Lối về của những ước mơ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/10/2012 | 9:32:55 AM

YBĐT - Khát khao được sống, được yêu thương và mong được làm lại cuộc đời để thấy mình sống không là vô nghĩa…

Một giờ tập thể dục và bài học triết lý buổi sáng của các học viên tại Trung tâm.
Một giờ tập thể dục và bài học triết lý buổi sáng của các học viên tại Trung tâm.

Những học viên mà tôi đã được tiếp xúc ở Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (CB,GD,LĐXH) tỉnh Yên Bái đều thể hiện tâm tư, khát khao được sống, được yêu thương và mong được làm lại cuộc đời để thấy mình sống không là vô nghĩa…

Những bước chân lầm lỗi

Trong Trung tâm CB,GD,LĐXH có rất nhiều đối tượng khác nhau. Có người từng là cán bộ, công chức Nhà nước, có người là những tay anh chị trong xã hội hoặc vì hoàn cảnh gia đình éo le, cũng có khi chỉ vì một phút bồng bột, nông nổi của tuổi trẻ bị lao vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội để rồi tự đánh mất bản thân, lầm đường, lạc lối. Dù mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng những tháng ngày sống ở Trung tâm, họ đã tự soi lại mình và nhận ra giá trị, ý nghĩa của cuộc sống, phấn đấu, tu dưỡng mong sớm được hòa nhập cộng đồng.

Anh Lê Công Huấn - Phó giám đốc Trung tâm dẫn tôi dạo một vòng thăm nơi ăn ở, sinh hoạt của các học viên. Tại đây, tôi đã được gặp và trò chuyện với Hùng (tên nhân vật đã được thay đổi). Hùng 29 tuổi, khuôn mặt thư sinh và khá điển trai nhưng “tuổi” nghiện ma túy của Hùng đã bằng gần 1/3 tuổi đời anh. Hùng tâm sự: “Do điều kiện, hoàn cảnh công tác ở vùng cao nên mới đầu tôi chỉ thử xem cái cảm giác đó ra sao nhưng nghiện lúc nào không biết nữa”.

Cán bộ Trung tâm kiểm tra nơi ăn ở, sinh hoạt của các học viên.

Ở Trung tâm này, một học viên đã viết ra những dòng tâm sự với đầy ắp những nỗi niềm hối tiếc, ân hận và cả khát khao được tìm lại chính mình. Tâm sự có đoạn: “…Ban đầu với nhu cầu của bản thân và một chút sĩ diện, bồng bột của tuổi trẻ, tôi đã chơi bời và quen dần với ma túy. Với một khái niệm mơ hồ, đơn giản chỉ muốn để chứng tỏ mình, thể hiện sự “ga lăng”, tự tin của đàn ông trước bạn gái. Rồi dần dần, ma túy đã ngấm vào sâu trong cơ thể, tôi nghiện từ lúc nào không hay...

Mẹ tôi đã khóc, van xin tôi từ bỏ ma túy. Còn bố tôi chỉ lắc đầu, buồn bã… Rồi người yêu cũng chia tay, tôi lại càng dấn sâu hơn vào con đường nghiện ngập… Rất nhiều tiền bạc, của cải của gia đình cứ lần lượt “đội nón” ra đi tan theo làn khói trắng. Cơ quan sau nhiều lần cho nghỉ việc để chữa bệnh, cuối cùng đã phải quyết định cho tôi nghỉ việc.

Thế là tôi mất việc làm và mất tất cả… ở Trung tâm đến nay đã gần 2 năm, sức khỏe của tôi được bình phục, tôi đã đi lao động bình thường. Ở đây, mỗi người có một hoàn cảnh, điều kiện sống, trình độ học vấn khác nhau…, song các học viên luôn thắp lên niềm tin, ước mơ và hi vọng, sẽ xua tan đi tấm màn đen của quá khứ và mở ra một tương lai tương sáng, với niềm tin: “Nắm chặt tay nhau cùng tiến bước, can đảm, tự tin bước về đời”.
 
Lối về của những ước mơ

Trong câu chuyện buồn về quãng đời lầm lạc của mình, Hùng bộc bạch: “Mình cảm thấy nuối tiếc, ân hận, thương bố, mẹ mình nhiều lắm. Mình hy vọng sau khi về sẽ từ bỏ được ma túy, làm lại cuộc đời”. Còn anh Phương, quê ở xã Minh Xuân, Lục Yên từ khi vào Trung tâm đến nay cũng đã được hơn 20 tháng. Nhìn nước da ngăm ngăm đen, săn chắc, khỏe mạnh và rất nhanh nhẹn, ít ai có thể nghĩ rằng anh là con nghiện đã có thâm niên từ năm 1990. Cũng chỉ vì lao vào con đường nghiện ngập mà gia đình tan nát, giờ chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Đếm ngón tay, mắt anh Phương ánh lên niềm vui: “Chỉ còn vài tháng nữa là mình hết thời gian điều trị cai nghiện tại Trung tâm, sắp được về nhà rồi!”. Tôi hỏi:

- Anh có dự định gì cho mình khi về chưa?

- Mình chỉ mong ước khi về quê kiếm được một công việc ổn định để nuôi sống bản thân.

Rời khu A, chúng tôi tìm đến khu B - nơi lao động trị liệu cho những học viên sau khi cắt cơn cai nghiện. Học viên Nguyễn Văn Hùng - tổ trưởng tổ tự quản đội làm mộc đang bận rộn với chiếc máy bào trên tay. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu chuyện đời, anh chẳng chút ngần ngại cởi mở lòng mình: “Vào đây được một thời gian rồi, được các y, bác sỹ ở Trung tâm chăm sóc rất tận tình, chu đáo và đã điều trị cắt được cơn nghiện. Trung tâm còn bố trí cho chúng tôi làm việc đúng với năng lực, sở trường, vậy nên ai cũng khỏe ra rất nhiều. Mong ước lớn nhất của tôi là được trở về đoàn tụ với gia đình, quyết tâm từ bỏ con đường này để làm lại cuộc đời”.

Không chỉ học viên nam mà hiện nay ở Trung tâm CB,GD,LĐXH tỉnh Yên Bái có cả học viên nữ. Chị Hoàng Thị H. Ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái tâm sự: “ở nhà không thể cai được, sợ bạn bè rủ rê nên mình đã tự nguyện làm đơn xin vào đây để cai nghiện được gần một năm rồi. Từ khi vào Trung tâm đến nay, được cán bộ chữa trị cắt cơn nghiện, mình thấy khỏe mạnh. Bây giờ mình không còn cảm giác thèm thuốc nữa. Mình sẽ quyết tâm, cố gắng để từ bỏ ma túy”. Nói đến đó, H. giấu mặt sau cánh cửa bật khóc. Một trong số học viên nữ khác mà tôi được tiếp xúc cũng rất ấn tượng đó là em Nguyễn Thị Kim Nh.. Nh. nhỏ nhắn và khá xinh. Tôi bắt chuyện:

- Em năm nay bao nhiêu tuổi ?

- Em 24 tuổi ạ!

- Còn trẻ thế mà đã dính vào ma túy, không thấy tiếc nuối tuổi xuân của mình sao?

- Vì hoàn cảnh gia đình nên em theo đám bạn bè ăn chơi, rồi lao vào con đường nghiện ngập từ khi nào không hay nữa! Em sẽ quyết tâm để làm lại cuộc đời. Em vẫn còn trẻ mà - Nh. tự tin cười.

“Bà đỡ” của những mảnh đời lầm lạc

Các học viên nữ được đào tạo nghề may dân dụng.

“Chúng ta ở đây, bởi Trung tâm là một gia đình lớn của chúng ta. Tôi cứ lẩn tránh cho đến khi tôi phải đối mặt với chính mình. Qua ánh mắt và trái tim của những người xung quanh, tôi đã cô đơn bởi không muốn ai biết đến mình. Tôi không hiểu mọi người và chính bản thân mình. Ở đây tôi cảm thấy an toàn, khi được nói lên những bí mật của bản thân mình. Ở nơi đây, trong thế giới chung này, tôi tự soi xét lại chính mình. Ở nơi đây, cùng nhau tôi có thể sống và vươn lên không còn cô đơn, sẽ sống cho bản thân và những người yêu thương…”.

Đó là bài học triết lý buổi sáng mà bất kỳ học viên nào từ khi mới bước chân vào Trung tâm CB,GD,LĐXH tỉnh Yên Bái cũng phải thuộc lòng. Bài học cho những người một thời lầm đường, lạc bước.

Ông Nguyễn Lâm Ngọc - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Môi trường sống tại Trung tâm hiện nay hoàn toàn không có ma túy. Các học viên khi mới vào Trung tâm rất mặc cảm, tự ti, bởi họ là những con nghiện bị xã hội và cộng đồng xa lánh. Song tiếp xúc với họ mới thấy, họ cũng thật đáng thương, bởi đằng sau họ có rất nhiều những câu chuyện buồn”.

Ở Trung tâm hiện đang quản lý chữa trị và giáo dục lao động trị liệu thường xuyên cho trên 650 học viên. Tại các khu chức năng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng, qui hoạch khá qui mô. Hiện Trung tâm tiếp tục được đầu tư xây dựng một khu chức năng quản lý sau cai, với tổng số vốn hơn 24 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2013. Các học viên sau khi được tiếp nhận, phân loại sẽ được điều trị cắt cơn và điều trị các bệnh phát sinh thông thường, rồi chuyển đến các khu để giáo dục, lao động trị liệu, tư vấn hòa nhập cộng đồng và tổ chức mở các lớp hướng nghiệp dạy nghề cho học viên.

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, người biết nghề trước truyền dạy lại kinh nghiệm cho các học viên đến sau, đồng thời tạo điều kiện cho các học viên tham gia lao động theo các nhóm việc như: chăm sóc và trồng rừng, xây dựng, sửa chữa củng cố cơ sở hạ tầng, làm mộc, sửa chữa điện dân dụng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau xanh, tự túc được thực phẩm phục vụ cho các bữa ăn hàng ngày. Trung tâm đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn, tổ chức cho học viên tham gia lao động sản xuất và mở một số lớp dạy nghề cho học viên cai nghiện như: may, xây dựng, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông, lâm sản...

Bên cạnh việc chữa trị cho những học viên cai nghiện ma túy, Trung tâm CB,GD,LĐXH tỉnh còn tiến hành điều trị thuốc ARV cho các học viên bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối. Năm 2011, Trung tâm là một trong 3 trung tâm CB,GD,LĐXH của cả nước đạt chỉ tiêu về điều trị ARV cho học viên nhiễm HIV/AIDS.

Rời Trung tâm CB,GD,LĐXH tỉnh, tôi vẫn nhớ như in những lời bộc bạch mộc mạc, chân thành của Hùng: “Nếu nhà báo có viết thì nhớ hãy viết thêm một lời nhắn nhủ này của tôi để thay cho lời kết, nhà báo nhé. “Mọi người đừng ai dại dột dính vào ma túy, dù chỉ một lần thôi. Các bạn trẻ hãy tránh xa ma túy nếu không sẽ đánh mất chính mình và đừng để như tôi bây giờ, khi thấy ân hận và hối tiếc thì đã muộn mất rồi”.

 Đức Toàn 

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục