“Tai mắt” của rừng

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/3/2013 | 2:40:44 PM

YBĐT - 6 năm gần đây, khu rừng tự nhiên với gần 1.000ha ở thôn Nậm Chắn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) không còn cảnh chặt phá nữa khi xuất hiện mô hình bảo vệ rừng theo cộng đồng do thôn bản quản lý.

Cán bộ kiểm lâm huyện Lục Yên thường xuyên kiểm tra rừng.
Cán bộ kiểm lâm huyện Lục Yên thường xuyên kiểm tra rừng.

Gắn quyền lợi bảo vệ rừng với người dân

Từ trung tâm xã Lâm Thượng vượt trên 10km đường lầy lội, chúng tôi có mặt tại thôn Nậm Chắn - một trong những thôn khó khăn nhất của xã Lâm Thượng. Toàn thôn có 111 nóc nhà với 482 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Tày, Dao. Những năm trước, cuộc sống của bà con trong thôn chỉ dựa vào rừng, nhiều cánh rừng bị chặt phá không thương tiếc. Rừng lại chỉ được giao cho một vài nhóm hộ quản lý trong khi diện tích lớn, đi lại khó khăn nên họ không thể kiểm soát hết diện tích được giao, dẫn đến “chảy máu” rừng. Năm 2006, rừng được giao cho cộng đồng thôn quản lý với diện tích trên 993ha, từ đó rừng đã có cơ hội được bảo vệ.

Theo chân cán bộ Hạt Kiểm lâm Lục Yên và lãnh đạo xã Lâm Thượng, chúng tôi leo lên khu rừng do thôn Nậm Chắn quản lý. Trưởng bản Trần Văn Khôn bảo rằng: “Khác với việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng của nhiều năm trước, giờ đây toàn bộ diện tích rừng đều được giao cho cộng đồng bản quản lý nên bà con ai cũng là “tai mắt” của rừng”.

Chỉ tay vào cây gỗ sâng to 2 người ôm không xuể, trưởng bản Khôn cho biết thêm: “Nếu không có cộng đồng quản lý thì cây này đã bật rễ từ lâu rồi. Hiện ở đây vẫn còn nhiều cây gỗ to như thế lắm! Từ khi giao rừng cho cộng đồng trong thôn Nậm Chắn quản lý, chúng tôi và Ban quản lý rừng cộng đồng xã Lâm Thượng thường xuyên tuyên truyền cho bà con hiểu rõ trách nhiệm bảo vệ rừng và việc hưởng lợi từ rừng. Người dân đã nhận thức được giá trị lợi ích của rừng mang lại, ý thức bảo vệ rừng được nâng cao, bà con trong bản không phát rừng làm nương rẫy, không phá rừng nữa. Bà con còn đưa cây măng mai vào trồng ở các khu đất trống”.

 

Rừng Lục Yên đã được bảo vệ.

Còn ông Triệu Minh Chiêu ở thôn Nậm Chắn cũng thừa nhận: “Trước đây, tôi và một số bà con trong thôn còn chặt cây, đốn gỗ làm củi, làm nhà. Được cán bộ kiểm lâm, cán bộ xã tuyên truyền, chúng tôi đã hiểu được việc giữ rừng là giữ được nguồn nước, giữ gỗ cho con cháu sau này. Giờ bà con chỉ lấy những cành khô về làm củi, không chặt cây nữa. Rừng giờ là của mình, của bà con thôn bản nên tôi và bà con thường xuyên lên rừng kiểm tra, gặp người đang phá rừng là chúng tôi báo cáo với tổ quản lý rừng ở thôn và cán bộ kiểm lâm ngăn chặn kịp thời chứ không như trước đây có nhìn thấy phá rừng cũng mặc kệ”.

Theo ông Hoàng Văn Thành - Phó chủ tịch UBND xã Lâm Thượng, Trưởng ban quản lý rừng cộng đồng xã thì từ khi giao rừng cho cộng đồng quản lý, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu về việc phải bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng cộng đồng thành lập các tổ tuần tra bảo vệ với 3-5 người thường xuyên đi tuần tra, kiểm soát rừng. Các nhóm bảo vệ rừng này còn phối hợp với UBND xã và cán bộ kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ rừng, từ đó tạo chuyển biến trong người dân về ý thức bảo vệ rừng. Nhờ vậy, từ năm 2010 đến nay rừng cộng đồng được quản lý nghiêm ngặt, không còn tình trạng chặt phá, phát nương làm rẫy.

Lấy rừng nuôi rừng - hướng phát triển bền vững

 

Cán bộ Kiểm lâm và chính quyền xã Lâm Thượng kiểm tra cây song mây.

Mặc dù rừng cộng đồng đã được bảo vệ tốt, tuy nhiên do chủ yếu rừng ở đây là rừng nghèo kiệt nên bà con chưa được hưởng lợi từ rừng. Để lâm nghiệp cộng đồng phát triển vững chắc, đem lại hiệu quả kinh tế, năm 2012, Chi cục Phát triển lâm nghiệp đã đưa cây mây vào trồng thử nghiệm tại thôn Nậm Chắn. Tham gia mô hình này, các hộ dân được hỗ trợ hoàn toàn về giống, phân bón, kỹ thuật trồng.

Việc đưa cây song mây vào trồng ngay dưới tán rừng góp phần làm phong phú thêm thảm thực vật, về lâu dài, tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng thôn, bản, hạn chế việc khai thác vào rừng tự nhiên.

Mới đầu do chưa nhận thức được lợi ích thiết thực từ việc trồng cây song mây  nên nhiều hộ dân không mấy mặn mà. Nhưng được tuyên truyền về quản lý rừng cộng đồng và được hưởng lợi về rừng nên các hộ dân từng bước nhận thức được ý nghĩa của việc phát triển kinh tế và làm phong phú thêm tài nguyên rừng. Đến nay cộng đồng đều đồng tình hưởng ứng.

“Để trồng được 40ha song mây, chúng tôi đã huy động 800 ngày công, đến nay song mây đã lên tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 85%”  - Trưởng bản Khôn cho biết vậy. Nhiều người dân ở Nậm Chắn cũng bảo rằng từ khi đưa cây mây vào trồng, bà con trong thôn rất phấn khởi. Trồng song mây được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, bà con chỉ phải bỏ công ra trồng và chăm sóc, sau này mây cho thu hoạch sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho bà con trong thôn trong bản. Đến nay, tất cả bà con trong thôn đều tham gia.

Theo ông Đặng Văn Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên: “Dự án thí điểm lâm nghiệp cộng đồng được triển khai tại 4 xã Lâm Thượng, Tân Phượng, Phan Thanh, An Phú với tổng diện tích giao cho thôn bản quản lý là 1.913ha. Từ khi giao cho cộng đồng, rừng được bảo vệ tốt hơn. Để phát huy hiệu quả Dự án, cần phải đưa thử nghiệm các mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ để cộng đồng được hưởng lợi trên mảnh đất ấy, dưới tán rừng ấy, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào. Qua thử nghiệm trồng cây song mây ở thôn Nậm Chắn, xã Lâm Thượng cho thấy song mây phát triển tốt, vừa góp phần làm phong phú thảm thực vật lâu dài vừa nâng cao đời sống cho cộng đồng thôn bản. Chúng tôi sẽ đề nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ dự án trồng song mây và triển khai ra diện rộng”.

Những hiệu quả bảo vệ rừng khi 993ha rừng được giao cho cộng đồng bản quản lý cũng như lợi ích khi đưa cây song mây vào trồng tại đây cũng đã được Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng khẳng định thêm. Có thể nói, việc giao rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư bảo vệ đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, để người dân tham gia quản lý, bảo vệ một cách bền vững hơn cũng cần phải có cơ chế mới đối với lợi ích kinh tế từ rừng mang lại. Bởi chỉ khi nào người dân có cuộc sống no đủ thì công tác quản lý, bảo vệ rừng mới đạt kết quả như mong đợi.

Văn Thông

Các tin khác
Sản xuất cánh đồng mẫu lớn để đồng bộ hóa trong sản xuất.

YBĐT - Đã hơn 4 năm đi vào sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, thế nhưng kết quả mang lại không cao, nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp, doanh nghiệp, tư thương chỉ biết bán hàng, mua lúa gạo khi được mùa, trúng giá chứ chưa dám chịu trách nhiệm đến cùng với người nông dân.

Vợ chồng anh Hờ A Ly và chị Sùng Thị Dung lên chức ông bà ngoại ở tuổi 35 và 32.

YBĐT - Quan niệm kết hôn sớm để gia đình có người làm nương, sớm có cháu nối dõi đã ăn sâu bén rễ trong đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu từ bao đời nay khiến các em bé lứa tuổi 15, 16 sớm bị “kéo” vào sự lo toan của cuộc sống gia đình. Và vấn nạn tảo hôn nơi vùng cao Trạm Tấu vẫn đang diễn ra với những câu chuyện “cười ra nước mắt”...

Cảnh sát giao thông sẽ không phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm thời trang từ tháng tới như dự kiến.

YBĐT - Loại mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng phát triển mạnh từ khi có quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định rõ ràng đối với người kinh doanh MBH.

Đoàn khách du lịch đến từ Pháp thăm quan thôn Bản Đêu.

YBĐT - Là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, du khách đến Nghĩa Lộ - Mường Lò được tiếp cận văn hóa của nhiều dân tộc với hàng loạt những lễ hội mùa xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục