Cần xây dựng tổ, hợp tác xã đánh bắt ven hồ Thác Bà

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/11/2012 | 3:39:39 PM

YBĐT - Huyện Yên Bình (Yên Bái) sẽ vận động dân đánh bắt ven hồ hình thành các tổ, hợp tác xã khai thác thuỷ sản, vì chỉ có hình thức này mới quản lý được phương tiện đánh bắt và bảo vệ bãi cá đẻ, hiệu quả đánh bắt tập trung chắc chắn cũng sẽ cao hơn.

Sản lượng cá tép dầu đánh bắt trên hồ Thác Bà đã ngày một nhiều hơn.
Sản lượng cá tép dầu đánh bắt trên hồ Thác Bà đã ngày một nhiều hơn.

Lâu lắm tôi mới có dịp du ngoạn trên hồ Thác Bà, thấy thật hiếm có năm nào về độ cuối năm mà nước hồ vẫn dâng đầy ăm ắp như bây giờ. Mười mấy con người cùng đi trên một chiếc thuyền thoả thuê trò chuyện. Duy chỉ có anh Phùng Văn Sơn hiện là cán bộ của Phòng Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thuộc Chi cục Thuỷ sản tỉnh Yên Bái cứ một mình trầm tư buông ánh mắt xa xăm như thể lần đầu được du ngoạn trên hồ. Về sau mới biết anh từng là lớp người buông những mẻ lưới đầu tiên của Công ty Thuỷ sản Yên Bái đánh bắt cá khi hồ Thác Bà mới dâng nước phát điện.

Anh Sơn tâm sự: “Hồi thuỷ điện mới dâng nước được mấy năm, có ngày chúng tớ quây mẻ lưới được tới 30 tấn cá là chuyện bình thường. Mấy năm trở lại đây, hồ vẫn thế mà cá thì cạn kiệt. Phải nói là sự đánh bắt huỷ diệt của con người đã tàn phá cá tôm thật ghê gớm”. Trầm ngâm giây lát, rồi bằng chính kinh nghiệm của một người mấy mươi năm gắn bó với hồ, anh Sơn tiếp: “Nhưng tôi khẳng định là nếu được bảo vệ tốt như từ đầu năm đến giờ thì 3 năm nữa cá ở hồ Thác Bà sẽ chẳng kém gì mấy chục năm về trước”.

Chợt nhớ hồi giữa năm ngồi trò chuyện với kỹ sư thuỷ sản Hoàng Ngọc Đại - Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Yên Bái, anh cho biết, suốt từ đầu năm luôn bận bịu với những chuyến đi trên hồ để đôn đốc việc tháo dỡ vó bè đánh bắt cá bằng lưới mắt nhỏ kết hợp với ánh sáng điện. Bắt đầu từ năm 2012, việc đánh bắt thuỷ sản trên hồ sẽ được thắt chặt hơn.

Rừng tràm nước ngọt trên đảo chìm hồ Thác Bà là môi trường cư trú và sinh sôi lý tưởng của nhiều loài thủy sản.

Đặc biệt, cơ quan thuỷ sản và các ngành chức năng của tỉnh, huyện Yên Bình sẽ xử lý nghiêm các việc dùng phương tiện đánh bắt thuỷ sản có tính huỷ diệt như lưới mắt nhỏ, dụng cụ xung điện, thuốc nổ. Có lẽ sự quản lý đã quyết liệt hơn nên cả ngày đi trên hồ mà không hề trông thấy còn chiếc vó bè nào hay thuyền có kích điện đi ngang nhiên như ngày trước. Ngẫm thấy, nếu không cấm các loại phương tiện đánh bắt này thì đến cá tép dầu cũng sẽ thành của hiếm ở một vùng hồ rộng tới mấy nghìn ha thế này.

Bởi lẽ, trước đây có những mẻ vó bè nhử cá bằng ánh điện trong đêm trên dọc tuyến Đông Hồ người ta đã bắt được 3 đến 4 tạ tép dầu vào đúng mùa cá đang chuẩn bị đẻ thì làm sao còn có cá tép dầu sinh sôi? Được biết, huyện Yên Bình sẽ vận động dân đánh bắt ven hồ hình thành các tổ, hợp tác xã khai thác thuỷ sản, vì chỉ có hình thức này mới quản lý được phương tiện đánh bắt và bảo vệ bãi cá đẻ, hiệu quả đánh bắt tập trung chắc chắn cũng sẽ cao hơn.

Sự hồi sinh của nguồn thuỷ sản cũng đã thấy rất rõ. Cô kỹ sư có cái tên giống như tên con trai - Phùng Thế Hồng được Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện giao nhiệm vụ theo dõi việc phát triển thuỷ sản trên hồ nhớ rất rõ từng xã có bao nhiêu lồng cá.

Chỉ tay về phía những vạt tràm ngập nước, Hồng cho biết: “Trên 150 ha cây tràm nước ngọt ở các đảo chìm giờ mới thấy được giá trị vô giá của nó. Đây chính là môi trường tuyệt vời cho cá, tôm ẩn nấp, trú ngụ và sinh sản”.

Thị trấn huyện Yên Bình trước đây từng là tâm điểm của nạn đánh cá bằng kích điện thì nay nhiều hộ đã chuyển sang thuyền câu. Không ít người vốn không phải nghề chài lưới nhưng thấy câu cá trên hồ dễ dàng nên cũng sắm thuyền vừa câu giải trí vừa làm kinh tế.

Kỹ sư Hoàng ngọc Đại cùng người dân kiểm tra bệnh và khả năng sinh trưởng của cá lăng nuôi lồng.

Trong đó, có những người như chị Nguyễn Thị Bích, Lê Thị Do… ở tổ 13 nghề chính là mở hàng ăn và chăn nuôi, nay đi câu thấy vui nên cũng góp tiền mua thuyền máy để sau khi hoàn tất công việc buổi sáng lại cùng cánh đàn ông “ra khơi”. Ngày bình thường câu được vài cân rô phi, ngày may mắn kiếm được sáu, bảy cân đến một yến. Khách đặt hàng mua cá câu về, mổ sạch với giá mỗi cân 40 nghìn đồng thì các chị cũng kiếm bình quân trên trăm ngàn đồng mà không hề vất vả.

Cánh thợ câu ai cũng thừa nhận cá rô phi bây giờ là loại cá chủ lực của hồ Thác Bà. Những con cá câu được khá to, nạc, thịt thơm ngon. Cá thiểu gù mấy năm trước đây cũng hiếm dần thì nay thợ câu đã kiếm được khá nhiều và họa hoằn có người còn câu được cả ba ba, cá chim trắng. Riêng cá tép dầu, chị Nguyễn Thị Liên - người chuyên thu gom cá tại các bến cá để chuyển đi Lào Cai cho biết nguồn cá tép dầu giờ đã dễ mua hơn trước và trọng lượng cũng nhỉnh hơn.

Được biết, ngoài việc phát triển thuỷ sản tự nhiên và hàng năm thả tới vài triệu cá giống các loại bổ sung nguồn lợi thủy sản trên hồ thì trọng tâm khai thác tiềm năng mặt nước còn được tỉnh và huyện Yên Bình hướng mạnh vào chăn nuôi các loại cá lồng. Công ty cổ phần Cá tầm Phương Bắc đã bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư nuôi cá tầm đã khẳng định sự thành công.

Kế bên khu vực chăn nuôi của công ty này là tổ hợp của gia đình chị Trần Thị Tố Nga ở tổ 8, thị trấn Thác Bà cùng với bà con họ hàng ở Lào Cai, Tuyên Quang cũng hùn tiền tỷ để nuôi cá nheo, cá lăng, cá rô phi đơn tính trong lồng. Do mới nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm nên lồng bè bị bão đánh vỡ, trôi dạt, cá đôi khi bị nhiễm bệnh, nguồn thức ăn nuôi cá đặc sản còn khan hiếm nên hiệu quả chưa được như mong muốn.

Tuy vậy, anh Ngô Quang Khởi là người ở tỉnh Lào Cai cùng hùn vốn với chị Tố Nga và cũng là người đã có kinh nghiệm đầu tư nuôi cá lồng ở một số hồ lớn trong khu vực nhận định rằng, hồ Thác Bà có môi trường nước sạch nhất. Nếu chăn nuôi thuận lợi thì tỷ suất đầu tư cho nuôi cá lồng và hiệu quả kinh tế sẽ là 50 - 50.

Chẳng hạn, nuôi cá rô phi đơn tính thì cứ 3 tháng là cho thu hoạch. Gần trăm lồng rô phi đơn tính của tổ hợp này, mỗi lồng cho thu hoạch một đợt từ 4 đến 5 tạ cá với giá bán bình quân 40 nghìn đồng/kg thì một năm lượng cá và tiền thu được là không nhỏ. Bởi thế, dù có gặp những khó khăn ban đầu nhưng tổ hợp của chị Tố Nga ai nấy đều yên tâm đầu tư để hy vọng sẽ gặt hái những thành quả tương ứng với sự mạnh dạn và quyết tâm làm kinh tế của mình.

Ngoài nuôi cá lồng quy mô lớn như 2 cơ sở nói trên, toàn vùng hồ Thác Bà thuộc huyện Yên Bình hiện còn có trên 400 lồng cá nuôi lẻ, trong đó nhiều nhất là thị trấn Thác Bà với trên 100 lồng đều nuôi cá trắm. Bình quân mỗi lồng chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch khoảng 700 - 800 kg trong khoảng nửa năm mà nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ tự nhiên, cỏ trồng, lá sắn và một số phụ phẩm nông nghiệp khác. Nuôi cá trên hồ cũng đã cho thấy những cách làm và mô hình khá năng động và sáng tạo.

Nuôi cá rô phi đơn tính bằng lồng trên hồ Thác Bà đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Trần Văn Bình ở thôn Vũ Sơn, xã Vũ Linh nuôi cá nheo với số lượng lớn nhưng không nuôi bằng lồng mà chờ khi nước cạn anh giăng lưới mắt nhỏ có độ bền lớn thành nhiều lớp chắn ngang một đoạn eo hồ thành ao nuôi. Cá nheo nuôi theo kiểu bán tự nhiên này vừa giảm đầu tư thức ăn mà thịt cá lại rất ngon, cá lớn nhanh.

Anh Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Yên Bình tâm sự: “Những năm gần đây, thị trường cá, tôm nước ngọt đang khá khan hiếm ở các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Vì thế, trong tương lai, ngoài việc bảo vệ và phát triển thật tốt nguồn lợi thuỷ sản trên hồ, huyện Yên Bình sẽ chú trọng đến yếu tố vốn, khoa học kỹ thuật để phấn đấu đưa nghề nuôi cá lồng phải đạt số lượng gấp vài lần như hiện nay. Đây là quyết tâm lớn đã được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ huyện”.

Chúng tôi hiểu quyết tâm này không chỉ nói lên khát vọng của cấp uỷ, chính quyền và người dân địa phương muốn đánh thức vùng hồ Thác Bà trở lại hình ảnh xưa kia đầy ắp cá mà còn vượt lên nữa là phải làm giàu từ nghề nuôi cá. 

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Một góc bản làng Minh, xã Nậm Khắt.

YBĐT - Ai đó đã gọi Nậm Khắt là “rốn” của ma túy. Chẳng thế mà cuộc chiến chống lại thứ hàng cấm siêu lợi nhuận và chết người này của các lực lượng chức năng địa phương ngày đêm vẫn diễn ra âm thầm, quyết liệt, đầy hiểm nguy rình rập...

Cựu chiến binh Lê Ngọc Châu đang chăm sóc đàn lợn.

YBĐT - Ngồi trong ngôi nhà xây mái bằng khang trang của gia đình ông, liếc nhìn trên tường nhà rất nhiều giấy khen, bằng khen của xã, huyện, UBND tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương khen tặng, tôi thầm cảm phục ý chí nghị lực của người cựu chiến binh già Lê Ngọc Châu.

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh khảo sát tình hình chế biến và xuất khẩu đá hoa trắng tại Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Lục Yên để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

YBĐT - Việc nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân: Không ít doanh nghiệp, người sử dụng lao động “lách luật” hoặc cố tình vi phạm pháp luật lao động để chiếm dụng tiền BHXH, tạo vốn kinh doanh trên lưng người lao động.

Nuôi gia súc, gia cầm sát nhà là thói quen thường thấy của các hộ dân vùng cao.

YBĐT - Khi nói đến đời sống của đồng bào vùng cao, đặc biệt là đồng bào Mông ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, người ta nghĩ ngay đến sự nghèo. Nhưng để trả lời cho câu hỏi. “Vì sao” lại là một hệ thống những vướng mắc ẩn trong từng câu chuyện, việc làm, đời sống của họ mà tựu chung lại vẫn là nghèo do thiếu hiểu biết, lười lao động...?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục