Yên Bái: Chăn nuôi bò dậm chân… đi xuống!

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/2/2013 | 11:05:56 AM

YBĐT - Những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển đàn bò, đã có lúc, đàn bò của tỉnh Yên Bái đạt 38.770 con vào năm 2007. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tốc độ phát triển của đàn bò luôn ở mức dậm chân… đi xuống. Chỉ trong vòng 5 năm, đàn bò của tỉnh đã giảm hơn 50%, đến nay chỉ còn 19.017 con.

Thiếu bãi chăn thả là một nguyên nhân dẫn đến đàn bò giảm.
Thiếu bãi chăn thả là một nguyên nhân dẫn đến đàn bò giảm.

Vì sao đàn bò giảm mạnh?

Sáng sớm, trời lất phất mưa phùn, ông Phạm Đình Ninh (thôn 3, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình) đã đưa 8 con bò thả trên đồi. Không có cỏ trồng do thiếu đất, nên các chú bò đã quen với việc vừa đi vừa thủng thẳng gặm những vạt cỏ cằn cỗi ven quốc lộ, ven đồi từ sáng sớm cho đến tận chiều muộn. Những con bò lai Sind ở thời điểm này quả là những chú “lục lạc vàng”, đáng giá cả một gia tài với nhiều nông dân. Ông cho biết: “Bây giờ một con bò cái cũng 20 triệu, con bê cũng 10 triệu đồng. Bò sinh sản nhanh mỗi năm một lứa”.

Chỉ một thời gian ngắn nữa là 3 con bò cái sẽ cho ra đời 3 chú bê con, người nông dân này lại có thêm 30 triệu đồng. Ấy thế mà gia đình ông Ninh là một hộ hiếm hoi còn nuôi nhiều bò ở trong thôn. Trước kia, thôn 3 có tất cả 134 con bò nay chỉ còn có 27 con. Cái nền chuồng bò của gia đình ông Phạm Văn Bách từ lâu đã được thay bằng chuồng lợn.

Nhắc lại chuyện cũ, trên khuôn mặt của người nông dân này vẫn còn đầy vẻ tiếc nuối: “Có lúc nhà tôi cũng nuôi đến gần chục con bò nhưng không có người chăn thả, nên bán dần đi. Mà 3 năm trước giá bò sao mà rẻ đến thế, 4 con bò tôi bán được có hơn 10 triệu đồng”.

Hẳn có hàng trăm hộ gia đình không còn mặn mà với chăn nuôi bò như nhà ông Bách nên số lượng đầu đàn mới giảm mạnh. Điều đó được thể hiện qua con số thống kê qua từng năm: liên tục từ năm 2008, đàn bò chỉ phát triển... theo chiều đi xuống, năm 2008 đạt 36.460 con, năm 2009 đạt 34.313 con, năm 2010 đạt 30.188 con, năm 2011 đạt 20.463 con và năm 2012 là 19.017 con.

Hiện nay toàn tỉnh có 19.017 con bò.

Lý giải nguyên nhân, ông Trần Đức Lâm – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đàn bò giảm mạnh. Do giá trâu cao hơn lại làm sức kéo nên nhiều nông dân thích nuôi trâu hơn. Hơn nữa, thiếu bãi chăn thả và dịch bệnh trên đàn gia súc như lở mồm long móng, tụ huyết trùng… nên đàn bò không đạt mục tiêu đề ra”.

Đã chăn nuôi phải có hiệu quả, mấy năm trước, một con bò giá chỉ vài triệu đồng, hiệu quả kinh tế kém, người nuôi bò chán nản, nhiều hộ bán bò, dỡ chuồng chuyển sang hình thức chăn nuôi khác. Nguồn thức ăn cũng là yếu tố quan trọng. Bò cần có cỏ để ăn, trong khi nguồn thức ăn ngày càng khan hiếm. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.857ha diện tích đất cỏ, trong đó có 1.697ha bãi chăn thả tự nhiên và 1.160ha cỏ trồng.

Bãi chăn thả tự nhiên bị khai thác đến kiệt quệ, năng suất ngày một thấp, chất lượng ngày một kém, diện tích ngày một thu hẹp do thiếu quy hoạch, do quá trình đô thị hóa, giao đất, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Diện tích chuyên trồng cỏ chỉ có 210ha chủ yếu là cỏ voi, cỏ Ghi nê… với 88% là đất tận dụng diện tích bờ bãi và các bãi đất trống trong năm do đó năng suất và chất lượng không ổn định.

Mỗi hộ nông dân có vài sào ruộng, trồng lúa, trồng ngô còn không đủ nên hiếm hộ nào đầu tư trồng cỏ, tất cả đều trông đợi vào tự nhiên. Vì vậy, sản lượng khai thác từ đồng cỏ và cỏ trồng chỉ đạt 600.000 tấn tương đương 86 triệu đơn vị thức ăn. Với quy mô đàn gia súc: trâu, bò, dê hiện nay, sản lượng trên mới đáp ứng được gần 30% số thức ăn.

Chất lượng đàn bò của tỉnh còn thấp, chủ yếu là giống bò nội, việc luân chuyển bò đực giống chưa được quan tâm dẫn đến tình trạng thoái hóa, chăn nuôi phân tán, lại thiếu đực giống nên hệ số sinh sản thấp. Từ năm 1996 đến nay, tỉnh đã thực hiện chương trình Sind hóa đàn bò. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn thiếu bền vững, nguyên nhân chủ yếu do đàn bò lai Sind ra đời được bán đi các địa phương khác hoặc bán thịt ở độ tuổi còn non, bò cái lai Sind không được giữ lại để thay thế bò cái sinh sản địa phương. Sau gần 20 năm, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 20% bò lai Sind.

Ngoài ra, trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò chưa kiểm soát tốt trong việc lựa chọn hộ chăn nuôi cũng như chất lượng bò giống, nhiều hộ chạy theo phong trào, rất nhiều hộ tham gia chỉ để nhận sự hỗ trợ của Nhà nước. Một nguyên nhân khác cần phải kể đến là các loại dịch bệnh rồi rét đậm, rét hại đã quật ngã nhiều trâu, bò khiến nhiều hộ nuôi bò không còn gắn bó với giống vật nuôi này.

Giải pháp

Theo phân tích của các cơ quan chuyên môn, giá trâu tuy cao hơn nhưng lại có hệ số sinh sản thấp nên nuôi bò vẫn có nhiều triển vọng. Để phát triển đàn bò, góp phần vào việc tăng trưởng đàn gia súc và ngành chăn nuôi, cần triển khai trên diện rộng và có hiệu quả chương trình cải tiến và nâng cao chất lượng đàn bò trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới thụ tinh nhân tạo phục vụ nhân giống, sử dụng bò đực giống tốt đã qua chọn lọc cho nhân giống ở vùng chưa có điều kiện làm thụ tinh nhân tạo.

 

Nhà nước đã có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển đàn bò cho nông dân.

Hiện nay, Trung tâm Giống vật nuôi đang thực hiện Dự án “Cải tạo đàn bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo giai đoạn 2011 - 2015” tại 90 xã trong tỉnh, mỗi năm phối giống cho 1.300 - 1.500 lượt bò cái tại vùng thấp, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu bò cái phối giống tại khu vực này, chất lượng con giống sản xuất ra nâng lên rõ rệt, khả năng tăng trọng nhanh, trọng lượng trưởng thành tăng 45-50% so với giống bò nội, tỷ lệ thịt xẻ cao hơn 20% so với giống nội.

Ngoài ra, hiện tại Trung tâm Giống vật nuôi cũng đang tiến hành phối tinh bò Brahman với bò cái lai Sind để tạo ra con lai hướng thịt có năng suất và chất lượng cao. Đây là tín hiệu tốt để nâng cao chất lượng và thể trạng đàn bò.

Thức ăn cũng là vấn đề cốt yếu cần giải quyết. Chăn nuôi lớn không thể nào đi lên từ những vạt cỏ cằn cỗi ven đường quốc lộ, bờ ruộng, chân đồi. Vì vậy, cần quy hoạch đồng cỏ và trồng cỏ, bố trí qũy đất hợp lý để phát triển trồng cỏ, vận động nhân dân phát triển trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc, đưa vào trồng đại trà các giống cỏ năng suất cao thích hợp với điều kiện tự nhiên. Nhà nông cần xem trồng cỏ như nghề và cỏ là hàng hóa.

Ngoài ra các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thú y, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi. “Với giá cả như hiện nay, nhiều người muốn nuôi nhưng không có vốn, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ người dân được vay vốn ưu đãi để phát triển đàn bò”- những người nuôi bò như ông Ninh vẫn còn không ít trăn trở.

 Hồng Khanh

Các tin khác
Chiều trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Chiều nay, Nghĩa Lộ tự dưng nắng lạ. Cái nắng hanh hao, lạc lõng giữa một chiều đông miên man và vô định.

Xuân nơi cổng trời khau Phạ.
(Ảnh: Bùi Huy Mai)

YBĐT - Xuân đến, bắt đầu từ những đợt mưa bụi nhẹ nhàng như sương giăng. Muôn loài cây cối như chỉ chờ có vậy là bừng lên một sắc xanh rờn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng nhà thơ Ngọc Bái (trái) nhận giải thưởng Nhà nước về văn học năm 2012.

YBĐT - ... Có một lần, ngẫu nhiên, tôi được đọc bài thơ Nhật ký Mèo Vạc của Ngọc Bái in trên Tuần báo Văn nghệ. Tôi mê ngay và nhớ Ngọc Bái, thích Ngọc Bái, có lẽ vì bài thơ văn xuôi hợp gu với tôi. -

YBĐT - Sinh ra ở vùng đất trung du, tôi yêu hoa đào, hoa mai ngay từ khi mới lớn. Nhưng còn hoa ban, tôi mới được biết từ khi đặt chân lên đất rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục