Chuyện người cựu chiến binh làm trang trại

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/10/2012 | 9:52:35 AM

YBĐT - Ngồi trong ngôi nhà xây mái bằng khang trang của gia đình ông, liếc nhìn trên tường nhà rất nhiều giấy khen, bằng khen của xã, huyện, UBND tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương khen tặng, tôi thầm cảm phục ý chí nghị lực của người cựu chiến binh già Lê Ngọc Châu.

Cựu chiến binh Lê Ngọc Châu đang chăm sóc đàn lợn.
Cựu chiến binh Lê Ngọc Châu đang chăm sóc đàn lợn.

Ngắm nhìn đàn lợn béo tròn, những con cá trắm cỏ tung tăng bơi lượn dưới ao, phía trên là rừng keo xanh thẫm đang xòe tán... nghe ông kể ngày đi đánh Mỹ, rồi cả chuyện làm ăn lúc cơ hàn nhất mới thấy được nghị lực phi thường của cựu chiến binh, thương binh hạng 1/4, chủ trang trại mỗi năm thu nhập trên 1 tỷ đồng Lê Ngọc Châu ở thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên. 

Một đi không trở lại

Ông là người mộc mạc, điềm tĩnh, ít nói nhưng khi nghe tôi gợi lại chuyện những ngày ra trận năm xưa bỗng sôi nổi hẳn. Ông kể: “Những ngày tháng 4 năm 1968, khi chiến trường miền Nam vào giai đoạn khốc liệt nhất, thanh niên rất ít, cả thôn Ngọn Ngòi chỉ có một mình tôi lên đường, cả xã chỉ có 5 người nhập ngũ.

Chia tay cha mẹ, anh em và người vợ trẻ lên đường đánh Mỹ, cả người thân lẫn mình đều nghĩ sẽ không có ngày trở lại”. Đi bộ lên xã Văn Lãng tập trung quân, sau đó hành quân sang Đình Cả, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên và tham gia vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 8A, Trung đoàn 3, Sư đoàn 304 bộ binh, ông Châu được huấn luyện 3 tháng cấp tốc.

Sau lấy máu ký quyết tâm thư, ông cùng đồng đội đi tàu từ Thái Nguyên về Ninh Bình và tiếp chặng hành quân “đêm đi đường bằng, ngày đi đường rừng” vào chiến trường B4 Quảng Trị. Vào đến Vĩnh Linh (Quảng Bình), địch phát hiện có bộ đội hành quân chúng dùng máy bay trực thăng bắn xuống, khiến 2 đồng đội của ông hy sinh.

Sau ít thời gian nghỉ ngơi tại Binh trạm 27 thuộc Đoàn 559, ông tham gia đánh bộ binh càn quét một vài trận, trong đó có 1 trận tiễu phỉ trước khi quân ta vào Sa Va Na Khẹt  thuộc nước bạn Lào. Rồi ông được đào tạo làm y tá cứu thương ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 63, Binh trạm 27. Trải qua nhiều trận đánh, ông đã băng bó rất nhiều vết thương cho đồng đội.

Chứng kiến biết bao đau thương mất mát, ở đây ông đã gặp cả những người đồng hương của mình như ông Sái Ngọc Báu ở xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái; ông Trần Quang Phẩm ở xã Đại Phác, huyện Văn Yên, đều gửi lại một chân trên chiến trường.

Trong ký ức, ông không quên được trận đánh Đường 9 Nam Lào vào tháng 2 năm 1971, tại cao điểm 723. Hôm ấy, giặc Mỹ dùng trực thăng thả lô cốt, vũ khí đạn dược và quân xuống đánh chặn. Dưới làn mưa bom, bão đạn, ông đeo túi cứu thương lên cao điểm.

Một quả cối của địch nổ sát bên khiến ông lịm đi, khi tỉnh dậy mới biết mình bị thương được đồng đội băng bó và đưa vào điều trị tại Bệnh viện 20 của Đoàn 559 tại tỉnh Sa Va Na Khẹt Lào. Mất tay phải, dập nát bàn tay trái và bị một mảnh đạn găm vào chẩm phải trên đầu, mất 81% sức khỏe, ông không thể cùng đồng đội tiếp tục ra trận.

