Thanh niên xung phong Nghĩa vụ - trách nhiệm và chế độ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/11/2012 | 2:59:10 PM

YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái hiện còn 118 hộ gia đình cựu TNXP thuộc diện hộ nghèo, nhiều cá nhân cựu TNXP đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”. Đã có không ít cựu TNXP mãi mãi đi xa mà chưa được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước thực sự là trách nhiệm của thế hệ hôm nay.

Văn phòng Hội Cựu TNXP tỉnh trực giải đáp thắc mắc của cựu TNXP về chế độ chính sách.
Văn phòng Hội Cựu TNXP tỉnh trực giải đáp thắc mắc của cựu TNXP về chế độ chính sách.

Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cả nước đã có hàng vạn thanh niên xung phong (TNXP) tình nguyện cống hiến tuổi xuân, sức trẻ phục vụ cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đất nước hòa bình, non sông thu về một mối, góp phần trong thắng lợi vẻ vang đó có lực lượng TNXP. Bởi vậy phải khẳng định rằng TNXP là những người có công với cách mạng. Song, đến nay sau mấy thập kỷ đất nước ca khúc khải hoàn, rất nhiều cựu TNXP vẫn chưa được hưởng chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước.

Thanh niên xung phong - ký ức và hiện tại

Ông Nguyễn Văn Hòa ở thôn 2, xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) bồi hồi nhớ lại những ngày cả nước hướng ra mặt trận, nam nữ thanh niên ở địa phương hăng hái ghi tên lên đường làm nhiệm vụ cách mạng. Đó là năm 1952 ông được tham gia vào đơn vị C 236 phục vụ chiến dịch đèo Lũng Lô - Điện Biên Phủ với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và thông đường. Địch đánh phá ác liệt, những cung đường bị bom đánh sập ta luy đất đá vùi lấp cả khối lượng khổng lồ nhưng anh em trong đội vẫn bằng mọi cách làm ngày làm đêm để đảm bảo thông đường. Rồi lần tìm dấu bom nổ chậm đánh dấu để kích nổ đảm bảo an toàn trên cung đường cho bộ đội di chuyển…

Năm nay, cựu TNXP Nguyễn Văn Hòa đã ngoài 80 tuổi, ông sống cùng người vợ già lưng còng gập, hai ông bà hàng ngày vẫn chăm sóc luống rau thơm bán để trang trải cuộc sống. Cũng may năm 2011, ông bà được hưởng chính sách hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo cùng với đóng góp của anh em con cháu nên đã có được ngôi nhà khang trang.

Cựu TNXP Đặng Thị Dung - thôn Bình Sơn, xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái) cũng nhớ như in những ngày tham gia TNXP thuộc đơn vị 105 làm đường từ Bắc Hà về Lục Yên và Phú Thịnh. Khi ấy bà làm cấp dưỡng “nấu cơm bằng chảo, đảo bằng xẻng”, cả tổ cấp dưỡng chỉ có 3 người nhưng nấu cơm phục vụ tới 60 người ăn. Bà kể, trong hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn vất vả bà và các đồng chí khác luôn xác định khâu hậu cần quan trọng là để anh em ăn ngon miệng nên không có rau thì đi bóc măng, hái hoa chuối, rau rừng về chế biến. Ngày còn con gái, gánh gần 30 kg thực phẩm liên tục lên xuống dốc, đi 6 - 7 cây số mà vẫn hát vang rừng…

Hòa bình, chồng mất, một mình bà bươn bả lo cho 5 đứa con phương trưởng. Hiện tại bà sống cùng con cháu cuộc sống cũng không quá khó khăn nhưng bà nói “Mình tham gia phục vụ cách mạng, cống hiến là thật nên rất mong được Nhà nước giải quyết chế độ như nguồn động viên, một kỷ niệm về những năm tháng đáng nhớ ấy...”.

Các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu TNXP tỉnh và thành phố Yên Bái thăm gia đình nữ cựu TNXP Đặng Thị Dung (áo hồng) thôn Bình Sơn, xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái).

Ngôi nhà của cựu TNXP Hoàng Ngọc Bảo ở thôn 1, xã Minh Quán (Trấn Yên) nằm lẻ loi trong một quả đồi. Nhớ về những ngày đi TNXP khi ông là Đại đội trưởng Đại đội TNXP thuộc Đội 36 do đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký Bác Hồ làm Đoàn trưởng. Đội có trên 200 người sau khi thành lập được hành quân thẳng ra Tuyên Quang với nhiệm vụ làm nhà phục vụ an toàn khu (ATK).

Khi Đại đội hành quân ra ATK, vừa đến nơi đã thấy Bác Hồ, dù chưa từng được gặp nhưng được biết Bác qua ảnh nên ông và mọi người đoán ngay là Bác. Bác mặc bộ quần áo nâu, đi dép cao su. Ông kể: “Vừa gặp Bác đã hỏi: - Các cháu có phải TNXP không? Có đói không? Trả lời Bác người bảo no, người bảo đói. Bác chỉ một người trả lời đói và nói: Chú nói đúng, chúng ta đang chiến tranh còn khó khăn gian khổ thì ăn chưa đủ no mới là nói thật chứ”.

Và suốt quá trình làm nhiệm vụ ở ATK ông đã nhiều lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Hòa bình lập lại, ông về công tác tại Bộ Giao thông Vận tải, sau lên Yên Bái xây dựng kinh tế mới. Tổng hợp, ông đã tham gia 25 năm công tác liên tục nhưng do không còn giữ được giấy tờ nên đến nay ông cũng không được hưởng chế độ gì của Nhà nước ngoài số tiền trợ cấp cho người già trên 80 tuổi.

 

Cựu TNXP Hoàng Ngọc Bảo (đứng giữa) nay đã ở tuổi 90.

Năm nay ông Bảo đã ở tuổi 90, hai vợ chồng tuổi cao, sức yếu tự chăm sóc cho nhau. Cống hiến là thế, nhưng dường như hoàn cảnh lại bủa vây bởi hiện tại hai ông bà nằm trong diện hộ nghèo, căn nhà gỗ dựng từ 30 năm nay, giờ cột kèo đã mối mọt đục rỗng cả. Ông cười móm mém chỉ vào hai chiếc cột cái giữa nhà được dán giấy xanh đỏ bảo: “Bà nhà tôi thấy cột mọt hết bảo dán giấy vào nhìn đỡ xấu”.

Tôi hiểu được tất cả những nghẹn ngào đằng sau tiếng cười ấy của ông. Chia tay ông, các đồng chí trong Hội Cựu TNXP tỉnh và huyện Trấn Yên dặn ông lấy mẫu tờ khai để tiện chuyến đi Thanh Hóa (ông đang có dự định về quê) thì lấy xác nhận của địa phương đã tham gia TNXP để được giải quyết chế độ.

Quả thực, Quyết định 40 của Thủ tướng Chính phủ - quyết định mới nhất về giải quyết chế độ cho cựu TNXP đã rất mở và thuận lợi nhưng với những cựu TNXP như ông Bảo thì thời gian dường như khó theo kịp tuổi tác. Ông Bảo chỉ là số ít những trường hợp cụ thể bởi thực tế toàn tỉnh còn tới 892 hồ sơ của cựu TNXP đủ điều kiện nhưng chưa được hưởng chế độ, trong đó có 4 liệt sĩ, 43 thương binh, 134 người trợ cấp một lần và 81 người trợ cấp thường xuyên...

Trách nhiệm của hôm nay

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã ban hành các quyết định, thông tư hướng dẫn về việc giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP nhưng do hoàn cảnh lịch sử, do điều kiện về thời gian đã quá lâu, nhiều cựu TNXP không còn giữ được các giấy tờ gốc, thậm chí không có bất cứ giấy tờ gì minh chứng theo quy định để được giải quyết chế độ. Trong khi đó các quyết định giải quyết chế độ cho TNXP trước đây lại quá cứng nhắc, máy móc không sát với thực tế như đòi hỏi giấy tờ gốc (chẳng hạn nếu bị thương thì phải có phiếu chuyển thương, chuyển viện, bệnh án, giấy ra viện, phiếu sức khoẻ)... Nay, Quyết định 40/2011/QĐ-TTg là quyết định theo hướng mở nhằm giải quyết dứt điểm chế độ cho cựu TNXP trên cả nước.

Theo đó, trường hợp không có giấy tờ gốc thì làm tờ khai theo mẫu và về địa phương nơi đăng ký thường trú trước khi đi TNXP để UBND xã xác nhận hoặc lấy xác nhận của đồng đội, đơn vị cũ.

Ở Yên Bái, triển khai thực hiện Quyết định 40 của Chính phủ, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 117/KH-UBND, trong đó xây dựng thời gian, nội dung triển khai cụ thể như: tổ chức hội nghị triển khai từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã. Kế hoạch nêu rõ, đối với cấp tỉnh hoàn thành trước 10/11/2012, cấp huyện xong trước 25/11/2012 và cấp xã hoàn thành trước 5/12/2012. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 11 cấp tỉnh vẫn chưa tổ chức Hội nghị triển khai.

Theo kế hoạch này từ cuối tháng 12/2012 đến hết tháng 8/2013 sẽ tổ chức xét duyệt hồ sơ. Quá trình thực hiện giao cho Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài Chính, Hội Cựu TNXP, các cấp chính quyền hướng dẫn đối tượng lập hồ sơ, xem xét, thẩm định, phê duyệt và giải quyết chế độ...

Việc giải quyết chính sách cho cựu TNXP có tính đặc thù riêng, thực tế đã xảy ra tình trạng một số đối tượng không phải là cựu TNXP lợi dụng sơ hở trong các khâu xét duyệt, thẩm định làm giả hồ sơ để hưởng chính sách. Bởi vậy, việc tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch để thống nhất xuyên suốt tinh thần thực hiện quyết định với các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và các ngành hữu quan cũng như việc tập huấn triển khai các hướng dẫn, thông tư liên tịch là hết sức cần thiết để  đảm bảo tính chính xác, dân chủ và công bằng. Tuy nhiên, quá trình giải quyết chế độ cũng rất cần sự linh hoạt, vận dụng sáng tạo trong việc áp dụng xử lý các văn bản, giấy tờ liên quan.

Lời kết

Hiện nay, việc giải quyết chế độ, chính sách cho cựu TNXP còn chậm, số đối tượng trong diện xem xét giải quyết còn khá nhiều; sự phối hợp của các ngành, các cấp trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho cựu TNXP còn chưa chặt chẽ ; quy trình thực hiện các khâu xét duyệt, thẩm định hồ sơ, giám định thương tật để cựu TNXP hưởng chế độ, chính sách chưa thống nhất giữa các cơ quan; cán bộ làm công tác giải quyết chế độ, chính sách cho cựu TNXP chủ yếu còn trẻ không hiểu nhiều về TNXP và lại chưa nghiên cứu kỹ văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ đối với cựu TNXP để vận dụng... là những nguyên nhân chính khiến việc giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP chậm trễ. Bởi vậy, sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh là hết sức cần thiết để các cựu TNXP của tỉnh Yên Bái sớm được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước.

Được biết, toàn tỉnh hiện còn 118 hộ gia đình cựu TNXP thuộc diện hộ nghèo, nhiều cá nhân cựu TNXP đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”. Đã có không ít cựu TNXP mãi mãi đi xa mà chưa được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước thực sự là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Bởi họ - những cựu TNXP đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ và trách nhiệm đối với quê hương đất nước mà thế hệ hôm nay vẫn chưa bù đắp hết thiệt thòi của hai cuộc chiến cho họ bằng những chế độ, chính sách họ xứng đáng được hưởng.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Yên Bái:

“So với các địa phương khác, số cựu TNXP chưa được hưởng chế độ chính sách, trong đó số đối tượng không có giấy tờ không lớn, tuy nhiên, lại khá phức tạp do hầu hết cựu TNXP ở Yên Bái là ở tỉnh khác được điều động lên nhận nhiệm vụ ở Yên Bái. Chiến tranh kết thúc họ ở lại làm ăn sinh sống trên địa bàn tỉnh nên việc lấy xác nhận phải về các địa phương ở tỉnh khác, vì thế làm sao để việc thẩm định được chặt chẽ, đảm bảo đúng thời gian đi TNXP làm căn cứ giải quyết chế độ đòi hỏi hết sức thận trọng, chính xác”.

Ngọc Tú

Các tin khác
Phụ nữ Xa Phó trong trang phục truyền thống và những nhạc cụ truyền thống như kèn Ma Nhí, sáo mũi. (Ảnh: Hồng Vân)

YBĐT - Cũng như người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, người Xa Phó ở Yên Bái sống tập trung ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên. Chính cái sự tập trung ấy tạo nên nét văn hóa vùng độc đáo.

Sản lượng cá tép dầu đánh bắt trên hồ Thác Bà đã ngày một nhiều hơn.

YBĐT - Huyện Yên Bình (Yên Bái) sẽ vận động dân đánh bắt ven hồ hình thành các tổ, hợp tác xã khai thác thuỷ sản, vì chỉ có hình thức này mới quản lý được phương tiện đánh bắt và bảo vệ bãi cá đẻ, hiệu quả đánh bắt tập trung chắc chắn cũng sẽ cao hơn.

Một góc bản làng Minh, xã Nậm Khắt.

YBĐT - Ai đó đã gọi Nậm Khắt là “rốn” của ma túy. Chẳng thế mà cuộc chiến chống lại thứ hàng cấm siêu lợi nhuận và chết người này của các lực lượng chức năng địa phương ngày đêm vẫn diễn ra âm thầm, quyết liệt, đầy hiểm nguy rình rập...

Cựu chiến binh Lê Ngọc Châu đang chăm sóc đàn lợn.

YBĐT - Ngồi trong ngôi nhà xây mái bằng khang trang của gia đình ông, liếc nhìn trên tường nhà rất nhiều giấy khen, bằng khen của xã, huyện, UBND tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương khen tặng, tôi thầm cảm phục ý chí nghị lực của người cựu chiến binh già Lê Ngọc Châu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục