Ngược sông Thao mùa lễ hội về nguồn

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/3/2013 | 2:47:09 PM

YBĐT - Đi ngược sông Thao còn là đi về cội nguồn của tinh thần đoàn kết giữa miền xuôi và miền ngược; về với miền đất đậm đà dấu ấn đời sống tâm linh người Việt; về với mạch nguồn muôn sắc màu văn hóa mỗi tộc người trong dòng chảy của nền văn minh sông Hồng.

Quang cảnh lễ hội đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương (Hạ Hòa - Phú Thọ).
Quang cảnh lễ hội đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương (Hạ Hòa - Phú Thọ).

Dòng sông Hồng xưa gọi sông Thao, người Tày, Thái ở mạn ngược gọi là Nặm Tao. Dòng sông lớn nhất Việt Nam này không chỉ tạo nên đồng bằng châu thổ sông Hồng rộng lớn, phì nhiêu để người dân sống đời đời trù phú mà còn như một chứng nhân lịch sử vệ quốc hàng ngàn năm, là mạch nguồn bồi tụ nên trầm tích của nền văn minh sông Hồng. Bởi vậy, thật chí lý khi 3 tỉnh vùng thượng nguồn gồm: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai cùng hợp tác phát triển du lịch đã chọn chủ đề chung là “Du lịch về cội nguồn”.

Sẵn dự định thực hiện chuyến hành trình ngược dòng sông Thao trong mùa lễ hội, sau kỳ nghỉ tết ở quê, sáng mồng 6 tết tôi đã bắt đầu cho hành trình của mình. Thật ngạc nhiên, giữa tiết mưa xuân dày hạt, bao người đã nườm nượp hành hương về đất Tổ. Chị Phùng Thị Liễu - nhân viên phục vụ ở Đền Hùng cho biết: “Trước đây, đền thường chỉ đông vào dịp lễ hội từ mồng 1 đến mồng 10 tháng ba Âm lịch nhưng những năm gần đây thường cứ mồng 3 tết trở đi là người đến chiêm bái ngày một đông lên”.

Giữa dòng người đông đúc ấy, tôi chợt nhận ra anh Ngô Hải - một người quen đang làm ăn ở Hà Nội. Trong câu chuyện đầu xuân, anh Hải nói rằng. Sau tết, dân kinh doanh chúng mình cũng còn rỗi rãi nên dành thời gian đi lễ đền, chùa. Lịch trình thường bắt đầu từ đền Hùng rồi lên đền Quốc Mẫu ở Hiền Lương vào ngày mồng 7 tháng Giêng, sau đó về dự hội Phết ở Hiền Quan quê vợ để cùng đi cướp phết”.

Anh Hải còn lý giải năm nào anh cũng du xuân như thế là bởi truyền thống của người Việt mình từ xa xưa cứ vào dịp đầu xuân thường đi lễ đền, chùa cầu may, cầu phúc, cầu lộc, cầu bình an. Đền Hùng, đền Quốc Mẫu là những địa chỉ “Nam thiên đệ nhất tối linh” khiến anh thấy mình đến đó như bổn phận của con Hồng, cháu Lạc. Tôi tin rằng những người đến đây cũng có chung một tâm tư như anh Hải.

Trong đám đông đang thắp hương trước đền Thượng còn có cả những sắc áo của người Tày, người Thái, người Dao. Hỏi ra được biết các chị chính là người Dao ở Đại Sơn, Viễn Sơn đất quế Văn Yên. Mấy chị người Dao bảo rằng cứ một, hai tết là nhiều gia đình trong họ lại rủ nhau về với đền Hùng để mong được vua Hùng phù hộ cho cuộc sống. Chia tay nhau, các chị người  còn hỏi: “Mồng 9 tháng Giêng em có lên hội đền Đông Cuông? Để hẹn gặp nhau ở đó”.

Đền Đông Cuông là di tích lâu đời nổi tiếng linh thiêng thờ mẫu Thượng ngàn trong tục thờ tam phủ, tứ phủ của người Việt. Tuy nhiên, từ  xưa trong lễ hội đền này, dân ta còn phối thờ vị thần vệ quốc Cao Sơn Đại vương; phối tế tướng quân Hà Đặc có miếu ở Ghềnh Ngai liền kề, là một danh tướng người Tày Khao ở vùng này được triều đình giao trấn ải mạn ngược châu Quy Hóa, ông đã lập nhiều công lớn trong kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. Hơn nữa, nằm trong Chương trình Du lịch về cội nguồn năm nay, ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn tổ chức cả chương trình Lễ hội sông Hồng. Bởi thế, hội đền Đông Cuông kéo dài tới 3 ngày và có lẽ chưa khi nào đông đúc, náo nhiệt như lễ hội năm nay.

Lễ hội sông Hồng đã tái hiện lại nhiều nét văn hóa người Việt cùng nhiều dân tộc ở vùng này như: phục dựng lại nghi lễ khao quân của nhân dân trong vùng; phục dựng cảnh đua thuyền tập trận; trình diễn quy trình làm giấy dó và lễ cấp sắc của người Dao; phục dựng lại hình ảnh chợ quê miền sơn cước.

Ngoài ra, còn tổ chức các hoạt động văn hóa như trình diễn trang phục các dân tộc; triển lãm với chủ đề “Sông Hồng xưa và nay”; thi đấu các môn thể thao dân tộc; chiếu phim tài liệu và mở thư viện lưu động… Ngay sau khi kết thúc hội đền Đông Cuông, Lễ hội sông Hồng, hầu hết du khách lại kéo nhau sang huyện Lục Yên dự hội đền Đại Cại và hội chọi trâu. Lễ hội này ở Lục Yên giờ cũng đang là một trong số lễ hội thu hút đông du khách nhất ở Yên Bái.

 

Lễ rước kiệu Mẫu trong hội đền Đông Cuông (Văn Yên).

Rời miền quê Yên Bái, ngược sông Thao lên đất Lào Cai với những điểm đến như đền Bảo Hà thuộc xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên); đền Cô thuộc xã Tân An (huyện Văn Bàn) rồi tiếp tục lên với đền Đôi Cô ở Cam Đường; đền Thượng, đền Mẫu ở thành phố Lào Cai… Người dân ở Lào Cai cho biết, ở Lào Cai có hai lễ hội đền đông nhất là đền Bảo Hà và đền Thượng.

Đền Bảo Hà được xây dựng từ cuối triều Hậu Lê. Tương truyền đền này thờ đức ông Hoàng Bảy - một danh tướng họ Nguyễn vào cuối triều Hậu Lê giai đoạn Lê Trung Hưng (1533-1789), đã có công đoàn kết các tộc trưởng miền sơn cước, chiêu mộ quân lính dẹp loạn giặc phương Bắc nhũng nhiễu nơi miền biên giới, mang lại sự bình yên để dân mạn ngược được hưởng cuộc sống thanh bình. Nhưng sau này giặc phương Bắc lại kéo quân sang, trong một trận chiến không cân sức, tướng quân Hoàng Bảy đã anh dũng hy sinh. Tưởng nhớ công lao của người anh hùng, nhân dân đã lập đền thờ ông sát bờ sông Hồng là nơi tương truyền xác của ông Hoàng Bảy đã trôi dạt vào đây.

Đền Thượng là nơi thờ tự Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền được tọa lạc uy nghi trên đỉnh gò Hỏa Đăng sát bờ sông Nậm Thi ở đoạn hợp lưu với sông Hồng. Đây là nơi trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất ở thế kỷ XIII, Trần Quốc Tuấn chọn làm điểm đốt lửa báo hiệu khi có địch tràn qua để quân ta truyền tin về hậu tuyến.

Cũng giống như đền Bảo Hà, hội đền Thượng được mở vào ngày rằm tháng Giêng nhưng du khách thập phương đến chiêm bái luôn đông đúc cho đến hết tháng ba. Trong dịp tết Nguyên đán năm nay do được nghỉ nhiều hơn nên cuối tháng Giêng, Lào Cai đã đón khoảng 4 chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước. Phần đa trong số du khách đó là đi chiêm bái đền chùa và rất đông người Trung Quốc cũng đến lễ bái ở đền Thượng.

Được biết, họ đến lễ bái tại đây vì rất ngưỡng mộ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn - người đã ba lần chỉ huy quân dân Đại Việt chiến thắng quân Nguyên Mông, vốn là đạo quân mà vó ngựa của chúng tung hoành khắp Á, Âu mà không đâu ngăn chặn nổi, kể cả nước Trung Quốc rộng lớn cũng bị khuất phục.

Với người Việt chúng ta, khi hành hương đến những địa chỉ văn hóa dọc theo dòng sông huyền thoại này là ta đi trong hành trình về với cội nguồn: cội nguồn của nòi giống Lạc Hồng dấu ấn ngàn năm trên đỉnh Nghĩa Lĩnh (Lâm Thao) và Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ); cội nguồn của bài ca giữ nước ở ngay trong hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông) là lễ hội tưởng nhớ nữ tướng Thiều Hoa của Hai Bà Trưng luyện quân đánh giặc; tiếp nữa là những miếu Ghềnh Ngai cạnh đền Đông Cuông thờ tướng quân Hà Đặc, đền Nhược Sơn ở xã Châu Quế Hạ (Văn Yên) thờ dũng tướng Hà Chương cũng đánh giặc Nguyên Mông cùng đền Bảo Hà, đền Thượng...

Đi ngược sông Thao còn là đi về cội nguồn của tinh thần đoàn kết giữa miền xuôi và miền ngược; về với miền đất đậm đà dấu ấn đời sống tâm linh người Việt; về với mạch nguồn muôn sắc màu văn hóa mỗi tộc người trong dòng chảy của nền văn minh sông Hồng.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Cán bộ kiểm lâm huyện Lục Yên thường xuyên kiểm tra rừng.

YBĐT - 6 năm gần đây, khu rừng tự nhiên với gần 1.000ha ở thôn Nậm Chắn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) không còn cảnh chặt phá nữa khi xuất hiện mô hình bảo vệ rừng theo cộng đồng do thôn bản quản lý.

Sản xuất cánh đồng mẫu lớn để đồng bộ hóa trong sản xuất.

YBĐT - Đã hơn 4 năm đi vào sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, thế nhưng kết quả mang lại không cao, nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp, doanh nghiệp, tư thương chỉ biết bán hàng, mua lúa gạo khi được mùa, trúng giá chứ chưa dám chịu trách nhiệm đến cùng với người nông dân.

Vợ chồng anh Hờ A Ly và chị Sùng Thị Dung lên chức ông bà ngoại ở tuổi 35 và 32.

YBĐT - Quan niệm kết hôn sớm để gia đình có người làm nương, sớm có cháu nối dõi đã ăn sâu bén rễ trong đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu từ bao đời nay khiến các em bé lứa tuổi 15, 16 sớm bị “kéo” vào sự lo toan của cuộc sống gia đình. Và vấn nạn tảo hôn nơi vùng cao Trạm Tấu vẫn đang diễn ra với những câu chuyện “cười ra nước mắt”...

Cảnh sát giao thông sẽ không phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm thời trang từ tháng tới như dự kiến.

YBĐT - Loại mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng phát triển mạnh từ khi có quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định rõ ràng đối với người kinh doanh MBH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục