Nghề "trông trời"

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/3/2013 | 2:07:51 PM

YBĐT - Nghề miến làm được quanh năm nhưng những tháng cuối năm cho đến đận giêng, hai mới là mùa làm ăn của nghề này vì đây là mùa cưới hỏi, tết và lễ hội. Vậy nên, ai qua vùng miến Phúc Lộc, Giới Phiên ở thành phố Yên Bái mùa này đâu đâu cũng trắng những sàn phơi miến.

Phơi miến. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)
Phơi miến. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)

Thế nhưng, từ cuối tháng 10 Âm lịch năm ngoái đến giờ thì hầu hết bỏ trống. Người làng miến ai cũng kêu mùa miến này đói nặng bởi mưa hầu như không ngớt. Và khi được nghe bao câu chuyện về nghề miến mới biết rằng, để có được những sợi miến nuột nà, trắng trong thì nghề này cũng nhọc nhằn lắm thay!

Bà Trần Thị Loan ở xã Phúc Lộc, đã gần 60 tuổi, từ nhỏ gắn bó với nghề làm miến. Bà bảo rằng, bao nhiêu cái khổ của nghề miến đều đã trải qua. Khổ nhất là khi còn làm miến thủ công, mỗi mùa thu hoạch đao là lúc ngán ngẩm nhất. Những đống đao to chất ngất đều phải rửa bằng tay cho sạch đất mới đưa vào bàn đạp thủ công để xát lọc lấy tinh bột. Bàn chân, bàn tay luôn phải ngâm trong nước lạnh ròng rã hàng tuần nên kẽ ngón chân, ngón tay luôn bợt bạt. Làm miến thủ công luôn phải cần tới 3 người: một người ép miến, một người tuồn phên, một người đỡ phên.

Khi đã bắt tay vào làm thì mọi chuyện xung quanh như lợn gà phá phách, con quấy khóc hoặc hơn thế nữa cũng mặc kệ. Bởi lẽ, mỗi nồi quãng chục cân bột khi đã ráo chín đổ lên khuôn ép là phải làm một mạch cho xong chứ nếu dừng tay mà bột nguội là không ép nổi do bột nghẽn hoặc miến sẽ bị đứt.

Thế nên, các chị làm miến thường nói là nhà nào mà theo được nghề miến thì mọi người trong nhà phải có đức tính chịu khó, tỷ mẩn mới thức khuya dậy sớm được để làm nghề. Nhất là cánh đàn ông làm miến còn phải là những người mát tính, nhẫn nại để dẫu mệt mỏi và bị điều kiện khách quan tác động cũng không bỏ dở việc ép miến. Mọi khâu trong lúc ép miến luôn đòi hỏi phải bảo đảm sự tập trung cao nhất và phối hợp liên hoàn. Tuy vậy, các chị vẫn cứ nói vui là: "Dù có mát tính thế nào đi nữa nhưng xác định theo nghề miến thì cứ chủ động viết sẵn cái đơn ly hôn".

 

Việc ép miến bằng máy đã giảm được nhân lực cho nghề miến.

Dù chỉ là câu nói vui nhưng ngẫm ra mới thấy nghề này quả thực là vất vả. Rồi chuyện mỡ lợn  nhiều khi người chẳng có mà ăn nhưng vẫn phải chọn mua ở chợ thịt mỡ ngon nhất để có được mỡ nước tốt phết lên mặt phên miến, khi lột miến mới róc và không bị đứt.

Đấy mới chỉ ở khâu làm miến, còn khâu tiêu thụ cũng là cả một vấn đề nan giải. Từ lúc canh ba của những buổi chợ phiên, chị em làng miến đã rồng rắn đạp xe chở hàng đi cho kịp các vùng chợ quê. Gặp năm đói thì việc chở miến đi chợ rồi lại mang về là chuyện rất thường tình. Gặp lúc trời mưa to bất ngờ, miến che không kín, không kịp trú mưa, ướt thì toi công.

Ít năm trở lại đây, nhờ có máy móc mà việc xát tinh bột đao không còn vất vả. Nhiều nơi chuyên làm tinh bột đao nên chỉ cần mua về tích trữ làm dần. Uy tín, thương hiệu của miến Phúc Lộc, Giới Phiên đã vươn xa đến nhiều tỉnh, thành trong nước. Một số làng nghề miến truyền thống ở miền xuôi đã bị thu hẹp đất trồng nguyên liệu và không gian chế biến do quá trình đô thị hóa nên nghề miến ở Phúc Lộc, Giới Phiên càng có cơ hội phát triển.

Cho nên cả trăm hộ dân ở hai xã đang theo đuổi nghề này đều là những hộ đời sống khá do có khoản thu bình quân trên dưới 3 trăm ngàn đồng cho mỗi ngày làm miến. Cá biệt, có hộ như ông Tăng Kế Tôn ở Giới Phiên thu nhập bình quân của hai vợ chồng đạt tới 5 trăm ngàn đồng/ngày.

 

Người dân xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) tự trồng đao riềng để chủ động nguyên liệu sản xuất miến.

Việc ép miến giờ phần đa cũng đã dùng bằng máy nên chỉ cần hai người làm là đủ. Nhà có con nhỏ được gửi đi nhà trẻ, học mầm non nên bố mẹ cũng rảnh rang để làm nghề. Nhưng với máy móc, có được năng suất cao, giảm nhân lực cũng đồng nghĩa với việc lại bắt sự vận động của hai con người trong cùng một kíp cũng phải tất bật lên gấp bội nên cái mệt cơ bắp của người làm miến cơ bản vẫn còn nguyên.

Ngoài cái mệt về cơ bắp thì mệt hơn cả với người trong cuộc là mối lo về thời tiết. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn ở Giới Phiên nói rằng: "Dân nông thôn chú ý xem thời tiết nhất có lẽ là dân nghề miến". Ai muốn làm gì thì làm nhưng đến giờ dự báo thời tiết là giục nhau theo dõi. Họ nghe thời tiết để thấy nắng nóng thì phải dậy thật sớm mà làm cho mát và thấy báo mưa thì dừng công việc. Ấy vậy mà thời tiết lắm lúc vẫn cứ như chọc tức con người bởi có khi trông trời đang nắng chang chang, bỗng dưng mưa, nhiều khi không kịp đưa miến vào, miến bị dính nước mưa, chất lượng dù không bị ảnh hưởng nhưng những sợi miến dài khi gỡ khỏi phên sẽ bị đứt vụn, cong queo nên giá bán chỉ bằng hơn nửa miến sợi dài. Lại có lúc trời sầm sập như sắp mưa rào nên ai nấy vội vàng thu vào nhà cả trăm phên miến.

Oái oăm thay vừa thu xong trời lại nắng nên dẫu có bực đến mấy cũng phải "nuốt cục tức" với ông trời mà khuân miến ra phơi lại. Buồn hơn cả là trường hợp như vụ miến vừa rồi vì chưa khi nào gặp cảnh khí hậu lạ thường như thế. Lẽ ra mùa đông phải là mùa khô hanh hoặc có mưa thì cũng chỉ thi thoảng vài ngày. Thế mà suốt từ cuối tháng 10 Âm lịch đến nay trời chẳng ngớt mưa. Mỗi một ngày trôi qua là một ngày người làng miến phấp phỏng mong trời tạnh. Trời không tạnh mấy tháng liền cũng đồng nghĩa với việc dân làng miến mất đi cơ hội mang về doanh thu bạc tỷ, đấy là mới chỉ tính ở mức mỗi hộ bình quân làm khoảng 5 chục cân miến với giá bán hiện tại gần 4 mươi nghìn đồng/kg. Thế nên, các cụ già ở làng miến thường nói rằng, trong muôn vàn cái vất vả của nghề nông thì có lẽ hai nghề vất vả nhất là nghề trồng trọt và nghề miến bởi lúc nào cũng luôn phải "Ơn trời mưa nắng phải thì.

Khó nhọc là thế và từ xưa đến giờ vẫn thế, vậy mà người làng miến Giới Phiên, Phúc Lộc vẫn chẳng bỏ nghề. Họ giữ nghề vì lòng trân trọng cái nghề của tổ tiên truyền lại mà không phải mấy nơi có được. Giữ nghề vì cái tâm dồn vào từng sợi miến nuột nà, trắng trong, giòn, đượm trong bữa ăn của nhiều gia đình. Giữ nghề còn vì một niềm tin mai đây nghề miến không chỉ dừng lại ở việc làm cho mức sống của họ khá lên mà sẽ còn vươn tới làm giàu.

 Hoàng Nhâm 

Các tin khác
Lãnh đạo Sở Công thương và huyện Văn Yên chứng kiến mẻ bã sắn đầu tiên được sấy khô từ dây chuyền mới lắp đặt.

YBĐT - Là huyện giàu tiềm năng đất đai phát triển cây sắn nên Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái được quy hoạch vùng nguyên liệu sắn rộng tới 3.500ha ở 8 xã phía bắc. Vùng nguyên liệu này bảo đảm sản lượng khoảng 70.000 tấn sắn/năm và đủ cho hai nhà máy chế biến của Công ty với công suất 20.000 tấn tinh bột.

Thiếu bãi chăn thả là một nguyên nhân dẫn đến đàn bò giảm.

YBĐT - Những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển đàn bò, đã có lúc, đàn bò của tỉnh Yên Bái đạt 38.770 con vào năm 2007. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tốc độ phát triển của đàn bò luôn ở mức dậm chân… đi xuống. Chỉ trong vòng 5 năm, đàn bò của tỉnh đã giảm hơn 50%, đến nay chỉ còn 19.017 con.

Chiều trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Chiều nay, Nghĩa Lộ tự dưng nắng lạ. Cái nắng hanh hao, lạc lõng giữa một chiều đông miên man và vô định.

Xuân nơi cổng trời khau Phạ.
(Ảnh: Bùi Huy Mai)

YBĐT - Xuân đến, bắt đầu từ những đợt mưa bụi nhẹ nhàng như sương giăng. Muôn loài cây cối như chỉ chờ có vậy là bừng lên một sắc xanh rờn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục