Gỡ khó cho doanh nghiệp nợ bảo hiểm
- Cập nhật: Thứ hai, 29/10/2012 | 3:05:26 PM
YBĐT - Việc nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân: Không ít doanh nghiệp, người sử dụng lao động “lách luật” hoặc cố tình vi phạm pháp luật lao động để chiếm dụng tiền BHXH, tạo vốn kinh doanh trên lưng người lao động.
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh khảo sát tình hình chế biến và xuất khẩu đá hoa trắng tại Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Lục Yên để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
|
Theo đồng chí Lò Xuân Thịnh - Trưởng phòng thu Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái, đến 30/9/2012 số nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lên đến 47,855 tỷ đồng, khiến người lao động phải gồng mình gánh chịu khi tai nạn lao động, ốm đau, thai sản không được thanh toán kịp thời… Họ đang cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng gỡ khó cho doanh nghiệp.
Hàng loạt doanh nghiệp nợ BHXH
Theo phân tích của ngành BHXH tỉnh Yên Bái: Năm 2011, trên địa bàn tỉnh chỉ có 11 doanh nghiệp nợ đọng BHXH trên 8 tỷ đồng… 9 tháng năm 2012 con số này đã lên đến 70 doanh nghiệp, nợ đọng BHXH 21,448 tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách nợ đọng BHXH là các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái sử dụng 527 lao động, nợ BHXH 9 tháng với số tiền 4,183 tỷ đồng. Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình, sử dụng 446 lao động, nợ BHXH 5 tháng với số tiền 1,777 tỷ đồng. Lâm trường Lục Yên sử dụng 44 lao động, nợ BHXH 49 tháng với số tiền 2,404 tỷ đồng. Lâm trường Văn Chấn sử dụng 14 lao động, nợ BHXH 20 tháng với số tiền 237 triệu đồng. Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông Yên Bái sử dụng 185 lao động, nợ BHXH 5 tháng, với số tiền 820 triệu đồng. Công ty cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp sử dụng 22 lao động nợ BHXH 41 tháng với số tiền 824 triệu đồng.
Công ty cổ phần Quang Thịnh (Văn Chấn) sử dụng 15 lao động, nợ BHXH 11 tháng với số tiền 915 triệu đồng. Công ty cổ phần Chè Văn Hưng sử dụng 165 lao động, nợ BHXH 7 tháng với số tiền 946 triệu đồng. Công ty xây dựng Tiến Thành (thành phố Yên Bái) sử dụng 17 lao động, nợ BHXH 13 tháng với số tiền 147 triệu đồng…
Điều đáng nói, tình trạng nợ đọng BHXH không chỉ các doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý, mà còn diễn ra ở tất cả 9 huyện, thị xã và thành phố. Tình trạng nợ BHXH của các doanh nghiệp là gánh nặng đổ lên vai người lao động không được hưởng kịp thời chế độ tai nạn lao động, ốm đau, thai sản… khiến họ “thiệt đơn, thiệt kép” trong thời “bão giá”…
Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái nợ bảo hiểm xã hội 9 tháng năm 2012 số tiền 4,183 tỷ đồng.
Nguyên nhân
Nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật lao động và Luật BHXH. Năm 2011, BHXH tỉnh đã khởi kiện 4 doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài với số tiền lớn: Công ty TNHH một thành viên vật tư tổng hợp Cửu Long VINASHIN, Lâm trường Lục Yên, Công ty cổ phần Xây lắp và Sản xuất Công nghiệp, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng.
Việc nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân: Không ít doanh nghiệp, người sử dụng lao động “lách luật” hoặc cố tình vi phạm pháp luật lao động để chiếm dụng tiền BHXH, tạo vốn kinh doanh trên lưng người lao động.
Mặt khác, việc điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu của Chính phủ luôn là bài toán khó cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ điều chỉnh tăng đơn giá tiền lương trong giá thành sản phẩm hoặc đơn giá khoán khi chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào liên tục tăng giá. Thực chất thời gian qua các doanh nghiệp của tỉnh luôn tạo quỹ lương ảo (lấy khoản này bù khoản kia) để tham gia BHXH cho người lao động.
Theo đồng chí Cao Ngọc Khánh - Trưởng phòng Tiền công và BHXH sở LĐTB-XH tỉnh Yên Bái: “Nguyên nhân sợ đọng BHXH không chỉ về nhận thức của người sử dụng lao động mà chủ yếu là do bộ máy quản trị doanh nghiệp cồng kềnh, năng lực quản lý điều hành của giám đốc còn hạn chế, tư tưởng bao cấp vẫn còn trong sản xuất kinh doanh. Do đó khi Chính phủ siết chặt đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng cơ bản bị chao đảo, hàng loạt công nhân không có việc làm. Chính vì vậy những năm trước đây, các doanh nghiệp được BHXH Việt Nam khen thưởng nay đang trong diện có nguy cơ nợ BHXH như: Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông”…
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Thực hiện chế độ BHXH cho người lao động vừa đảm bảo pháp lý, vừa mang tính nhân văn sâu sắc của Nhà nước ta. Để không còn điệp khúc “biết rồi nói mãi” nợ BHXH, cần phải có giải pháp thực hiện đồng bộ cơ chế ba bên “Nhà nước - Doanh nghiệp - Người lao động”.
Theo đồng chí Cao Ngọc Khánh - Trưởng phòng Tiền công BHXH, Sở LĐTB-XH tỉnh: “Trong bối cảnh suy thoái nền kinh tế, cái gốc của vấn đề là cơ quan Nhà nước phải có cơ chế, chính sách như “bà đỡ” cho doanh nghiệp ổn định sản xuất mới tạo ra lợi nhuận để nộp ngân sách và BHXH. Biện pháp xử lý hành chính chỉ là tình thế, không có tính bền vững giải quyết lớn tồn đọng BHXH”.
Do đó tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng xúc tiến rà soát lại toàn bộ các hạng mục công trình xây dựng cơ bản vốn đầu tư ngân sách Nhà nước nay đã đưa vào sử dụng, cần được thanh toán hết vốn cho doanh nghiệp. Không nên để tình trạng Nhà nước nợ doanh nghiệp không lãi suất, trong khi doanh nghiệp phải “gồng mình” trả lãi suất vốn vay ngân hàng và tiền nợ BHXH.
Mặt khác, cần có cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp của tỉnh được tham gia đấu thầu thi công khi có dự án hoặc công trình xây dựng cơ bản. Đồng thời tạo mối liên kết: “hai nhà” (doanh nghiệp - nhà nông) xây dựng nông thôn mới, tạo cơ hội cho doanh nghiệp có công trình xây dựng và bao tiêu sản phẩm vật liệu xây dựng.
Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Linh Nhung)
Đối với ngân hàng, cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay và chi trả lãi suất. Mặt khác Ngân hàng Chính sách Xã hội cần cải thiện cơ chế giải ngân gần 60 tỷ đồng “Chương trình quốc gia giải quyết việc làm” đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo đảm: “Đúng đối tượng - Đúng mục đích - Luân chuyển vốn kịp thời - Đạt hiệu quả”.
Đối với tổ chức công đoàn, tăng cường hoạt động hướng về cơ sở, lấy doanh nghiệp làm địa bàn hoạt động, lấy người lao động làm đối tượng vận động, tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Đồng thời làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đồng thuận “chung tay” cùng doanh nghiệp tham gia BHXH do nguyên nhân bất khả kháng.
Ngành BHXH tiếp tục chủ động và tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, thanh tra công tác thu, chi BHXH ở doanh nghiệp. Xử lý hài hòa vừa mang tính pháp lý vừa đảm bảo tính nhân văn để giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… cho người lao động.
Với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng cùng phương án cụ thể của mỗi ngành tham mưu, đề xuất với tỉnh để có giải pháp hữu hiệu giúp sức cho doanh nghiệp vượt lên khó khăn, ổn định sản xuất, tạo nguồn thu ngân sách và chi trả BHXH, bảo đảm lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng xúc tiến rà soát lại toàn bộ các hạng mục công trình xây dựng cơ bản vốn đầu tư ngân sách Nhà nước nay đã đưa vào sử dụng, cần được thanh toán hết vốn cho doanh nghiệp. Không nên để tình trạng Nhà nước nợ doanh nghiệp không lãi suất, trong khi doanh nghiệp phải “gồng mình” trả lãi suất vốn vay ngân hàng và tiền nợ BHXH. Mặt khác, cần có cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp của tỉnh được tham gia đấu thầu thi công khi có dự án hoặc công trình xây dựng cơ bản. Đồng thời tạo mối liên kết: “hai nhà” (doanh nghiệp - nhà nông) xây dựng nông thôn mới, tạo cơ hội cho doanh nghiệp có công trình xây dựng và bao tiêu sản phẩm vật liệu xây dựng. |
Phí Quang Thái
Các tin khác
YBĐT - Khi nói đến đời sống của đồng bào vùng cao, đặc biệt là đồng bào Mông ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, người ta nghĩ ngay đến sự nghèo. Nhưng để trả lời cho câu hỏi. “Vì sao” lại là một hệ thống những vướng mắc ẩn trong từng câu chuyện, việc làm, đời sống của họ mà tựu chung lại vẫn là nghèo do thiếu hiểu biết, lười lao động...?
YBĐT - Tôi gặp Liên trong buổi tổ chức sự kiện quyên góp ủng hộ trẻ em nhiễm H và ảnh hưởng bởi HIV tại thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên). Nhìn gương mặt trẻ, miệng luôn tươi cười, ít ai nghĩ Liên đã từng trải qua những tháng ngày cơ cực. Vượt qua sự kỳ thị của nhiều người và của chính mình, Liên đã vươn lên để sống và sống có ích cho gia đình, xã hội...
YBĐT - Cách trung tâm thị xã chưa đầy 1km, cách chợ nông sản Nghĩa Lộ gần 100 mét nhưng xã Nghĩa Lợi lại là xã nghèo của thị xã Nghĩa Lộ. “Thứ hạng” này đã đeo bám người Nghĩa Lợi nhiều năm nay, trăn trở vì sự nghèo.
YBĐT - Trong số khoảng 100 phụ nữ người Mông ở Mù Cang Chải đi khỏi địa phương rất ít người trở về. Những người ở nhà hầu như không biết gì về nơi ăn, chốn ở của họ.