Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Còn nhiều khó khăn
- Cập nhật: Thứ hai, 15/10/2012 | 3:04:38 PM
YBĐT - Mặc dù, BHXH tỉnh Yên Bái đã có công văn chỉ đạo xuống BHXH các huyện, thị, thành phố triển khai BHYT HSSV và BHXH các huyện, thị, thành phố đã cùng với các phòng GD&ĐT phối hợp hướng dẫn các trường tổ chức thực hiện nhưng tỉnh Yên Bái vẫn còn 10% nữa mới "phủ kín" HSSV tham gia BHYT.
Chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên ngay tại trường học được các nhà trường đặc biệt quan tâm.
|
Theo điều 51 Luật Bảo hiểm năm 2008, từ ngày 1/1/2010, học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc thay vì BHYT tự nguyện như trước đây. Sau gần 3 năm triển khai, Luật BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống của HSSV, có tác động tích cực đến ý thức trách nhiệm của các nhà trường, các bậc phụ huynh và bản thân HSSV trong việc thực hiện BHYT. Song, mục tiêu 100% HSSV trên địa bàn tỉnh Yên Bái tham gia BHYT, tạo tiền đề tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2014 đang gặp nhiều khó khăn.
Đảm bảo quyền lợi tốt nhất
Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách về BHYT trong HSSV, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh triển khai thực hiện BHYT cho HSSV. Kết quả là tỷ lệ tham gia đóng BHYT của học sinh, sinh viên ngày càng cao.
Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, ngoài số HSSV nằm trong diện được hỗ trợ 100% BHYT như: hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tính đến thời điểm 9/2012, toàn tỉnh có 38.891 HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 90%. Nhiều trường học có 100% số học sinh, sinh viên tham gia BHYT như: Trường Tiểu học Kim Đồng, Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Yên Bái, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Yên Bái); Trường THPT Thác Bà (Yên Bình); Trường THCS Dân tộc Nội trú (Trấn Yên)…
Một thực tế không thể phủ nhận hiện nay đó là HSSV mắc bệnh học đường ngày càng gia tăng. Đây là nỗi lo của các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội. Do đó, yêu cầu về chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe cho HSSV trở thành vấn đề cấp thiết, giúp các em có sức khỏe để học tập tốt.
Đặc biệt, trong điều kiện khung giá viện phí ngày càng tăng cao thì tấm thẻ BHYT sẽ càng có ý nghĩa quan trọng, giúp gia đình các em bớt đi gánh nặng về kinh tế khi các em không may bị ốm đau, bệnh tật. Năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã có gần 101.200 lượt học sinh đi khám chữa bệnh (KCB) với số tiền BHYT chi trả trên 13 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều em bị bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả với số tiền hàng chục triệu đồng như: em Nguyễn Mạnh Hùng, (huyện Trấn Yên), em Nguyễn Thị Minh Anh (xã Sơn Thịnh, Văn Chấn), em Nguyễn Trọng Vũ (Văn Yên), em Nguyễn Khải (thị xã Nghĩa Lộ)…
Những chủ nhân tương lai của đất nước.
Nói về "bí quyết" trong việc vận động phụ huynh tham gia BHYT, cô Nguyễn Ngọc Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái - nơi có 100% học sinh tham gia BHYT chia sẻ: "Để mọi phụ huynh hiểu về quyền lợi và tầm quan trọng của việc tham gia BHYT cho con em mình, nhà trường đã tuyên truyền BHYT lồng ghép trong các buổi họp phụ huynh và làm "mềm" luật bằng cách đưa ra những trường hợp học sinh đang học trong trường được Quỹ BHYT chi trả với số tiền cao khi KCB. Từ đó, các bậc phụ huynh đã hiểu được ngoài chăm sóc sức khỏe cho con em mình thì đây còn thể hiện sự tương thân tương ái trong việc giúp đỡ, sẻ chia những khó khăn, rủi ro giữa người khỏe mạnh và người đau ốm nên đều tự giác tham gia".
Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương thực hiện tốt việc tham gia BHYT HSSV thì còn nhiều nơi dù đã tuyên truyền về nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT nhưng vẫn chưa được các bậc phụ huynh coi trọng. Năm 2012, số học sinh (cấp I, II) tham gia BHYT ở huyện Trấn Yên chỉ đạt 76,6%, huyện Lục Yên là 51,5%, thị xã Nghĩa Lộ mới chỉ có 35,3%.
Nguyên nhân...
Bà Nguyễn Thị Hậu - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Phòng đã chỉ đạo xuống các trường tuyên truyền, vận động phụ huynh tham gia BHYT vì sức khỏe của con em mình nhưng do đầu năm học với nhiều khoản đóng góp cùng với không ít phụ huynh còn e ngại về chất lượng trong công tác KCB bằng BHYT nên các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn chỉ ưu tiên những nhu cầu thiết yếu cho con em mình nên tỷ lệ tham gia BHYT học sinh trên địa bàn đạt thấp". Đó là lý do dẫn tới nhiều gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn khi con em mình bị ốm đau, bệnh tật hoặc gặp phải các tai nạn rủi ro lại không có tấm thẻ BHYT để được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
Mặc dù, BHXH tỉnh đã có công văn chỉ đạo xuống BHXH các huyện, thị, thành phố triển khai BHYT HSSV và BHXH các huyện, thị, thành phố đã cùng với các phòng GD&ĐT phối hợp hướng dẫn các trường tổ chức thực hiện nhưng tỉnh Yên Bái vẫn còn 10% nữa mới "phủ kín" HSSV tham gia BHYT.
Theo ông Phạm Quốc Tuấn - Phó giám đốc BHXH tỉnh thì việc HSSV tham gia BHYT sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực và hiệu quả, đảm bảo được quyền lợi của HSSV khi KCB tại các cơ sở y tế. Bên cạnh kết quả 90% số HSSV tham gia BHYT thì việc triển khai BHYT tới tỷ lệ 10% HSSV còn lại sẽ rất khó khăn. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, cùng với đó nhiều nhà trường mới chỉ nhắc nhở, vận động phụ huynh đóng góp chứ chưa tuyên truyền sâu về nghĩa vụ cũng như lợi ích của học sinh khi tham gia BHYT. Theo quy định thì phí BHYT cho HSSV được tính bằng 3% mức lương tối thiểu chung trên tổng 12 tháng lương. Trong đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 30%, HSSV đóng 70%. Tuy nhiên, với các em HSSV thuộc diện cận nghèo mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ 70% mệnh giá mua thẻ BHYT song số tiền đóng còn lại cũng là gánh nặng không nhỏ với gia đình các em khi mà các khoản đóng góp đầu năm khá nhiều.
Và giải pháp
Theo ông Phạm Quốc Tuấn, để việc triển khai BHYT trong đối tượng HSSV mang lại hiệu quả cao hơn nữa thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHYT HSSV; nâng cao chất lượng phục vụ; thực hiện chăm sóc sức khỏe cho HSSV ngay tại trường học.
Cùng với những giải pháp mà BHXH tỉnh đã đưa ra, để mục tiêu 100% HSSV được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe theo quy định của Luật BHYT nhanh chóng "cán đích" thì trước hết ngành BHXH cần phải hạn chế những thủ tục rườm rà trong chi trả BHYT cũng như phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho HSSV khi đến KCB, tránh sự phân biệt giữa người sử dụng thẻ và người bệnh đóng phí.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của các cấp, các ngành thì đối tượng thuộc diện cận nghèo cũng cần tránh tâm lý trông chờ ỷ lại để được hỗ trợ 100% phí mua thẻ BHYT mà phải coi đây là nghĩa vụ và trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho con em mình được hưởng chính sách ưu việt của Nhà nước.
Năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã có gần 101.200 lượt học sinh đi khám chữa bệnh (KCB) với số tiền BHYT chi trả trên 13 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều em bị bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả với số tiền hàng chục triệu đồng như: em Nguyễn Mạnh Hùng, (huyện Trấn Yên), em Nguyễn Thị Minh Anh (xã Sơn Thịnh, Văn Chấn), em Nguyễn Trọng Vũ (Văn Yên), em Nguyễn Khải (thị xã Nghĩa Lộ)… |
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Không còn phải bàn cãi gì nữa, bưởi Đại Minh ngon, ngọt và là nguồn thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ dân trong xã. Người Đại Minh, người Yên Bình có quyền tự hào bởi thứ "cây nhà lá vườn" mà lại là món quà quý, giá trị cao. Song, hôm nay những người tâm huyết với cây bưởi Đại Minh đang rất buồn vì cây bưởi quê mình...
YBĐT - Khát khao được sống, được yêu thương và mong được làm lại cuộc đời để thấy mình sống không là vô nghĩa…
YBĐT - Xây dựng nông thôn mới là nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông-lâm nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng CNH-HĐH góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 khoá X về “tam nông”.
YBĐT - Vì hành xử thiếu văn hóa của doanh nghiệp viễn thông với địa phương, hay nói đúng hơn là với nhân dân địa phương nơi doanh nghiệp đầu tư dự án, nên bị dân chặn xe ô tô chở vật liệu vào xây dựng công trình ở thị xã Nghĩa Lộ. Đây là trường hợp hy hữu nhưng đã trở thành "điểm nóng" ở phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ)...