Chiều Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ tư, 6/2/2013 | 9:37:07 AM
YBĐT - Chiều nay, Nghĩa Lộ tự dưng nắng lạ. Cái nắng hanh hao, lạc lõng giữa một chiều đông miên man và vô định.
Chiều trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)
|
Cũng là những điều lạ lùng, ấy là lúc ta bắt gặp một nơi dừng chân của những con dốc đã thấm mệt sau khi nhoài mình bắt cho kỳ được những dải mây bồng bềnh trên đỉnh Hoàng Liên. Núi thì xa, mây thì cao. Thôi thì, cứ nghỉ ngơi cho đã. Có lẽ vì thế nên nơi này mới có cái địa hình diệu kỳ đến vậy, y chang một cái chảo lớn giữa đất trời.
Ở đó, miệng chảo là những dãy núi xa xa, thấp thoáng bao bọc xung quanh, lởn vởn từng đám mây trắng mờ ảo, bí hiểm; lòng chảo là cánh đồng Mường Lò xanh biêng biếc, sinh động đến lạ thường. Và Nghĩa Lộ là nơi trung tâm của lòng chảo, chứa chất trong nó bao nhiêu là men say.
Như ai đó đã ví những chiều thu Nghĩa Lộ - những chiều mùa thu “nắng vàng như mật”, và chiều nay – một chiều mùa đông, cái nắng đất trời miền Tây vẫn vàng ươm, ngọt lịm. Đó là chút mật còn sót lại, vương vấn nơi đáy lòng chảo Mường Lò. Vì lẽ đó mà đất trời Nghĩa Lộ trở nên vô cùng quyến rũ.
Những ai qua lại Nghĩa Lộ nhiều mới thấy được sự khác biệt. Bên kia đèo Ách dẫu có mưa rây mưa rớt thì sang đến bên này vẫn tạnh ráo như thường. Nhất là từ Thái Lão, trên đỉnh dốc nhìn xuống, con đường thẳng như kẻ chỉ chia cắt cánh đồng mới thấy hết sức ấm của cái lòng chảo khổng lồ hội tụ nắng trời. Người ta bảo những điều kỳ diệu ấy là do tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất và con người Nghĩa Lộ để trả ơn con người đã tưới mồ hôi vào đất. Là bởi vì người Nghĩa Lộ biết nâng niu, chăm bẵm cho từng tấc đất quý giá của cha ông.
Giờ là lúc tan tầm, thị xã nhỏ bé bất chợt hết suy tư và trở nên náo nhiệt lạ thường. Một đoạn đường Điện Biên nườm nượp người và xe cộ. Người từ các công sở, học sinh từ các trường học và các bà, các cô từ các bản xung quanh tất tưởi chợ chiều. Cũng là thị xã nhưng chiều Nghĩa Lộ không nồng nặc mùi vị của những cuộc mưu sinh mà ngan ngát mùi hương của cánh đồng Mường Lò, của mùa ngô nếp. Hương ngô theo chân các bà, các chị người Thái len lỏi khắp chợ, vào tận trong các ngõ ngách nhưng náo nhiệt nhất vẫn là “chợ ngô” dốc Đỏ.
Chợ nằm dọc bên hông dốc Đỏ, hai bên là cánh đồng Mường Lò xanh hút tầm mắt. Những bắp ngô còn nguyên lớp áo xanh tươi rói theo chân người mời gọi khách gần xa. Những bếp ngô luộc bốc khói nghi ngút, những bếp ngô nướng đỏ rực than. Thực khách ngồi thong thả hít hà hơi ấm tỏa ra từ những chiếc bếp đơn sơ và đón nhận chút gió lành lạnh của chiều đông phả về từ bốn phía.
Những “chủ hàng” giản dị và thuần hậu bởi đa phần họ là những người phụ nữ chân lấm tay bùn, cùng những bắp ngô ngọt ngon bước ra từ ruộng đồng sau mấy tháng trời làm bạn cùng nắng mưa và gió máy.
Ngô nếp Nghĩa Lộ - một thứ ăn chơi “siêu” bình dân và rẻ đến khó tưởng. Nhiều khi tôi nghĩ với cái giá tiền ấy có bõ bèn gì so với cái công dãi nắng dầm mưa khi trồng cấy, chăm nom, có bõ bèn gì so với cái công ngồi cả ngày trời hứng bụi đường? Nhưng nơi chợ ngô lúc nào cũng nườm nượp người và rộn rã tiếng cười nói. Những cuộc bán mua giản đơn, không ì èo, nhũng nhẵng, cũng chẳng có cái chanh chua đanh đá thường thấy của chợ búa. Hẳn ai đã từng dừng chân bên những hàng ngô nơi dốc Đỏ chắc chắn sẽ nhớ mãi những ấn tượng này.
Chiều Nghĩa Lộ. Nắng đã nhạt dần trên những tán ban. Những lá ban bắt đầu ngả vàng. Những cành ban nghiêng mình đón gió, lay lay trong ánh chiều nhập nhọa. Gió Mường Lò vi vút, loay hoay mãi cũng không ra nổi cái lòng chảo khổng lồ. Tưởng như trong cái hoàn cảnh ấy, gió sẽ nổi đóa lên, mà giận dữ, mà vần vũ. Nhưng không. Gió vẫn hiền lành và ngoan ngoãn. Có vội vàng mấy cũng chỉ làm rớt những chiếc lá vàng đang đón chờ ngày chuyển kiếp. Thì thôi. Đó là phận lá.
Chiều Nghĩa Lộ. Đứng dưới chân Khu di tích Căng – Đồn nhìn lên những bậc đá nhấp nhô dẫn ta tới chân tượng đài Chiến thắng. Cái khí thế của những chiến công năm xưa tạc vào lòng đá, hiển hiện dưới ánh chiều vàng. Đứng dưới chân tượng đài mà nghe đâu đó những lời ca bất hủ của một lớp trai tráng ầm ầm khí thế "cùng nhau đi hồng binh", văng vẳng trong những câu hát của chiến sỹ - nhạc sỹ Đinh Nhu.
Tiếng hát hòa lẫn trong tiếng gió len lỏi khắp đồi thông, lao xao trời chiều Pú Chạng. Những chiếc lá cuối cùng của mấy gốc hoa đại lay lắt chực rơi, phủ lên những nấm mồ xanh cỏ. Đấy là những chiếc lá cuối cùng vĩnh biệt không gian để về với đất mẹ. Và cũng từ nơi mà những chiếc lá ấy ra đi sẽ nảy lên những chồi mới, xanh non và mạnh mẽ.
Chiều Nghĩa Lộ. Những con đường mang nhà cửa, cây cối, những con người nhỏ bé, tất bật và cả ánh sáng của đèn điện, xe cộ chạy vào màn đen mờ ảo. Mấy bác xe ngựa đã xong cuốc xe cuối cùng líu ríu rủ nhau ra về. Lẫn trong trời chiều, tiếng vó ngựa đổ dồn, giục giã. Chút hương cuối ngày của Mường Lò quẩn vào những vòng xe hối hả theo người đi vào các ngõ.
Kỳ Phương
Các tin khác
YBĐT - Xuân đến, bắt đầu từ những đợt mưa bụi nhẹ nhàng như sương giăng. Muôn loài cây cối như chỉ chờ có vậy là bừng lên một sắc xanh rờn.
YBĐT - ... Có một lần, ngẫu nhiên, tôi được đọc bài thơ Nhật ký Mèo Vạc của Ngọc Bái in trên Tuần báo Văn nghệ. Tôi mê ngay và nhớ Ngọc Bái, thích Ngọc Bái, có lẽ vì bài thơ văn xuôi hợp gu với tôi. -
YBĐT - Sinh ra ở vùng đất trung du, tôi yêu hoa đào, hoa mai ngay từ khi mới lớn. Nhưng còn hoa ban, tôi mới được biết từ khi đặt chân lên đất rừng Tây Bắc.
YBĐT - Bệnh dại không còn là chủ đề “nóng” tại Yên Bái nhưng mức độ lan truyền và tính chất nguy hiểm thì lại đáng báo động.