Nỗi niềm quê bưởi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/10/2012 | 3:50:08 PM

YBĐT - Không còn phải bàn cãi gì nữa, bưởi Đại Minh ngon, ngọt và là nguồn thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ dân trong xã. Người Đại Minh, người Yên Bình có quyền tự hào bởi thứ "cây nhà lá vườn" mà lại là món quà quý, giá trị cao. Song, hôm nay những người tâm huyết với cây bưởi Đại Minh đang rất buồn vì cây bưởi quê mình...

Vườn bưởi nhà cụ Nguyễn Văn Ký thu 100 triệu đồng trong năm 2012.
Vườn bưởi nhà cụ Nguyễn Văn Ký thu 100 triệu đồng trong năm 2012.

Tháng 8 Âm lịch, vùng bưởi Đại Minh thực sự tấp nập, từ đường làng đến quốc lộ đâu đâu cũng bắt gặp xe máy, ô tô chở bưởi. Đi khắp các thôn trong xã, hình ảnh dễ nhìn thấy nhất, thích ngắm nghía nhất chính là những vườn bưởi sai trĩu quả. Hương thơm ngày mùa quyện với hương bưởi chín tạo ra vị thơm nồng đặc trưng riêng có của vùng quê đang ngày càng đổi thay.

Bưởi Đại Minh có một đặc điểm là: ngọt mát, mọng nước, tôm không nát dù có chín đến mấy. Hái trái bưởi từ cây xuống có thể để mấy tháng trời, mặc cho da bưởi đã khô quắt nhưng múi bưởi vẫn tươi nguyên, ăn vào vẫn thơm  ngọt.

Thấy được giá trị của cây bưởi đường, Đảng bộ, chính quyền xã đã khuyến khích người dân phá bỏ vườn tạp, mở rộng diện tích trồng bưởi và coi đây là cây xoá đói, giảm nghèo cho nhân dân.

Từ chỗ mỗi nhà chỉ trồng mấy cây ăn chơi, sau khi triển khai chương trình toàn xã đã trồng 67 ha bưởi, nhiều nhà trồng hơn 100 cây, nhiều thôn như Khả Lĩnh, Quyết Tiến, Cầu Mơ, Minh Thân... mỗi thôn trồng hàng chục ha bưởi ngọt và đưa cây bưởi lên vị trí chủ lực trong  phát triển kinh tế. Song, thật tiếc là chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển vùng bưởi còn chưa thu được kết quả thì vùng bưởi Đại Minh bỗng nhiên giảm hẳn về sản lượng.

Từ những cây bưởi hàng trăm năm tuổi cho tới những cây non đang tươi tốt, bỗng nhiên thưa quả dần. 10 năm Đại Minh mất mùa bưởi, nhiều nhà đã chặt bỏ vườn bưởi trong sự đau xót.

Được sự quan tâm của huyện Yên Bình, Sở Khoa học và Công nghệ, năm 2008 những nhà khoa học của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã về Đại Minh để điều tra, nghiên cứu. Câu hỏi vì sao bưởi Đại Minh không ra quả đã có lời giải đáp. Đó là do việc chuyên canh duy nhất một loại cây bưởi ngọt trên diện rộng đã khiến nhiều loại côn trùng giúp bưởi thụ phấn không thể tồn tại.

Giải pháp được các nhà khoa học đưa ra là cải tạo vườn bưởi bằng việc loại bỏ những cây sâu bệnh không thể phục hồi, cắt tỉa những cành già, cành không có khả năng cho quả; bón phân thường xuyên và đặc biệt là thực hiện việc thụ phấn chéo cho bưởi (dùng hoa của các giống bưởi khác như bưởi Diễn, các giống bưởi chua...) thụ phấn cho bưởi ngọt khi hoa nở rộ vào thời điểm 8 đến 9 giờ sáng những ngày trời tạnh nắng.

Ông Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng uỷ xã Đại Minh cho biết: "Các nhà khoa học đưa ra kết luận trên cơ sở khoa học và thực tiễn nhưng triển khai việc phục tráng cây bưởi trên phạm vi toàn xã với mấy trăm hộ dân cũng không dễ, nhất là khi đã xuất hiện tư tưởng chán bưởi". Rồi những buổi tập huấn được triển khai, những bài trình diễn của cán bộ KHKT được tiến hành ngay trên vườn bưởi của các hộ gia đình.

Nông dân Đại Minh vận chuyển bưởi đi tiêu thụ.

Với sự kiên trì như vậy, mùa bưởi 2008 những cây bưởi được chăm sóc tốt, nhất là những chùm hoa được thụ phấn đều đậu quả và vị ngọt thanh mát của múi bưởi đã trở lại cùng với nét tươi vui trên khuôn mặt những người trồng bưởi ở Đại Minh. Liên tiếp những năm 2010 và 2011, công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh.

Những buổi tập huấn, trình diễn phương pháp thụ phấn tiếp tục được triển khai và đi kèm với đó là năng suất, sản lượng bưởi của Đại Minh không ngừng tăng lên.

Ông Bí thư Đảng ủy xã giải thích: "Bưởi chẳng ai bán cân nên không tính bằng ki lô gam, nhiều quá nên cũng chẳng ai đếm được nên không biết được bao nhiêu quả, anh em chúng tôi thống nhất điều tra, đánh giá bằng lượng tiền bà con thu về.

Năm 2010 được khoảng hơn 3 tỷ đồng, năm 2011 thu được hơn 5 tỷ, riêng năm nay bà con chưa bán hết nhưng tiền bưởi chắc chắn đã được thu khoảng 7 tỷ đồng. Rất nhiều nhà trong xã thu được vài chục triệu tiền bưởi, mấy hộ trồng nhiều, bán luôn cả vườn từ khi bưởi mới chín thu được hơn trăm triệu đồng".

Chúng tôi đến thăm nhà cụ Nguyễn Văn Ký ở thôn Minh Thân. Cụ Ký đã 80 tuổi nhưng còn minh mẫn và khoẻ mạnh lắm, cụ hóm hỉnh bảo: "Người ta bảo già chỉ trồng chuối cho nhanh được thu nhưng tôi vẫn hăng hái trồng bưởi lắm!".

Được biết, vườn bưởi nhà cụ Ký từ năm 1958 đến nay đã lên tới con số 110 cây. Năm nay, cụ bán toàn bộ số quả trên 100 cây cho thương lái thu được đúng 100 triệu đồng. Cụ bảo, để lại 10 cây với khoảng hơn 700 quả nữa, giờ người ta vào trả giá 13 nghìn đồng/quả nhưng cụ và con cháu không bán mà "Để lại một ít để thắp hương tổ tiên và làm quà cho con cháu".

67 ha bưởi cho thu hơn 7 tỷ đồng, có lẽ đây là số thu cao nhất trên một đơn vị diện tích mà Yên Bình đạt được, càng có ý nghĩa hơn khi đây là cây lâu năm, đầu tư ít, chăm sóc ít nên lãi ròng thu về rất cao. Đó còn chưa kể ở Đại Minh và mấy địa phương lân cận như Hán Đà, Thác Bà đã hình thành cả một lực lượng buôn bưởi và đã trở nên giàu có.

Đại Minh đã đúng khi chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của cây bưởi ngọt; đặc biệt là sự giúp sức quan trọng của KHKT với những chuyên gia tâm huyết để Đại Minh lại có những vụ bưởi bội thu. Song, có một thực tế là hiện nay đi khắp Yên Bái, Yên Bình, Đại Minh không thấy nơi nào treo biển bán "Bưởi Đại Minh" mà chỉ thấy biển hiệu "Bưởi ngon Đoan Hùng".

Một số hộ kinh doanh ở huyện bạn còn làm những tấm pano lớn giới thiệu về thứ đặc sản của họ, còn bưởi Đại Minh - thứ bưởi ngon có tiếng nhưng ra thương trường vẫn bán không được giá.

Hiện, giá một quả bưởi ở ngã ba Cát Lem (khu vực giáp Đại Minh) là 15 nghìn đồng nhưng khi khách hàng muốn mua mấy quả bưởi chính gốc Khả Lĩnh thì những người bán bưởi ở đây đòi đúng giá 25 nghìn đồng một quả. Đúng là trong vị ngọt của múi bưởi Đại Minh vẫn còn những vị đắng đang cần các nhà lãnh đạo địa phương sớm đưa ra giải pháp.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục