Văn Chấn lại “nóng” bệnh dại
- Cập nhật: Thứ ba, 23/4/2013 | 9:33:15 AM
YBĐT - Bệnh dại đang có những diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tại huyện Văn Chấn, số người phơi nhiễm do chó dại cắn những ngày qua tăng đột biến. Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 670 người bị phơi nhiễm chó nghi dại cắn ở 30/31 xã, thị trấn, 4 người đã tử vong...
Em Lường Thị Hải chỉ vết sẹo do chó nghi dại cắn.
|
Người cần không có, người có không cần
Dưới cái nắng gay gắt buổi trưa hè, chúng tôi tìm đến gia đình ông Lường Văn Kiên ở bản Tào, xã Hạnh Sơn – người mà cả 3 đứa con đều bị chó nghi dại cắn là Lường Thị Hải, Lường Văn Tiến, Lường Thị Long. Trong ngôi nhà sàn tuềnh toàng phơi mặt ra dòng Thia, em Lường Thị Hải, sinh năm 1996, pha trà mời khách với vẻ hồn nhiên.
- Em bị chó nghi dại cắn khi nào?
- Em không nhớ lắm, tầm hai tháng gì đấy, con chó của gia đình cắn vào gót chân, đến nay sẹo đã mờ - Hải trả lời.
- Con chó sau khi cắn em thì sao?
- Nhà em nuôi 2 con. Con cắn em sau đó lăn ra chết, con còn lại tiếp tục cắn hai đứa em của em, sau đó gia đình đã đập chết và mổ thịt rồi.
- Em có biết bị chó nghi dại cắn rất nguy hiểm không?
- Em không biết.
- Thế mẹ em có biết không?
- Tôi cũng không biết - mẹ của Hải trả lời.
Chúng tôi không khỏi giật mình và nhờ hai cán bộ Trung tâm Y tế huyện và anh Hoàng Anh Tuấn - Trưởng trạm Trạm Y tế xã Hạnh Sơn giải thích về các nguy cơ của bệnh dại. Sau khi nghe xong và hiểu được mức độ nguy hiểm của chó nghi dại cắn, khuôn mặt mẹ Hải nhợt nhạt, ánh mắt như cầu cứu.
Sự hồn nhiên, ngây thơ đã tắt lịm và thay vào đó là sự lo lắng: “Giờ em phải làm gì!”. “Em phải đi tiêm phòng chó dại cắn” - anh Tuấn trả lời và chia sẻ: “Trưa ngày 9/4, Hải có biểu hiện co giật, nấc, mệt và khó thở, sau đó gia đình đã đưa em đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Tại đây, các bác sỹ hỏi và biết được Hải đã bị chó dại cắn. Với biểu hiện vừa rồi Hải bị không phải do bệnh dại nên các bác sỹ chỉ tiêm thuốc điều trị. Về cơ bản Hải vẫn chưa được tiêm phòng dại”.
Một liều tiêm phòng chó dại cắn là 950 nghìn đồng, trong khi đó cả 3 chị em của Hải cùng bị chó cắn, tính ra 3 liều tương đương gần 3 triệu đồng, như vậy là quá sức so với điều kiện gia đình em hiện nay. Ngoài con trâu, 1.200 m2 ruộng, một vụ thu hoạch 4 tạ thóc, gia đình 6 khẩu ăn không đủ nên bố của Hải phải xuống Hà Nội làm thêm nghề thợ xây.
Anh Vì Văn Chiên - Trưởng bản Tào cho biết: “Gia đình Lường Văn Kiên đã ra khỏi hộ nghèo từ năm ngoái”. Ánh mắt buồn, lời cầu cứu của Hải: “Anh ơi, em sợ lắm! Em muốn được tiêm phòng và được sống, các anh giúp em với!”, khiến chúng tôi day dứt mãi.
Anh Lò Văn Sơn ở bản Cại, xã Hạnh Sơn là một trong những hộ nghèo nhất xã. Vợ mất cách đây 4 năm để lại cho anh 4 con thơ dại. Cháu lớn từ nhỏ nuôi rất khó khăn do bệnh tật, cháu nhỏ Lò Văn Giáp sinh năm 2001 bị nghi mắc dại.
Sau khi được cán bộ y tế tư vấn, tuyên truyền về nguy cơ của bệnh dại và sự cần thiết của việc tiêm phòng chó dại cắn, anh Sơn mới hốt hoảng: “Chết cơ à! Nhưng gia đình không có tiền làm sao cháu Giáp đi tiêm được?”. “Anh yên tâm, gia đình mình là hộ nghèo, huyện đã có quyết định các hộ nghèo sẽ được tiêm phòng dại miễn phí. Anh chỉ cần đưa cháu đi tiêm là được” - những cán bộ y tế và chúng tôi chia sẻ. Anh Sơn ôm chầm lấy đứa con nhỏ mừng rỡ: “Chiều nay bố đưa con đi tiêm ngay, càng sớm càng tốt”.
Sự lo lắng, mừng vui của người được tiêm và mong muốn được tiêm của những người dân nghèo là dễ hiểu. Họ hiểu không tiêm phòng bệnh dại sẽ nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân, gia đình có thu nhập ổn định và có hiểu biết lại tỏ ra thờ ơ, chỉ tin vào những điều không có cơ sở khoa học, chẳng hạn bị chó cắn gặp đám ma phải tránh nhưng nếu đi không thấy vấn đề gì là yên tâm...
Cận cảnh vết sẹo do chó nghi dại cắn của em Lò Văn Giáp.
Ở Sơn Thịnh, người dân vẫn kể chuyện một gia đình có chó bị chó dại khác cắn chảy máu đã có biểu hiện bất thường như bỏ ăn một thời gian dài, sủa, cắn suốt ngày. Tuy thế, chủ nhà vẫn rất ngoan cố: “Không bận gì, vì con chó nhà mình tiêm rồi nên nó không phải là chó dại. Bị chó cắn đến giờ đã 3 tháng nhưng tôi không thấy biểu hiện bất thường. Con chó sau đó đã có nhiều biểu hiện suy yếu không rõ lý do, tôi đã đập chết và mổ thịt.
Các cán bộ y tế, hàng xóm động viên đi tiêm phòng dại, nhưng cơ thể tôi thế nào tôi biết, không đi là không đi, chứ không phải vì vật chất!?”. Hay như trường hợp của bà Đỗ Thị Thoa, 52 tuổi ở khu 2A, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, sau khi bị chó cắn không đến cơ sở y tế tiêm phòng, thay vào đó, bà Thoa đã tìm đến thầy lang xin thuốc, nhưng tiếc thay sau hai tháng ủ và phát bệnh, nạn nhân đã tử vong.
Thực trạng bệnh dại
Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn đã có 670 người bị phơi nhiễm chó nghi dại cắn ở 30/31 xã, thị trấn, trong đó số người được tiêm phòng dại là 514, số chưa được tiêm phòng: 156. Tính cả số người chưa được tiêm phòng năm 2012 đến thời điểm này là 334 người (số người nghèo là 154), tập trung nhiều nhất ở các xã: Hạnh Sơn 38 người, Phù Nham 35 người, Cát Thịnh 34 người, Tân Thịnh 32 người, Minh An 25 người….
Đã có 4 người tử vong do chó dại cắn, điển hình là trường hợp ông Vũ Văn Vàng, sinh năm 1960, trú thôn Văn Thi 4, xã Sơn Thịnh bị chó gia đình cắn ngày 15/11/2012, đến ngày 3/4/2013 thì tử vong do không tiêm phòng. Bác sỹ Nguyễn Đình Liên - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn cho biết: “Vẫn còn một bộ người dân nhận thức chưa đầy đủ, chủ quan, coi thường tính mạng của mình. Có người bị chó cắn, mặc dù hiểu được mức độ nguy hiểm nhưng thay việc đI tiêm phòng dại lại đi “bốc thuốc” và kết cục đã dẫn đến cái chết thương tâm…”.
Đối với đàn chó, tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Văn Chấn có 24.000 con, trong đó, ngành thú y mới tổ chức tiêm phòng dại được 17.000 con, đạt tỷ lệ 72,7%. Ông Phạm Anh Tú - Trưởng trạm Thú y huyện cho biết: “Với những diễn biến phức tạp của bệnh dại trên đàn chó hiện nay, Trạm đã ra Văn bản số 02/CV - TY ngày 3/1/2013 về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại cho các xã, thị trấn; triển khai ngay việc tiêm phòng cho toàn bộ đàn chó và đến hết ngày 30/4 sẽ tiêm xong 22.000 con; tiếp tục triển khai tiêm phòng các xã vùng ngoài của huyện.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai tiêm phòng, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn bởi mỗi xã chỉ có một cán bộ thú y, trang thiết bị, bảo hộ còn thiếu; tiền công lại ít (4.500 đồng/con)… Đặc biệt là các xã vùng cao, vùng sâu, chó thường thả rông nên rất vất vả trong việc tiêm phòng”.
Tính mạng con người là quan trọng, trong khi đó, số người hiện chưa được tiêm phòng tại các xã, thị trấn của huyện vẫn còn cao.
Đơn cử, khi chúng tôi xuống một số hộ gia đình có người bị nghi chó dại cắn, hỏi họ có biết sự nguy hiểm của việc không đi tiêm phòng thì hầu hết trả lời là không biết. Câu hỏi đặt ra là: Có phải công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống bệnh dại và cách thức nuôi thả chó cho người dân ở cơ sở đang còn rất coi nhẹ, chủ quan?
Giải pháp
Đem những câu chuyện thực tế trao đổi với đồng chí Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Trần Văn Mộc, đồng chí khẳng định: “Ngay khi nắm bắt số người bị chó nghi dại cắn và những diễn biến nguy hiểm cũng như mức độ gia tăng của bệnh dại, ngày 17/4/2013, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh huyện đã tổ chức họp tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó và vận động những người bị chó nghi dại cắn đi tiêm phòng.
Đặc biệt, trong cuộc họp đã ra chỉ thị: miễn phí 100% cho người nghèo bị chó dại cắn khi đi tiêm phòng dại, đồng thời yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, y tế cơ sở rà soát các hộ cận nghèo nghi chó dại cắn và ủng hộ 50% kinh phí tiêm phòng, ai bị chó dại cắn phải tiêm phòng dứt điểm”.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện phải phối hợp chặt chẽ với các, ban, ngành, đoàn thể của huyện, đặc biệt là Trạm Thú y để triển khai các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo cấp cơ sở chủ động tuyên truyền, vận động người bị chó nghi dại cắn đến các điểm tiêm phòng; tổ chức các lớp tập huấn cán bộ, y tế cơ sở về cách phòng, chống bệnh dại cho người và đàn chó.
Các cơ quan y tế phải phối hợp với ngành giáo dục đưa các nội dung phòng, chống bệnh dại và mức độ nguy hiểm vào nhà trường; lấy đối tượng tuyên truyền là học sinh để vận động người thân trong gia đình bị chó nghi dại cắn đi tiêm phòng; biên soạn tài liệu, nội dung tuyên truyền phòng, chống dại và phải được phổ biến liên tục trên hệ thống loa truyền thanh xã; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại các xã trọng điểm để kiểm tra, đánh giá công tác tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, y tế cơ sở về phòng, chống bệnh dại; đề nghị 100% người dân các xã, thị trấn ký cam kết nếu bị phơi nhiễm do chó nghi dại cắn phải đến các điểm tiêm phòng dại; chuẩn bị vật tư, thiết bị, số lượng vác xin cần thiết, sẵn sàng đáp ứng, điều trị tại chỗ…
Ngọc Minh
Các tin khác
YBĐT - Những năm gần đây, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của xã Hồng Ca và xã Kiên Thành -Trấn Yên (Yên Bái) theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều bất cập. Hàng trăm học sinh ở các thôn, bản ĐBKK của xã Hồng Ca Trấn Yên (Yên Bái) đang học bán trú vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ.
YBĐT - Đi ngược sông Thao còn là đi về cội nguồn của tinh thần đoàn kết giữa miền xuôi và miền ngược; về với miền đất đậm đà dấu ấn đời sống tâm linh người Việt; về với mạch nguồn muôn sắc màu văn hóa mỗi tộc người trong dòng chảy của nền văn minh sông Hồng.
YBĐT - 6 năm gần đây, khu rừng tự nhiên với gần 1.000ha ở thôn Nậm Chắn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) không còn cảnh chặt phá nữa khi xuất hiện mô hình bảo vệ rừng theo cộng đồng do thôn bản quản lý.
YBĐT - Đã hơn 4 năm đi vào sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, thế nhưng kết quả mang lại không cao, nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp, doanh nghiệp, tư thương chỉ biết bán hàng, mua lúa gạo khi được mùa, trúng giá chứ chưa dám chịu trách nhiệm đến cùng với người nông dân.