Sau hơn 2 tháng, ông hồi phục và ra Bệnh viện 91, tỉnh Thái Nguyên, về Bệnh viện 109, Vĩnh Phúc chỉnh hình và điều dưỡng ở Đoàn 231, huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc. Cuối năm 1972 ông về Trạm điều dưỡng Thương binh tỉnh Yên Bái, và cuối năm 1974 trở về với gia đình.

Có “vàng”, sao chịu nghèo?

Trở về quê hương, năm 1972 ông có được niềm hạnh phúc làm cha khi đứa con đầu lòng ra đời. Ngày ấy, cuộc sống khốn khó trăm bề. Vết thương cũ lúc trái gió trở giời vẫn tái phát nhưng không ngăn được ý chí của người lính Cụ Hồ và lời động viên của Bác “Thương binh tàn, nhưng không phế”.

Nhìn những cánh rừng rậm quanh năm chỉ trồng sắn, hoặc bỏ hoang cho chè vè mọc, ông nghĩ: “Đất đai rộng thế này, mà “rừng là vàng” chả lẽ mình nghèo mãi được sao?”. Năm 1990, chủ trương giao đất giao rừng của Nhà nước đã mở cho ông hướng làm giàu từ trồng rừng. Ông bàn với trưởng thôn vận động bà con thành lập tổ hợp trồng rừng do đích thân ông làm tổ trưởng để xin vay vốn.

Quay sang tôi, ông hỏi: “Biết vì sao mình quyết định thành lập tổ hợp không? Vì ngày ấy không thành lập tổ hợp để mọi người cùng tham gia mà tự nhà mình trồng rừng họ thả trâu phá hết cũng khó mà thành công được mà làm nó cũng không “ra tấm, ra miếng”. Hơn nữa có tổ hợp mới vay được vốn trồng rừng”.

Ngày ấy, Nhà nước cho vay vốn trồng rừng 520 đồng/ha, ông Châu đứng ra vay 4.200 nghìn đồng cho tổ hợp gồm 23 hộ trồng được 74 ha. Riêng gia đình ông nhận trồng 10 ha rừng. Ông còn cùng trưởng thôn xin Hạt Kiểm lâm huyện hỗ trợ cây giống bằng túi bầu, hạt giống để cùng ươm cây trồng cho gia đình mình và cung cấp cho nhân dân. Gia đình khó khăn, ông cho chịu tiền cây giống.

Vậy là mặc cho nắng gió, ông cần mẫn quên đi thương tật cùng vợ con khai phá đất trồng rừng. Mồ hôi của ông và các hộ trong tổ hợp đổ xuống đã chẳng uổng công.

Năm 2001, là năm đầu tiên của tổ hợp khai thác được 500 tấn gỗ rừng trồng, ông cũng là người trực tiếp lên UBND tỉnh xin cấp kế hoạch bán thẳng cho Nhà máy giấy Bãi Bằng, bỏ qua được khâu trung gian là các đầu nậu gỗ, đã giúp các hộ dân trong tổ hợp có thu nhập đáng kể. Giờ đây, tổ hợp không còn hoạt động, người dân tự lo được cây giống, tự bán gỗ nguyên liệu nhưng còn nhớ mãi việc làm ấy của ông.

Khát vọng trang trại tổng hợp

Thăm 2 khu chuồng trại chăn nuôi lợn mới thấy ông là người có đầu óc rất khoa học: khu thứ nhất cách nhà khoảng 100m nuôi 138 con lợn thịt và 15 lợn nái; khu thứ hai cách khu thứ nhất chừng 1.400 m nuôi 76 con lợn thịt với qui mô chuồng trại kiên cố. Các chuồng lợn đều có hệ thống dẫn nước tự chảy về cho lợn uống cũng như tắm mát, rửa sạch chuồng trại, do vậy lúc nào cũng khô và thoáng. Có hố biogas vừa xử lý chất thải, vừa lấy chất đốt; phía sau hố biogas, ông Châu còn xây thêm 4 bể lọc nữa rồi mới đưa nước ra ngoài môi trường nên nước thải ra đều đảm bảo độ trong sạch.

Đứng trên đồi cao khoát tay chỉ về những rừng keo xanh biếc và 4 ao cá lớn, ông Châu phấn khởi nói: “Ngày từ chiến trường trở về, tôi đã khao khát có được một trang trại tổng hợp VACR. Khi con tôi lớn lên đi học đại học có tới 2 đứa được hướng đi thi đỗ và học đại học nông nghiệp để khi ra trường nếu không xin được việc làm sẽ tập trung vào làm trang trại. Nhưng rồi chúng cũng đều có việc làm hết cả. Giờ hàng năm tôi phải thuê khoảng hơn 500 công lao động làm vườn rừng theo mùa vụ”.

Để có kiến thức làm ăn, ông Châu còn thường xuyên đi dự nhiều buổi tập huấn nông dân làm giàu; hội thảo các chương trình, mô hình phát triển kinh tế, chăn nuôi đạt hiệu quả cao và học tập tiến bộ KHKT áp dụng vào sản xuất do Hội Cựu chiến binh xã tổ chức.

Mô hình VACR của ông đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xòe bàn tay trái duy nhất chỉ còn 5 ngón, ông nhẩm tính về thu nhập của gia đình: “6 sào lúa thu 2,4 tấn thóc/năm mình có 12 triệu trừ chi phí còn 6 triệu đồng. 2 ha  ao cá thu 500 kg cá thịt/năm được 150 triệu đồng, trừ giống, thức ăn còn lãi 60 triệu đồng. Diện tích 15 ha rừng, bình quân hàng năm cho thu 150m3 gỗ được 75 triệu đồng, trừ công chăm sóc, giống còn lãi 35 triệu đồng/năm.

Tháng nào cũng có lợn xuất chuồng, bình quân xuất 2.000 kg lợn giống/năm được 120 triệu đồng; trung bình mỗi năm xuất gần 30 tấn lợn hơi đã trừ chi phí thu trên dưới 80 triệu đồng/năm. Chưa kể mình trồng xen sắn trên đất nông nghiệp thu 5 tấn củ tươi/năm được 3,5 triệu đồng; nuôi 200 kg gà thịt/năm thu 8 triệu đồng và 2,5 triệu đồng từ cây ăn quả. Tổng các khoản thu từ trang trại được hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 342 triệu đồng”.

 Vậy là khát vọng có một trang trại tổng hợp mang lại thu nhập cao của ông Châu đã trở thành hiện thực. Kinh nghiệm lớn lao nhất của ông là nắm vững KHKT, chủ động chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi và gỗ rừng trồng bằng tự học hỏi nên trang trại của ông không bao giờ có dịch bệnh xảy ra. Các con ông đều khôn lớn trưởng thành, đi công tác, xây dựng gia đình, còn cậu út học hết 12 ở nhà chăm lo trang trại cùng ông. Trong cơ chế thị trường, có những lúc giá thịt lợn hơi rẻ, giá cám tăng nhưng “lấy công làm lãi” ông vẫn kiên trì làm trang trại.

Người thương binh, cựu chiến binh này cũng từng gánh vác nhiều công việc xã hội như: Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội hội trưởng Chi hội người cao tuổi, phó Ban thanh tra nhân dân xã Minh Quân. Ngoài ra, ông còn tích cực động viên con, cháu tham gia dòng họ hiếu học. Ở cương vị nào ông cũng gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được dân mến, Đảng, chính quyền và các đoàn thể tin tưởng. Vì lý do sức khỏe nên giờ đây ông chỉ tham gia làm Phó Ban thanh tra nhân dân xã.

Ngồi trong ngôi nhà xây mái bằng khang trang của gia đình ông, liếc nhìn trên tường nhà rất nhiều giấy khen, bằng khen của xã, huyện, UBND tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương khen tặng, tôi thầm cảm phục ý chí nghị lực của người cựu chiến binh già Lê Ngọc Châu.

Trong cái bắt tay bịn rịn, nắm chặt bàn tay trái thô ráp chỉ còn lại 4 ngón tay thiếu đốt của người thương binh, cựu chiến binh, chủ trang trại thôn Ngọn Ngòi, tôi chúc ông thêm mạnh giỏi và thực hiện trọn vẹn ước mơ mở rộng qui mô trang trại của mình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Minh Đức

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục