Cơ hội mới cho vùng sắn Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/2/2013 | 2:57:46 PM

YBĐT - Là huyện giàu tiềm năng đất đai phát triển cây sắn nên Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái được quy hoạch vùng nguyên liệu sắn rộng tới 3.500ha ở 8 xã phía bắc. Vùng nguyên liệu này bảo đảm sản lượng khoảng 70.000 tấn sắn/năm và đủ cho hai nhà máy chế biến của Công ty với công suất 20.000 tấn tinh bột.

Lãnh đạo Sở Công thương và huyện Văn Yên chứng kiến mẻ bã sắn đầu tiên được sấy khô từ dây chuyền mới lắp đặt.
Lãnh đạo Sở Công thương và huyện Văn Yên chứng kiến mẻ bã sắn đầu tiên được sấy khô từ dây chuyền mới lắp đặt.

Tinh bột sắn được tiêu thụ tốt và với sản lượng sắn như vậy, mỗi năm, Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên tiêu thụ cho nông dân nơi đây hơn trăm tỷ đồng thu mua nguyên liệu.

Vùng nguyên liệu quyết định sự tồn tại của Nhà máy

Đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng và duy trì hoạt động của hai nhà máy chế biến tinh bột sắn tại huyện Văn Yên thực sự là quyết tâm lớn của Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái. Bởi vì đầu tư lớn đồng nghĩa với việc phải bảo đảm được sản xuất, kinh doanh mang tính bền vững và hiệu quả kinh tế tương xứng với sự đầu tư về tài chính. Doanh nghiệp qua 10 năm hình thành và phát triển công nghiệp chế biến tinh bột sắn ở Văn Yên đã làm được điều đó.

Ông Trần Công Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cho biết: “Để có được kết quả này, đơn vị luôn xác định rõ quan điểm, nhà máy có tồn tại được hay không thì một trong những yếu tố quyết định hàng đầu là phải tạo sự đồng hành thực sự với nông dân bằng những yếu tố căn bản như giải quyết tốt việc làm và thu nhập cho người lao động địa phương. Qua đó, người nông dân mới yên tâm sản xuất và gắn bó với nhà máy trong cung ứng nguyên liệu”.

Từ quan điểm đó, cho dù thị trường tinh bột sắn nhiều lúc rất khó khăn do sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu nên doanh nghiệp phải đối diện với cạnh tranh gay gắt; phụ thuộc vào nhu cầu và sức mua của khách hàng nhưng chưa khi nào nhà máy ngừng mua nguyên liệu cho người nông dân hoặc ép cấp, ép giá nguyên liệu. Và không chỉ mua cho dân ở 8 xã vùng mà khi vùng này có biến động, nhà máy sẵn sàng mua nguyên liệu bất kỳ ở xã nào trong huyện, thậm chí của các xã lân cận thuộc huyện Trấn Yên, Yên Bình nếu mang đến.

Đặc biệt, khi xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu với các nhà máy chế biến ở nơi khác hoặc tư thương thu mua để chế biến sắn khô, nhà máy vẫn thu mua sắn với giá có lợi nhất cho người nông dân. Những lúc cao điểm, mỗi ngày mua từ 600 - 700 tấn sắn tươi, tương đương khoảng 1 tỷ đồng trở lên nhưng chưa khi nào nhà máy phải nợ tiền của dân.

Bên cạnh đó, nhà máy thực hiện tốt việc đóng góp tài chính theo quy định trong Đề án canh tác sắn bền vững của huyện Văn Yên để triển khai công tác khuyến nông ở vùng nguyên liệu. Nhiều giống sắn có năng suất cao, hàm lượng tinh bột nhiều được trồng ở những tỉnh khác cũng được Công ty mang về phối hợp trồng thử nghiệm để có thể áp dụng trên đồng đất Văn Yên.

Mặt khác, việc đầu tư hơn chục tỷ đồng xây dựng công trình xử lý chất thải bằng phương pháp kiềm hóa làm giảm tới 80% mùi hôi từ chất thải chế biến cũng là minh chứng sống động của mối quan tâm bảo vệ môi trường cũng như đời sống người dân địa phương.

Với sự quan tâm như vậy từ phía doanh nghiệp, những nông dân như ông Hà Văn Thể ở xã Đông Cuông, ông Triệu Văn Thành ở xã Quang Minh cùng bao người dân khác bán sắn cho nhà máy đều bày tỏ niềm tin tưởng ở hiệu quả kinh tế của cây sắn. Gia đình ông bà Hợi Thảo ở thị trấn Mậu A đã nắm bắt cơ hội có thể làm giàu từ cây sắn nên đã bỏ vốn lớn đầu tư xây dựng hợp tác xã sản xuất và thu mua nguyên liệu cung cấp cho nhà máy.

Lãnh đạo huyện Văn Yên đánh giá Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái thực sự có nhiều đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Văn Yên và là một điển hình trong số các đơn vị đầu tư trên địa bàn đã tạo được sự đồng hành chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân.

 

Bể tạo khí gas ở Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên.

Tích cực tìm kiếm cơ hội phát triển

Mục tiêu của Công ty còn cao hơn với mong muốn đưa cây sắn ở vùng này vượt lên ý nghĩa của loại cây xóa đói giảm nghèo để có thể làm giàu. Vì thế, doanh nghiệp không chỉ vì những lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến đầu tư chiều sâu. Trong mấy năm gần đây, Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên đã đầu tư trên chục tỷ đồng xây dựng công trình hồ xử lý nước thải theo phương pháp kiềm hóa nhằm cải thiện môi trường, giảm mùi hôi trong mùa chế biến và tránh gây ô nhiễm nguồn nước sông Hồng.

Ông Trần Công Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái đánh giá: “Những lợi ích kinh tế từ mạnh dạn đột phá đầu tư khoa học kỹ thuật vào công nghiệp chế biến sắn ở Văn Yên hiện rất khả quan. Nếu đạt được kết quả như mong muốn thì chắc chắn, đơn vị sẽ có thêm nhiều điều kiện đầu tư cho tái sản xuất, đặc biệt là tái đầu tư cho vùng nguyên liệu. Theo đó, giá cả thu mua nguyên liệu cho nông dân sẽ nâng cao do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được tăng cường. Đồng thời, đây cũng thực sự là một cơ hội mới nhằm cải thiện đời sống cho hàng vạn nông dân trồng sắn ở Văn Yên”.
Tuy nhiên, ngay sau khi công trình đi vào hoạt động, Công ty đã tiếp cận công nghệ thu gom nước thải từ chế biến sắn để tạo thành khí gas phục vụ ngay cho nhu cầu sản xuất của nhà máy. Đơn vị đã quyết định đầu tư thêm 7 tỷ đồng để nâng cấp bể xử lý nước thải theo phương pháp kiềm hóa ở Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên thành bể Xi-ga lấy khí gas.

Tại hai nhà máy chế biến sắn ở Văn Yên hiện có hai bể Xi-gas chứa hàng nghìn mét khối nước thải để tạo ra khí gas. Ông Nguyễn Quốc Chinh - Phó giám đốc Công ty kiêm Giám đốc Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên cho biết: “Với việc đầu tư khoảng 20 tỷ đồng cho cả hai quy trình xử lý nước thải tạo thành khí gas, mỗi năm, Nhà máy đã tiết kiệm được khoảng 5 tỷ đồng mua củi đốt lò hơi chế biến tinh bột. Đặc biệt, ưu điểm lớn nhất của việc thu hồi chất thải để tạo khí gas đã làm giảm gần như tuyệt đối mùi hôi trong quá trình chế biến”.

Tiếp theo việc hoàn thiện đầu tư xử lý chất thải, Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên là cơ sở đầu tiên trong cả nước đầu tư dây chuyền sấy khô bã sắn làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc ngay sau khi hoàn thiện công đoạn tách tinh bột. Đây cũng là một quyết định vô cùng táo bạo khi có một doanh nghiệp của Trung Quốc thực hiện khảo sát tại một số nhà máy chế biến tinh bột sắn để đưa công nghệ này vào Việt Nam.

Sau nhiều đợt khảo sát trên địa bàn cả nước, doanh nghiệp Trung Quốc nhận thấy, Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên cũng như Công ty chủ quản thực sự mong muốn đưa công nghệ mới vào sản xuất nên đã nhiệt tình hợp tác xây lắp và chuyển giao công nghệ. Đầu năm 2013, dây chuyền sấy khô bã sắn đã hoạt động thử nghiệm và kết quả rất khả quan.

Nếu vận hành một dây chuyền này thì mới chỉ bảo đảm công suất sấy hết bã sắn cho một nhà máy nhưng điểm thuận lợi là sau khi kết thúc niên vụ chế biến tinh bột, toàn bộ số bã sắn còn lại của nhà máy kia sẽ được ứng dụng quy trình lên men để vừa thu hồi thêm một lượng tinh bột nữa lại vừa tiếp tục sấy khô. Như vậy, công nhân nhà máy sẽ có thêm việc làm. Đồng thời, nếu sấy khô toàn bộ 40.000 tấn bã sắn thành nguyên liệu cho chế biến thức ăn gia súc thì lợi nhuận từ chế biến sắn sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Bên cạnh những đột phá đó, lãnh đạo Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái còn hé mở thông tin, đơn vị đang tích cực xúc tiến việc tiếp cận công nghệ chế biến phân bón từ nguồn vỏ sắn và một phần bã sắn. Nếu như doanh nghiệp thành công với sản phẩm này thì không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế trong cung ứng phân bón cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mà còn góp phần quan trọng cho mục tiêu canh tác sắn bền vững ở Văn Yên.

H.N

Các tin khác
Thiếu bãi chăn thả là một nguyên nhân dẫn đến đàn bò giảm.

YBĐT - Những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển đàn bò, đã có lúc, đàn bò của tỉnh Yên Bái đạt 38.770 con vào năm 2007. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tốc độ phát triển của đàn bò luôn ở mức dậm chân… đi xuống. Chỉ trong vòng 5 năm, đàn bò của tỉnh đã giảm hơn 50%, đến nay chỉ còn 19.017 con.

Chiều trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Chiều nay, Nghĩa Lộ tự dưng nắng lạ. Cái nắng hanh hao, lạc lõng giữa một chiều đông miên man và vô định.

Xuân nơi cổng trời khau Phạ.
(Ảnh: Bùi Huy Mai)

YBĐT - Xuân đến, bắt đầu từ những đợt mưa bụi nhẹ nhàng như sương giăng. Muôn loài cây cối như chỉ chờ có vậy là bừng lên một sắc xanh rờn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng nhà thơ Ngọc Bái (trái) nhận giải thưởng Nhà nước về văn học năm 2012.

YBĐT - ... Có một lần, ngẫu nhiên, tôi được đọc bài thơ Nhật ký Mèo Vạc của Ngọc Bái in trên Tuần báo Văn nghệ. Tôi mê ngay và nhớ Ngọc Bái, thích Ngọc Bái, có lẽ vì bài thơ văn xuôi hợp gu với tôi. -

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục