Chắp cánh ước mơ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/3/2013 | 10:09:35 AM

YBĐT - Với mục tiêu đảm bảo cho học sinh, sinh viên (HSSV) không phải bỏ học vì không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, trong thời gian qua, chương trình tín dụng cho HSSV nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành điểm tựa cho hàng nghìn HSSV của tỉnh hướng tới những ước mơ học tập tốt đẹp.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn giải ngân cho các hộ nghèo có con em đang theo học.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn giải ngân cho các hộ nghèo có con em đang theo học.

Niềm tin của người nghèo

Trong căn nhà tranh cũ nát nằm giữa thôn Suối Chép, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, câu chuyện thắp sáng ước mơ từ chương trình tín dụng cho HSSV của chị Bùi Thị Đào - người mẹ đã nhiều năm tần tảo nuôi con ăn học đại học như nghẹn lại vì xúc động.

Mang trên mình căn bệnh ung thư vú, đất sản xuất ít, thu nhập chính của gia đình chị chỉ trông chờ vào chăn nuôi lợn và trồng rau trong vườn. Khó khăn chồng chất khó khăn khi con trai trúng tuyển Đại học Công nghiệp Thái Nguyên. Nghe thành tích đáng tự hào của con, chị Đào nửa mừng, nửa lo. Bởi trong sâu thẳm trong chị là nỗi lo về tài chính.

Chị Đào nhớ lại: "Nhà neo đơn, bản thân thì bệnh tật, con đi học ở Thái Nguyên, mỗi tháng cũng phải tần tảo, vay mượn để gửi cho nó 2 triệu đồng tiền ăn học. Mấy năm qua, nhờ tiền vay từ nguồn tín dụng HSSV nên con tôi mới tiếp tục được đến trường. Nếu không có chương trình này chắc nó cũng phải nghỉ học thôi. Gia đình tôi đã được vay trên 17 triệu đồng và hiện cháu đang học năm thứ 3 rồi. Tôi cảm ơn chương trình nhiều lắm".

Cũng được hưởng lợi từ chương trình tín dụng cho HSSV, gia đình anh Phạm Tiến Dũng - hộ cận nghèo ở cùng xã với chị Bùi Thị Đào nếu không có nguồn vốn từ chương trình thì hai người con (một đã tốt nghiệp Trung cấp Quân y I và một cháu đang theo học Đại học Công nghiệp Hà Nội) cũng phải gác lại chuyện sách vở.

Anh Dũng cho biết: "Nhà chỉ có 1 sào ruộng, nuôi 5 miệng ăn, để lo toan cho cuộc sống vợ chồng mình phải rất vất vả. Nhờ chương trình tín dụng mà gia đình mình đã vay được gần 38 triệu đồng để cho các con ăn học".

Cùng với niềm vui của chị Đào, anh Dũng, bà Bùi Thị Cu, hộ nghèo ở xã Thanh Lương (Văn Chấn) hiện đang nuôi cháu nội là Hà Tuấn Anh đang học ở Học viên Hành chính Quốc gia cũng không khỏi xúc động bởi chương trình đầy ý nghĩa nhân văn này.

Bà Cu bộc bạch: "Khi nghe tin cháu đỗ đại học gia đình vui lắm nhưng nghĩ mình nghèo liệu có lo được tiền ăn học cho cháu không? Lúc đó, cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Văn Chấn nói Chính phủ có chương trình cho sinh viên vay vốn học tập nên cháu mới thực hiện được mơ ước đến trường".

Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh kiểm tra chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên vay vốn trên địa bàn huyện Yên Bình.

Chia sẻ với niềm vui của những gia đình nghèo hiếu học ở huyện Văn Chấn, anh Trần Quang Sơn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho biết: "Sau 5 năm, quỹ tín dụng của huyện đã cho 1.956 hộ gia đình với 2.220 HSSV vay vốn với tổng số vốn trên 32,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã chắp cánh cho nhiều HSSV thực hiện ước mơ học hành".

Những kết quả đáng mừng

Có thể nói sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được đông đảo người dân hưởng ứng. Bởi đây là một chính sách đầu tư chiến lược cho con người đầy tính nhân văn, bình đẳng trong học tập và hướng tới công bằng xã hội.

Qua 5 năm triển khai chương trình, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, hàng chục ngàn HSSV nghèo đã thực hiện được ước mơ học tập. Đến thời điểm 30/9/2012, tổng dư nợ chương trình ở Yên Bái là 220.823 triệu đồng, số khách hàng còn vay vốn là 13.542 hộ với 16.067 HSSV. Trong đó: sinh viên đại học chiếm 30,45%, cao đẳng 36,43%, trung cấp 33%, học nghề 0,12%.

Nhờ vậy, trình độ lao động qua đào tạo của tỉnh được nâng lên, nhất là trình độ từ cao đẳng trở lên tăng từ 5% năm 2009 lên 11% năm 2011.

Anh Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Yên Bái cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã có mạng lưới giao dịch là các tổ tiết kiệm vay vốn ở các thôn, bản, các điểm giao dịch lưu động tại tất cả các xã, phường, thị trấn nhằm nắm bắt nhu cầu, hướng dẫn người vay làm hồ sơ, tiết kiệm được thời gian nên đã giải quyết kịp thời cho tất cả các đối tượng thuộc diện được vay theo quy định của Nhà nước".

Mong muốn của người dân

Có thể khẳng định, đến thời điểm, này chương trình tín dụng cho HSSV thực sự đi vào cuộc sống khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg.

Theo đó, đối tượng vay vốn được mở rộng hơn, mức cho vay được nâng lên, lãi suất cho vay của chương trình được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, phù hợp hơn với thực tế trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, đến nay, bình quân mỗi sinh viên được vay 10 triệu đồng/năm (chia 2 kỳ học) trong khi đó chi phí ăn ở học hành, đi lại cũng phải hết hơn 2 triệu đồng/tháng/sinhviên nên các hộ gia đình nghèo, cận nghèo có con đi học hàng tháng vẫn phải oằn mình để bươn trải lo thêm tiền cho con ăn học.

Chị Bùi Thị Đào, anh Phạm Tiến Dũng ở Yên Bình cũng như bà Bùi Thị Cu, anh Nguyễn Hiệp Khiêm ở Văn Chấn và rất nhiều hộ gia đình khác không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng có 2 đến 4 người con đi học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều mong muốn Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho vay và nâng mức cho vay cao hơn hiện tại.

Đồng thời, trong thời gian tới, Chính phủ nên có chính sách gia hạn cho những sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm, chưa có khả năng trả nợ trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn để các em được thực hiện ước mơ học tập của mình.

Có như vậy, những người mẹ tần tảo như chị Đào, người bố chịu khó anh Dũng, bà nội thương cháu như bà Cu sẽ bớt đi nỗi lo âu, phiền muộn về "cơm áo, gạo tiền" của con em mình và tiếp thêm sức mạnh cho nhiều gia đình nghèo nuôi 1 - 2  con đi học đại học, cao đẳng cùng lúc.

Văn Tuấn

Em Hà Tuấn Anh, sinh viên năm thứ nhất Học viện Hành chính Quốc gia:

"Để thi đỗ vào đại học, trong suốt 12 năm học phổ thông em đã cố gắng rất nhiều. Bà nội và gia đình phấn khởi, vui mừng khi nghe em đỗ đại học nhưng sau đó là một câu chuyện tài chính được gia đình bàn bạc nhiều lần: "Học hay không học" bởi gia đình em nghèo quá. Cùng lúc đó, gia đình biết có chính sách tín dụng cho HSSV nên em mới được đến trường. Em hứa sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng bà nội, gia đình và sớm ra trường đi làm kiếm tìm trả nợ cho ngân hàng".

Em Phạm Thị Phượng -  tốt nghiệp Trung cấp Quân y I (xã Thịnh Hưng, Yên Bình):

"Trước hết, cho em cảm ơn tới chương trình này, bởi không có chương trình tín dụng cho HSSV chắc chắn em phải nghỉ học. Tuy mới ra trường, chưa tìm được việc làm, nhưng em cũng thấy hạnh phúc khi được học hành đầy đủ. Hiện em đang cố gắng tìm việc làm để hàng tháng trả tiền vay từ ngân hàng và cũng mong muốn, Chính phủ nên tiếp tục gia hạn thêm cho những sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm".

Các tin khác
Phơi miến. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Nghề miến làm được quanh năm nhưng những tháng cuối năm cho đến đận giêng, hai mới là mùa làm ăn của nghề này vì đây là mùa cưới hỏi, tết và lễ hội. Vậy nên, ai qua vùng miến Phúc Lộc, Giới Phiên ở thành phố Yên Bái mùa này đâu đâu cũng trắng những sàn phơi miến.

Lãnh đạo Sở Công thương và huyện Văn Yên chứng kiến mẻ bã sắn đầu tiên được sấy khô từ dây chuyền mới lắp đặt.

YBĐT - Là huyện giàu tiềm năng đất đai phát triển cây sắn nên Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái được quy hoạch vùng nguyên liệu sắn rộng tới 3.500ha ở 8 xã phía bắc. Vùng nguyên liệu này bảo đảm sản lượng khoảng 70.000 tấn sắn/năm và đủ cho hai nhà máy chế biến của Công ty với công suất 20.000 tấn tinh bột.

Thiếu bãi chăn thả là một nguyên nhân dẫn đến đàn bò giảm.

YBĐT - Những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển đàn bò, đã có lúc, đàn bò của tỉnh Yên Bái đạt 38.770 con vào năm 2007. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tốc độ phát triển của đàn bò luôn ở mức dậm chân… đi xuống. Chỉ trong vòng 5 năm, đàn bò của tỉnh đã giảm hơn 50%, đến nay chỉ còn 19.017 con.

Chiều trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Chiều nay, Nghĩa Lộ tự dưng nắng lạ. Cái nắng hanh hao, lạc lõng giữa một chiều đông miên man và vô định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục