Ươm mầm trên núi
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/5/2013 | 2:42:58 PM
YBĐT - Đã có lúc ngành học mang tính căn bản, nền tảng ở vùng cao Trạm Tấu chưa được quan tâm đầu tư đúng mức và toàn diện. Hệ quả là chất lượng đầu vào hệ tiểu học nhìn chung thấp, tình trạng học sinh chán học, sợ học phổ biến, việc duy trì sỹ số trở thành áp lực hàng đầu của những người làm công tác giáo dục.
Cô và trò trong lớp học mầm non ở thôn Cu Vai, xã Xà Hồ.
(Ảnh: Mạnh Cường)
|
Đề án Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi huyện Trạm Tấu, giai đoạn 2011 - 2015 được triển khai nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trên. Sau gần 3 năm thực hiện, Đề án đã đem lại những chuyển biến khá tích cực cho dù vẫn còn không ít khó khăn.
Chuyện lớp, chuyện trường
Chúng tôi lên điểm trường mầm non Păng Dê, xã Bản Mù. Núi cao, đường dốc, mưa rào đầu hạ chợt đến chợt đi. Trưởng thôn Phàng A Chống nói ngắn: "Trước không có cái trường này đâu à". "Không có trường thì các cháu học ở đâu?" - tôi hỏi. "Trước không có trường, trẻ con đi Khấu Ly xa lắm, cái chân mình đi nhanh nhưng chân nó đi không nhanh, cứ đưa nó đi đưa nó về thì chẳng làm tốt cái lúa, cái ngô, bụng lại đói mà!" - Phàng A Chống nói. Chị em cười thông cảm còn trưởng thôn vui vẻ vì con em có trường có lớp để học.
Chúng tôi vào lớp, những đứa trẻ người Mông như ngô, như khoai đồng thanh chào rồi tiếp tục đọc thơ, học hát, âm tiếng chưa tròn vành nhưng đã rõ ràng. Điểm trường Păng Dê nằm trên đỉnh núi, nhà gỗ, mái lợp phibrôximăng. Nhà làm lớp học cho trẻ, chái quây làm nơi ở cho cô giáo.
Cô giáo Tòng Thị Vân cho biết thêm: "Ngoài Păng Dê, nhà trường còn 6 điểm trường nữa ở các thôn: Khấu Ly, Mù Thấp, Mù Cao, Tàng Ghênh, Háng Chi Mua, Giàng La Pán. Trong 11 phòng học mầm non của xã hiện giờ chưa có phòng nào kiên cố, bán kiên cố cỡ như Păng Dê mới có 5, còn lại là phòng học tạm hoặc học nhờ trường tiểu học và nhà văn hóa thôn".
Cơ sở vật chất như vậy nhưng nhờ có các điểm trường thôn, bản mà năm học 2012 - 2013 chỉ tiêu giao số trẻ là 274 cháu, tới tháng 4/2013 đã huy động 316 cháu ra lớp, trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 125/132 cháu, đạt 94,7%.
Chuyện lớp, chuyện trường vùng cao na ná nhau, bên Xà Hồ, cô giáo Trần Thị Kim Oanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã đón chúng tôi ở Tà Ghênh. Cô Oanh cho hay, Xà Hồ đã có 7/9 thôn là Đầu Cầu, Háng Xê, Cu Vai, Suối Giao, Khán Pè, Háng Thồ, Sáng Pao có điểm trường mầm non. Các điểm trường nằm ở trung tâm thôn, bản, khoảng dãn cự ly trên dưới 9 km đường núi, đi bộ mất hai giờ, đi xe máy khoảng một giờ.
Vùng cao dân cư thưa thớt, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, nếu không có các điểm trường thôn, bản thì khó có thể kéo trẻ ra lớp đông như bây giờ, nhất là trẻ 5 tuổi. Tà Đằng mấy năm trước trẻ 5 tuổi ra lớp đếm trên "đầu ngón tay" nhưng năm học này đã huy động đủ 20 cháu. Tà Ghênh ở trung tâm xã, Đầu Cầu gần sát trung tâm, khá hơn về cơ sở vật chất và gần về cự ly nên 100% trẻ 5 tuổi trong các thôn đã ra lớp.
Không chỉ vậy, số trẻ vùng phụ cận xuống học nhiều hơn, kế hoạch chiêu sinh ở một số điểm trường đều "vỡ" vì vượt chỉ tiêu giao, lo về cơ sở vật chất nhưng lại mừng vì trẻ ra lớp ngày một nhiều. Chuyện lớp, chuyện trường vùng cao một hai năm nay từng bước được tăng cường nhờ hỗ trợ của Nhà nước và xã hội hóa. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng trường Mầm non xã Bản Công cho biết: "Trong 5 điểm lẻ ở Tà Sùa, Tà Chử, Kháo Chu, Bản Công, Sán Trá có 6 phòng học cho trẻ 5 tuổi thì đã có 4 phòng kiên cố, còn lại là bán kiên cố".
Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và xã hội hóa, một số nhà lớp học, đường lên điểm trường thôn, bản đã được đầu tư, cải tạo. Vừa qua, đã huy động sức dân lao động san gạt mặt bằng, đào rãnh, đổ bê tông làm đường lên điểm trường trung tâm, làm nhà lớp học thôn Bản Công, đổ bê tông sân và đường lên điểm trường thôn Tà Sùa.
Trường hiện có 5 điểm lẻ, điểm trường thôn Sán Trá cách điểm chính 12 km và cách điểm lẻ gần kề tới 7 km đường núi. Sán Trá là thôn xa nhất của xã, trước đây việc huy động trẻ ra lớp rất chật vật vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chưa có trường lớp cho trẻ. Trường lớp đã về bản, nên năm học này đã có 30 cháu đến lớp, 100% trẻ 5 tuổi đến trường.
"100% số xã, thị trấn ở Trạm Tấu có trường mầm non và có thể nói huyện đã xóa được thôn, bản trắng giáo dục mầm non. Trong số 117 phòng học mầm non hiện có, huyện đã kiên cố hóa gần 30%, phòng học tạm chỉ còn 29%" - Phó trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Trần Thị Tuyết cho biết. Còn khiêm tốn và ở khoảng cách xa với yêu cầu nhưng đó là những tín hiệu mừng với giáo dục mầm non ở Trạm Tấu.
Dạy và học
Có trường, có lớp về thôn, tỷ lệ trẻ 5 tuổi huy động ra lớp ở Trạm Tấu năm học này đã tăng nhanh nhưng đâu phải cứ có lớp, có trường là trẻ ra trường, ra lớp. Vận động phổ cập giáo dục mầm non là kỳ công ở vùng cao, không nhiều nhưng đã có ông bố dọa đánh cô giáo khi họ đến nhà vận động, đã có cán bộ ở một xã "té nước" giáo viên vì tích cực vận động phổ cập làm chính quyền "sốt ruột". Nhưng những cản trở ấy không ngăn được nhiệt tình cống hiến và trách nhiệm của những thầy cô giáo mầm non. Năm học này, Trạm Tấu đã có 2.296/2.643 cháu ra lớp mẫu giáo, trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đã lên tới 98%. Trẻ 5 tuổi ra lớp tăng nhưng áp lực lớn đặt ra là duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần.
Để "giữ chân" trẻ không cách nào khác là phải nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục. Chị Sùng Thị Giàng - phụ huynh của cháu Phàng A Sử học mẫu giáo 5 tuổi ở điểm trường Păng Dê nói với cô Hạnh, cô Thu: "Nó thích ở trường nhiều rồi, mình đến thấy nó được ăn no, được ngủ, được học thế này thì nó có cái chữ, cái tiếng nhanh hơn rồi!".
Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Thoa, nhà trường quyết liệt thực hiện chuyên đề giáo dục dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm để trẻ ăn no, đủ chất. Trong 316 cháu của 11 nhóm lớp, 168 cháu được nấu ăn tại trường, số cháu còn lại mang cơm cặp lồng. Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, nhà trường đã quan tâm bổ sung thức ăn vào khẩu phần để trẻ ăn no và đủ dinh dưỡng. So sánh đầu vào với hiện tại, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 4%, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 5%.
Giờ học tô màu của trẻ 5 tuổi Trường Mầm non Sơn Ca xã Bản Công.
Trường Mầm non Bản Công đã tổ chức cân đo, khám sức khỏe cho trẻ, thực đơn hàng ngày đủ dinh dưỡng, thường xuyên tính toán khẩu phần để điều chỉnh lượng calo theo ngày. Qua đó, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ xuống 14%, thể thấp còi xuống 24,3%. Con số báo cáo 14% số trẻ mầm non của huyện còn suy dinh dưỡng có thể tương đối nhưng cần ghi nhận chất lượng chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ đã được cải thiện đáng kể.
"Để người dân đưa trẻ đến trường không chỉ có việc lo cho trẻ ăn, trẻ ngủ, trẻ khỏe, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non mới, tăng cường tiếng Việt để trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp một" - cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc tâm sự.
Tại điểm trường trung tâm Tà Ghênh, xã Xà Hồ, cô giáo Trần Thị Kim Oanh cho biết: "Nhà trường đã chú trọng tăng cường sự giao tiếp của trẻ, tổ chức các hoạt động đáp ứng các nhu cầu, hứng thú hoạt động cho các cháu. Khi dự giờ kiểm tra cuối kỳ, chúng tôi ghi nhận hầu hết trẻ 5 tuổi ở đây đều nói thạo tiếng Việt và nhận biết các con số. Năm học này, Xà Hồ đã huy động 105/113 trẻ 5 tuổi ra lớp, đạt 93,75%, tất cả trẻ 5 tuổi đều học 2 buổi/ngày, hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và được tăng cường học tiếng Việt...".
Gánh nặng đường dài
Chúng tôi thưởng thức tiết mục múa khèn Mông của các em mẫu giáo 5 tuổi Trường Mầm non Sơn Ca ngay dưới tán đào trong khuôn viên trường. Các cô giáo ở đây cho biết, thực hiện Đề án của huyện, trường đã áp dụng nhiều phương pháp chuẩn bị tốt mọi điều kiện để các em vào lớp một. Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Phạm Mạnh Tưởng trao đổi: "Sau gần ba năm thực hiện Đề án, năm học 2012 - 2013 này, tỷ lệ trẻ 5 tuổi học mẫu giáo của huyện đã đạt 98%, có 9/12 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non". Nhìn vào những con số cũng phấn chấn nhưng cũng còn nhiều gian nan phía trước.
"Nguồn lực đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất có nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, nguồn xã hội hóa có nhưng chưa nhiều. Cả huyện hiện mới có 35 phòng học kiên cố, số còn lại chủ yếu là phòng học tạm, học nhờ" - anh Tưởng tâm sự. Có những thuận lợi nhưng thực hiện quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp ở vùng cao này đang rất khó khăn, nhất là giải quyết mặt bằng.
Có nơi, người dân tự nguyện hiến đất, đồng ý thu hồi lấy đất làm trường học nhưng cũng có nơi mất nhiều công sức vận động, bỏ hàng trăm triệu đồng đền bù dân mới chấp nhận, thậm chí có nơi người dân không nhận đền bù, kết cục là trẻ không có trường lớp để học, ngành giáo dục và xã cũng mất luôn nguồn lực từ bên ngoài, thiệt đơn thiệt kép. Có trường, có lớp lại phải lo nhà công vụ cho giáo viên, hiện giờ giáo viên mầm non cắm bản chủ yếu ở nhờ, khá hơn là có phòng cơi nới đầu chái nhà lớp học làm nơi ăn, ở.
100% trẻ em 5 tuổi thôn Păng Dê đã đến lớp, đến trường.
Cô giáo Hoàng Thị Hạnh, Lường Thị Thu ở điểm trường Păng Dê khoe: "Vừa rồi phụ huynh học sinh đã giúp chúng em căng tấm bạt nhựa làm trần phòng ở. Thế là cũng khá hơn ở nhiều điểm trường khác rồi!" - cô nói. Liên quan đến con người, trong số 38 cán bộ quản lý, 195 giao viên mầm non của huyện, mừng là 100% đã đạt chuẩn nhưng tỷ lệ giáo viên đứng lớp mầm non 5 tuổi còn thiếu, mới đạt 1,8 giáo viên/lớp.
Đời sống giáo viên được quan tâm hơn nhờ các chính sách, chế độ với giáo viên vùng cao, nhất là thực hiện Quyết định 60/2011/TTg nhưng sự bền vững về đội ngũ còn chịu nhiều tác động do chưa có chính sách đặc thù nên việc thu hút giáo viên lên vùng cao vẫn trầy trật, nhiều giáo viên trẻ chưa yên tâm, còn tư tưởng nghe ngóng, đã có giáo viên diện hợp đồng bỏ về công tác ở trường mầm non vùng thấp.
Để những kết quả đạt được thực sự bền vững, cần tăng thêm mức hỗ trợ ăn trưa cho học sinh mẫu giáo. Giá cả leo tháng đã khiến cho mức hỗ trợ theo Quyết định số 239/QĐ-TTg cho trẻ mầm non 5 tuổi trở nên lạc hậu. Lo cho trẻ ăn cũng quan trọng như việc học, là một cách kéo trẻ đến trường, giữ trẻ chuyên cần trên lớp. Giải quyết đồng bộ, chí ít cũng từng bước nhưng thật hiệu quả, kịp thời những "gánh nặng" trên là điều kiện căn bản, có tính bền vững để Trạm Tấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi như Đề án đã đề ra.
Nhóm P.V
Các tin khác
YBĐT - Ở xã Nà Hẩu hiện có tới 93 hộ dân được cấp “sổ đỏ” vào diện tích KBT. Nhiều hộ được cấp sổ đỏ từ năm 2001 đến nay không trồng rừng mà chỉ trồng lúa nương, ngô, sắn ngay trong “lõi rừng”, cứ mỗi năm lại phát trộm vào rừng tự nhiên KBT một vài mét.
YBĐT - Tham gia Học kỳ quân đội (SIA) sẽ giúp các em rèn kỹ năng sống, tính tự lập, biết yêu thương bạn bè, cảm thông và biết chia sẽ với gia đình, rèn luyện tính năng động, nâng cao khả năng tự nhận thức và cảm quan về cuộc sống, biết quan tâm, chia sẻ với những người khác và đặc biệt hơn khi tham gia chương trình này các em sẽ được sống và làm việc như một người lính thực thụ.
YBĐT - Thành phố nổi" - cụm từ này được những ngư dân sinh sống quanh khu vực hồ Thác Bà thường dùng để nói về khu vực tập trung của những chiếc vó đèn đánh bắt các loại cá. Với mức siêu lợi nhuận mà hình thức đánh bắt này đem lại, năm 2012, ngư dân vùng hồ Thác Bà đã ồ ạt đầu tư vào vó đèn...
YBĐT - Để người nông dân không quay lưng với cây chè, để cây chè thực sự là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu, để có thể duy trì vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, vấn đề mấu chốt là phải nâng cao hiệu quả kinh tế của cây chè, giúp người nông dân có thể sống, có thu nhập cao từ cây chè.