Không sống cho riêng mình

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/10/2012 | 9:31:02 AM

YBĐT - Tôi gặp Liên trong buổi tổ chức sự kiện quyên góp ủng hộ trẻ em nhiễm H và ảnh hưởng bởi HIV tại thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên). Nhìn gương mặt trẻ, miệng luôn tươi cười, ít ai nghĩ Liên đã từng trải qua những tháng ngày cơ cực. Vượt qua sự kỳ thị của nhiều người và của chính mình, Liên đã vươn lên để sống và sống có ích cho gia đình, xã hội...

Chị Ngô Thị Liên (thứ 3, phải sang) chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo Mạng lưới Hoa Hướng Dương.
Chị Ngô Thị Liên (thứ 3, phải sang) chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo Mạng lưới Hoa Hướng Dương.

Vượt lên chính mình

Trải lòng với tôi, Liên tâm sự: "Em sốc và hoang mang tột cùng khi biết đã nhiễm HIV từ chồng. Rồi cũng khóc oà nhẹ nhõm khi biết con gái mình đã may mắn không bị nhiễm bệnh. Có lẽ, đó là niềm an ủi, động viên và sức mạnh giúp em sống và vượt lên để sống”.

Liên nói, mặc dù chưa có nhiều người biết về tình trạng bệnh tật của vợ chồng chị, chưa có nhiều người kỳ thị nhưng bản thân chị lại kỳ thị chính mình. Rồi sau một thời gian tự “giam mình”, chị không thể sống dối mình vì vẫn yêu cuộc sống, yêu thương chồng con, gia đình và cuộc đời này lắm. Vậy là, chị quyết định đối mặt với bệnh tật, vượt qua khó khăn để sống, để nuôi con và để cống hiến cho cuộc đời.

Xốc lại tinh thần nhưng khó khăn lại chồng chất khó khăn khi anh T. - chồng chị đi cải tạo tại Trại tạm giam công an tỉnh, muôn nỗi gian truân chồng chất lên đôi vai người phụ nữ bé nhỏ. Dường như trong sự cùng cực, sự hy sinh của người phụ nữ lại bùng lên mãnh liệt, để nuôi con, chăm chồng, chị chạy chợ, nuôi lợn, trồng rau, chắt chiu, dè xẻn... Khi chồng hết hạn cải tạo, quay về, gánh nặng trên vai chị mới được sẻ chia. Dành dụm, chắt chiu, cùng sự giúp đỡ của anh em họ hàng, anh chị đã xây được căn nhà. Cuộc sống mới dường như đã bắt đầu...

Vợ chồng đần đỡ nhau nuôi lợn, nuôi gà, làm ruộng... để có thu nhập cải thiện cuộc sống và chữa bệnh. Suốt 8 năm qua, anh chị chỉ dùng thuốc điều trị ARV theo Dự án thử nghiệm ngăn chặn sự phát triển của vi rút HIV và sức khoẻ ổn định theo chiều hướng tốt, hai vợ chồng thường đến các cơ sở y tế khám và nghe tư vấn. Không chỉ lo cho mình, trong những tháng ngày ấy, chị đã nhận ra rằng: cần phải có một tổ chức cho những người có HIV/AIDS để họ cùng chia sẻ, động viên nhau vượt qua khó khăn và điều đó luôn thôi thúc chị.

Rồi cơ hội đã tới, đó là khi Trung tâm Y tế Trấn Yên được tiếp nhận Dự án “Dịch vụ toàn diện phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con dành cho phụ nữ dễ bị tổn thương ở Việt Nam” do Uỷ ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tài trợ. Chị tình nguyện tham gia vào nhóm Hoa Hướng Dương.

"Cháu có dám công khai tham gia vào nhóm Hoa Hướng Dương không?" - lúc đó, anh Trưởng ban quản lý dự án hỏi. Chị chân thành và mãnh liệt: "Sao lại không? Còn nhiều người bất hạnh hơn - đâu chỉ cho riêng cháu mà để giúp ích cho bao người cùng cảnh ngộ!"...

Mang niềm tin đến với người có "H"

Tham gia vào nhóm Hoa Hướng Dương, Liên mạnh dạn và tự tin hẳn lên rồi trở thành trưởng nhóm tình nguyện viên để trọn vẹn niềm mong mỏi của chị với cộng đồng người có “H”. Dù cuộc sống gia đình còn vất vả nhưng chị vẫn dành nhiều thời gian cùng cán bộ y tế tích cực đi tư vấn, tiếp cận cộng đồng, tuyên truyền cho hàng trăm người nhiễm HIV và bị ảnh hưởng của HIV/AIDS. Chị cùng nhóm tuyên truyền, vận động họ đi xét nghiệm, biết cách phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và phòng ngừa lây truyền cho người khác.

Khi thì tổ chức cho các thành viên giao lưu học hỏi kinh nghiệm tại Quảng Ninh, thi nấu ăn tại Hạ Long, thăm quan mô hình làm kinh tế giỏi của những người nhiễm "H" tại Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, lúc thì tổ chức các sự kiện cộng đồng như: gây quỹ giáo dục, quỹ sinh kế, quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho phụ nữ nhiễm “H”. Chị còn là giảng viên tích cực trong mạng lưới Hoa Hướng Dương, trực tiếp tham gia giảng dạy các khoá tập huấn dinh dưỡng cho người có "H", tham dự các hội thảo, tọa đàm kỹ năng quản lý nhóm, kỹ năng tiếp cận cộng đồng, kỹ năng làm cha mẹ tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Ninh...

Mỗi lần tư vấn cho anh chị em nhiễm "H", chị vẫn thường chia sẻ: “Chúng ta không xấu hổ, các bạn hãy tự tin, hãy bản lĩnh lên và mạnh mẽ sống, biết hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và mọi người!”.

Chị Ngô Thị Liên là tuyên truyền viên tích cực của mạng lưới Hoa Hướng Dương.

Hôm ở triển lãm "Những đoá Hoa hướng Dương" do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (VME) kết hợp với Uỷ ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) tổ chức, chị đã giãi bày: “Sự kỳ thị với người nhiễm "H" vẫn tồn tại, bản thân tôi đã từng kỳ thị với chính mình nhưng bây giờ tôi có thể công bố hình ảnh của mình trước mọi người.

Trước đây, tôi không nghĩ mình có thể đứng lên để nói với cộng đồng về bản thân, về những người giống như mình - đó là cả một sự đấu tranh vất vả nhưng hôm nay tôi muốn nói: HIV chỉ là một căn bệnh mà những người như tôi và các bạn không may là bệnh nhân thôi” - lời tâm tình đó đã động viên, khuyến khích rất lớn những người cùng cảnh ngộ.

Nhờ có sự chân thành, tận tuỵ của chị mà nhóm Hoa Hướng Dương Trấn Yên đã liên kết và cùng hỗ trợ nhau trong việc điều trị sức khoẻ và cải thiện cuộc sống. Họ chia sẻ những khó khăn và vận động cộng đồng tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Nhóm đã có 22 thành viên ở các xã: Y Can, Việt Thành, Minh Quân, Lương Thịnh, Hồng Ca, Minh Tiến, Âu Lâu... Nhóm duy trì sinh hoạt đều đặn 2 lần/tháng tại Trạm Y tế xã Y Can.

Qua  gần 2 năm hoạt động, nhóm đã hỗ trợ 235 lượt tình nguyện viên tiếp cận với các dịch vụ y tế làm xét nghiệm CD4, tư vấn điều trị ARV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, lây truyền HIV từ mẹ sang con; hỗ trợ 4 thành viên trong nhóm tiếp cận với thuốc ARV. Riêng chị Liên còn trực tiếp tư vấn qua điện thoại cho 150 đối tượng có nguy cơ cao hiểu biết về HIV/AIDS và tự nguyện đi xét nghiệm. Nhóm cũng tổ chức 38 buổi sinh hoạt ở các xã Y Can, Hồng Ca... 

Chị Ngô Thị Liên chăm sóc gà thả vườn của Dự án tại gia đình.

Chị Hà Thị Lợi ở xã Hồng Ca, chị Nguyễn Thị Thuý ở xã Lương Thịnh và nhiều chị em nữa đều chung cảm nhận: “Tham gia vào nhóm, những mặc cảm đã không còn, chị em như có thêm sức khoẻ, hiện giờ vẫn lao động bình thường và cùng mọi người và sống vui vẻ, đầm ấm bên gia đình”.  Với 70% gia đình chị em trong nhóm là hộ nghèo, chị Liên đã chủ động đề xuất, cùng nhóm xây dựng đề án nuôi gà thả vườn và được Uỷ ban Y tế Hà Lan - Việt Nam  duyệt kinh phí trên 246 triệu đồng hỗ trợ 15 chị em trong nhóm xây dựng chuồng trại để nuôi gà thả vườn.  

Sinh năm 1984, chị Ngô Thị Liên ở thôn 11, xã Việt Thành (Trấn Yên) - người phụ nữ có “H” trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống và bệnh tật nhưng chị đã vươn lên để lao động, ổn định tinh thần, tích cực tham gia vào công tác phòng chống và giúp đỡ các nạn nhân HIV/AIDS trên địa bàn mang lại niềm vui cho chính mình và những người thân yêu.

Khi nói về kinh nghiệm trong công tác phòng chống HIV/AIDS Liên tâm sự: "Trước hết là phải nhiệt tình, không ngại khó. Để tuyên truyền tốt, phải nắm vững kiến thức, kỹ năng truyền thông, truyền tải thông tin chính xác, dễ hiểu và thu hút. Đồng thời, biết lắng nghe, cảm thông thân thiện, sẻ chia những tâm tư tình cảm của mọi người. Hơn hết, bản thân mình phải luôn cố gắng, cố gắng thật nhiều. Nhiễm HIV vẫn có thể sống và lao động bình thường, điều quan trọng là phải có tinh thần lạc quan, yêu đời, vì mình và biết vì người khác!".    

Chia tay Liên và những tâm sự nặng lòng của chị, tôi mong cho chị và những chị em ở nhóm Hoa Hướng Dương và những người có “H” được khoẻ mạnh để làm những việc có ích, đóng góp nhiều hơn vào "cuộc chiến" chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS với phương châm: "Không sống cho riêng mình".

Quỳnh Nga

Các tin khác
Mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng các cây rau màu có giá trị kinh tế như cà chua, khoai tây... sẽ là một trong những hướng giúp Nghĩa Lợi bớt nghèo.

YBĐT - Cách trung tâm thị xã chưa đầy 1km, cách chợ nông sản Nghĩa Lộ gần 100 mét nhưng xã Nghĩa Lợi lại là xã nghèo của thị xã Nghĩa Lộ. “Thứ hạng” này đã đeo bám người Nghĩa Lợi nhiều năm nay, trăn trở vì sự nghèo.

Những kẻ buôn bán phụ nữ và trẻ em bị đưa ra xét xử trước pháp luật. Ảnh: Phiên tòa xét xử vụ án buôn bán phụ nữ và trẻ em ở huyện Lục Yên thu hút đông đảo sự tham gia của nhân dân.

YBĐT - Trong số khoảng 100 phụ nữ người Mông ở Mù Cang Chải đi khỏi địa phương rất ít người trở về. Những người ở nhà hầu như không biết gì về nơi ăn, chốn ở của họ.

Chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên ngay tại trường học được các nhà trường đặc biệt quan tâm.

YBĐT - Mặc dù, BHXH tỉnh Yên Bái đã có công văn chỉ đạo xuống BHXH các huyện, thị, thành phố triển khai BHYT HSSV và BHXH các huyện, thị, thành phố đã cùng với các phòng GD&ĐT phối hợp hướng dẫn các trường tổ chức thực hiện nhưng tỉnh Yên Bái vẫn còn 10% nữa mới "phủ kín" HSSV tham gia BHYT.

Vườn bưởi nhà cụ Nguyễn Văn Ký thu 100 triệu đồng trong năm 2012.

YBĐT - Không còn phải bàn cãi gì nữa, bưởi Đại Minh ngon, ngọt và là nguồn thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ dân trong xã. Người Đại Minh, người Yên Bình có quyền tự hào bởi thứ "cây nhà lá vườn" mà lại là món quà quý, giá trị cao. Song, hôm nay những người tâm huyết với cây bưởi Đại Minh đang rất buồn vì cây bưởi quê mình...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục