Bõ công trồng cấy

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/12/2012 | 1:36:50 PM

YBĐT - Vốn là những con người cần cù lao động nên mùa nào việc nấy họ làm chẳng ngơi tay, bõ công trồng cấy, đổi lại bà con đã có cuộc sống no đủ, bộ mặt nông dân, nông nghiệp, nông thôn ở Trấn Yên đã có nhiều khởi sắc.

Chăm sóc măng Bát độ tại xã Kiên Thành.
Chăm sóc măng Bát độ tại xã Kiên Thành.

“Năm nay bà con mình sẽ đón tết vui tươi!” - cả Bí thư Huyện uỷ Triệu Tiến Thịnh và Chủ tịch UBND huyện Đinh Đăng Luận đã nói với chúng tôi như vậy, rồi chi biết thêm: Năm 2012 nông dân Trấn Yên thắng lợi toàn diện trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Huyện đánh giá rất cao kết quả này vì đã góp phần làm ổn định cuộc sống của hàng nghìn hộ dân trong huyện. Đại bộ phận người dân có việc làm, no cái bụng, cuộc sống khấm khá lên là cơ sở quan trọng để triển khai nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, là những bước đi quan trọng trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Lĩnh vực trồng trọt có sự “góp sức” của thời tiết, khí hậu, năm nay không ngập úng, bão lũ, không rét đậm, rét hại kéo dài hay hạn hán liên miên như những năm trước; cây cắm xuống chăm sóc vào là lên xanh tốt, ít dịch bệnh.

Theo thống kê diện tích lúa cả năm đạt 5.225ha, năng suất bình quân 50,4 tạ/ha, sản lượng thóc đạt 26.336 tấn. Những người quan tâm đến lĩnh vực sản xuất lúa gạo ở Trấn Yên đều biết rằng tổng sản lượng thóc năm 2012 của huyện thấp hơn năm trước nhưng giá trị đã tăng lên đáng kể bởi toàn huyện đã tăng diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao lên 1.763ha, bằng 117% kế hoạch, sản lượng thóc đạt 8.366 tấn, năng suất bình quân 47,9 tạ/ha.

Nếu vào mùa gặt mà hỏi lão nông ở Báo Đáp, Việt Thành hay Đào Thịnh rằng: Sao lúa nhà mình bông nhỏ và ít hạt hơn ruộng lúa ở nhiều vùng quê khác? thì câu trả lời chắc hẳn sẽ là: “Lúa thơm nó vậy! Vác bao thóc nhỏ hơn cho nhẹ mà tiền thu về hơn hẳn bao thóc to dùng các giống lai”.

Thế mới thấy chủ trương xây dựng vùng lúa hàng hoá chất lượng cao ở Trấn Yên đã thực sự thành công, bà con mình đã biết gắn việc trồng cấy với thị trường tiêu thụ, đời sống bây giờ đã không còn nghĩ đến ăn no như trước mà chuyển dần tới ăn ngon.

Sau cây lúa là những cây trồng lấy bột khác mà nông dân Trấn Yên cũng tận dụng đất bãi, nương đồi và nhất là giữa hai vụ lúa để tập trung sản xuất như: ngô, khoai, sắn, đao riềng và các loại rau màu khác, trong đó cây khoai lang diện tích 272ha, năng suất 51,6 tạ/ha, sản lượng trên 1.400 tấn; khoai tây vụ đông diện tích khiêm tốn hơn, toàn huyện gieo trồng 23ha, năng suất 149 tạ/ha, sản lượng 343 tấn.

Cây sắn được duy trì diện tích 1.211ha, trong đó khá nhiều diện tích được trồng xen trong diện tích cây lâm nghiệp từ 1 đến 2 năm tuổi; qua đánh giá năng suất sắn đạt 158,9 tạ/ha, sản lượng trên 19.000 tấn củ.

Trại chăn nuôi lợn giống chất lượng cao của Công ty CP tại xã Nga Quán với 600 lợn nái, mỗi tháng xuất bán trên 1000 lợn giống.

Hiện nay bà con nông dân đang tích cực thu hoạch sắn, được biết dù năm nay giá sắn cao, nhiều nhà thu được một vài chục triệu đồng nhưng rất ít hộ dân trồng chuyên canh ba đến bốn vụ sắn trên một diện tích để tránh bạc màu, hại đất, cũng như không trồng quá hai vụ sắn trên đất đã trồng cây lâm nghiệp.

Là địa phương đã có nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nên cây rau màu luôn có một vị thế quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp ở Trấn Yên. Khoảng trên dưới 1.000ha đất chuyên canh hoặc tranh thủ chuyển mùa, gối vụ ở các xã Nga Quán, Y Can, Minh Quân, Việt Thành, Đào Thịnh… những cánh đồng màu mỡ nhờ sự bồi đắp của phù sa sông Hồng đã được nông dân gieo trồng đủ các loại rau màu để cung cấp cho thị trường và cải thiện bữa ăn.

Hàng vạn tấn rau xanh được sản xuất mỗi năm là nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân. Không hề quá khi nói rằng rau Trấn Yên nhiều, ngon và an toàn đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị phần Trấn Yên và một phần đáng kể thành phố Yên Bái.

Sẽ là khiếm khuyết khi nói tới nông nghiệp Trấn Yên mà không nhắc tới chè Bát tiên, măng Bát độ và cây dâu tằm, đó là những sản phẩm đang làm lên thương hiệu Trấn Yên.

Với diện tích 2.200ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt 15.550 tấn, cây chè vẫn là cây trồng chủ lực ở Trấn Yên nhưng câu chuyện chè ở đây lại là chè Bát tiên hương vị đậm đà, giá bán loại ngon nhất lên đến 300.000 đồng/kg mà không phải lúc nào cũng sẵn để mua được.

Hơn 400ha chè chất lượng cao ở các xã Nga Quán, Cường Thịnh, Đào Thịnh, Bảo Hưng… cho sản lượng chè khô khoảng trên 300 tấn đã giúp nhiều hộ thu được năm bảy chục triệu đồng tiền bán chè mà lao động chẳng đến mức vất vả.

Bên cạnh đó là cây măng Bát độ với diện tích lớn ở Kiên Thành, Quy Mông, Hồng Ca… cây dâu tằm ở Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh… sau những mùa vụ thắng lợi nông dân đang tiếp tục mở rộng diện tích, nâng cao năng suất và sản lượng.

Sau rất nhiều biến động bởi dịch bệnh, giá thức ăn, thị trường và giá bán, nghề chăn nuôi ở Trấn Yên đang phục hồi nhanh chóng, toàn huyện có 122 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, có những cơ sở như Công ty CP ở xã Nga Quán nuôi tới 600 đầu lợn nái, mỗi tháng xuất bán từ 1.200 đến 1.500 lợn con, nhiều hộ nuôi vài trăm đầu lợn thịt.

Hiện nay đàn lợn của Trấn Yên là 51.499 con (số liệu thống kê đầu tháng 12/2012) bằng 103% kế hoạch phấn đấu, đàn gia cầm 500 nghìn con, sản lượng thịt hơi ước khoảng 3.107 tấn.

Đây được xem là kết quả rất đáng kích lệ bởi dịch tai xanh kết thúc chưa lâu, đó cũng là cơ sở để ngành công thương khẳng định tết này sẽ không thiếu thịt! Đàn lợn tăng mạnh; đàn gà, vịt tăng khá về cuối năm nhưng đàn trâu, bò tăng không đáng kể, nguyên nhân được xác định là bãi chăn thả dần bị thu hẹp, trong khi việc chăn nuôi theo kiểu công nghiệp chưa thực sự đi vào lòng dân.

Ông Mai Văn Tuấn ở thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quán cho rằng: “Hiện có những con trâu to bán được 40 triệu đồng. Giá trị lớn như thế chắc chắn đàn trâu ở Minh Quán và toàn huyện sẽ tăng rất nhanh trong năm tới, việc trồng cỏ cho trâu bò lại được khôi phục và phát triển”.

Một năm lao động vất vả đã qua đi, những thắng lợi toàn diện đã được thu về,  bà con nông dân các dân tộc ở Trấn Yên đang chuẩn bị đón tết Quý Tỵ trong niềm vui thành quả lao động để rồi lại bắt tay vào sản xuất. Ăn tết xong là lúa ra ruộng, cây lên rừng đón giọt mưa xuân.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục