Mồ côi hiếu học

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/12/2012 | 2:34:12 PM

YBĐT - Trong khi bao đứa trẻ được sống trong vòng tay yêu thương, vỗ về, ôm ấp chăm lo của cha mẹ, từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học hành thì ở đâu đó trong cuộc đời này vẫn còn những số phận, những mảnh đời thật éo le, bất hạnh nhưng đầy nghị lực vươn lên, thắp lên tia hy vọng từng ngày về một cuộc sống mới.

Hai anh em mồ côi Hờ A Sánh và Hờ A Lao tự bảo nhau học tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Hai anh em mồ côi Hờ A Sánh và Hờ A Lao tự bảo nhau học tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Những mảnh đời bất hạnh

Vượt qua con đường dốc, đá lởm chởm dài chừng năm, bẩy cây số, chúng tôi theo chân hai chị em Hoàng Thị Trang và Nguyễn Thị Phương từ Trường THCS xã Việt Cường (huyện Trấn Yên) về nhà. Ngôi nhà gỗ hai gian trống tuềnh, trống toàng dường như không có vật gì giá trị hơn những tấm giấy khen của hai chị em dán trên tường.

 Trang - người chị cả (năm nay đang học lớp 9) nét mặt lúc nào cũng buồn rầu, gạt dòng nước mắt kể: “Chị em cháu cùng mẹ khác cha. Bố cháu bỏ mẹ từ khi cháu chưa chào đời, cha của em cháu thì cũng đã mất cách đây 6 năm. Mẹ chúng cháu bị ốm đau luôn lại đi làm ăn xa, một năm chỉ đoảng về nhà một hai lần cho dăm bẩy trăm nghìn rồi lại đi. Chị em cháu đã tự ở nhà với nhau được sáu, bẩy năm nay rồi”.

Cuộc sống dù còn rất nhiều khó khăn song 2 chị em Hoàng Thị Trang và Nguyễn Thị Phương vẫn đang từng ngày nỗ lực phấn đấu học tập, nuôi dưỡng ước mơ tiếp tục đến trường

Chỉ với số tiền 180 nghìn đồng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, hai chị em Trang và Phương đã cứ như vậy sống qua ngày đoạn tháng trong cảnh bữa no, bữa đói. Vốn là thôn vùng ba đặc biệt khó khăn của xã Việt Cường nên nhiều người ở thôn Đồng Phú (nơi chị em Trang và Phương sinh sống) tuy rất thương cảm cho hoàn cảnh của hai chị em, song ngoài sự động viên về mặt tinh thần, họ cũng chẳng thể giúp được gì. Để có tiền mua sách vở, bút mực và thi thoảng có đôi ba bữa thịt trong tháng, từ khi mới 9, 10 tuổi, vào những dịp nghỉ hè và những ngày nghỉ cuối tuần, Trang và Phương đã biết lên đồi hái chè thuê từ sáng tới tối để duy trì cuộc sống.

Chia tay hai chị em Trang và Phương, chúng tôi gặp ông Nguyễn Đức Lâm ở thôn Yên Thắng, xã Bảo Ái (huyện Yên Bình) - người  đang nuôi dưỡng hai cô cháu ngoại Lê Thị Huyền Trang (14 tuổi) và Lê Nguyễn Diệu Linh (10 tuổi), ông bùi ngùi chia sẻ: “Đứa trẻ nào cũng cần có cha, có mẹ. Vậy mà bố mẹ chúng đã bỏ chúng mà đi thật sớm. Mẹ thì bị trầm cảm sau khi sinh đứa thứ 2 được vài tháng nên đã tự vẫn, còn bố thì dính vào tệ nạn xã hội sau khi vợ mất nên vài năm sau đó cũng đã qua đời. Là người thân duy nhất còn lại của bọn trẻ, vợ chồng tôi cuộc sống dù còn rất nhiều khó khăn, vất vả, song sẽ cố gắng chăm lo, nuôi dưỡng để hai cháu khôn lớn trưởng thành”.

Không phụ lòng yêu thương, chăm sóc của ông bà, hai chị em Trang và Linh từ nhỏ đã luôn chăm ngoan, học giỏi, có hiếu với ông bà. Ngoài những giờ lên lớp, mỗi khi ở nhà, hai chị em lại phụ giúp ông bà làm mọi việc nhà từ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ đến cho lợn, gà ăn…

Cũng như hai cặp chị em Trang - Phương và Trang – Linh, ba anh em trai Hờ A Vàng, Hờ A Sánh và Hờ A Lao, người dân tộc Mông ở thôn Tà Chơ, xã Làng Nhì (huyện Trạm Tấu) hiện đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã phải nếm trải những đau thương, mất mát khi cả cha lẫn mẹ đều qua đời cùng lúc trong một tai nạn xe khách.

Hờ A Lao - cậu em út tâm sự: “Bố mẹ cháu mất đã 11 năm, khi đó cháu mới lên 3 tuổi. Đến nay, anh em cháu cũng đã ở Trung tâm được 10 năm. Tuy không còn bố mẹ nhưng các cô, các bác, các mẹ ở đây đã rất quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nên chúng cháu phần nào vơi đi những thiếu hụt trong cuộc sống”.

Hội Khuyến học tỉnh trao xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi.

Nuôi dưỡng ước mơ

Vượt lên trên tất cả những nỗi đau, những khó khăn, thiếu thốn, tất cả các em: Hoàng Thị Trang, Nguyễn Thị Phương, Lê Nguyễn Diệu Linh, Lê Thị Huyền Trang, Hờ A Vàng, Hờ A Sánh, Hờ A Lao lúc nào cũng nỗ lực phấn đấu học tập thật tốt, nuôi dưỡng ước mơ được tới trường, thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp để sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội. Minh chứng cho những nỗ lực, cố gắng của các em chính là bảng thành tích học tập mà các em đã đạt được trong những năm học qua.

Hai chị em Hoàng Thị Trang và Nguyễn Thị Phương tuy nhiều ngày phải mang bụng đói cuốc bộ vài cây số đến trường, không có người bảo ban, kèm cặp việc học ở nhà nhưng các em vẫn luôn là những học sinh giỏi và học sinh tiên tiến xuất sắc nhiều năm liền. Lê Nguyễn Diệu Linh và Lê Thị Huyền Trang cũng vậy. Năm học này, Linh đang học lớp 4, em cũng đã có 3 năm liên tục đạt học sinh giỏi toàn diện, còn Huyền Trang thì có 4 năm học sinh tiên tiến và 3 năm học sinh giỏi.

Cô giáo Tạ Thu Hằng - giáo viên dạy môn Văn, Trường THCS xã Bảo Ái nhận xét: “Trang là một cô bé có hoàn cảnh bất hạnh hơn các em học sinh khác nhưng lại là một cô học trò giàu nghị lực. Huyền Trang không những học giỏi môn Văn và các môn học khác mà còn là một lớp phó học tập gương mẫu, nhiệt tình, năng nổ trong mọi hoạt động của trường, của lớp”.

Đối với ba anh em Vàng, Sánh, Lao thì các em không chỉ là những đứa trẻ chăm ngoan, biết tự lập sớm trong cuộc sống mà còn là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học. Đã nhiều năm liền cả ba anh em đều là những học sinh giỏi. Hiện tại, Hờ A Vàng, Hờ A Sánh đang là học sinh lớp chọn của Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái), còn Hờ A Lao học lớp 9, Trường THCS Yên Thịnh đang là thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi môn Sinh của nhà trường. Chia sẻ về những dự định tương lai sau này của mình, cả ba em đều khiêm tốn không nói gì nhiều, các em chỉ mong ước sẽ tiếp tục được học cao hơn nữa để có thêm nhiều kiến thức về góp sức xây dựng quê hương, làng bản nơi vùng cao Trạm Tấu còn nhiều gian khó.

Thắp sáng niềm tin

Vẫn còn đó biết bao những ước mơ, hoài bão đang từng ngày được nhen nhóm, hun đúc trong tâm hồn của những đứa trẻ mồ côi hiếu học. Không chỉ có Trang, Phương, Vàng, Sánh hay Lao…mà còn hàng trăm, hàng nghìn đứa trẻ trên đất nước Việt Nam này đang rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của toàn thể cộng đồng, xã hội.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 3.435 trẻ mồ côi, trong đó có 2.351 trẻ con hộ nghèo, 430 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 3.005 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ.

Để giúp đỡ các em có thêm điều kiện tới trường và vơi bớt đi những khó khăn trong cuộc sống, thời gian qua, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiêp, nhà hảo tâm, nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh cũng đã ưu tiên dành những sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt tới các em. Hiện tại, có 1.953 trẻ mồ côi đang được hưởng 3/6 hình thức chăm sóc, 1.173 trẻ được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, 2.743 trẻ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí, 2.111 trẻ được miễn giảm học phí, 1.829 trẻ được thăm hỏi, tặng quà…

 Trong năm 2012, cơ quan thường trực Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh cũng đã tích cực kêu gọi, vận động xây dựng Quỹ, dự ước đạt trên 1,6 tỷ đồng. Số tiền này cùng sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (900 triệu đồng) đã được triển khai thành nhiều hoạt động hướng tới trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: trao học bổng, trao sổ tiết kiệm, tặng sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, xe đạp, quạt điện, chăn ấm… giúp các em có thêm niềm tin, nghị lực để thắp sáng ước mơ và vươn lên trong cuộc sống.

Hồng Oanh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục