Vùng rừng "thưa" dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/10/2012 | 9:56:59 AM

YBĐT - Trong số các thôn bản người Mông sinh sống của Cát Thịnh thì Khe Chất xem ra chậm tiến hơn. Có phần trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể địa phương nhưng chủ yếu từ cán bộ, người dân.

Gia đình Sùng A Lù thường xuyên thiếu ăn do sinh đẻ quá nhiều.
Gia đình Sùng A Lù thường xuyên thiếu ăn do sinh đẻ quá nhiều.

Trên đường đi Khe Chất, tôi gặp Sùng A Lù.  Lù là em trai Giàng A Gia - trưởng thôn Khe Chất. Lù ngực vồng, tay chắc nịch, xách một túi ni lon có 3 chiếc bánh rán vàng, 4 quả lựu xanh, 6 con cá khô... lên núi. Lù 36 tuổi, đã có 5 con, hiện còn 4, vợ sắp sinh đứa nữa.

Qua bốn khe suối, leo vài con dốc, xuống vài con dốc thì tôi cũng biết gia đình anh diện đói dài, chồng chủ yếu làm thuê nuôi vợ đẻ. Ruộng không, đất làm ăn vỏn vẹn 200 m2 sắn ngô trồng lẫn lộn, thu hoạch đủ ăn no một tháng. Lên Khe Chất, ghé qua thấy nhà Lù tứ bề chắn liếp nứa, bếp chẳng có gì, vợ thì lùm lùm bụng đang điện thoại di động lô la. Mấy đứa con, đứa có áo, đứa có quần, đứa chẳng mặc gì, như khoai như sắn ở đầu nhà...

Ngồi ở nhà Trưởng bản Sùng A Gia,  Phó chủ tịch UBND xã Cát Thịnh (Văn Chấn) - anh Sa Quang Huy bảo Lù: "Sinh nhiều con quá đấy!". Đáp lại: "Trưởng bản trước nó còn 7 con. Nhà Giàng Ga Vàng có nhiều hơn tôi đấy!". Tôi ghi: Giàng Ga Vàng có 11 con. Sùng A Trang trước là trưởng bản có 7 con.  Sùng A Su là con ông Sùng A Trang 7 con… Ghi chưa hết, Gia đã chuyển sang chuyện nhà ông Giàng Ga Vàng. Chẳng là, đám con dâu, cháu dâu đẻ nhiều quá, cán bộ xã lên vận động, gặp ông bảo chúng phanh đẻ lại, ông Ga thủng thẳng: "Ô, con trai con dâu nó chẳng nghe đâu. Chả đi làm cứ ở nhà uống rượu vào là cứ đẻ ra người thôi!". Phó chủ tịch Huy xác nhận vì anh là người trong cuộc. Sùng A Gia đứng lên, lục tủ một hồi rồi chiếu sổ sách: đến ngày 26/9/2012 Khe Chất có 20 hộ, 132 nhân khẩu. Vậy là, bình quân mỗi hộ có gần 7 khẩu, tức là 2 vợ chồng và 4 - 5 đứa con.

 

Chăn nuôi trâu bò ở Khe Chất chưa được nhiều bà con chú trọng.  

Cái sự đông con ấy tôi thấy ngay khi đi một vòng quanh chỏm bản. Những đứa trẻ độ 4 - 5 tuổi uể oải dụi mắt, ngồi ở hè nhà. "Chúng không đến trường sao?". "Không mà, chỉ đứa lớn mới đến trường thôi" - Gia nói.

Hiện giờ, Khe Chất có 18 cháu trong độ tuổi mầm non. Thôn không có điểm trường. Đi học ngoài xã thì chúng không thể đi bộ, leo dốc, lội suối đến trường, thành ra nghỉ hết ở nhà. Anh chị chúng, nhờ có trường bán trú ngoài xã mà đã học lên. Ba mươi mốt đứa cả thảy, tiểu học: 30, trung học cơ sở: 1. Không học mầm non, hành trình học chữ của những đứa trẻ đang uể oải dụi mắt kia sẽ khó khăn biết bao! Gia bảo, nếu như bà con đẻ thêm được 2 cháu nữa độ 3 - 4 tuổi thì Khe Chất được xây dựng điểm trường mầm non rồi. Ra là tiêu chí của ngành giáo dục: đủ 20 cháu mới mở lớp mầm non. Tính ra, Khe Chất còn thiếu hai cháu nữa. Khó cho Khe Chất, nếu là sắn - khoai - ngô thì còn vay về cho đủ chứ là người thì biết làm sao. Vay không vay được, đẻ thì làm sao có ngay người 3-4-5 tuổi được?

Ngày ở Khe Chất như bắt đầu muộn hơn. Hơn 9 giờ 30 sáng, trời mới uể oải buông tí nắng. Lao xao tiếng người gọi nhau đi xúc cát suối. Vợ chồng Sùng A Chang nghỉ làm thuê, một buổi lấy được 5 bao - cũng là thêm ít tiền sinh sống. Những năm trước đây, bẫy chim rừng là một nghề mưu sinh. Họa mi, sáo đá, khướu, chào mào… đem ra quốc lộ bán cho khách qua đường cũng đôi ba trăm ngàn một con. Một cuộc đối thoại cực ngắn giữa cán bộ với những người dân đang đi như vô định trên đất rừng Khe Chất:

- Đi đâu đấy?

- Đi nhênh nhang thôi!

- Nhênh nhang là đi đâu?.

- Đi bắt con chim. 

Nghề bắt chim rừng đã góp phần làm vơi cơn đói của cái bụng, nhưng Sùng A Chang nói: "Không còn chim rừng nữa đâu, phải đi làm thuê thôi!".  Không hẳn tất cả dân Khe Chất đều đi làm thuê. Đất sản xuất trên 32,9 ha chia bình quân mỗi hộ cũng trên 1 ha nhưng chỉ tập trung ở một số hộ, nhiều hộ không có hoặc có như không.

Nhà Sùng A Gia có 3 ha trồng chè, 600m2 trồng ngô, cơ bản đủ ăn. Nhà Sùng Dua Du có 4 ha, trồng ngô, trồng chè, cũng đủ ăn. Những hộ như Sùng A Lù, Giàng Ga Vàng, Sùng A Páo… coi như không có đất, thiếu ăn quanh năm. Hầu hết bà con thiếu ăn, năm nào tỉnh, huyện cũng đôi lần cứu đói. Mới nhất, ngày 15//2012, gần 50 khẩu trong thôn lại nhận gạo cứu đói.

 "Được" nhất là nhà Giàng Ga Vàng 105 kg, tiếp theo là Sùng A Su, Sùng A Cao, Sùng A Chu, Sùng A Sinh, Sùng A Khai, Sùng A Sư…, mỗi hộ từ 75 - 90 kg. Tạm coi thiếu đất sản xuất là nguyên nhân khiến bà con thiếu ăn nhưng đất hoang ở Khe Chất khá nhiều, lại toàn đất màu mỡ nhưng nhiều nhà để hoang phí. Bên đường vào Khe Chất, ngút ngàn keo, bồ đề của dân lâm sinh. Đất tốt tới mức bồ đề hai năm tuổi đã cao 6 - 7 mét, có gốc to bằng cái phích con. Đất trồng rừng có nhưng bà con để hoang; đất trồng ngô, trồng sắn có bà con cũng để hoang hoặc làm chơi chứ chưa chí thú. Cây rau ăn nhiều hộ cũng không trồng, vịt gà cũng không nuôi. Những kế sách xã, huyện bày cho để làm ăn cũng trượt trôi bởi tư tưởng ỷ lại, phong tục, tập quán lạc hậu.

 

Người dân Khe Chất phấn khởi khi được tỉnh bố trí thêm đất sản xuất để thoát đói nghèo.

Thôi nói chuyện hôm qua, giờ nói chuyện ngày nay, ngày mai cho tươi sáng. Đường lên Khe Chất vừa được Nhà nước đầu tư mở rộng thay đường mòn. Mới đây, tỉnh, huyện đã cắt chuyển đất thuộc Dự án 661 cho người dân để sản xuất (trồng rừng). Bình quân, mỗi hộ sẽ được nhận từ 1,5 - 1,7 ha để sản xuất. Trồng rừng, bảo vệ rừng; tận dụng đất sản xuất phát triển cây ngô, sắn;  phát triển chăn nuôi, từ gà, vịt, lợn đến trâu, bò - đó là những gạch đầu dòng căn bản để người dân làm theo, tự mình thoát nghèo, giảm dần bao cấp, hỗ trợ của Nhà nước.

Trong số các thôn bản người Mông sinh sống của Cát Thịnh thì Khe Chất xem ra chậm tiến hơn. Có phần trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể địa phương nhưng chủ yếu từ cán bộ, người dân. Đầu tư đường giao thông, bố trí thêm đất sản xuất cho người dân là những việc làm thể hiện sự quan tâm của tỉnh, huyện với bà con Khe Chất.

Trách nhiệm bây giờ là cán bộ và người dân trong thôn phải vượt lên chính mình, không trông chờ, ỷ lại, loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, đoàn kết xây dựng đời sống mới, tích cực làm ăn để thoát đói nghèo.

Chuyện đầu, chuyện cuối, khi ra về tôi đố Sùng A Gia, Sùng A Lù, Sùng A Su, Sùng A Ư: "Tỉnh, huyện, xã đã tháo cho dân Khe Chất hai cái chốt, đó là đường giao thông và đất sản xuất. Còn một chốt nữa để thoát đói nghèo là gì?". Anh em bảo nhau mà rằng: "Ô, cái này là phải đẻ ít đi phải không? Phải làm tốt cái dân số - kế hoạch hóa phải không?". Vỗ tay đồng loạt và tôi rời vùng rừng "thưa" dân lòng nhẹ nhõm hơn nhiều.

Tuấn Anh - Khe Chất - Cát Thịnh tháng 9/2012

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục