Cái nghèo vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/10/2012 | 10:00:35 AM

YBĐT - Khi nói đến đời sống của đồng bào vùng cao, đặc biệt là đồng bào Mông ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, người ta nghĩ ngay đến sự nghèo. Nhưng để trả lời cho câu hỏi. “Vì sao” lại là một hệ thống những vướng mắc ẩn trong từng câu chuyện, việc làm, đời sống của họ mà tựu chung lại vẫn là nghèo do thiếu hiểu biết, lười lao động...?

Nuôi gia súc, gia cầm sát nhà là thói quen thường thấy của các hộ dân vùng cao.
Nuôi gia súc, gia cầm sát nhà là thói quen thường thấy của các hộ dân vùng cao.

Sự nghèo ở vùng cao

Cách đây 3 đến 4 năm về trước, giữa cái gió vùng cao gào thét và từng cơn mưa phùn buốt lạnh, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp lặn lội từ trung tâm huyện Trạm Tấu vượt trên 10 km đường gồ ghề, dựng đứng, trơn trượt hướng về các thôn, bản thuộc xã Bản Mù. Trong căn nhà tối om của Tráng A Su ở thôn Mông Đơ, người vợ trẻ đang cho con bú, thằng nhỏ chưa đầy 10 tháng tuổi giãy giụa, khóc nấc vì sốt. Đám trẻ con lít nhít, không quần áo, tóc đỏ hoe, mặt nhem nhuốc bên cái bếp lửa gần tàn với cái bụng lép kẹp sôi ùng ục.

Phía trước cửa nhà, phân trâu, bò be bét trộn với nước mưa bẩn thỉu và lầy lội, mùi hôi bốc lên khiến không khí thêm ngột ngạt. Gần đó, gia đình nhà Tráng A Tu thì sạch sẽ hơn vì chẳng có trâu, bò. Tu mình trần nằm trên phản bên cạnh đứa con gái chừng 3 tuổi không quần áo, đen nhẻm.

Lý giải cho sự nghèo và đông con nơi đây, anh Giàng A Mua - cán bộ chuyên trách dân số - KHHGĐ của xã cho biết: “Xã Bản Mù hiện có số hộ nghèo chiếm 65%. Đói nghèo chủ yếu do sinh đông con và những phong tục, tập quán lạc hậu”.

Cuối thu năm 2010, trời nắng đẹp, vượt qua suối Nậm Kim, chúng tôi ngược dốc hướng về thôn Tà Chơ, xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải) đến thăm gia đình Khang A Ninh. Anh Ninh có 6 đứa con, 1 trai 5 gái, cách mấy bận, thằng nhỏ bị ốm, không đưa xuống trạm cứu chữa mà nhờ thầy cúng ma đến nhà và kết quả thằng bé 3 tháng tuổi đã chết. Mong muốn của gia đình: “Dù có phải nộp phạt bao nhiêu thì vẫn quyết tâm đẻ thêm 1 thằng cu để nối dõi”. Không biết là hậu quả đông con ra sao nhưng nhìn gia đình Ninh thì cái đói hiện rõ trên từng lỗ thủng của nóc nhà, cái giường ọp ẹp và bầy con chẳng đủ quần áo mặc.

Chị Giàng Thị Sông - Trưởng thôn Tà Chơ (có 6 năm làm cộng tác viên dân số) cho biết: “Một bộ phận không nhỏ người Mông đông con. Họ đẻ với một nhu cầu phục vụ lao động và khi hỗ trợ gạo cứu đói sẽ được nhiều hơn. Đông con thì nghèo là đương nhiên rồi”.

 Sau hai ngày ở Tà Chơ, chúng tôi quyết định trở lại trung tâm xã Chế Cu Nha và một cuộc hành trình ngược dốc đến thôn Háng Chua Mua, Chống Tông. Mặc dù, trời nắng chang chang nhưng do cơn mưa đêm trước nên một số đoạn đường bị sạt nở phải mất gần 3 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được nhà chị Sùng Thị Mua ở thôn Chống Tông. Mới gần 40 tuổi mà chị Mua đã có 6 người con, đứa nhỏ nhất 2 tuổi, gia đình thiếu ăn từ 4 đến 5 tháng là bình thường.

Năm 2011, trở lại huyện Mù Cang Chải, chúng tôi hành trình đến các thôn Háng Bla Ha A và Háng Bla Ha B thuộc xã Khau Mang. Chưa đầy 6 giờ sáng, chúng tôi và anh Lù A Páo - cán bộ Trung tâm DS - KHHGĐ huyện đã có mặt tại gia đình Vàng A Chu và Lù Thị Dề - một trong những gia đình đông con và nghèo đói nhất thôn Háng Bla Ha B.

Chị Dê tâm sự: “Gia đình có 14 người nên đói lắm, thiếu ăn từ 4 đến 5 tháng là bình thường. Những khi đói, người lớn đi làm thuê, hoặc lên rừng kiếm củ mài, cái rau ăn qua bữa. Rau rừng là chủ yếu, ít khi có những món ăn khác, không thì chỉ có măng và muối”.

Mới đây nhất là tháng 10/ 2012, chúng tôi trở lại huyện Mù Cang Chải. Lần này là những câu chuyện về “đẻ dự phòng” và việc rà soát hộ nghèo từ cơ sở còn nhiều khó khăn vướng mắc, hay việc bình xét gia đình sinh 2 con có kinh tế trung bình với gia đình đông con kinh tế tương đương, song khi bình xét, chia bình quân đầu người thì hộ 2 con không phải hộ nghèo nên không được hỗ trợ, trong khi họ lại thực hiện tốt các chính sách dân số và tỷ lệ hộ nghèo nơi đây vẫn chiếm trên 70%. Sinh con thứ 3 trở lên, từ đầu năm 2012 đến nay toàn huyện Mù Cang Chải có 193 trường hợp. So với năm 2011 có giảm nhưng tỷ lệ này vẫn cao.

Trẻ em vùng cao xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải).

 Nguyên nhân

Trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân cái nghèo ở vùng cao, ngoài những dẫn chứng nói trên, chúng tôi còn phát hiện ra khá nhiều lý do khác như: tập quán về nhà ở, người Mông vùng cao thường làm nhà ở các sườn đồi núi gần lưng chừng đỉnh để tiện cho việc đi làm nương rẫy, lấy củi; nhà làm thấp mái, lịa gỗ xung quanh nên rất tối tăm… Vào mùa mưa lũ rất hay bị sạt lở đất và nguy hiểm đến tính mạng, tài sản; gia súc, trâu, bò, lợn thường thả rông hoặc chuồng trại thường sát ngay cạnh nhà gây không khí ô nhiễm và trâu bò đuối nước, có khi rơi xuống vực.

 Thêm nữa, do người Mông có phong tục uống nước lã, vệ sinh môi trường không đảm bảo nên tỷ lệ người mắc các bệnh về tiêu chảy, hội chứng lỵ và tỷ lệ chị em các bệnh phụ khoa cao. Khi có người ốm, họ ít khi chuyển xuống các trạm y tế, nếu có ốm nặng thì mời thầy cúng hoặc dùng các bài thuốc tự chế của đồng bào. Nhiều trường hợp ốm quá nặng, mới chuyển về trạm nhưng khi điều trị chỉ 2 đến 3 ngày là tự ý bỏ về.

Do canh tác chủ yếu là nương rẫy, làm ruộng bậc thang nên người Mông thích đẻ nhiều con, đặc biệt là con trai để làm nhiều việc nhưng do công tác chăm sóc không đảm bảo nên tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng khá cao. Khi được vận động sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, một số chị em đi để “lấy tiền chế độ” nhưng khi về chỉ hai, ba ngày sau họ lại tự ý tháo bỏ. Người Mông thường cúng ma khi ốm đau, cúng ma khô khi người chết được 3 đến 5 năm. Khi có người chết, họ để vậy từ 5 đến 7 ngày, hiện nay còn 3 đến 4 ngày, người nhà mời thầy mo đến cúng ma.

Họ cho rằng thầy cúng nói chuyện riêng với ma bằng một thứ ngôn ngữ riêng nên ma đòi mổ con gì thầy cúng sẽ yêu cầu chủ nhà sắm thứ đó, như: gà, chó, lợn, dê, trâu bò, vịt trắng thì có nghèo thế nào cũng phải cố vay mượn mà sắm lễ. Nếu không có, thầy mo sẽ bảo ma phật ý, ma không bằng lòng dân làng sợ bỏ về hết không ai giúp đỡ đưa người chết đi chôn, vì vậy gia đình phải bán hết ruộng, nương để đổi lấy các đồ lễ rất tốn kém. Vì vậy, sau mỗi lần gia đình có người mất thì họ lại trở nên nghèo đói, thiếu thốn hơn.

Đối với tập quán về hôn nhân, đám cưới người Mông thường diễn ra trong 2 ngày ăn thịt, uống rượu, chú rể phải uống một hơi hai bát rượu và 2 miếng thịt mỡ to bằng bàn tay khổ dày. Đám cưới cả 2 họ, mỗi bên tiêu tốn khoảng 100 lít rượu, 100 cân thịt lợn và vài triệu đồng tiền mặt. Người Mông có phong tục cứ khác họ là lấy được nhau nên vấn đề hôn nhân cận huyết thống là phổ biến như con anh trai lấy con em cô cũng được vì khác họ.

Mặt khác, từ khi người Mông định cư tại Mù Cang Chải, toàn huyện chỉ có trên chục nóc nhà cũng là anh em họ hàng cho đến nay gần 5 vạn dân, xét về gốc tích thì cũng không xa là mấy; việc xây dựng hương ước, quy ước hiện nay theo quy định của UBND xã nhưng việc thực hiện chấp hành cũng chưa tốt như việc cưới, việc tang, không sinh con thứ 3. Bên cạnh những gia đình người Mông chịu khó lao động thì vẫn còn nhiều hộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, sống phụ thuộc vào trợ cấp gạo cứu đói và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước qua từng năm.

Giải pháp

Theo tiêu chí đánh giá sự phát triển thì Mù Cang Chải là huyện nghèo và đặc biệt khó khăn (đến hết ngày 31/12/2010, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 80% và là một trong 62 huyện nghèo nhất trong cả nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo nhất nước), khoảng cách chênh lệch còn khá xa so với các huyện khác trong tỉnh. Sản xuất, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn và còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Để giải quyết bài toán nghèo của Mù Cang Chải nói riêng và các xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh nói chung thì việc tăng cường đầu tư, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững là rất cần thiết.

 Ông Ngô Thanh Giang - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: “Huyện đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động bà con nhân dân định canh, định cư, phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ về kỹ thuật, đầu tư con giống, hướng dẫn làm ruộng nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm vườn rau, cây ăn quả, phát triển làng nghề thủ công truyền thống, chuyển dần sang sản xuất hàng hóa theo quy hoạch chung của huyện; vận động nhân dân trồng rừng phòng hộ, trồng cây công nghiệp, cây đặc sản, cây dược liệu để tăng thu nhập cải thiện đời sống. Tuy vậy, khó khăn vẫn còn nhiều vì nhận thức của người dân còn chậm”.

Có thể nói, việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển văn hóa xã hội, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chống lại âm mưu phá hoại của kẻ địch ở vùng đồng bào dân tộc Mông, xây dựng làng bản văn hóa, làng văn hóa - sức khỏe... là những việc có tầm quan trọng đặc biệt. Từ đó khơi dậy ý thức, trách nhiệm của người dân đối với chính bản thân họ, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Mặt khác, do người Mông sinh sống ở vùng núi cao, dốc, thường thiếu nước sinh hoạt, chưa có thói quen vệ sinh môi trường nên giải pháp là hướng dẫn họ làm vệ sinh nhà ở, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động vệ sinh môi trường, cải tạo, vệ sinh nhà đảm bảo môi trường sống trong nhà sạch sẽ, thông thoáng, đủ ánh sáng; không thả rông gia súc; không cúng ma khi có người ốm; không để người chết lâu trong nhà; không tảo hôn; không kết hôn cận huyết thống; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức tại cộng đồng; thực hiện tốt chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; phát triển mạng lưới trường mẫu giáo, mầm non; đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho đồng bào vùng cao...

Trần Ngọc - Thiên Cầm

Các tin khác
Chị Ngô Thị Liên (thứ 3, phải sang) chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo Mạng lưới Hoa Hướng Dương.

YBĐT - Tôi gặp Liên trong buổi tổ chức sự kiện quyên góp ủng hộ trẻ em nhiễm H và ảnh hưởng bởi HIV tại thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên). Nhìn gương mặt trẻ, miệng luôn tươi cười, ít ai nghĩ Liên đã từng trải qua những tháng ngày cơ cực. Vượt qua sự kỳ thị của nhiều người và của chính mình, Liên đã vươn lên để sống và sống có ích cho gia đình, xã hội...

Mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng các cây rau màu có giá trị kinh tế như cà chua, khoai tây... sẽ là một trong những hướng giúp Nghĩa Lợi bớt nghèo.

YBĐT - Cách trung tâm thị xã chưa đầy 1km, cách chợ nông sản Nghĩa Lộ gần 100 mét nhưng xã Nghĩa Lợi lại là xã nghèo của thị xã Nghĩa Lộ. “Thứ hạng” này đã đeo bám người Nghĩa Lợi nhiều năm nay, trăn trở vì sự nghèo.

Những kẻ buôn bán phụ nữ và trẻ em bị đưa ra xét xử trước pháp luật. Ảnh: Phiên tòa xét xử vụ án buôn bán phụ nữ và trẻ em ở huyện Lục Yên thu hút đông đảo sự tham gia của nhân dân.

YBĐT - Trong số khoảng 100 phụ nữ người Mông ở Mù Cang Chải đi khỏi địa phương rất ít người trở về. Những người ở nhà hầu như không biết gì về nơi ăn, chốn ở của họ.

Chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên ngay tại trường học được các nhà trường đặc biệt quan tâm.

YBĐT - Mặc dù, BHXH tỉnh Yên Bái đã có công văn chỉ đạo xuống BHXH các huyện, thị, thành phố triển khai BHYT HSSV và BHXH các huyện, thị, thành phố đã cùng với các phòng GD&ĐT phối hợp hướng dẫn các trường tổ chức thực hiện nhưng tỉnh Yên Bái vẫn còn 10% nữa mới "phủ kín" HSSV tham gia BHYT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục