Hồi sinh trên đất khó

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/3/2013 | 9:09:18 AM

YBĐT _ Tôi theo chân lái thương mạn xuôi vào vùng cam Trần Phú của huyện Văn Chấn. Ôi chao! Cái thị trấn nhỏ xinh, thơ mộng nổi danh về chè nằm trọn vẹn dưới lòng thung vàng ối một màu quả chín. Cam sen, cam sành, cam Đường Canh ghen đua khoe quả, khoe mã.

Anh Phạm Văn Đường (người đội mũ) trao đổi kỹ thuật với cán bộ nông nghiệp thị trấn nông trường Trần Phú.
Anh Phạm Văn Đường (người đội mũ) trao đổi kỹ thuật với cán bộ nông nghiệp thị trấn nông trường Trần Phú.

Chẳng biết có phải mùa quả chín tạo nên một sức quyến rũ lạ kỳ cho mảnh đất này hay chính bàn tay cần cù một nắng hai sương của những người dân nơi đây đã thổi hồn làm hồi sinh vùng kinh tế mới vốn trước nay vẫn được xem là đất nghèo, đất khó của huyện Văn Chấn…

Chuyện về đồi cam bạc tỷ

Chưa nghe danh nhưng chỉ cần chạm chân đến đất Trần Phú đã thấy cam nói riêng và cây ăn quả có múi nói chung không phải là cây kinh tế chủ lực của địa phương này mà chè mới là cây thế mạnh. Thời kỳ thịnh vượng của cây chè qua mau, người dân tuy chưa thể làm giàu bằng loại cây công nghiệp vẫn tự hào là cây thế mạnh của tỉnh Yên Bái, song bao năm khó khăn vật lộn để cạnh tranh với các sản phẩm chè nhái giả danh chè Yên Bái, chè vẫn giữ được vị thế chủ lực, là cây cứu cánh, mang lại miếng cơm manh áo và cuộc sống ấm no cho nhà nhà ở thị trấn Nông trường Trần Phú.

 Lãnh đạo địa phương và cả những người dân từng gắn bó, tâm huyết với cây chè vẫn tin tưởng, ấp ủ hy vọng, bởi trên thực tế tiềm năng và những giá trị đích thực của cây kinh tế này trên đất Văn Chấn chưa được khai thác và quảng bá một cách xứng tầm…

Sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ của cam và các loại cây ăn quả có múi khác ngay trên cả những nương đồi mà cây chè được cho là có tuổi thọ tốt cũng đến lúc phải chặt bỏ để cải tạo trồng thay thế, đã tiếp thêm sinh khí làm bừng lên sức sống mới trên quê núi. Chưa cần biết người trồng cam ở Trần Phú năm qua bội thu đến cỡ nào nhưng chỉ nhìn vào sức tiêu thụ, đặc biệt là "vũ điệu" giá cam tăng lên từng ngày dịp Tết Nguyên đán vừa qua đủ thấy vui. Bởi, không chỉ riêng mặt hàng lương thực, thực phẩm nội tiêu mà các loại hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản nội địa đang có xu hướng được người tiêu dùng trong nước tin tưởng đón nhận. Đặc sản cam sành, cam Đường Canh, quýt sen… ở Văn Chấn, Lục Yên vì thế cũng theo chân không ít lái thương về các thành phố lớn hay tỏa đi các vùng, miền đất nước quảng bá danh tiếng nông sản địa phương…

Quả thật, diện mạo thị trấn Nông trường Trần Phú hôm nay đã khác xưa nhiều. Có những nơi giờ được mệnh danh "làng biệt thự". Anh cán bộ phụ trách nông lâm nghiệp của thị trấn Nông trường Trần Phú tên Nguyễn Mạnh Thắng đưa chúng tôi qua những biệt thự mới xây mang dáng dấp kiến trúc kiểu nhà vườn dọc theo con đường vào sâu thôn 7 - thôn tập trung diện tích cam lớn nhất nhì đất Trần Phú. Ở đây có những đồi cam cỡ chừng bạc tỷ. Có tiếng về trồng cam, song anh Phạm Văn Đường cũng phải thừa nhận đồi cam của Phạm Văn Hoàng, em trai mình là vườn cam "đỉnh nhất" thôn nếu khiêm tốn không muốn khoe là "đỉnh" nhất vùng vụ này.

Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng Hoàng lại được nhìn nhận là người có kỹ thuật cao trong chăm sóc giống cam Đường Canh. Chẳng thế mà trong khi không ít nhà vườn, cây cam Đường Canh vẫn chưa thể cho năng suất, sản lượng như mong muốn thì gần 300 gốc cam Đường Canh của ông chủ Hoàng quả sai sã cành, hiếm có gốc nào dưới tạ quả. Không những thế, về mặt kỹ thuật còn đạt được những yêu cầu khắt khe nhất của khách sành buôn cả về độ an toàn, mẫu mã và chất lượng quả.

Nhìn những rạch cam đều tăm tắp, uốn lượn theo hình vành khăn chạy ngược lên đỉnh đồi, quả vàng rực khoe mã, anh Đường không giấu nổi niềm vui: "Năm nay cam Canh được mùa nhưng vui nhất là trái cây rất được giá. Mới chớm vụ mà hầu như vườn nào cũng đã có chủ buôn đặt mua trước. Đầu vụ, chỉ cần bán buôn ngay tại vườn giá đã cao hơn mọi năm bán lẻ tại các chợ huyện. Càng gần giữa và cuối vụ, cam càng được giá nên nhà nào cũng thắng lớn, thu nhập cỡ khoảng hai, ba, bốn trăm triệu đồng vụ này là khá phổ biến. Khách mua lẻ thường là người quanh vùng, còn khách buôn lớn hầu hết ở Hà Nội, Hải Dương và khắp các tỉnh mạn xuôi tìm lên săn đặt hàng từ khi quả hãy còn xanh. Cả năm vất vả nhưng một lúc thu về mấy trăm triệu cũng bõ công một nắng hai sương…".

 Anh Đường cũng cho hay, đồi cam của em trai mình đã được khách xuôi đặt cọc sớm từ vài tháng trước, khi ấy giá tại vườn mới chỉ 30 nghìn đồng/kg. Thế nhưng thời điểm cách Tết Nguyên đán Quý Tỵ chừng vài tháng, 1 kg cam Canh tại vườn đã được khách buôn đặt hàng với giá là 36 ngàn đồng. Tính sơ sơ, gần 300 gốc cam Canh, mỗi gốc cỡ trên dưới 1 tạ quả thì chưa kể diện tích cam sành, cam chanh hiện có, chủ vườn này đã thu về cả gần tỷ bạc, điều mà không ít nông dân phải mơ ước.

Anh Đường và phần nhiều những người trồng cam có thâm niên ở đất cam Trần Phú đều cho rằng, cam Canh là loài cây khó tính. Người ta ví nó như nàng công chúa đỏng đảnh, bởi chỉ cần một chút thay đổi về khí hậu, thời tiết trong mùa hoa thụ phấn hay đôi khi sai sót trong kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thì rất có thể không tránh khỏi thất bát mặc dù giá trị kinh tế và hiệu quả của loại cây trồng này vẫn được đánh giá là nhất. Trong khi khách sành buôn loại trái cây đặc sản này cũng đặt ra những tiêu chuẩn không hề dễ thực hiện buộc người chăm cây phải đầu tư công sức, kỹ thuật chăm bón như: quả phải nhỏ, mọng, vàng đều, ngọt sắc…

Cũng vì thế mà người làm vườn ở đây đang dần đạt đến một trình độ kỹ thuật thâm canh cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn về mẫu mã và chất lượng nông sản mà khách sành mua yêu cầu. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để địa phương nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung nuôi hy vọng quyết tâm xây dựng thương hiệu cho mặt hàng nông sản này.        

Cần có một thương hiệu

 

Năm 2012, cam Đường Canh được mùa, được giá.

Chỉ chiếm 1/3 diện tích trồng chè với trên 120ha nhưng thị trấn Nông trường Trần Phú lại là một trong nhưng địa phương tập trung diện tích cam thu hoạch chủ yếu của huyện Văn Chấn. Cam ở Trần Phú nhiều nhất phải kể đến thôn 7, thôn 8, khu vực thôn 19/5 và một phần của thôn 3, thôn 6, bởi đây là địa bàn có thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt phù hợp cho cam, quýt và các loại cây ăn quả có múi phát triển.

Xác định đây là cây mũi nhọn trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của người dân địa phương, Đảng bộ, chính quyền thị trấn đã chỉ đạo nhân dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích chè xấu, bị thoái hóa, kém chất lượng sang trồng cam ở những vùng hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Cam, quýt và cây ăn quả có múi đã, đang thực sự trở thành cây làm giàu cho người dân địa phương. Nhiều hộ gia đình trồng cam thu bạc tỷ. Chẳng thế mà mỗi mùa cam bội thu lại có thêm những ngôi nhà kiểu dáng biệt thư của người vùng cam được xây mới; riêng với thôn 7, thôn tập trung diện tích trồng cam lớn của địa phương, già nửa số hộ dân đã có mức sống khá, giàu…

Mở rộng diện tích vùng chuyên canh cây ăn quả ở Trần Phú là cả một vấn đề lớn phải bàn. Theo ông Phạm Văn Thành - Bí thư Đảng bộ thị trấn Nông trường Trần Phú thì chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa nhiều năm qua của huyện Văn Chấn đã hướng tới việc xây dựng vườn cam đạt năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là xây dựng được vùng cam sạch và có thương hiệu.

Song, để xây dựng được một thương hiệu riêng cho loại hàng hóa nông sản này, trước hết phải bắt đầu từ chính việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người làm vườn trong việc đầu tư chăm sóc; đặc biệt là quy trình kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải được giám sát tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, mặc dù sức ép thị trường cạnh tranh về mẫu mã sản phẩm là không hề nhỏ. Yếu tố quan trọng nhất là cây cam phải có chất lượng, an toàn và sạch bệnh, đòi hỏi việc trồng cam phải thực hiện theo chương trình VietGap.

Chính bởi vậy, bên cạnh sự nỗ lực của chính những người trồng cam, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành chức năng để giới thiệu, quảng bá, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương. Đó cũng là tiền đề, động lực thúc đẩy để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường, từng bước tiến tới xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.      

 Phạm Minh

Các tin khác
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn giải ngân cho các hộ nghèo có con em đang theo học.

YBĐT - Với mục tiêu đảm bảo cho học sinh, sinh viên (HSSV) không phải bỏ học vì không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, trong thời gian qua, chương trình tín dụng cho HSSV nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành điểm tựa cho hàng nghìn HSSV của tỉnh hướng tới những ước mơ học tập tốt đẹp.

Phơi miến. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Nghề miến làm được quanh năm nhưng những tháng cuối năm cho đến đận giêng, hai mới là mùa làm ăn của nghề này vì đây là mùa cưới hỏi, tết và lễ hội. Vậy nên, ai qua vùng miến Phúc Lộc, Giới Phiên ở thành phố Yên Bái mùa này đâu đâu cũng trắng những sàn phơi miến.

Lãnh đạo Sở Công thương và huyện Văn Yên chứng kiến mẻ bã sắn đầu tiên được sấy khô từ dây chuyền mới lắp đặt.

YBĐT - Là huyện giàu tiềm năng đất đai phát triển cây sắn nên Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái được quy hoạch vùng nguyên liệu sắn rộng tới 3.500ha ở 8 xã phía bắc. Vùng nguyên liệu này bảo đảm sản lượng khoảng 70.000 tấn sắn/năm và đủ cho hai nhà máy chế biến của Công ty với công suất 20.000 tấn tinh bột.

Thiếu bãi chăn thả là một nguyên nhân dẫn đến đàn bò giảm.

YBĐT - Những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển đàn bò, đã có lúc, đàn bò của tỉnh Yên Bái đạt 38.770 con vào năm 2007. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tốc độ phát triển của đàn bò luôn ở mức dậm chân… đi xuống. Chỉ trong vòng 5 năm, đàn bò của tỉnh đã giảm hơn 50%, đến nay chỉ còn 19.017 con.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục