Bà ngoại tuổi…32!

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/3/2013 | 9:18:15 AM

YBĐT - Quan niệm kết hôn sớm để gia đình có người làm nương, sớm có cháu nối dõi đã ăn sâu bén rễ trong đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu từ bao đời nay khiến các em bé lứa tuổi 15, 16 sớm bị “kéo” vào sự lo toan của cuộc sống gia đình. Và vấn nạn tảo hôn nơi vùng cao Trạm Tấu vẫn đang diễn ra với những câu chuyện “cười ra nước mắt”...

Vợ chồng anh Hờ A Ly và chị Sùng Thị Dung lên chức ông bà ngoại ở tuổi 35 và 32.
Vợ chồng anh Hờ A Ly và chị Sùng Thị Dung lên chức ông bà ngoại ở tuổi 35 và 32.

Trời cho cứ đẻ

Vượt qua con đường ngoằn ngoèo với dốc núi thẳng đứng, chúng tôi tìm đến nhà anh Vàng A Lâu và chị Giàng Thị Dê, thôn Pá Hu, xã Pá Hu - những người đã được lên chức ông bà ngoại ở tuổi 39 và 34. A Lâu lấy vợ từ năm 19 tuổi, khi ấy vợ A Lâu mới 15 tuổi.

 

A Lâu chính thức lên chức bố năm 20 tuổi và đến nay, gia đình anh đã có 11 đứa con.

A Lâu bảo, bố mẹ bảo lấy vợ về cho có người đi làm nương cùng chứ mình có biết gì đâu! Thế rồi, A Lâu chính thức lên chức bố năm 20 tuổi và đến nay, gia đình anh đã có 11 đứa con. Đứa lớn nhất sinh năm 1993 và đứa nhỏ nhất chỉ 6 tháng tuổi. Đứa lớn tên Vàng Thị Ninh đã lấy chồng và có con được gần 1 tuổi. Trong 11 đứa con của Vàng A Lâu thì có 6 đứa con gái và 5 đứa con trai. “Nhà có cu Công, cu Cáng, cu Pếnh…

Để yên tôi nhớ xem nào! À, cu Trừ, cu Minh, cái Sinh… đủ 11 đứa chưa nhỉ? Cái Cua, cái Sâu, cái Vinh, cái Ninh”. Vì nhà đông con nên khi được hỏi A Lâu ngồi mãi mới nhớ nổi tên của chúng.

- Nhà anh đông con thế này liệu có đủ cái ăn, có cho con đi học hết không? - tôi hỏi.

- Có chứ, mình cho con đi học để nhờ Nhà nước nuôi chứ. Còn nhà chỉ có ít ruộng nên không đủ ăn đâu.

- Thế sao anh còn đẻ nhiều thế?

- Được trời cho thì mình cứ đẻ thôi. Mình còn thích đẻ đến 15 đứa cho vui nhà vui cửa cơ! - Ông ngoại tuổi 39 hồn nhiên trả lời.

Rời nhà Vàng A Lâu, chúng tôi tìm đến xã Phình Hồ - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu. Là địa phương có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống nên tư tưởng phải có con trai nối dõi, con gái thì không cần học nhiều chữ mà chỉ cần lớn là đi lấy chồng đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào nơi đây. Và tảo hôn tất yếu xảy ra.

Những em gái mới 14, 15 tuổi - đang là lứa tuổi học trò đẹp nhất, được vui chơi, được học hành nhưng ở nơi vùng cao này, các em đã phải lập gia đình, phải gánh vác chuyện gia đình và phải làm những “bà mẹ nhí” khi chưa đến tuổi trưởng thành.

Trên đường lên thôn Phình Hồ, chúng tôi gặp các em chừng 4, 5 tuổi ôm những âu cơm được bố mẹ chuẩn bị cho tới lớp học. Ấn tượng nhất là 3 chị em bé xíu đưa nhau đi học. Hỏi ra thì chị lớn 8 tuổi dẫn 2 em, đứa 4 tuổi, đứa 2 tuổi đến trường mầm non. Đây là 3 con gái của chị Sùng Thị Pua, thôn Phình Hồ.

Năm nay 25 tuổi nhưng Pua đã có 4 mặt con, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ mới 4 tháng. Không có con trai để nối dõi, thờ cúng tổ tiên thì không được nên chị Pua phải đẻ đến khi nào có con trai mới thôi. Sau khi đưa 2 em đến trường, Giàng Thị Sùng con gái lớn của Pua không đến lớp như các bạn mà về nhà trông đứa em mới 4 tháng tuổi. Trong ngôi nhà tối tăm, lụp xụp có đến mấy gia đình cùng chung sống, chị Pua đang chuẩn bị cơm và thức ăn mang lên nương. “Nhà không đủ ăn đâu nên em phải ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm”, Sùng cho biết.

Chia tay gia đình Pua trong tôi ấn tượng mãi về cô bé Sùng với đôi mắt sáng. Giá như có điều kiện để nuôi dạy tốt, được đến trường chắc hẳn cô bé sẽ học rất giỏi.

Ngược dốc, chúng tôi tìm đến nhà đôi vợ chồng trẻ Hờ A Ly và chị Sùng Thị Dung. Bên bếp lửa bập bùng, nhìn anh chị không ai nghĩ họ đã lên ông từ tuổi 35 và bà ở tuổi 32. Con gái anh chị đã đi lấy chồng từ năm 15 tuổi và giờ có con hơn 3 tuổi. Cái vòng luẩn quẩn lấy chồng, lấy vợ sớm của người Mông nơi đây khiến cuộc sống đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi quanh năm họ chỉ bám lấy ruộng nương. Không có chữ, không hiểu biết xã hội, lập gia đình rồi sinh con khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã Phình Hồ chiếm tới 81,86%.

“Vô tư” chịu phạt

 

Mẹ nhí 17 tuổi và đứa con thơ.

15, 16 là cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, tâm hồn các em còn rất non nớt nhưng ở nơi vùng cao khắc nghiệt này, các em đã làm vợ, làm mẹ, không được học hành nên cuộc sống vốn đã nghèo khổ nay lại càng tăm tối hơn khi những “gia đình trẻ con” phải lo chạy ăn từng bữa. Thêm vào đó, những em gái tâm sinh lý còn chưa phát triển hoàn thiện đã sinh con nên những đứa trẻ đẻ ra thường còi cọc, chậm phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

Năm 2011, toàn huyện Trạm Tấu có 30 trường hợp tảo hôn, năm 2012 giảm còn 20 trường hợp. Tảo hôn xảy ra chủ yếu ở các xã Bản Công, Trạm Tấu, Pá Hu. Trong quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, vi phạm tảo hôn sẽ chịu xử phạt hành chính. Việc xử phạt chủ yếu nhằm mục đích giáo dục để cá nhân nhận thức được sai phạm, tự nguyện sửa chữa.

Với người vi phạm là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng cao, vùng xa, có xem xét đến ảnh hưởng và tác động của phong tục, tập quán để vận dụng cho phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quý - Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Trạm Tấu, mặc dù đã được tuyên truyền tới các thôn, bản và tới tận hộ gia đình về Luật Hôn nhân và Gia đình nhưng do nhận thức của đồng bào còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật và còn ảnh hưởng nặng nề bởi những hủ tục, đặc biệt là tư tưởng phải có con trai nối dõi nên nhiều người vẫn dựng vợ gả chồng cho con và “vô tư” chịu phạt. Khi nhận thức pháp luật của người dân được nâng lên thì tảo hôn lại xảy ra một cách “tinh vi” hơn. Nhiều em chưa đủ tuổi kết hôn nhưng gia đình nhà trai đón về với lý do nhà neo người nên đưa về để giúp việc. Đến khi các em đủ tuổi, gia đình mới đưa các em đến UBND các xã đăng ký kết hôn.

Anh Hờ A Ly cho biết: “Được cán bộ tuyên truyền nhưng con gái nó lớn là cho đi lấy chồng thôi. Chúng nó đã “ưng cái bụng” thì cho nó về ở với nhau, như thế mình không phải nuôi nữa. Cán bộ có phạt thì mình phải chịu”. “Phép vua vẫn thua lệ làng” và tảo hôn vẫn diễn ra như một tất yếu.

Anh Giàng A Châu - cán bộ chuyên trách dân số xã Phình Hồ cho hay: “Những trường hợp tảo hôn ở xã chủ yếu xảy ra ở lứa tuổi 15, 16. Chúng tôi đã tới tận hộ gia đình tuyên truyền nhưng chỉ có những người được đi học hiểu ra thì chấp hành. Còn những gia đình quá khó khăn, con cái phải bỏ học sớm thì khi con họ đến tuổi 15 là cho đi lấy chồng. Biết là vi phạm nhưng họ vẫn làm và chấp nhận nộp phạt hành chính. Nhiều hộ quá nghèo thì cũng không biết phải phạt họ như thế nào”.

Xóa bỏ tảo hôn... còn nhiều khó khăn

Theo bà Lê Thị Thu Hà - Phó chủ tịch UBND huyện, xác định tảo hôn là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, do đó, Trạm Tấu đã tăng cường củng cố mạng lưới tuyên truyền tới tận các hộ gia đình, quản lý tốt đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ và quy định chặt chẽ trong hương ước, quy ước.

Cùng với đó, kỳ họp thứ 6 năm 2012, Hội đồng nhân dân huyện đã ra Nghị quyết về “Đề án tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch gia đình huyện Trạm Tấu, giai đoạn 2013 - 2016”, trong đó sẽ có khen thưởng cho các thôn, bản duy trì tỷ lệ không sinh con thứ 3 và đẩy mạnh can thiệp giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đây là chính sách mới mà năm 2013 Trạm Tấu bắt đầu thực hiện.

Cùng với đó, huyện đã tổ chức tập huấn về mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống các tại xã Pá Hu, Bản Công và Trạm Tấu để nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về dân số. Huyện hết sức coi trọng vai trò của các già làng, trưởng bản trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Là 1 trong 4 huyện của tỉnh được tham gia Dự án can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống nhằm nâng cao chất lượng dân số do Bộ Y tế triển khai, tuy nhiên, với những quan niệm đã ăn sâu trong tư tưởng của đồng bào thì xóa bỏ nạn tảo hôn vô cùng khó khăn đối với huyện vùng cao Trạm Tấu.

“Để làm thay đổi nhận thức cũng như những tập quán của bà con chúng tôi linh hoạt trong tuyên truyền bằng nhiều hình thức, với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu để người dân, đặc biệt là trẻ tuổi vị thành niên hiểu rõ các quy định của pháp luật về dân số, cũng như hệ lụy cho giống nòi có thể xảy ra do tảo hôn” - ông Nguyễn Văn Quý cho biết thêm.

 Các giải pháp đưa ra thì rất nhiều nhưng kết quả thì lại chưa được như mong muốn. “Xóa sổ” nạn tảo hôn trong đồng bào dân tộc Mông đến nay vẫn là một bài toán chưa tìm ra lời giải.

Thanh Chi - Đức Toàn

Các tin khác
Cảnh sát giao thông sẽ không phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm thời trang từ tháng tới như dự kiến.

YBĐT - Loại mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng phát triển mạnh từ khi có quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định rõ ràng đối với người kinh doanh MBH.

Đoàn khách du lịch đến từ Pháp thăm quan thôn Bản Đêu.

YBĐT - Là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, du khách đến Nghĩa Lộ - Mường Lò được tiếp cận văn hóa của nhiều dân tộc với hàng loạt những lễ hội mùa xuân.

Anh Phạm Văn Đường (người đội mũ) trao đổi kỹ thuật với cán bộ nông nghiệp thị trấn nông trường Trần Phú.

YBĐT _ Tôi theo chân lái thương mạn xuôi vào vùng cam Trần Phú của huyện Văn Chấn. Ôi chao! Cái thị trấn nhỏ xinh, thơ mộng nổi danh về chè nằm trọn vẹn dưới lòng thung vàng ối một màu quả chín. Cam sen, cam sành, cam Đường Canh ghen đua khoe quả, khoe mã.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn giải ngân cho các hộ nghèo có con em đang theo học.

YBĐT - Với mục tiêu đảm bảo cho học sinh, sinh viên (HSSV) không phải bỏ học vì không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, trong thời gian qua, chương trình tín dụng cho HSSV nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành điểm tựa cho hàng nghìn HSSV của tỉnh hướng tới những ước mơ học tập tốt đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục