Đi tìm văn hóa của người Xa Phó

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/11/2012 | 2:42:51 PM

YBĐT - Cũng như người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, người Xa Phó ở Yên Bái sống tập trung ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên. Chính cái sự tập trung ấy tạo nên nét văn hóa vùng độc đáo.

Phụ nữ Xa Phó trong trang phục truyền thống và những nhạc cụ truyền thống như kèn Ma Nhí, sáo mũi. (Ảnh: Hồng Vân)
Phụ nữ Xa Phó trong trang phục truyền thống và những nhạc cụ truyền thống như kèn Ma Nhí, sáo mũi. (Ảnh: Hồng Vân)

Nếu được gìn giữ và phát huy đây có thể sẽ là những điểm đến văn hóa thu hút khách du lịch trong tương lai. Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do khách quan và chủ quan mà giờ đây người Xa Phó ở Châu Quế Thượng đang mất dần những nét văn hóa truyền thống độc đáo ấy.

Nói đến Châu Quế thượng là nói đến văn hóa Xa Phó bởi nó là niềm tự hào của người Văn Yên và cả tỉnh Yên Bái. Một ngày nọ tôi nghe được thông tin bất ngờ rằng giờ đây hơn 900 người Xa Phó ở Châu Quế Thượng  chỉ còn có chục bộ quần áo truyền thống và 2 chiếc nhà sàn.

Một tộc người sống tập trung như vậy thì sao lại có chuyện đó được chứ? Không tin nên tôi đã theo anh bạn ở Chi hội Văn hóa dân gian tỉnh Yên Bái lên Châu Quế Thượng để mục sở thị.

Chiếc xe Honda chở chúng tôi cứ nhảy chồm chồm trên con đường đầy ổ voi, ổ gà, nhất là đoạn từ thị trấn Mậu A đi Châu Quế Thượng đang trong giai đoạn có nhiều xe tải hạng nặng phục vụ làm con đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đồng thời đi xuyên cả qua bản làng của người Xa Phó duy nhất tại Yên Bái. Vừa cố gắng lái xe, anh vừa cố nói trong gió và bụi: “Chuyện đó là thật đấy. Tôi tiếc lắm, tiếc đứt ruột!”... 

Đang đi, bỗng anh dừng lại, tôi hỏi: “Nghỉ à?”, “Không đến nơi rồi!”. Tôi giật mình “Đây á?”, anh gật đầu. Khung cảnh trước mắt tôi lúc này không phải như những gì mình đã nghe, đã thấy. Không có những nếp nhà sàn, không có những khung cửi dệt vải, không có những cô gái Xa Phó thật đặc biệt trong bộ trang phục truyền thống. Chẳng ai có thể nhận ra đó là một bản của người Xa Phó ngoại trừ ngôn ngữ mà những người dân giao tiếp với nhau. Trong khung cảnh ấy chỉ có thể nói được hai từ: Thật tiếc!

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Đặng Thị Thanh - người phụ nữ 60 tuổi ấy rất am hiểu văn hóa của dân tộc mình, cũng đã đem tiếng sáo mũi Cúc Kẹ đặc trưng của người Xa Phó giới thiệu cho người dân cả nước biết đến. Cả bản giờ chỉ có mình bà là biết làm và thổi được sáo mũi Cúc Kẹ. Ngôi nhà của bà được người con trai út đang làm cho cũng là một ngôi nhà xây gạch nền đất thông thường như bao ngôi nhà khác ở đây.

Vừa mời khách, bà vừa phân trần: “Cháu nó làm cho, nó bảo làm cho vững chắc vì giờ tôi ở một mình, mưa gió không yên tâm, nhưng nhất định khi làm xong nhà, tôi sẽ dựng một ngôi nhà sàn cạnh đây”.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc Xa Phó, bà chép miệng: “Mai một nhiều lắm rồi. Mình tôi không giữ được. Tôi biết sức tôi cũng yếu rồi nên những gì tôi biết, tôi hiểu, tôi cũng muốn truyền lại cho con cháu lắm nhưng bọn trẻ giờ đâu có thích văn hóa truyền thống”.

Câu nói chua chát ấy khiến người khách phải chạnh lòng. Nhấp ngụm trà như thể nuốt sự tiếc nuối vào trong, bà tiếp lời: “Cả bản giờ chỉ còn 2 nếp nhà sàn, chục bộ quần áo truyền thống cũng đã cũ nhiều và chẳng đứa nào muốn thổi sáo mũi. Cũng chỉ còn vài người là còn biết múa xòe, mà múa xòe ngày xưa của các cụ là phải có người thổi kèn Ma Nhí. Nhưng giờ kèn thì mất, không ai biết làm nữa”.

Chỉ vài câu nói ngắn gọn của nghệ nhân Đặng Thị Thanh đã phác thảo lên bức tranh nghèo của văn hóa dân tộc Xa Phó ở Châu Quế Thượng hôm nay bởi nó không còn những mảng màu rực rỡ như trước đây khi nói về văn hóa vùng Tây Bắc.

Nghệ nhân Đặng Thị Thanh đang hướng dẫn các bạn trẻ trong đội văn nghệ xã Châu Quế Thượng múa xòe.

Tôi lan man theo dòng suy nghĩ, văn hóa một tộc người được nhận biết dễ nhất qua ngôn ngữ, trang phục và âm nhạc.

Trong 3 yếu tố ấy thì người Xa Phó ở đây chỉ còn lại được có một. Âm nhạc và trang phục tuy chưa mất hẳn nhưng nó đang dần bị mai một, vài nhạc cụ cũng đã không còn và cũng không ai có thể làm được nữa, chỉ còn lại cây sáo mũi. Mà sáo mũi thổi được đâu có dễ vì ngoài khả năng thẩm âm tiết tấu còn là cách lấy hơi, đẩy hơi qua mũi để sáo phát thành thanh âm.

Có lẽ nó đòi hỏi phải có năng khiếu, song để phát hiện được năng khiếu thì phải có những người yêu thích. Còn trang phục thì bản thân tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao cả một dân tộc trên 900 người mà chỉ có chục bộ trang phục truyền thống.

Tôi hỏi bà Thanh: - Thế ở đây còn có ai biết thêu những họa tiết hoa văn trên trang phục truyền thống nữa không ạ?

Bà Thanh gật đầu: - Có chứ như bà Bơ Thị Ngân, Bơ Thị Bả ở thôn 7, bà Đặng Thị Sinh ở thôn 6. Các cụ cũng nhiều tuổi lắm rồi, nhưng vẫn còn có thể truyền dạy được. Nếu mấy cụ ra đi thì chắc chẳng ai biết làm nữa và cũng sẽ không còn gì truyền lại cho con cháu nữa.

“Thế sao lại chỉ có chục bộ quần áo thôi bà?”, tôi thắc mắc.

Bà Thanh giải thích ngay: “Có dùng đâu mà làm, còn có ai mặc đâu? Một số nguyên liệu giờ cũng không có, như hạt cườm đính rất nhiều trên áo của phụ nữ giờ cây này không có ở đây nữa nên không có hạt. Nếu bây giờ làm thì hạt cườm phải lên Lào Cai mua. Quần áo của đàn ông thì không còn một bộ nào, chỉ có ông Lả vừa mua ở trên Lào Cai được một bộ”.

Cùng dân tộc Xa Phó nhưng ở mỗi nơi, mỗi vùng có những nét riêng không lẫn vào nhau được, và người Xa Phó ở Châu Quế Thượng cũng có những nét văn hóa khác với người Xa Phó ở Lào Cai hay Sơn La. Vậy nên trang phục của người Xa Phó ở mỗi vùng cũng có những điểm khác nhau.

Ông Lả mà bà Thanh nhắc tới chính là ông Đặng Văn Lả - Bí thư Đảng ủy xã Châu Quế Thượng cũng là người dân tộc Xa Phó. Chúng tôi tìm đến ông Lả với mong muốn có được câu trả lời cho nguyên nhân của sự mai một này.

Ông Lả cho biết: “Nguyên nhân thì nhiều lắm. Người dân còn nghèo quá, nỗi lo cơm áo khiến nhiều người bươn trải xa quê để làm thuê, theo đó người ta không chú tâm đến văn hóa truyền thống nhiều. Rồi thì bọn trẻ giờ cũng thích nhạc trẻ, nhạc Hàn Quốc hơn nhạc của dân tộc, thích quần bò hơn trang phục truyền thống, ngay cả khi cưới cũng có mấy đứa mặc trang phục truyền thống đâu”.

Có lẽ sự mai một văn hóa truyền thống ở đâu cũng cùng nguyên nhân như vậy. Cái khó của những người quản lý như ông Lả là làm sao vận động người dân giữ gìn văn hóa truyền thống khi nỗi lo cơm áo vẫn còn đó. Ông dẫn chúng tôi đến gặp cụ Bơ Thị Bà - cũng chính là mẹ của ông - bà là một trong số ít người còn giữ được bộ trang phục truyền thống và còn biết thêu hoa văn trên trang phục của người Xa Phó ở Châu Quế Thượng.

Năm nay đã bước vào tuổi 70, mắt đã kém nhưng cụ Bà vẫn còn khá minh mẫn. Tay mân mê trên nếp vải đã cũ nhưng còn rõ những họa tiết hoa văn hình mặt trời, hình sao, rễ cây, dấu chân trâu, đường đi nương... giọng cụ xót xa: “Ngày xưa chúng tôi học thêu từ nhỏ, lớn lên tự khâu áo váy cho mình, mỗi cô gái sẽ khâu một bộ đẹp nhất cho ngày cưới. Cô gái khéo tay sẽ được biết ngay trên chính trang phục của mình. Giờ thì nhiều vải màu sắc đẹp lắm, người ta may những chiếc áo ngắn và quần để mặc cho tiện. Giờ thì chẳng thiếu nữ nào còn biết thêu nữa".

"Tôi còn 2 bộ này từ lâu lắm rồi cũng để lễ tết mặc cúng ông bà, tổ tiên. Thỉnh thoảng các cháu trong đội văn nghệ lại đến mượn đi biểu diễn. Tôi buồn vì trang phục dân tộc không được lưu giữ”. - cụ Bà khoe vậy. 

Nói dại nếu một ngày kia, những người như bà Bơ Thị Bà ra đi khi chưa kịp truyền lại cho con cháu cách thêu dệt trang phục truyền thống thì yếu tố nhận biết một tộc người sẽ mất đi chứ chưa nói đến mất hẳn một màu sắc văn hóa độc đáo.

Nghệ nhân Đặng Thị Thanh truyền dạy sáo mũi Cúc Kẹ.

Tiễn chúng tôi, ông Lả cho hay: “Xã cũng có một đội văn nghệ với hơn chục em biểu diễn những bài hát dân ca và những điệu xòe cổ. Mỗi lần biểu diễn thu hút được đông đảo người dân đến xem và cổ vũ. Nhiều người vẫn còn yêu thích văn hóa truyền thống lắm. Nếu giờ được giúp đỡ để mở những lớp truyền dạy nghề thêu, truyền dạy làm nhạc cụ và sử dụng nhạc cụ thì tốt biết mấy”.

Như vậy, vẫn còn nhiều người còn quan tâm đến văn hóa truyền thống. Song, điều quan trọng lúc này là làm sao giáo dục cho thế hệ trẻ người Xa Phó biết yêu và trân trọng truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc mình, có như vậy mới giữ được truyền thống văn hóa tốt đẹp và rất đặc biệt của một dân tộc ít người tỉnh Yên Bái.

Chia tay Quế Thượng, chúng tôi trở về với niềm tiếc nuối cho sự mai một của nét văn hóa lâu đời mà người Xa Phó ở Châu Quế Thượng đã tạo dựng. Trước lúc chia tay, anh bạn tôi quả quyết với nghệ nhân Đặng Thị Thanh: “Chi hội Văn hóa dân gian nhất định sẽ mở lớp truyền dạy sáo mũi ở Châu Quế Thượng - môn nghệ thuật văn hóa đặc trưng nhất của người Xa Phó”.

Đúng như lời hứa, Chi hội Văn hóa dân gian tỉnh đã mở lớp truyền dạy làm và thổi sáo mũi Cúc Kẹ ở Châu Quế Thượng với sự tham gia của 15 bạn trẻ người Xa Phó mà nghệ nhân Đặng Thị Thanh trực tiếp truyền dạy vào cuối tháng 10 vừa qua. Đó là sự khởi đầu cho hành trình tìm lại văn hóa truyền thống của dân tộc Xa Phó ở Châu Quế Thượng hôm nay.

Thanh Ba

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục