Cánh đồng mẫu lớn – Bao giờ liền ô liền thửa?
- Cập nhật: Thứ tư, 27/3/2013 | 10:36:14 AM
YBĐT - Đã hơn 4 năm đi vào sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, thế nhưng kết quả mang lại không cao, nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp, doanh nghiệp, tư thương chỉ biết bán hàng, mua lúa gạo khi được mùa, trúng giá chứ chưa dám chịu trách nhiệm đến cùng với người nông dân.
Sản xuất cánh đồng mẫu lớn để đồng bộ hóa trong sản xuất.
|
Các nhà khoa học vẫn đứng ở đâu đó rất xa, chỉ đạo chung chung, sách vở; nhà quản lý cũng chỉ hô hào trên các diễn đàn chứ chưa cụ thể, chỉ đạo quyết liệt. Ngành vật tư bị xé lẻ, qua nhiều khâu trung gian làm đội giá thành khi tới tay nông dân.
Doanh nghiệp-nông dân chưa kết dính
Lương thực để ăn không còn phải lo, người nông dân Yên Bái, nhất là người dân vùng cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn); thị xã Nghĩa Lộ; vùng Đại - Phú - An (Văn Yên); Bắc Trấn Yên; Minh Xuân, Mường Lai, Liễu Đô (Lục Yên)... đã sản xuất lúa gạo hàng hóa theo mô hình thị trường. Vùng quy hoạch lúa hàng hóa tập trung từ 4 ngàn ha lên 5 ngàn ha năm 2012, sản lượng đạt trên 35 ngàn tấn/vụ. Diện tích lớn, sản lượng lắm nhưng lúa gạo hàng hóa thì rất hạn chế, hàng ngày lúa gạo từ các nơi vẫn ùn ùn chở về chiếm lĩnh thị trường Yên Bái.
Để tìm hiểu rõ hơn về phát triển lúa hàng hóa, chúng tôi về huyện Văn Chấn - nơi có cánh đồng Mường Lò là một trong 4 cánh đồng rộng lớn phì nhiêu của vùng Tây Bắc: nhất Thanh (Mường Thanh - Điện Biên), nhì Lò (Mường Lò - Văn Chấn), tam Than (Than Uyên - Lai Châu), tứ Tấc (Phù Yên - Sơn La).
Nói về “cánh đồng mẫu lớn”, ông Nguyễn Hợp Đoàn - kỹ sư nông nghiệp, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn người đã gắn bó trên 40 năm với nông nghiệp nơi vùng cao này chia sẻ: “Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Đây là một giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp phải những khó khăn nhất định nên vẫn chưa thành công lắm bởi chưa có sự vào cuộc tích cực của nhà nông, nhà doanh nghiệp, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ. Nông dân-doanh nghiệp chưa có sự kết dích chặt chẽ, bền vững”.
Vâng! Từ năm 2008 Văn Chấn đã quy hoạch và triển khai sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 500 ha tại xã Sơn A, Phù Nham, Hạnh Sơn... bằng giống lúa thuần chất lượng cao như: Chiêm Hương, Séng Cù... nhưng đều thất bại. Năm 2010, huyện tiếp tục đi “mời” doanh nghiệp đến để đầu tư, thế rồi liền lúc có 2 doanh nghiệp là Tổng công ty lương thực và Công ty lương thực Hồng Hà Hà Nội ký hợp đồng với dân sản xuất trên 300ha lúa chất lượng cao. Nhưng oái oăm thay, đến khi thu hoạch các tư thương đến tận chân ruộng thu mua dù giá chỉ ngang bằng doanh nghiệp nhưng người dân vẫn bán hết.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng nông nghiệp ngao ngán nói: “Tiếp đến năm 2012, huyện phối hợp với Trung tâm chuyển giao khoa học và công nghệ trung ương sản xuất 100ha tại xã Phù Nham và 30ha tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ bằng giống ĐS1. Qua sản xuất thực tế cho thấy năng suất đều đạt từ 6,5-7 tấn/ha, giá bán đạt khá cao 8.800 đồng/kg, hiệu quả kinh tế cao 8-10 triệu đồng/ha so với giống lúa lai, lúa thuần nhưng khi thu hoạch người dân lại “điệp khúc” phá vỡ hợp đồng, đến nay nông dân vẫn nợ doanh nghiệp cả tỷ đồng”.
HTX nông nghiệp Phù Nham là đơn vị đi đầu trong thu mua nông sản qua hợp đồng, thế nhưng khi nói về vấn đề này chị Hà Thị Hoàn - Chủ nhiệm HTX dịch vụ Nông nghiệp Phù Nham chán nản cho biết: “Sản xuất lúa hàng hóa là hiệu quả rõ rệt, ai cũng biết, nhưng nông dân của ta dường như vẫn chưa thật tâm huyết với nó. HTX ký hợp đồng với từng hộ đồng thời cung ứng giống, dịch vụ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật nhưng đến khi thu hoạch họ lại bán cho tư thương. Làm ăn như thế thì sẽ rất khó thành công, làm sao bền vững được”!
Manh mún, nhỏ lẻ
Một vấn đề không thể không nói tới là việc canh tác thiếu quy hoạch, làm kiểu xôi đỗ trên nhiều thửa ruộng nhỏ là một tồn tại cần tháo gỡ. Xã Sơn A là một xã điển hình trong sản xuất lúa hàng hóa và cũng là địa phương có năng suất lúa cao nhất nhì huyện Văn Chấn, bình quân đạt 12 tấn/ha, thế nhưng cũng chưa thoát ra được lối làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Ngay trong vụ xuân này đã có 157 hộ dân ở thôn Gốc Bục, Ao Luông, Bản Vãn... đăng ký sản xuất trên 35ha lúa chất lượng cao bằng giống ĐS1.
Thế nhưng ngay cả Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Thuyên cũng phải thừa nhận là khó khăn vì phần lớn các hộ dân trồng lúa rất nhỏ lẻ, tư duy của bà con vẫn tự cung tự cấp, chưa thực sự hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Toàn xã có 205ha lúa nhưng có tới 3.780 thửa ruộng thuộc chủ sở hữu của 1.076 hộ dân.
Gia đình bà Sầm Thị Giao - thôn Ao Luông 1 là một trong các hộ nằm trong chương trình sản xuất lúa hàng hóa của xã, nhà có 2.000m2 ruộng nhưng có tới 3 thửa ruộng. Không chỉ có vậy mà mỗi thửa ruộng bà trồng một giống khác nhau nào là ĐS1, nào là Chiêm Hương, một thửa bà trồng giống lúa lai. Trồng lúa chất lượng cao cho giá trị cao hơn giống lúa thường từ 3-4 triệu đồng/ha thế nhưng sao gia đình không gieo trồng hết 2.000m2 ruộng? - Tôi hỏi: Biết là thế, nhưng để chắc ăn gia đình vẫn phải trồng 1 sào lúa lai, nhỡ các giống kia mất mùa còn có cái mà ăn chứ. Chúng tôi làm lúa lai quen rồi hầu như không bao giờ mất mùa! - Bà Giao trả lời.
Không riêng gì nhà bà Giao mà hầu hết các hộ dân ở trong xã làm như thế đấy - Chủ tịch xã Đinh Văn Thuyên nói. Rõ ràng tư duy “manh mún” vẫn chưa thoát khỏi trong mỗi người dân nơi đây. Xã có 35ha lúa chất lượng cao nhưng cũng làm không liền ô liền thửa, ruộng thì đã nhỏ lẻ nhưng lại trồng các loại giống khác nhau, nhà cấy trước, nhà cấy sau, phòng trừ sâu bệnh, chăm bón nhà nào biết nhà nấy, khi thu hoạch và sau thu hoạch rất khó khăn. Người nông dân chưa tiếp cận được nhiều với quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VieetGap; sản xuất không có tính kế hoạch cao, thường theo tập quán và theo thị hiếu người tiêu dùng.
Đặc biệt là các doanh nghiệp, doanh nhân chưa thực sự mạnh dạn đầu tư, thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân đã gây ảnh hưởng tới chuỗi giá trị hàng hóa của hệ thống sản xuất lúa gạo.
Cần lắm sự vào cuộc của “bốn” nhà!
Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn kiểm tra quá tình hình sinh trưởng và phát triển lúa tại xã Sơn A.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” nông dân trách doanh nghiệp, doanh nghiệp đổ lỗi cho nông dân, nhưng thực tế trong nhiều năm nay, sản xuất lúa hàng hóa không thành công là việc mạnh ai nấy làm. Doanh nghiệp, tư thương chỉ biết bán hàng, mua lúa gạo khi được mùa, trúng giá chứ đã ai dám chịu trách nhiệm đến cùng với người nông dân đâu. Các nhà khoa học thì thường đứng ở đâu đó rất xa, chỉ đạo chung chung, sách vở. Nhà quản lý cũng hô hào chung chung trên các diễn đàn chứ chưa cụ thể, có kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt. Ngành vật tư bị xé lẻ, qua nhiều khâu trung gian làm đội giá thành khi tới tay nông dân.
Để sản xuất thành công lúa hàng hóa, tiến tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đòi hỏi phải làm theo một quy trình chuẩn từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc thu hoạch và sau thu hoạch. Đặc biệt là đẩy mạnh mối liên kết 4 nhà, trong đó vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc tham gia cung ứng vật tư đầu vào, chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Phải làm sao cho chuỗi liên kết có được chất kết dính, như keo gắn chặt các thành phần lại với nhau. Phải minh bạch, công khai lợi ích, xây dựng hệ thống thông tin rõ ràng, nhanh nhạy cho các nhà.
Vấn đề mấu chốt và vô cùng quan trọng trong chuỗi sản xuất cánh đồng mẫu lớn là phải tập hợp được nhiều thửa ruộng liền kề của các hộ nông dân trong một khu vực, với diện tích từ vài chục đến cả trăm ha. Muốn làm được việc đó chúng ta phải dồn điền, đổi thửa, vận động người dân trong thôn, trong xã cùng tham gia dưới sự hướng dẫn của nhà quản lý và doanh nghiệp. Tạo dựng nên cánh đồng mẫu lớn nhưng không dẫn đến tích tụ đất đai, không ép người nông dân rời khỏi mảnh ruộng nhà mình để trở thành người làm thuê, cấy mướn. Mà sẽ có nhiều nông dân nhỏ trên một cánh đồng lớn được bình đẳng về ứng dụng khoa học kỹ thuật cho quy trình sản xuất, được biết rõ lợi nhuận từ mảnh ruộng nhà mình sau mỗi vụ gieo trồng.
Khi có cánh đồng mẫu lớn nông dân thực hiện được 3 không: không cấy lúa (mà gieo sạ), không gặt đập bằng tay (mà bằng máy liên hợp), không phơi lúa (mà sấy lúa). Làm như thế ngày công lao động sẽ giảm đi, người nông dân sẽ có thêm điều kiện để nâng cao kiến thức về mọi mặt. Mục tiêu của cánh đồng mẫu lớn là nhằm sản xuất lúa gạo hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, bền vững và lợi nhuận cao đó là nền tảng cho xây dựng nông thôn mới.
Giải quyết tốt những tồn tại, vướng mắc, cùng với sự vào cuộc tích cực của “bốn nhà” thì việc sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn không phải là không có cơ sở mà đó cũng là tiền đề, nền tảng vững chắc cho xây dựng nông thôn mới.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Quan niệm kết hôn sớm để gia đình có người làm nương, sớm có cháu nối dõi đã ăn sâu bén rễ trong đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu từ bao đời nay khiến các em bé lứa tuổi 15, 16 sớm bị “kéo” vào sự lo toan của cuộc sống gia đình. Và vấn nạn tảo hôn nơi vùng cao Trạm Tấu vẫn đang diễn ra với những câu chuyện “cười ra nước mắt”...
YBĐT - Loại mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng phát triển mạnh từ khi có quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định rõ ràng đối với người kinh doanh MBH.
YBĐT - Là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, du khách đến Nghĩa Lộ - Mường Lò được tiếp cận văn hóa của nhiều dân tộc với hàng loạt những lễ hội mùa xuân.
YBĐT _ Tôi theo chân lái thương mạn xuôi vào vùng cam Trần Phú của huyện Văn Chấn. Ôi chao! Cái thị trấn nhỏ xinh, thơ mộng nổi danh về chè nằm trọn vẹn dưới lòng thung vàng ối một màu quả chín. Cam sen, cam sành, cam Đường Canh ghen đua khoe quả, khoe mã.