Bao giờ "níu" được chân du khách?
- Cập nhật: Thứ tư, 13/3/2013 | 3:09:26 PM
YBĐT - Là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, du khách đến Nghĩa Lộ - Mường Lò được tiếp cận văn hóa của nhiều dân tộc với hàng loạt những lễ hội mùa xuân.
Đoàn khách du lịch đến từ Pháp thăm quan thôn Bản Đêu.
|
Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với nét hoang sơ của núi rừng…, thị xã Nghĩa Lộ đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn khai thác với tôn tạo, bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên cùng các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, nhất là dân tộc Thái. Tuy nhiên, đến nay thị xã Nghĩa Lộ vẫn chưa "níu" được chân du khách!
Du lịch cộng đồng vẫn chỉ tự phát!
Là một trong những khách du lịch được bố trí theo tour Hà Nội - Yên Bái - Sơn La - Lào Cai, ông Christian Naud - người Pháp rất hài lòng khi đến du lịch tại xã Nghĩa An theo hình thức du lịch cộng đồng. Bởi qua tìm hiểu từ catalog quảng cáo, hướng dẫn viên du lịch và một số người bạn của mình, ông được biết bản Đêu, xã Nghĩa An hiện đang lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc. Trong cả một ngày, chúng tôi quần đùi áo cộc đi cùng đoàn khách du lịch của ông Christian Naud khám phá quanh Bản Đêu. Mọi thứ ở đây đều xa lạ gây nên sự ngạc nhiên với khách.
Từ những ngôi nhà sàn đến những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như khung dệt hay cây khèn đều khiến du khách thích thú. Qua những sinh hoạt thường ngày, ông Christian Naud và đoàn thấy mình thực sự được hòa mình với đời sống của người địa phương và có những trải nghiệm lý thú.
Ông Christian Naud cho biết: “Ở bên Pháp chúng tôi đã được nghe rất nhiều thông tin về đất nước Việt Nam. Khi đến đây chúng tôi thấy Việt Nam rất đẹp, con người mến khách. Chuyến đi này đã để lại rất nhiều ấn tượng trong tôi. Khi về nước chúng tôi sẽ giới thiệu về đất nước, hình ảnh con người Việt Nam với gia đình và bạn bè. Tôi cũng chắc chắn rằng tất cả những người thân và bạn bè của tôi sẽ rất muốn đến Việt Nam để du lịch trải nghiệm như chúng tôi đã làm”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: “Nghĩa An đã triển khai Dự án làng nghề, trong đó có 42 hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ để bó hè và láng nền nhà, đầu tư khung dệt nhằm phát triển làng nghề dệt truyền thống, thu hút khách thăm quan đem lại thu nhập trực tiếp cho người dân. Ngoài ra, xã còn triển khai chương trình hỗ trợ 10 gia đình xây dựng công trình vệ sinh tự hoại đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường phục vụ khách đến nghỉ tại gia. Đồng thời đầu tư một điểm du lịch cộng đồng tại nhà sàn văn hoá thôn Đêu I với các hoạt động sinh hoạt văn hoá ẩm thực, văn hoá văn nghệ, các trò chơi dân gian... Điểm du lịch này đã thực sự phát huy hiệu quả và là điểm đến của nhiều đoàn khách trong và ngoài nước”.
Tuy nhiên đến nay, xã Nghĩa An là xã duy nhất có thể làm được du lịch cộng đồng nhưng cũng chỉ có một gia đình làm được. Thực tế, một trong những khó khăn lớn nhất của các hộ khi tham gia làm du lịch cộng đồng ở Bản Đêu là không có chuyên môn, kiến thức về du lịch, thiếu kiến thức lịch sử, văn hoá dân tộc của địa phương. Thậm chí, nhiều người muốn biết về các thông tin du lịch của địa phương thì cũng không biết hỏi ai.
Bao giờ mới "níu" chân được du khách?
Là một trong những hộ đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở bản Đêu, gia đình chị Hoàng Thị Phượng ở thôn Đêu II đã đầu tư cải tạo lại ngôi nhà sàn của mình từ năm 2008. Không cầu kỳ đầu tư phòng nghỉ khép kín hiện đại như khách sạn,anh chị chỉ đầu tư mua chăn đệm, trải ngay xuống sàn nhà để khách nghỉ. Đi nhiều nơi, tham khảo nhiều cách làm du lịch trong và ngoài nước, anh chị cũng nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch là muốn được hòa mình vào thiên nhiên, đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương.
Do đó, anh chị đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết đầu tư nhà cửa bằng các dụng cụ độc đáo của người Thái, các món ăn đặc trưng của dân tộc và chủ động tìm hiểu về văn hóa giao tiếp với khách nước ngoài. Trong quá trình đón tiếp khách du lịch, anh chị cố gắng gắn mọi sinh hoạt hàng ngày của khách với sinh hoạt của gia đình và làm hướng dẫn viên khi khách có nhu cầu tìm hiểu sâu thêm về phong tục, tập quán… Cách làm đó bước đầu đã thu được kết quả.
Chị Hoàng Thị Phượng chia sẻ: “Cách làm du lịch như thế không phải quá khó, mọi người trong bản đều có thể làm được”. Qua nhiều năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt với sự cầu thị, chị Phượng được chính khách du lịch đóng góp ý kiến để xây dựng những tiêu chí cơ bản khi làm loại hình du lịch cộng đồng.
Theo bà Đỗ Thị Thanh Nga - Trưởng phòng Văn hoá, Thể thao và Du lịch thị xã Nghĩa Lộ, để từng bước nâng cao chất lượng về cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ phục vụ khách du lịch, thị xã đã triển khai công tác xã hội hoá các hoạt động du lịch trên địa bàn. Các cơ sở nhà nghỉ, nhà hàng khách sạn, dịch vụ vận chuyển khách… được đầu tư nâng cấp.
Thị xã có 10 nhà nghỉ, khách sạn với 206 phòng trong đó có khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao. Nhưng qua khảo sát thực tế, khách du lịch đã đến thăm Nghĩa Lộ một lần đều không có ý muốn quay lại với lý do: thiếu các hoạt động dã ngoại. Kinh nghiệm ở Bản Lác ở Mai Châu - Hoà Bình cho thấy, ngoài resort Mai Châu Lodge đẹp và lịch sự phục vụ khách hạng sang khách du lịch có thể ở nhà sàn với đầy đủ tiện nghi. Mọi nhà sàn có dịch vụ, giá cả tương đương nhau nên khách cũng không phải phân vân nhiều khi chọn.
Thông thường nhà sàn nào ở Mai Châu cũng đều có chỗ nấu ăn phục vụ khách luôn bên dưới. Khách có thể đặt ăn theo suất và gọi món tùy theo yêu cầu, đặc biệt, du lịch ở đây còn thu hút khách bởi cái thú đốt lửa trại rất chuyên nghiệp. Khách du lịch sẽ được phục vụ chu đáo. Ngoài ra, khách có thể thuê sạp để nhảy bên lửa trại, có thể thuê những bộ váy dân tộc để chụp ảnh chỉ với mức giá rất rẻ.
Khắc phục khó khăn gặp phải trong phát triển du lịch, thị xã Nghĩa Lộ đang triển khai các giải pháp nâng cao phát triển du lịch như tạo môi trường pháp lý thuận lợi và bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; hướng dẫn kĩ năng và khuyến khích người dân đầu tư cơ sở vật chất tham gia làm du lịch, lập địa chỉ đầu mối đón tiếp khách và tiếp nhận thông tin của khách, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên chính là người địa phương; xây dựng các tour du lịch với các địa danh cách mạng một cách có hệ thống...
Có thể một thời gian dài nữa những giải pháp này mới thực hiện được và một Mường Lò với những câu khắp Thái, những điệu xoè có sức cuốn hút kỳ diệu với du khách thập phương vẫn là nỗi niềm với những người muốn làm du lịch nơi đây.
Nguyễn Nhật Thanh
Các tin khác
YBĐT _ Tôi theo chân lái thương mạn xuôi vào vùng cam Trần Phú của huyện Văn Chấn. Ôi chao! Cái thị trấn nhỏ xinh, thơ mộng nổi danh về chè nằm trọn vẹn dưới lòng thung vàng ối một màu quả chín. Cam sen, cam sành, cam Đường Canh ghen đua khoe quả, khoe mã.
YBĐT - Với mục tiêu đảm bảo cho học sinh, sinh viên (HSSV) không phải bỏ học vì không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, trong thời gian qua, chương trình tín dụng cho HSSV nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành điểm tựa cho hàng nghìn HSSV của tỉnh hướng tới những ước mơ học tập tốt đẹp.
YBĐT - Nghề miến làm được quanh năm nhưng những tháng cuối năm cho đến đận giêng, hai mới là mùa làm ăn của nghề này vì đây là mùa cưới hỏi, tết và lễ hội. Vậy nên, ai qua vùng miến Phúc Lộc, Giới Phiên ở thành phố Yên Bái mùa này đâu đâu cũng trắng những sàn phơi miến.
YBĐT - Là huyện giàu tiềm năng đất đai phát triển cây sắn nên Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái được quy hoạch vùng nguyên liệu sắn rộng tới 3.500ha ở 8 xã phía bắc. Vùng nguyên liệu này bảo đảm sản lượng khoảng 70.000 tấn sắn/năm và đủ cho hai nhà máy chế biến của Công ty với công suất 20.000 tấn tinh bột.