Khi ý Đảng lòng dân là một

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/12/2012 | 2:59:55 PM

YBĐT - Với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, người dân các thôn trên địa bàn xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái)  đã có sự đổi thay trong đời sống kinh tế xã hội. Năm 2012, được sự hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn của Nhà nước, phong trào toàn dân tham gia làm đường nông thôn ở đây đã sôi động hẳn lên.

Các tuyến đường mới làm đã giúp người dân xã Bảo Ái đi lại thuận lợi hơn.
Các tuyến đường mới làm đã giúp người dân xã Bảo Ái đi lại thuận lợi hơn.

Trước đây, khi chưa có đường to, muốn đến thăm nhau, người dân phải mất hàng giờ đồng hồ đi bộ vượt qua nhiều đồi cao, khe sâu mới đến nơi, trong đó có những thôn xa nằm cách trung tâm xã 9 - 10 km đường mòn nên đời sống của người dân nơi đây vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Xã đã tuyên truyền vận động nhân dân các thôn mở đường về đến tận từng thôn nhưng do điều kiện khó khăn nên mới chỉ dừng lại ở những con đường đất và có nhiều tuyến còn nhỏ hẹp. Thời gian trôi đi, các tuyến đường đã bị xói mòn xuống cấp và gây rất nhiều trở ngại cho người dân đi lại.

Xác định rõ giao thông là nền tảng góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa xã hội nông thôn phát triển đi lên, xã  đã tạo điều kiện khuyến khích cho người dân tu sửa mở rộng diện tích mặt đường cũ, mở thêm các tuyến đường mới và tổ chức thi công đổ bê tông hóa những tuyến giao thông nông thôn đã san tạo hoàn thiện mặt đường.

Xã Bảo Ái, huyện Yên Bình có 2.010 hộ với 8.448 nhân khẩu cư trú tại 16 thôn, trong đó có 6 thôn thuộc diện nghèo nằm trong vùng hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Người dân sinh sống trên địa bàn gồm 5 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm 45%, dân tộc Dao 26%, dân tộc Tày 17%, Nùng 13% và số còn lại là các dân tộc Giáy, Cao Lan, Mường…
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thanh Hải – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thời gian qua xã rất quan tâm đến việc phát triển đường giao thông nông thôn, trước hết là ưu tiên cho các thôn vùng sâu, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu  thôn nào có nhu cầu sửa chữa và mở thêm đường mới mà đã đề nghị là xã ủng hộ ngay. Thời gian qua, nhiều thôn đã nô nức tham gia làm đường, xã đã thành lập Ban chỉ đạo quản lý thi công đường giao thông đối với từng thôn, trong đó các trưởng thôn làm trưởng ban”. 

Ông Bùi Chí Nam - Trưởng thôn Ngòi Chán (đứng giữa) báo cáo kết quả tuyến đường do thôn đã tự đổ bê tông với ông Đặng Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã (người bên phải).

Năm 2012, được sự hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn của Nhà nước, phong trào toàn dân tham gia làm đường nông thôn ở xã Bảo Ái đã sôi động hẳn lên.

Đáng biểu dương là các hộ đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, phá bỏ hàng nghìn cây cối tạo điều kiện thuận lợi cho xã mở rộng lòng đường và tu sửa các tuyến đường. Điển hình là các gia đình ông La Văn Vè, Nguyễn Văn Canh, Ngô Văn Nhung ở thôn An Bình và ông Nông Văn Tỵ ở thôn Trung Tâm và nhiều hộ gia đình khác nữa.

Người dân trong xã đã hăng hái tu sửa và mở mới các tuyến đường từ thôn Ngòi Nhầu đi Ngòi Mấy với chiều dài 2 km, chiều rộng 3 mét, tuyến từ thôn Vĩnh An đến bờ hồ Thác Bà dài 1,5 km, rộng 3 mét, tuyến từ quốc lộ 70 đi thôn Ngòi Khang với chiều dài 500 mét, rộng 3 mét và tuyến từ quốc lộ 70 đến thôn An Bình dài 1,5 km, rộng 2,5 mét...

Gặp chúng tôi, chị Triệu Thị Xuân ở thôn An Bình -  một trong những hộ gia đình đã hiến đất, phá bỏ cây quế để mở đường tâm sự: “Trước đây con đường của người dân trong thôn rất nhỏ hẹp. Cứ vào ngày mưa là đường lại trơn trượt, việc đi lại vô cùng khó khăn, đặc biệt là với các cháu học sinh ngày ngày phải đi đến trường trên con đường này rất vất vả. Khi có sự chỉ đạo mở đường của xã, bà con trong thôn nhất trí cao. Tôi nghĩ, gia đình mình cũng nên tham gia đóng góp để có đường tốt hơn cho con cháu đi học dễ dàng và để mình đi làm cũng thuận lợi. Tôi đã hiến cả đất và cây cối để nhường chỗ cho đường. Bây giờ thì thôn đã có đường mới, việc đi lại đã thuận lợi hơn nhiều”.

Có đường mới, dễ dàng đi lại không chỉ riêng mình chị Xuân vui mừng mà cả thôn ai cũng vui và họ mong muốn có những con đường làm được hoàn chỉnh hơn.

Ông Nguyễn Văn Canh ở thôn An Bình cho hay: “Giờ  đã làm xong đường rồi nhưng cây cầu qua suối vẫn còn bằng gỗ, bằng tre, con cháu đi lại chúng tôi chưa an tâm, mong muốn được Nhà nước hỗ trợ và người dân chúng tôi sẵn sàng đóng góp thêm tiền và công sức xây lại cây cầu cho chắc chắn để việc đi lại đảm bảo an toàn”.

Ông Ngô Văn Nhung thôn An Bình phấn khởi bước trên con đường mới mà gia đình đã hiến đất để làm.

Đến thăm Ngòi Chán - thôn đi đầu trong việc huy động sức dân đóng góp công sức để tu sửa và bê tông hóa mặt đường, tuyến đường được đổ bê tông đi từ quốc lộ 70 về thôn có chiều dài 612 mét và chiều rộng 3 mét đã được hoàn tất nhanh gọn trong vòng gần 1 tháng là nhờ có sự đóng góp nhiệt tình của người dân với phương châm “Đường ta làm, ta đi”.

Cả thôn có 114 hộ với 416 nhân khẩu, người dân trong thôn đã thực hiện tốt việc làm đường theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” với tỷ lệ Nhà nước đầu tư 60%, nhân dân đóng góp thêm 40%. Năm 2012, thôn Ngòi Chán đã huy động người dân đóng góp đạt trên 211 triệu đồng, huyện Yên Bình hỗ trợ trên 105 tấn xi măng và tỉnh hỗ trợ trên 259 triệu đồng.

Ngoài số tiền đã đóng góp, người dân trong thôn còn tích cực góp công sức vận chuyển vật liệu và tham gia ngày công để cùng trộn bê tông khi thi công công trình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Chí Nam - Trưởng thôn Ngòi Chán cho hay: “Tuy đây là một thôn nghèo nhưng khi chúng tôi tổ chức họp thôn bàn về việc đóng góp tiền tu sửa và đổ bê tông mặt đường về thôn, người dân rất nhiệt tình ủng hộ. Sau khi họp xong nhiều gia đình đã nộp tiền ngay. Với sự nhiệt tình hưởng ứng đóng góp của người dân, chúng tôi đã đổ bê tông kéo được tuyến đường dài thêm 117 mét so với thiết kế. Sang năm 2013, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động người dân đóng góp để đổ bê tông thêm 700 mét nữa”.

Bà Nguyễn Thị Tòng, 81 tuổi - người dân trong thôn bày tỏ cảm xúc: “Tôi đã già rồi, mắt kém, chân yếu nên đi lại khó khăn, nay có đường mới, tôi bước đi dễ dàng hơn. Đường đổ bê tông như thế này sẽ giúp cho con cháu đi lại thuận lợi lâu dài, tôi mong các cấp chính quyền tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ thôn chúng tôi làm thêm cho hết tuyến đường”.

Mở rộng hệ thống đường giao thông nông thôn, không chỉ là sự mong mỏi của người dân bởi giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.

Ông Phùng Nguyễn Văn - Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ái cho biết: “Năm 2012, xã đã thực hiện đạt 7,5 km đường giao thông nông thôn, trong đó một phần cũng là nhờ có sự đóng góp tích cực của nhân dân. Hiện xã đang chỉ đạo thực hiện bê tông hóa 2 công trình thuộc Chương trình 135 tại thôn Ngòi Kè với chiều dài 321 mét và tuyến Ngòi Ngù dài 562 mét. Bước sang năm 2013, xã tiếp tục huy động sức dân để bê tông hóa các tuyến đường về các thôn Ngòi Bang, Thái Bình…”.

Với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, người dân các thôn trên địa bàn xã Bảo Ái đã có sự đổi thay trong đời sống kinh tế xã hội. Bên cạnh những tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã mới mở và bê tông hoá là những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày một nhiều. Thời gian tới, Bảo Ái tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp công, của và đất để tu sửa hoàn thiện các tuyến đường còn lại, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.   

Đức Hồng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục