Cần thực hiện ngay chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú ở Trấn Yên
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/3/2013 | 10:31:38 AM
YBĐT - Những năm gần đây, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của xã Hồng Ca và xã Kiên Thành -Trấn Yên (Yên Bái) theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều bất cập. Hàng trăm học sinh ở các thôn, bản ĐBKK của xã Hồng Ca Trấn Yên (Yên Bái) đang học bán trú vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ.
Cô giáo Hoàng Thị Hồng Nhẫn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Hồng Ca hướng dẫn học sinh bán trú ăn cơm trưa.
|
Nằm cách thành phố Yên Bái khoảng 35 km, nhưng đi từ trung tâm xã Hồng Ca lên đến thôn Hồng Lâu - nơi có Trường Tiểu học số 2 Hồng Ca phải mất hơn 1 giờ đi xe máy vì đường đất dốc và trơn. Cô giáo Hoàng Thị Hồng Nhẫn - Hiệu trưởng nhà trường đưa chúng tôi đi thăm quan các phòng học và bếp nấu ăn trưa cho học sinh.
- Trường mình được thành lập từ năm nào, thưa chị?
- Từ năm học 2009 - 2010 với 2 điểm trường tại thôn Hồng Lâu và thôn Khuôn Bổ. Năm học 2012 - 2013, Trường có 308 học sinh, 100% là dân tộc Mông, điểm chính thôn Hồng Lâu có 10 lớp, điểm lẻ tại thôn Khuôn Bổ có 5 lớp. Trường không có chỗ ở nội trú nên 143 học sinh ở các thôn, bản đặc ĐBKK nhà xa như thôn Khe Tiến và Khe Ron phải ở trọ các hộ dân để học - Chị Nhẫn đáp lời.
- Học sinh bán trú có hộ khẩu thường trú tại các thôn, bản ĐBKK có được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ không?
- Chưa được hưởng. Tháng 8 năm 2012, một số thầy, cô của trường được mời về huyện tập huấn về trường bán trú. Sau khi tập huấn về, nhà trường và UBND xã đã lập danh sách 143 học sinh gửi về huyện đề nghị cho các em hưởng tiền trợ cấp theo Quyết định số 85 của Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì.
-Vậy nhà trường lấy kinh phí ở đâu để lo bữa trưa cho 308 học sinh?
- Nói thật với các anh, nhà trường hiện được Chương trình đảm bảo chất lượng trường học của Bộ Giáo dục - Đào tạo hỗ trợ tiền ăn trưa cho 40% học sinh, mỗi học sinh 10.000 đồng/bữa và cấp kinh phí để thuê người nấu ăn cho các em. Như vậy chỉ 121 học sinh được hỗ trợ tiền ăn trưa, các thầy, cô giáo trong trường tình nguyện hỗ trợ thêm tiền ăn hàng tháng cho các cháu và tích cực đi vận động các tổ chức trong và ngoài tỉnh, phụ huynh học sinh ủng hộ bằng tiền mặt, gạo, dầu ăn, cá mắm, rau, củi… để duy trì bữa trưa, phấn đấu mỗi tuần các em được ăn một bữa thịt, còn bữa tối và bữa sáng gia đình phải tự lo.
Vào thăm bếp ăn của điểm trường, chính chúng tôi thấy gần 200 suất cơm đã được hai chị đầu bếp nấu xong sắp vào những chiếc cặp lồng đậy nắp cẩn thận. Mỗi cặp lồng có khoảng hơn 2 bát cơm và 1/4 con cá mắm, còn canh do cô giáo chủ nhiệm lấy vào một âu to mang về lớp chia cho từng em.
- Cháu ăn có no không? Tôi hỏi.
Em Thào Thị Súa - học sinh lớp 4E trả lời:
- Chúng cháu ăn no, có bữa còn thừa cơm.
- Cháu mấy tuổi rồi?
- Không biết.
- Nhà có mấy anh, chị em?
- Không biết.
- Thế cháu là thứ mấy trong gia đình?
- Không biết.
Có lẽ vì điều kiện ở nơi vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên các thầy cô giáo của trường đã phải “gồng” mình để vừa lo dạy học vừa lo bữa ăn trưa cho các em, do vậy chất lượng giáo dục có thấp hơn các thôn, xã vùng thấp một chút cũng là điều dễ hiểu.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh bán trú tại Trường THCS xã Hồng Ca cũng không có gì sáng sủa hơn. Theo báo cáo của Trường, năm học 2012 - 2013, Trường có 113 học sinh là người dân tộc Mông, trong đó có 90 học sinh nội trú và hơn 20 học sinh ở trọ các hộ dân trong xã. Số học sinh này hiện chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước.
Rời Hồng Ca, chúng tôi đến Kiên Thành - xã mới hoàn thành Chương trình 135 của Chính phủ đầu năm 2012. Trường THCS Kiên Thành và Trường Tiểu học Kiên Thành được ở gần khu trung tâm xã. Thầy Lê Điền Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Kiên Thành cho biết: “Năm học 2012 - 2013, Trường có 170 học sinh. Trong đó, 90 học sinh bán trú có hộ khẩu thường trú ở các thôn, bản ĐBKK đang được hưởng chế độ 40% mức lương tối thiểu với một nửa số học sinh ở nội trú trong trường và 50% với học sinh ở trọ ngoài trường theo Quyết định số 85 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: "... Học sinh tiểu học và THCS bán trú đang học tại các trường PTDTBT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội Đ BKK; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học, THCS công lập khác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK nhà ở xa trường, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được xét theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT theo Thông tư số 24/2010/TT- BGDĐT... được hỗ trợ 9 tháng/năm học/ học sinh với mức 40% mức lương tối thiểu đối với học sinh ở nội trú trong trường; những học sinh tự lo chỗ ở ngoài trường được hỗ trợ thêm 10% mức lương tối thiểu. Việc chi trả này thực hiện 2 lần/năm học: lần 1 cấp vào tháng 9, lần 2 cấp vào tháng 1 năm sau. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6 tháng 02 năm 2012… |
Năm học 2012- 2013, mặc dù xã đã hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2, cả 90 học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ nhưng thường xuyên không kịp thời. Cụ thể, các em đi học từ tháng 9, đến cuối năm mới nhận được tiền hỗ trợ 4 tháng, còn từ tháng 1/2013 đến nay thì chưa nhận được. Vì vậy, năm học trước, nhà trường và phụ huynh cùng phối hợp thuê người nấu ăn cho các em ăn, năm nay nhà trường không có kinh phí để thuê người nấu nên đành để các em tự nấu ăn theo nhóm tại bếp ăn của trường”.
- Theo quy định, nếu các em đã được hưởng chính sách hỗ trợ thì nhà trường vẫn được cấp kinh phí thuê người nấu ăn chứ? Tôi hỏi.
- Năm học trước vẫn được cấp, nhưng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện lại hướng dẫn nhà trường mua dụng cụ thể thao, tủ thuốc... cho học sinh, song do Trường không có y tế học đường nên tủ thuốc đã bỏ vào kho rồi.
Được biết, năm học 2012 - 2013, Trường Tiểu học Kiên Thành có 72 học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ như Trường THCS Kiên Thành, trong đó có 30 em nội trú trong trường và 60 em trọ ngoài nhà dân. Thầy Nguyễn Văn Long - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đến nay, các em mới được lĩnh 4 tháng hỗ trợ tiền ăn, ở của học kỳ một, còn từ tháng 1/2013 đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Thầy Lê Điền Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Kiên Thành kiểm tra chỗ ở nội trú của học sinh nhà trường.
Năm ngoái, nhà trường cũng được cấp kinh phí thuê người nấu ăn cho các em, song do hướng dẫn mục chi của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện không có, mà lại hướng dẫn mua dụng cụ thể thao và tủ thuốc cho học sinh. Năm học này, chưa thấy cấp khoản kinh phí thuê người nấu ăn, nhưng nhà trường vẫn phải thuê một người ở xã nấu ăn và ứng trước gạo, thức ăn cho các em vì các em tiểu học chưa thể tự nấu ăn được...Thực hiện Nghị quyết số 22/2009/NQ- HĐND tỉnh “Về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 -2015” và Quyết định số 576/QĐ- UBND, ngày 28/4/2010 về phê duyệt Đề án Xây dựng trường PTDTBT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015, Trấn Yên đã chọn 2 xã Kiên Thành và Hồng Ca đưa vào kế hoạch xây dựng hệ thống trường PTDTBT giai đoạn 2010- 2015.
Sau hơn 3 năm triển khai, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng và ra mắt được các trường PTDTBT như ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn... do đó chỗ ăn, ở cho học sinh bán trú khang trang hơn, các chế độ hỗ trợ cho học sinh cơ bản kịp thời. Riêng Trấn Yên đến nay vẫn chưa “đổi tên” được một trường nào ở xã Hồng Ca và Kiên Thành từ trường THCS hoặc tiểu học thành trường PTDTBT, dù đã có trường xây dựng xong Đề án trình lên huyện từ những năm học trước như Trường THCS Kiên Thành.
Theo Quyết định số 85 và Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT - BGDĐT - BTC - BKHĐT của 3 Bộ: Giáo dục - Đào tạo, Tài chính và Kế hoạch - Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85 của Thủ tướng Chính phủ thì các em học sinh bán trú có hộ khẩu ở thôn, bản ĐBKK thuộc Trường Tiểu học số 2 Hồng Ca và Trường THCS Hồng Ca, Trường THCS Kiên Thành, Trường Tiểu học Kiên Thành đều được hưởng chính sách hỗ trợ.
Như vậy, mặc dù xã Hồng Ca và Kiên Thành đã hoàn thành Chương trình 135 nhưng chưa chuyển đổi được trường nào sang mô hình trường PTDTBT, song học sinh có hộ khẩu thường trú ở các thôn, bản ĐBKK của hai xã này đi học bán trú tại các trường tiểu học và THCS công lập đều có quyền được hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Từ những bất cập này, ngày 31 tháng 12 năm 2012, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 50/QĐ-UBND “ Về việc ban hành tiêu chí xét duyệt học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Yên Bái” theo đúng những quy định tại Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT- BGDĐT-BTC- BKHĐT.
Ngày 24 tháng 01 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg Quyết định chính sách hỗ trợ cho học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội ĐBKK, Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/03/2013. Hy vọng từ những bất cập trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo ở huyện Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung sẽ nghiên cứu đầy đủ, chính xác để thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh tại các trường PTDTBT và học sinh có hộ khẩu thường trú ở các thôn, bản, xã ĐBKK trong tỉnh đảm bảo kịp thời, chính xác, tránh những thiệt thòi cho học sinh có đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ mà không được hưởng hoặc được hưởng nhưng rất chậm như đã xảy ra ở xã Hồng Ca và Kiên Thành.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Đi ngược sông Thao còn là đi về cội nguồn của tinh thần đoàn kết giữa miền xuôi và miền ngược; về với miền đất đậm đà dấu ấn đời sống tâm linh người Việt; về với mạch nguồn muôn sắc màu văn hóa mỗi tộc người trong dòng chảy của nền văn minh sông Hồng.
YBĐT - 6 năm gần đây, khu rừng tự nhiên với gần 1.000ha ở thôn Nậm Chắn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) không còn cảnh chặt phá nữa khi xuất hiện mô hình bảo vệ rừng theo cộng đồng do thôn bản quản lý.
YBĐT - Đã hơn 4 năm đi vào sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, thế nhưng kết quả mang lại không cao, nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp, doanh nghiệp, tư thương chỉ biết bán hàng, mua lúa gạo khi được mùa, trúng giá chứ chưa dám chịu trách nhiệm đến cùng với người nông dân.
YBĐT - Quan niệm kết hôn sớm để gia đình có người làm nương, sớm có cháu nối dõi đã ăn sâu bén rễ trong đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu từ bao đời nay khiến các em bé lứa tuổi 15, 16 sớm bị “kéo” vào sự lo toan của cuộc sống gia đình. Và vấn nạn tảo hôn nơi vùng cao Trạm Tấu vẫn đang diễn ra với những câu chuyện “cười ra nước mắt”...