Cho bình yên Nậm Khắt

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/10/2012 | 2:38:14 PM

YBĐT - Ai đó đã gọi Nậm Khắt là “rốn” của ma túy. Chẳng thế mà cuộc chiến chống lại thứ hàng cấm siêu lợi nhuận và chết người này của các lực lượng chức năng địa phương ngày đêm vẫn diễn ra âm thầm, quyết liệt, đầy hiểm nguy rình rập...

Một góc bản làng Minh, xã Nậm Khắt.
Một góc bản làng Minh, xã Nậm Khắt.

Nậm Khắt – nơi gió Lào suốt mùa thổi qua những cánh rừng thông điệp trùng tưởng chừng bất tận. Có những bản làng người Mông lẫn trong sương mờ, chỉ bước qua “dông” núi bên kia là chạm đất Mường Chiến của tỉnh Sơn La.

Mùa này, những cánh rừng thông bạt ngàn của núi rừng Nậm Khắt chìm đắm trong hương Sơn Tra chín rộ, quyến rũ đến lạ. Những ngôi nhà gỗ của người Mông mái lợp phibrô xi măng sậm màu khói bếp. Những con đường bê tông trắng mờ như dải lụa ôm lấy chân núi chạy dài hun hút theo sát những cánh rừng thông tít tắp xa mờ… Cuộc sống thanh bình và đẹp như cổ tích ấy khó khiến người ta mượng tượng ra một Nậm Khắt đói nghèo, cơ cực - Nậm Khắt của một thời… cả làng trồng thuốc phiện.

Già Giàng Nủ Cau, 72 tuổi ở thôn Nậm Khắt còn nhớ như in những dấu mốc đổi thay trên quê hương mình. Gần nửa cuộc đời chìm đắm trong bàn đèn thuốc phiện đủ cho ông kinh nghiệm xương máu để giáo dục, khuyên răn con cháu.

Nói chuyện tuyên truyền, vận động bà con bỏ trồng, bỏ hút và không tham gia tiếp tay cho kẻ xấu buôn bán, vận chuyển ma túy qua địa bàn hiểu biết chẳng kém gì cán bộ xã. Già Cau xúc động lắm khi khoe với cán bộ huyện, cán bộ tỉnh ngôi nhà to đẹp mà nửa còn lại của cuộc đời đoạn tuyệt hẳn với bàn đèn thuốc phiện ông đã gây dựng được. Chiếc mũ nồi đen cũ kỹ trên đầu già Cau lắc lư theo từng cử chỉ. Ánh mắt ông khi rực sáng như ngọn lửa gỗ thông bập bùng cháy nơi bếp lửa, có khi lại xa xăm, buồn như sương chiều chạng vạng.

Già Cau không nói được tiếng phổ thông nên tôi hiểu chuyện đời ông, chuyện của Nậm Khắt xưa kia qua Giàng A Chua, Phó trưởng Công an xã phiên dịch lại:

Mình biết hút thuốc phiện từ ngày còn trẻ lắm. Thời ấy, nhà nào trong làng cũng có vài mảnh nương trồng thuốc phiện, không ai cấm cả. Từ người già đến trẻ nhỏ biết hút thuốc phiện hết đấy. Người nghiện nhiều, chỉ có đàn bà, con gái đi làm nương thôi… Khoảng năm 1990, 1991 trở đi, Nhà nước vận động, tuyên truyền phá cây thuốc phiện, bỏ trồng, bỏ hút và không buôn bán thuốc phiện nữa nên bà con dân bản ít trồng rồi. Vài năm trước vẫn có nhà lén lút trồng trong rừng sâu nhưng cũng bị Công an xã phát hiện kiên quyết phá bỏ hết...

Không làm ra được thuốc phiện để hút nữa, không có tiền để mua nữa thì phải bỏ thôi. Nhưng mà bỏ khó đấy, phải hút ít dần, ít dần, từ từ rồi mới bỏ hẳn được. Từ năm 1999 đến nay, mình cai được thuốc phiện hẳn rồi, mừng lắm… Bây giờ mà hút thuốc phiện, dùng ma túy thì chỉ có chết dần, chết dần thôi! - già Cau cho biết thêm.

 

Già làng Nủ Cau kể về “kỳ tích” cai nghiện ma túy của mình.

Năm 2011, cả xã Nậm Khắt có 84 người nghiện ma túy. 32 người đã được tham gia tại lớp cai nghiện cộng đồng mở tại xã, 11 người được đưa đi cai nghiệm tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh, còn hơn 40 người nghiện ở tại địa phương. Đáng lo ngại, độ tuổi phạm pháp và mắc nghiện trẻ hơn, nữ trẻ nghiện ma túy có chiều hướng tăng…

Người Mông ở Nậm Khắt bảo nhau rằng, cái ma túy tổng hợp bây giờ không dễ cai như nghiện thuốc phiện ngày trước. Nó làm hỏng giống nòi, làm hỏng đời con trai, con gái. Biết thế nhưng số người nghiện ma túy ở Nậm Khắt chưa giảm được là mấy. Công tác cai nghiện ở đây vẫn chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa… 

Khu rừng nguyên sinh Tà Dê Chơ giáp ranh với xã Túc Đán của huyện Trạm Tấu và xã Mường Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La là địa bàn phức tạp, “nóng” về tình trạng vận chuyển trái phép chất ma túy. Ma túy được các đối tượng buôn bán thuê mướn người dân bản địa tuồn qua đường rừng từ Sơn La đưa sang đất Yên Bái tiêu thụ mà địa bàn xã Nậm Khắt là nơi trung chuyển.

 Lý Vảng Chua, Chủ tịch Cựu chiến binh xã - người được mệnh danh là “khắc tinh” của tội phạm ma túy ở đất Nậm Khắt thuộc đường rừng Tà Dê Chơ như chính con đường về bản Làng Minh quê anh.

 Nhớ lần tổ chức tuần tra phát hiện và triệt phá 85 mét vuông thuốc phiện tại khu vực rừng Tà Dê Chơ, bản Pú Cang đầu tháng 12 năm ngoái mà anh được giao trọng trách là tổ trưởng, anh kể:

 Đến được vùng rừng này vất vả đấy, phải đi bộ hơn 2 ngày đường, cứ cơm nắm mà ăn, nước khe mà uống. Mãi khi gần kết thúc đợt kiểm tra tình hình tái trồng cây thuốc phiện tại địa phận này, tổ công tác của mình mới phát hiện được mảnh nương trồng thuốc phiện, cây vẫn còn nhỏ. Hội ý và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên xong, khi bắt tay vào nhổ bỏ nương thuốc phiện thì bất ngờ nghe tiếng súng nổ ngay bên cạnh.

Biết chuyện không lành, bọn mình cho anh em rút luôn, không nhổ nữa. Quan sát nhanh quanh khu vực vừa phát ra tiếng súng thì thấy hai đối tượng là nam nên anh em trong tổ công tác chia nhau bám sát theo dõi và bắt giữ. Khai thác và kiểm tra trên người đối tượng phát hiện và thu giữ được 5 chỉ thuốc phiện, một khẩu súng săn. Đây là người của xã Mường Chiến, Sơn La. Phải vận động, giải thích rất vất vả mới đưa được đối tượng về xã…

Biết là vạch mặt kẻ xấu, nhất là đối tượng tội phạm ma túy sẽ phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, cũng đã từng bị đối tượng gài mìn vào xe máy hòng dọa dẫm, ám hại nhưng chưa khi nào Lý Vảng Chua nhụt chí. Người Mông bản Làng Minh tự hào vì có anh là người cán bộ gương mẫu. Cả bản có tới hơn bốn chục hộ thì chỉ có nhà Lý Vảng Chua dám thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo. Trưởng thôn, Bí thư chi bộ cũng phấn đấu học anh để làm gương cho bà con cố gắng.

Biết bà con nhiều người không biết chữ nên nên việc thông tin đến dân chủ yếu bằng phương pháp tuyên truyền miệng. Vảng Chua phân tích: “Tuyên truyền theo cách này mới hiệu quả, bà con dễ hiểu, dễ nhớ, mà dân bản cũng cảnh giác lắm đấy. Đố người lạ vào bản mà qua mắt được bà con”.

Chiến công lớn nhất của Lý Vảng Chua và bà con bản Làng Minh trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy là kịp thời phát hiện và nhanh chóng phối hợp với lực lượng công an huyện, xã truy bắt tại bản 2 đối tượng vận chuyển trái phép 3 kg thuốc phiện từ Sơn La sang đất Yên Bái năm 1999. Năm 2010, bản thân anh đã trực tiếp cung cấp thông tin, phối hợp với lực lượng công an địa phương bắt 6 vụ vận chuyển ma túy từ Sơn La qua địa bàn.

Hỏi chuyện thành tích của mười mấy tấm bằng khen ghi tên mình, anh chỉ cười: “Mình tham gia công tác ở xã hơn chục năm rồi, cũng phối hợp với công an bắt tội phạm ma túy nhiều đấy, chẳng nhớ hết đâu. Vụ nhiều thì 1 lạng thuốc phiện với 30 triệu đồng, vụ ít cũng vài chỉ. Mình chỉ nghĩ ma túy toàn là hại thôi, không có tý lợi nào cho dân cả, hại từ làng xóm xong đến anh em ruột, không cẩn thận còn hại đến nhà mình nên phải quyết tâm vận động mọi người tránh xa. Mà nếu thế thì mình phải làm từ đầu không thì người nghiện nó cứ theo nhau mà nghiện thôi…”.  

Đêm ở bản Làng Minh thanh bình đến lạ. Mảnh trăng thượng tuần mờ tỏ như chiếc đèn hiệu đủ để cho Vảng Chua và những chiến sỹ công an viên của bản định hướng vùng rừng tuần tra hàng đêm.

Chẳng ồn ã tiếng đài loa, xe cộ như chốn phố xá, chỉ có tiếng nước róc rách dưới lòng khe vọng về. Tôi nghe và nghĩ nhiều về chuyện mà Dông, vợ Lý Vảng Chua kể: “Chị tự hào chồng mình là cán bộ xã gương mẫu”. Hơn chục năm tham gia công tác xã hội ở địa phương, anh Chua đã đi hỏng 4 chiếc xe máy. Chị chẳng nghĩ lâu bán luôn con trâu đực, thêm tiền mua cho chồng chiếc xe máy mới đi làm, còn mình vui vẻ cuốc bộ cả chục cây số đi chợ, làm ruộng, làm nương, sớm khuya chăm chỉ thu vén cửa nhà, dù một tháng anh Chua chỉ mang về cho vợ được hơn triệu bạc…

Nằm cạnh người phụ nữ mà mới ban chiều thôi hãy còn lạ lẫm, tự nhiên tôi có cảm giác như mình đã thuộc về nơi này. Cả đêm không sao chợp mắt, tôi cứ nghĩ, có phải bởi có được niềm động viên, có được mái ấm hạnh phúc bình dị từ những người vợ thủy chung, tần tảo như Dông mang lại mà Nậm Khắt có nhiều cán bộ xã, cán bộ thôn, cán bộ đoàn thể dám nói, dám làm, dám xả thân giữ gìn bình yên cuộc sống cho mỗi bản làng vùng cao…

Phạm Minh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục