“Nghịch lý” ở Đồng Khê

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/12/2012 | 9:26:40 AM

YBĐT - Thật phi lý khi những người dân nghèo xã Đồng Khê (Văn Chấn) hàng ngày phải chạy ăn từng bữa lại là con nợ khi vay tiền “hộ” doanh nghiệp. Đã 4 năm trôi qua, doanh nghiệp nghiễm nhiên có được nguồn vốn lãi suất thấp để làm ăn.

Chị Hoàng Thị Thâm và tập hóa đơn thu lãi của ngân hàng.
Chị Hoàng Thị Thâm và tập hóa đơn thu lãi của ngân hàng.

Từ năm 2010 đến nay, Công ty không trả lãi nữa, Ngân hàng thúc ép tổ tín chấp nên chị cứ phải đi đòi cho có lệ. Cái vòng luẩn quẩn xung quanh Dự án bò nghèo chưa được giải quyết dứt điểm đó đang gây hàng loạt khó khăn cho 12 hộ dân xã Đồng Khê suốt 4 năm nay.

Dân nghèo vay vốn “hộ” doanh nghiệp

Ngày 30/10/2008, tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Văn Chấn, 46 hộ dân xã Đồng Khê đồng loạt ký vay vốn với tổng số tiền trên 400 triệu đồng theo Đề án hỗ trợ bò cho hộ nghèo. Được ký nhưng  tiền thì không được cầm vì nó được chuyển thẳng cho Công ty TNHH Thẩm Hường - đơn vị cung ứng giống cho các hộ dân. Ngày đi mua trâu, bò, người dân phấn khởi, háo hức tuy có người không ưng lắm vì có con gầy, con yếu nhưng đại đa số đều hào hứng nhận.

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như 2 ngày sau hàng loạt con trâu, bò phát bệnh lở mồm long móng, người dân tá hỏa đòi trả lại con giống cho doanh nghiệp. Biết thông tin, doanh nghiệp hốt hoảng cho xe tải vào với ý định chở hết số trâu bò mắc bệnh về chữa, song 12 hộ đầu tiên có trâu, bò mắc bệnh đã trả lại cho doanh nghiệp vào ngày 2/11/2008. Những ngày sau đó, đàn gia súc tiếp tục phát bệnh, nhiều người muốn trả lại cũng không được vì lệnh cấm vận chuyển trâu bò trong vùng dịch ra ngoài. Doanh nghiệp tức tốc cử hai cán bộ thú y vào ăn ngủ cả tháng trời để chữa bệnh cho đàn gia súc.

Cuối cùng dịch cũng được dập, thế nhưng 15 con trâu, bò của 12 hộ dân trước đó doanh nghiệp đã chở về để chữa thì cũng mất hút từ đó đến nay. Doanh nghiệp cũng chẳng hứa là khi nào trả lại cho dân và lờ đi mãi đến ngày 21/10/2009, tức là chỉ thiếu 9 ngày nữa là tròn 1 năm từ khi người dân ký vay và chuyển tiền cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới vào làm việc với dân. Biên bản làm việc ngày 21/10/2009 có đại diện của UBND xã Đồng Khê là ông Hoàng Ngọc Xanh - Phó chủ tịch UBND xã (nay là Chủ tịch UBND xã), Nguyễn Hữu Man - Phó chủ tịch UBND xã.

Đại diện của Công ty TNHH Thẩm Hường có ông Đinh Trọng Đệ và Trần Văn Hùng đều cùng ký vào biên bản với đề nghị của 12 hộ dân là Công ty TNHH Thẩm Hường thanh toán tiền gốc và lãi vay Ngân hàng Chính sách xã hội Văn Chấn từ ngày 30/10/2008 vì các hộ không nhận lại số trâu, bò đã trả lại Công ty ngày 2/11/2008. Thế nhưng đến nay đã 4 năm qua đI, tên của 12 hộ dân vẫn niêm yết trên bảng dư nợ tại UBND xã Đồng Khê với số tiền 115,8 triệu đồng. Không những tiền gốc doanh nghiệp chưa trả mà ngay cả tiền lãi từ năm 2010 đến nay doanh nghiệp cũng không trả.

Suốt 4 năm nay, số tiền đó doanh nghiệp chưa trả lại cho Nhà nước, còn người dân nghèo thì bỗng dưng trở thành vật thế chấp cho doanh nghiệp một cách hợp pháp!

chồng chất khó khăn

“Thâm! Mai ra xã nộp tiền lãi tháng này nhé! - Lãi gì? Chị có vay gì đâu mà nộp lãi? - Thì lãi vay “bò nghèo” ý, cứ nhắc thế cho khỏi quên”. Đòi thì cứ đòi thế thôi chứ chị Hằng thừa biết chẳng bao giờ đòi được vì tuy người ký vay là chị Thâm nhưng người cầm tiền lại là Công ty TNHH Thẩm Hường có trụ sở tận huyện Trấn Yên.

Trong căn nhà sàn ọp ẹp, chị Hoàng Thị Thâm, thôn Ao Sen, xã Đồng Khê nhân vật được nhắc đến trên đầu bài viết, bức xúc: “Tôi được tham gia vào Dự án hỗ trợ bò nghèo, ngày 30/10/2008, tôi ký vay 14,5 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Văn Chấn, tiền thì doanh nghiệp cầm nhưng bò mua về chỉ hai hôm sau thì phát bệnh lở mồm long móng, khi doanh nghiệp có ý mang về chữa tôi đồng ý ngay. Nhưng từ đó đến nay không biết Công ty chữa khỏi hay chưa mà không trả lại bò. Tiền chúng tôi vay đưa doanh nghiệp cũng chẳng trả lại để tôi trả ngân hàng, doanh nghiệp hứa trả cả gốc lẫn lãi nhưng đến giờ vẫn chưa trả, tên gia đình tôi vẫn niêm yết trên danh sách dư nợ ở xã, nhiều lần muốn vay ít tiền để phát triển chăn nuôi nhưng không được”.

Tên của 12 hộ dân vẫn đang được niêm yết trên bảng dư nợ tại UBND xã Đồng Khê.

Không chỉ gia đình chị Thâm mà cả 12 hộ dân ở Đồng Khê đang gặp phải những khó khăn rất lớn. Cá biệt như gia đình anh Hà Văn Đức, thôn Ao Sen là hộ nghèo, có con đang theo học đại học nhưng lại không được vay nguồn vốn ưu đãi học sinh, sinh viên chỉ vì hiện tại gia đình anh vẫn đang nợ Ngân hàng 13,8 triệu đồng vay Dự án bò nghèo năm 2008 khiến con anh đang đứng trước nguy cơ phải bỏ học giữa chừng.

Ông Trần Quang Sơn - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Văn Chấn cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực cùng với người dân và đại diện UBND xã Đồng Khê, đơn vị đứng ra tín chấp cho người dân vay vốn đi đòi nợ doanh nghiệp, tuy nhiên chưa có kết quả. Trường hợp 12 hộ dân xã Đồng Khê chúng tôi không thể giải quyết cho vay thêm vì món vay trước đó trên cơ sở pháp lý thì người dân đang nợ ngân hàng, chỉ khi nào người dân trả hết thì mới được vay tiếp”.

Câu trả lời đã rõ: số tiền doanh nghiệp nợ Nhà nước cả 3 nhà (gồm người dân, ngân hàng và xã Đồng Khê) phải cùng đi đòi theo kiểu chủ nợ đi đòi con nợ còn con nợ trả hay không, đó là quyền của họ. Một dự án lớn, một chính sách nhân văn của Nhà nước với ý nghĩa lớn lao giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân nhưng lại bị lợi dụng một cách trắng trợn. Đã nhiều năm trôi qua vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, cuối cùng thì người thiệt thòi vẫn chính là dân nghèo. Chính quyền các cấp và cơ quan pháp luật cần vào cuộc để giải quyết giúp đỡ người dân sớm thoát khỏi cảnh khó khăn này.

Anh Dũng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục