Sản xuất giấy đế: Cần chế tài mạnh

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/5/2013 | 2:23:43 PM

YBĐT - Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 8 nhà máy xả nước thải ra sông Hồng thuộc địa bàn các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, thành phố Yên Bái và 2 nhà máy xả nước thải ra sông Chảy tại huyện Lục Yên. Nước thải của nhiều nhà máy sản xuất giấy đế không qua hệ thống xử lý nước thải mà xả thẳng ra môi trường.

Nước thải của nhiều nhà máy sản xuất giấy đế không qua hệ thống xử lý nước thải mà xả thẳng ra môi trường.
Nước thải của nhiều nhà máy sản xuất giấy đế không qua hệ thống xử lý nước thải mà xả thẳng ra môi trường.

Vào thời điểm trước năm 2010, các cơ sở sản xuất giấy đế chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh Yên Bái đã thành lập các đoàn kiểm tra, ra quyết định tạm dừng sản xuất và yêu cầu các cơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy chuẩn quốc gia mới cho phép tiếp tục sản xuất. Sau một thời gian thực hiện, nhiều cơ sở sản xuất đã chấp hành nghiêm quy định của tỉnh nhưng cũng có cơ sở cố tình vi phạm.

Nghiêm…

Nhà máy giấy đế Minh Quân, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên thuộc Công ty cổ phần Nông - lâm sản thực phẩm Yên Bái có 2 dây chuyền sản xuất với công suất 2.700 tấn sản phẩm/năm. Cũng giống các nhà máy sản xuất giấy đế khác, trước đây Nhà máy giấy đế Minh Quân không xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy chuẩn mà trực tiếp xả thải ra sông Hồng, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh.

Trước tình hình đó, năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái đã phối hợp với các ngành chuyên môn thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm, đình chỉ sản xuất, yêu cầu đơn vị xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy chuẩn thì mới cho phép tiếp tục hoạt động.

Thực hiện kết luận của đoàn kiểm tra, tháng 4/2010, Công ty cổ phần Nông - lâm sản Yên Bái đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy giấy đế Minh Quân công suất 700m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng. Đây là công nghệ xử lý nước thải công nghiệp do Viện nghiên cứu da giầy Việt Nam lắp đặt đảm bảo đạt Quy chuẩn Việt Nam 12 (quy chuẩn áp dụng cho nước thải công nghiệp của các nhà máy sản xuất giấy và bột giấy).

Trong quá trình vận hành công trình xử lý nước thải tại Nhà máy giấy đế Minh Quân, Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần lấy mẫu nước phân tích, đánh giá chất lượng nước thải ra sông Hồng. Theo kết quả phân tích tại thời điểm kiểm tra, nước thải qua hệ thống xử lý của nhà máy đảm bảo quy chuẩn quốc gia về môi trường.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Nhà máy giấy đế Minh Quân cho biết: “Dù đã qua hệ thống xử lý nhưng nước thải vẫn có màu vàng, mùi hắc song nước thải này không ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của các hộ dân xung quanh. Ở đây, các hộ dân vẫn sử dụng nước giếng trong sinh hoạt hàng ngày. Để hệ thống xử lý nước thải đảm bảo hoạt động bình thường, định kỳ 1 tháng/lần, nhà máy sẽ ngừng sản xuất một ngày để bảo dưỡng và xử lý các sự cố của hệ thống xử lý nước thải”.

Là một trong 3 nhà máy sản xuất giấy đế của Công ty cổ phần Nông - lâm sản thực phẩm Yên Bái, vào thời điểm trước năm 2010, hoạt động sản xuất của Nhà máy giấy đế Yên Bình ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thực hiện Quyết định số 236/QĐ - UBND ngày 16/3/2010 của UBND tỉnh Yên Bái về việc tạm thời đình chỉ hoạt động đối với Nhà máy này, Công ty cổ phần Nông - lâm sản thực phẩm Yên Bái đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với tổng mức đầu tư trên 5,5 tỷ đồng.

Trong quá trình vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, Chi cục BVMT đã nhiều lần lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng nước thải. Kết quả phân tích các mẫu cho thấy, hệ thống xử lý nước thải có các tiêu chuẩn đạt quy chuẩn Việt Nam 12. Trên cơ sở đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, cuối năm 2010, UBND tỉnh đã có quyết định cho phép Nhà máy giấy đế Yên Bình được hoạt động trở lại.

Đến nay, sau nhiều lần thành lập các đoàn kiểm tra, Chi cục BVMT tỉnh đánh giá hệ thống xử lý nước thải của nhà máy vẫn hoạt động tốt và đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép.

 

Hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy Giấy đế Minh Quân được đầu tư xây dựng từ năm 2010, trị giá gần 1,5 tỷ đồng.

…và chưa nghiêm

Theo ông Hà Mạnh Cường - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiêm Chi cục trưởng Chi cục BVMT Yên Bái, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 8 nhà máy xả nước thải ra sông Hồng thuộc địa bàn các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, thành phố Yên Bái và 2 nhà máy xả nước thải ra sông Chảy tại huyện Lục Yên.

Bên cạnh các nhà máy sản xuất giấy đế chấp hành nghiêm các quy định về BVMT, xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy chuẩn quốc gia, một số nhà máy vẫn không xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy chuẩn, lén lút hoạt động dù đã bị đình chỉ hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng trong quá trình sản xuất không vận hành mà xả thẳng ra môi trường bằng hệ thống cống rãnh nhằm giảm tối đa chi phí đầu vào cho sản xuất. Để chứng minh, ông Cường đưa cho chúng tôi 2 biên bản xử lý vi phạm hành chính do đoàn kiểm tra của Chi cục lập.

 

Nước thải của một số nhà máy giấy vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường.

Theo biên bản ngày 14/3/2013 của đoàn kiểm tra Chi cục BVMT tỉnh lập tại Xí nghiệp giấy Văn Yên, thuộc Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn, tại thời điểm kiểm tra, xí nghiệp không vận hành hệ thống xử lý nước thải, nước thải được xả trực tiếp ra môi trường. Nước thải trong quá trình sản xuất không được thu gom triệt để vào hệ thống xử lý mà để chảy tràn ra phân xưởng sản xuất.

Công tác lưu trữ chất thải nguy hại tại xí nghiệp chưa đảm bảo theo quy định. Gần đây nhất, ngày 26/3 tại Xí nghiệp giấy Trấn Yên (cũng thuộc Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn) không vận hành xử lý nước thải mà xả thải trực tiếp ra môi trường. Theo lý giải của doanh nghiệp vì hệ thống bơm nước từ bể chứa lên hệ thống xử lý bị hỏng.

Tuy nhiên, xí nghiệp vẫn không tạm dừng sản xuất để sửa chữa theo quy định. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu đơn vị tạm dừng sản xuất, bịt ngay đường dẫn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và sửa chữa hệ thống máy bơm mới được sản xuất tiếp. Đến nay, hệ thống xử lý nước thải của xí nghiệp đã được sửa chữa nhưng liệu đơn vị có thực hiện nghiêm túc các quy định xả thải và vận hành liên tục hệ thống xả nước thải ra môi trường hay vẫn lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường thì thật khó có câu trả lời chính xác.

Những vi phạm của các đơn vị trên đã được Chi cục BVMT lập biên bản vi phạm hành chính chuyển Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xử lý theo quy định của Nhà nước. Trước đó, vào tháng 5/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có 2 công văn yêu cầu Lâm trường Lục Yên và Công ty cổ phần Hapaco Yên Sơn dừng ngay các hoạt động sản xuất khi chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đối với xưởng sản xuất giấy đế Khánh Hoà và Nhà máy giấy đế An Bình. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau đến nay, hai đơn vị này vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên vẫn phải tạm dừng sản xuất .

Cần có chế tài xử lý mạnh hơn

Là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn tỉnh Yên Bái, ông Cường khẳng định: “Chi cục sẽ làm tốt hơn công tác tham mưu cho Sở và UBND tỉnh để quản lý các cơ sở sản xuất được tốt hơn. Đặc biệt là xử lý mạnh hơn, quyết liệt hơn đối với các cơ sở vi phạm, tránh tình trạng “nhờn thuốc”.

Tuy nhiên, với 16 cán bộ, Chi cục cũng gặp không ít khó khăn trong kiểm tra các đơn vị vi phạm, trong khi địa bàn hoạt động rộng, kinh phí thấp. Bên cạnh đó, theo quy định nếu muốn kiểm tra một cơ sở sản xuất nào đó thì Chi cục phải gửi công văn đến các cơ sở đó trước nên cũng rất khó phát hiện ra dấu hiệu vi phạm.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất nhằm nâng cao trách nhiệm và ý thức BVMT của cơ sở. Đồng thời đề nghị tăng cao mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các sở vi phạm hoặc cưỡng chế tạm dừng hoạt động đối với những cơ sở cố  tình vi phạm”.

Quan trọng hơn, chính quyền các địa phương có nhà máy sản xuất giấy đế phải thường xuyên kiểm tra các cơ sở có hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường để xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo ngay các ngành chức năng để tạm dừng hoạt động sản xuất. Do các cơ sở sản xuất giấy đế trên địa bàn tỉnh không tập trung trong một khu vực nhất định nên việc xây dựng một khu vực xử lý nước thải tập trung, hiện đại cho tất các các nhà máy này không thể thực hiện được. Vì vậy, các cơ sở sản xuất phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải của đơn vị và hơn hết, các cơ sở này phải nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, tránh tình trạng khi có các đoàn kiểm tra thì xả thải qua hệ thống xử lý còn không thì lại “trực tiếp” ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

 Mạnh Quyết

Các tin khác
Cô và trò trong lớp học mầm non ở thôn Cu Vai, xã Xà Hồ.
(Ảnh: Mạnh Cường)

YBĐT - Đã có lúc ngành học mang tính căn bản, nền tảng ở vùng cao Trạm Tấu chưa được quan tâm đầu tư đúng mức và toàn diện. Hệ quả là chất lượng đầu vào hệ tiểu học nhìn chung thấp, tình trạng học sinh chán học, sợ học phổ biến, việc duy trì sỹ số trở thành áp lực hàng đầu của những người làm công tác giáo dục.

Một hộ dân ở thôn Ba Khuy, xã Nà Hẩu làm nhà ở, sản xuất nương rẫy ngay trong “lõi rừng” Khu bảo tồn.

YBĐT - Ở xã Nà Hẩu hiện có tới 93 hộ dân được cấp “sổ đỏ” vào diện tích KBT. Nhiều hộ được cấp sổ đỏ từ năm 2001 đến nay không trồng rừng mà chỉ trồng lúa nương, ngô, sắn ngay trong “lõi rừng”, cứ mỗi năm lại phát trộm vào rừng tự nhiên KBT một vài mét.

Các học viên trong buổi hành quân dã ngoại.

YBĐT - Tham gia Học kỳ quân đội (SIA) sẽ giúp các em rèn kỹ năng sống, tính tự lập, biết yêu thương bạn bè, cảm thông và biết chia sẽ với gia đình, rèn luyện tính năng động, nâng cao khả năng tự nhận thức và cảm quan về cuộc sống, biết quan tâm, chia sẻ với những người khác và đặc biệt hơn khi tham gia chương trình này các em sẽ được sống và làm việc như một người lính thực thụ.

Ngư dân chuẩn bị vó đèn để khai thác thủy sản trên hồ Thác Bà.

YBĐT - Thành phố nổi" - cụm từ này được những ngư dân sinh sống quanh khu vực hồ Thác Bà thường dùng để nói về khu vực tập trung của những chiếc vó đèn đánh bắt các loại cá. Với mức siêu lợi nhuận mà hình thức đánh bắt này đem lại, năm 2012, ngư dân vùng hồ Thác Bà đã ồ ạt đầu tư vào vó đèn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục