Góc nhìn từ cơ sở
- Cập nhật: Thứ năm, 11/10/2012 | 9:20:51 AM
YBĐT - Xây dựng nông thôn mới là nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông-lâm nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng CNH-HĐH góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 khoá X về “tam nông”.
Người dân xã Báo Đáp (Trấn Yên) tích cực làm đường giao thông nông thôn. (Ảnh: Quang Thiều)
|
Thực hiện chủ trương đó, tỉnh Yên Bái đã triển khai sâu rộng và phát động phong trào xây dụng NTM trong tất cả các địa phương. Tuy thời gian thực hiện chưa dài nhưng đã thu được những kết quả đáng khích lệ và cũng bộc lộ những khó khăn cần tháo gỡ.
Xác định chương trình xây dựng NTM là cơ hội, điều kiện để các xã, vùng nông thôn vươn lên về mọi mặt, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời chọn 11 xã làm điểm để triển khai thực hiện. UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng 2 mô hình điểm là xã Đại Phác, huyện Văn Yên và xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, 9 huyện, thị, thành phố mỗi địa phương chọn 1 xã để làm điểm là: Tuy Lộc (thành phố Yên Bái), Báo Đáp (Trấn Yên), Vĩnh Kiên (Yên Bình), La Pán Tẩn (Mù Cang Chải), Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), Hát Lừu (Trạm Tấu), Yên Hưng (Văn Yên), Lâm Thượng (Lục Yên) và Thượng Bằng La (Văn Chấn).
Ngoài các xã được chọn làm điểm thì các địa phương cũng đều phát động phòng trào xây dựng NTM ở tất cả các xã trên địa bàn. Tuy mới triển khai thực hiện, nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và nhân dân còn hạn hẹp nhưng có thể thấy phong trào xây dựng NTM đã có sức lan toả mạnh mạnh mẽ, đồng thời nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao.
Mỗi xã, mỗi địa phương chọn cho mình một hướng đi riêng phù hợp với điều kiện thực tế ở xã mình. Xã thì lấy xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở nông thôn, xây dựng và phát triển chăn nuôi và sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển tôn tạo nhà ở khang trang đảm bảo ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn bản sắc văn hoá, xã lại lấy chuyển dịch cơ cấu cây trồng làm hướng đi... nhưng tất cả đều hướng đến xây dựng xã NTM giàu mạnh.
Tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM là các xã, các địa phương luôn nhận được sự vào cuộc của người dân, nhất là trong việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên phấn khởi nói: “Thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong năm 2012 này xã có kế hoạch làm mới 9 km còn lại đi qua một số thôn.
Trước đây đường qua các thôn chỉ rộng có 4 m, nay theo tiêu chí đường NTM thì phải rộng 7m cho nên gặp rất nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng vì phải lấy vào đất thổ cư, đất vườn, đồi... của nhân dân. Lấy đất thì phải đền bù mà đền bù thì lấy đâu ra tiền, nhân dân cả xã đóng góp cũng không kham nổi. Nhưng những hộ dân có đường đi qua đều đã hiểu rất rõ của ý nghĩa của mở rộng đường không chỉ để giao lưu văn hoá mà còn có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế, thế là nhà nhà hiến đất, người người hiến đất làm đường.
Toàn xã đã có 400 hộ dân đăng ký hiến trên 15.000m2 đất. Có nhiều hộ hiến cả 100m2 đất như gia đình ông Vĩnh, gia đình bà Khoá, ông Vinh... không chỉ hiến đất mà các hộ còn tự nguyện đóng 300 ngàn đồng/khẩu cùng Nhà nước làm đường”. Bằng sự đầu tư của Nhà nước và sự tham gia đóng góp, ủng hộ của người dân các tuyến đường trên các thôn của xã Báo đáp đã được bê tông hoá tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng và rồi đây các tuyến đường sẽ nối dài mãi là tiền đề cho Báo Đáp vươn lên.
Nông thôn ngày mùa. (Ảnh: Chí Sinh)
Cũng như Báo Đáp, bà con các dân tộc xã Vĩnh Kiên đã hiến 15.000m2 đất và đóng góp trên 500 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn đạt chuẩn. Cây chè đã và đang là nguồn thu không nhỏ đối với gia đình ông Trần Văn Thọ, thôn Ba Chãng thế nhưng gia đình ông đã hiến hơn 500m2 đất trồng chè để cho thôn làm đường.
Nhờ người dân hiến đất, đóng góp công, của mà 12 km đường liên thôn, liên xã đã và đang được bê tông hoá phẳng phiu như đường ở phố. Thôn Loong Xe, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên trước đây vào thôn chủ yếu đi đường mòn, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, nhân dân trong thôn đã hiến 1.000m2 đất để mở rộng mặt đường lên 6 m. Đến nay, con đường vào thôn đã được thuận tiện hơn, các sản phẩm làm ra thương lái đưa xe vào tận thôn để thu mua với giá cao như ở trung tâm xã.
Song song với phát triển hệ thống giao thông nông thôn, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên lựa chọn mô hình trồng dâu nuôi tằm với diện tích 100 ha, xã Đại Phác huyện Văn Yên chọn mô hình sản xuất lúa giống với diện tích 10 ha làm khâu đột phá. Qua những việc đã làm cho thấy, khi người dân đã hiểu rõ mục đích, tư tưởng đã thông thì họ sẵn sàng chung tay, chung sức, hiến kế cùng làm, cùng xây dựng.
Bên cạnh những kết quả đã làm được, trong xây dựng NTM cũng còn những hạn chế cần được nhìn nhận một cách khách quan và cần được khắc phục. Thực tế cho thấy nơi nào có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể và làm tốt công tác tuyên truyền thì nơi đó bước đầu triển khai rất thuận lợi và thành công và ngược lại.
Có nhiều ý kiến cho rằng phát triển giao thông cũng là phát triển kinh tế và là một trong 19 tiêu chí để đạt NTM nhưng lại có ý kiến cho rằng làm giao thông là dễ nhất nhất nên hầu hết các xã chọn làm. Vẫn biết phát triển giao thông là tốt nhưng chúng ta không nên quá chú trọng vào tiêu chí này mà cái chính là chúng ta phải tuyên truyền, vận động để cộng đồng dân cư hiểu và cùng tham gia xây dựng NTM.
Không chỉ đóng góp của, công sức, mới là tham gia xây dựng NTM mà ngay cả việc các hộ nghèo cố gắng vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình, các hộ khá giả hơn, giàu có hơn giúp công, của, kiến thức và hướng dẫn các hộ nghèo phát triển kinh tế đó cũng là đóng góp tích cực trong xây dựng NTM.
Một thực tế là vốn Nhà nước đầu tư cho xây dựng NTM không phải là vô hạn, do đó, cần có sự huy động sức mạnh từ nội lực trong xã, thôn, bản, vận động người dân sống văn minh trong việc cưới, việc tang, ăn ở hợp vệ sinh, đổ rác đúng nơi quy định, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất theo hướng hàng hoá và thị trường... vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa để tạo ra những thửa ruộng lớn, liền ô, liền khoảnh là cơ sở để đi lên sản xuất lớn.
Từ những vấn đề nêu trên đòi hỏi mỗi địa phương cần xác định và tìm ra cho mình những hướng đi phù hợp, phát huy tốt hiệu quả và tránh làm theo phong trào, mô típ chung chung vừa lãng phí tiền của, vừa không mang lại hiệu quả thiết thực. Một yếu tố không thể thiếu là phải có sự vào cuộc tích cực, sâu sát hơn nữa của các tổ chức chính trị xã hội, nhất là của người dân địa phương và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cụ thể. Có như vậy việc xây dựng NTM mới thành công.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Vì hành xử thiếu văn hóa của doanh nghiệp viễn thông với địa phương, hay nói đúng hơn là với nhân dân địa phương nơi doanh nghiệp đầu tư dự án, nên bị dân chặn xe ô tô chở vật liệu vào xây dựng công trình ở thị xã Nghĩa Lộ. Đây là trường hợp hy hữu nhưng đã trở thành "điểm nóng" ở phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ)...
YBĐT - Về tổ dân phố 8 thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn) hôm nay, chúng tôi như lạc giữa những con phố lớn. Nhiều ngôi nhà biệt thự lộng lẫy và hoành tráng đang mọc lên xen lẫn những vườn cam bạt ngàn, trĩu quả. Chủ nhân của những ngôi "biệt thự" này không phải là ai khác mà chính là những nông dân chân lấm tay bùn…
YBĐT - Trong số các thôn bản người Mông sinh sống của Cát Thịnh thì Khe Chất xem ra chậm tiến hơn. Có phần trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể địa phương nhưng chủ yếu từ cán bộ, người dân.
YBĐT - Hiện thị trường đang tràn ngập các loại đồ chơi không đảm bảo chất lượng, thậm chí có thể chứa những chất độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà thiếu vắng sự can thiệp thường xuyên của cơ quan chức năng khiến cho người tiêu dùng cảm thấy lo ngại.