tên cơ sở sản xuất, không tên quốc gia sản xuất và không có các thông số kỹ thuật cần thiết. Có rất nhiều bậc phụ huynh đã mua đồ chơi này cho con em mình sử dụng mà không quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng thế nào.

Chị Trang ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cho biết: “Mình có con nhỏ, cũng thường xuyên mua đồ chơi cho con. Cũng nghĩ đồ chơi cho trẻ em thì vô hại, nhưng khi thấy trên truyền hình phản ánh về chất gây hại cho trẻ có trong những đồ chơi không đạt tiêu chuẩn mình thấy sợ quá. Mình cũng nghe nói về tem đạt chuẩn đồ chơi trẻ em nhưng mấy lần đi mua cho con, hỏi về tem đạt chuẩn thì các cô bán hàng bảo không có và họ trấn an mình rằng những đồ chơi có chất gây hại như trên tivi chỉ có một lượng rất nhỏ và đó thường là những đồ chơi sản xuất nhỏ lẻ chứ không phải “hàng hiệu” như ở đây”.

Còn chị Liên - phường Nguyễn Thái Học cho biết: “Bé nhà tôi rất thích chơi những chú gấu bông nhưng mỗi lần mua về cháu chơi thường bị hắt hơi, sổ mũi, có lần ho sặc sụa. Tôi sợ quá phải đem giặt rồi phơi nắng nhiều lần mới dám cho cháu chơi”.

Cũng có những dấu hiệu bất thường khi chơi đồ chơi không có tem quy chuẩn, cháu Hiển - con trai của anh Hùng ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái thường bị mẩn đỏ khi chơi đồ chơi bằng cao su. Anh Hùng cho biết: “Khi chơi con chút - chít bằng cao su cháu thường bị mẩn đỏ ở tay, ở gần miệng là những nơi tiếp xúc với đồ chơi. Từ đó tôi không dám cho cháu chơi những đồ chơi bằng cao su nữa”.

Các bậc phụ huynh vẫn phải mua những đồ chơi không rõ nguồn gốc vì nhu cầu của con em mình.

Theo một cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường thì đồ chơi tại Yên Bái hiện nay rất nhiều hàng trôi nổi, khó quản lý chất lượng. Lý do mà vị này đưa ra là do Yên Bái không cửa khẩu và cũng không phải đầu mối tiêu thụ nên lực lượng quản lý thị trường rất khó kiểm tra. Mặt khác, khâu nhập khẩu chưa thực hiện tốt, đồ chơi nhập lậu rất khó yêu cầu có gắn tem CR.

Công tác kiểm tra chất lượng đồ chơi cũng gặp khó khăn vì mỗi một chủng loại lấy một mẫu kiểm tra, trong khi đó cửa hàng thì rất nhiều chủng loại có khi cả vài trăm chủng loại gây tốn kém và mất nhiều thời gian để xét nghiệm, phân định các chất có trong đồ chơi. Tuy nhiên, quy chuẩn chất lượng thì đã ban hành và triển khai thực hiện nên đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết các đội cơ động khi kiểm tra đồ chơi không có tem đạt chuẩn sẽ tịch thu và tổ chức tiêu hủy.

Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm 2012 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường Yên Bái mới chỉ bắt giữ được một xe hàng có dấu hiệu vi phạm với 150 đồ chơi các loại, trong đó có 70 chiếc kiếm nhựa - đồ chơi mang tính bạo lực vào ngày 7/9/2012, còn chưa có một vụ kiểm tra thu giữ đồ chơi không có tem đạt chuẩn.

Trong khi đó, trên thị trường vẫn tràn làn đồ chơi không rõ nguồn gốc, không nhãn mác và không tem. Các sản phẩm này hầu như không ghi rõ được làm từ thành phần gì, chứa chất gì, thậm chí nhiều đồ chơi còn không có cả nhãn phụ bằng tiếng Việt. Những sản phẩm đó có đạt chất lượng và an toàn hay không thì vẫn chưa thể có câu trả lời chính xác nhưng chắc chắn rằng việc thực hiện quy chuẩn đồ chơi trẻ em tại Yên Bái đang là chuyện chưa mấy ai quan tâm.

Ý kiến chuyên môn

Mới đây, Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng xét nghiệm ngẫu nhiên mẫu lồng đèn hình con chuồn chuồn xuất xứ từ Trung Quốc, kết quả cho thấy độc chất cadimi trong đồ chơi này cao gấp 123 lần tiêu chuẩn Việt Nam. Theo đó, hàm lượng cadimi trong sơn vẽ phủ trên đồ chơi này là 7.390 microgram (mcg) trong một kg, cao gấp 123 lần cho phép. Theo tiêu chuẩn Việt Nam, lượng cadimi được phép có trong đồ chơi trẻ em là 60 mcg trong một kg.

Với các loại đồ chơi có hàm lượng cadimi cao, người tiếp xúc lâu ngày sẽ bị rối loạn hệ thống hoạt động sinh hóa học của kẽm canxi và nhiều hệ thống hoạt động sinh hóa học khác, làm chậm phát triển xương, còi xương (khi trẻ), loãng xương (khi già), có thể dẫn đến tử vong hay các bệnh lý khác thường... Nó cũng là nguyên nhân gây ung thư tiền liệt tuyến, phổi, vú...

Ông Đào Minh Hoa - Phó Chi cục trưởng Chi cụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh cho biết: “Chỉ nói đến một thành phần là Formaldehyt là chế phẩm trong sản xuất len vải, sản xuất keo dán, nếu như thành phần vượt quá mức độ cho phép như trong vải  không được vượt quá 30mg/kg đối với đồ chơi trẻ em dưới 3 tuổi thì nhận thấy ngay trước mắt ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ. Còn với những chất gây hại khác có thể chưa trông thấy sự ảnh hưởng nhưng có thể tích lũy trong cơ thể về lâu dài sẽ gây bệnh”.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em quy định đồ chơi nhập khẩu phải được kiểm tra trước khi nhập vào Việt Nam. Những đồ chơi nhập khẩu phải có giấy chứng nhận hợp quy. Theo ông Hoa, khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh đồ chơi, chủ cơ sở phải trình giấy chứng nhận hợp quy thì những đồ chơi đó mới được lưu hành.

Tuy nhiên, qua kết quả của vài đợt kiểm tra trên địa bàn thành phố Yên Bái, các chủ cửa hàng hầu hết đã không xuất trình được giấy chứng nhận hợp quy, nhiều sản phẩm không có phụ nhãn tiếng Việt, người dùng không biết thành phần, thông số kỹ thuật. Do đó, chất lượng đồ chơi cho trẻ em ở thị trường Yên Bái vẫn phải phụ thuộc vào kiểm tra nhập khẩu, còn khi ra tới thị trường thì mức độ kiểm soát rất khó.

Mong muốn...

Đồ chơi cho trẻ em là sản phẩm tiêu dùng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày nhằm kích thích phát triển trí tuệ, tư duy cho trẻ nhỏ. Thế nhưng, việc thị trường hiện đang tràn ngập các loại đồ chơi không đảm bảo chất lượng, thậm chí có thể chứa những chất độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà thiếu vắng sự can thiệp thường xuyên của cơ quan chức năng khiến cho người tiêu dùng cảm thấy lo ngại. Đây là vấn đề rất cần được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, xem xét để có một thị trường lành mạnh cho đồ chơi trẻ em ở Yên Bái.

Minh Tư

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục